Từ Bá Thanh, Ba Dũng đến... Kim Chi và Hiến Pháp
Vũ Đông Hà (Danlambao) - Sau khi vở tuồng đấu đá Sang Trọng Dũng hạ màn với sự ra đời của đồng chí X thì chính/chiến trường của đảng yên ắng mùa đông được vài tuần. Khi con số 2013 hiện trên tờ lịch mới thì Ba Đình nóng lại với bàn cờ và con cờ mới: Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. Những tên trùm ăn cướp tiếp tục vừa nắm quyền, vừa bán nước, vừa kết án bỏ tù người yêu nước, vừa đánh đấm, đấu đá nhau trong sự nghiệp ăn cướp trường kỳ. Trong bối cảnh đó, bước sang 2013, hình như vẫn còn, vẫn có những con người bị cướp tiếp tục sống trong niềm hy vọng một cách tuyệt vọng rằng chúng đánh nhau thì chúng sẽ yếu. Bất chiến tự nhiên thành!?
Phe chống Dũng nêu lên những con số "tàn tệ" từ sự điều hành của Ba Dũng, bí danh mới X:1,33 triệu tỷ đồng, tức hơn 60 tỷ đô la tổng nợ của doanh nghiệp nhà nước. Nợ vì tiền đã vào túi của chúng. Và ai sẽ là người phải trả món nợ khổng lồ này nếu không là 90 triệu người dân?
Phe X phản pháo công bố việc bỏ túi ngân sách của Bá Thanh tổng cộng 3434 tỷ đồng tức 165 triệu đô. Ngân sách cũng là tiền của dân mà đảng nắm quyền cùng nhau chia chát, đã biết từ lâu nhưng bây giờ vì muốn bôi đen nhau nên giải mật để làm dập mật nhau.
Trong hiệp đấu đá mới này, cuối cùng qua việc bạch hóa những bê bối cho nhu cầu làm xấu mặt đồng chí nhau, vẫn hiện hình nạn nhân là những người dân Việt khốn cùng; và họ - những kẻ cai trị thì cướp vẫn hoàn cướp.
Chỉ có khác với những tên cướp đầu đường xó chợ, đây là những tên cướp đang nắm quyền Thủ tướng, đang là lãnh chúa Đà Nẵng nay trở thành trùm chống tham nhũng; và chung quanh là một bộ phận không nhỏ thoái hóa, tham ô, một bầy sâu nhung nhúc theo đúng lời của Trọng Lú đầu đảng và Tư Sang trùm nước. Chỉ có khác, đây không phải là những lời vu khống của "các thế lực thù địch" mà do chính họ vạch áo lẫn nhau.
Ở đảng này, bạn nào đó còn tin tưởng trong băng của họ có những "tên cướp đàng hoàng" sẽ dẹp những "tên cướp không đàng hoàng" và sau đó đảng này sẽ "thôi là" đảng cướp? Bạn còn tin rằng khi chúng đánh nhau chúng sẽ yếu và chính quyền sẽ tự nhiên rơi trở lại vào tay nhân dân?
Một năm vừa qua và sự ra đời của "đồng chí X" vào ngày bế mạc đại hội đảng cướp 2012 chưa đủ để dân ta ngưng làm khán giả, cổ vũ bên này hoặc bên kia, hy vọng phe này thắng, phe kia thua thì đất nước sẽ khá hơn? Chưa đủ để nhận ra rằng, thay vào đó, chúng ta phải chủ lực tìm mọi cách cùng nhau vượt qua sợ hãi, từng bước xây dựng được sức mạnh quần chúng để bứng đám cướp ngày lẫn cướp đêm này ra khỏi vị trí cai trị hay sao?
Và trong sự tình cờ hay không tình cờ, giữa màn đấu đá mới của các trùm cộng sản ở tầng cao này cũng xuất hiện lạ lùng một chuyện nhỏ mà không nhỏ, lớn mà không lớn:
- “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.”
- “Tôi có thể không tin cá nhân ông thủ tướng nhưng mà tôi tin cái chung, còn nhiều cái điều tốt đẹp.”
- “Tôi cũng nói thẳng, tôi là nghệ sỹ cộng sản chính hiệu, và cho tới bây giờ, trái tim tôi là tim của một người cộng sản mong cái đất nước này sẽ hòa nhập được với thế giới, tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và dân không khổ nữa.”
Những câu nói của Nghệ Sỹ Kim Chi đã làm nhiều người ca tụng, lẫn nghi ngờ, chê bai... Nhưng nó có nằm đâu trong bàn cờ thế sự của những người cộng sản ai cũng cho mình là chính hiệu này? Có gì khác / giống giữa bà Kim Chi và Bá Thanh, hai đồng chí cộng sản đang cùng nhau mần thịt đồng chí Ba Dũng bằng những góc cạnh, hình thức khác nhau?
Và ngày hôm nay, cùng lúc, giữa những màn đấu đá lẫn nhau không ngừng nghỉ, những kẻ cai trị lại đưa ra màn kịch đã được diễn tuồng nhiều lần: góp ý sửa đổi hiến pháp - một hiến pháp đã được tạo dựng, tùy nghi thay đổi, thao túng, khống chế bởi những người cộng sản chân chính trong suốt bao năm qua.
Đã bao lần dân ta mang thân phận "được" cho phép góp ý trong thể chế xin-cho này? Chưa đủ sao!
Đã bao lần kết quả cho thấy dân mình là nạn nhân của một trò lừa hay đúng hơn là diễn viên vô tình góp phần cho một màn kịch dân chủ giả hiệu của đảng cầm quyền, cầm tiền, cầm búa, cầm liềm, cầm chìa khóa nhà tù...? Chưa thấm sao!
Đã nhiều lần, và bây giờ nữa, nhiều người cho rằng dù sao góp ý cũng hơn là không nói gì để rồi sau mỗi một màn kịch như thế, đảng công bố văn bản theo ý đảng nhưng vẫn tuyên truyền với cả nước một "sự thật": có sự góp ý của mọi thành phần quần chúng.
Một chế độ độc tài khi đưa ra việc sửa đổi Hiến Pháp chỉ có một mục tiêu duy nhất: tìm cách củng cố khả năng cai trị và gia tăng vị trí độc tài cũng như khả năng trấn áp bằng văn bản cao nhất là Hiến Pháp. Kêu gọi góp ý có sự kiểm soát của đảng chỉ là trò dân chủ mị dân.
Vì thế, tại sao còn có thể hy vọng trong việc "góp ý" cho những kẻ mà chúng ta biết rõ ý thuận là ý đảng, ý nghịch là của thù địch. Sẽ được gì từ những người sẽ bằng mọi giá để nắm quyền sinh sát trong tay? Tin tưởng gì với những con người bất chấp dư luận của nhân dân 90 triệu người, lẫn cả thế giới? Mong mỏi gì ở những kẻ vừa ăn cướp vừa nghênh ngang giảng bài tự trọng, vừa bán nước vừa thuyết pháp đừng hỗ thẹn với tiền nhân?
Và chúng ta đang đứng ở đâu? Tiếp tay với những kẻ vẫn mang thẻ đảng, vẫn tự hào mình lànhững người cộng sản chân chính, vẫn nắm trong tay cái sổ hưu, đang tìm mọi cách gọi là "chỉnh đốn đảng" để đảng của họ tiếp tục là đảng lãnh đạo duy nhất và muôn năm theo điều 4 do chính họ đặt ra và áp đặt lên đầu cả một dân tộc?
Do đó, cần gì phải viết cả một bài dài dòng góp ý về Hiến Pháp. Cần gì phải lách qua lách lại để đòi hỏi những điều nhỏ bé và im lặng trước những điều không thể không thay đổi vì biết trước rằng... họ sẽ không chịu.
Kiến nghị, góp ý những gì mà đảng cầm quyền có thể "cho" và im lặng về những mà họ không "chịu cho" là một thái độ mà sau đó sẽ bị khai thác, lợi dụng tuyên truyền và bị xem là chấp nhận, đồng lòng với đảng cầm quyền về những điều mà ta im lặng.
Vận mạng của đất nước này khó mà thay đổi được bằng góp ý, kiến nghị, xin phép và mong rằng "họ sẽ chịu". Vận mạng của dân tộc này chỉ thay đổi bằng tranh đấu và tạo sức ép buộc những kẻ cầm quyền phải nhượng bộ hay tan hàng.
Do đó, nếu lên tiếng chỉ cần một câu: Chúng tôi, những công dân có tên sau đây không chấp nhận điều 4 trong hiến pháp. Và cùng nhau ký tên. Thái độ cần phải có của những công dân có trách nhiệm: đây không phải là một lời góp ý với ai cả mà là một khẳng định ý chí; đây là mục tiêu của tranh đấu chứ không phải mong mỏi của một sự xin cho.
Đã đến lúc cần ngừng những việc làm vô ích của góp ý, xin xỏ, thuyết phục, kiến nghị đối với tập đoàn thiểu số cai trị về nội dung của một văn bản mà đúng ra là của đại số nhân dân. Hãy bắt đầu chấm dứt tình trạng một tập thể 90 triệu người bị một thiểu số cộng sản đè đầu cưỡi cổ, hành xử theo sự xin-cho của họ. Có sự dứt khoát như thế thì mới còn có đầu óc và ý chí để tìm phương thức cùng nhau dẹp hẳn cái chế độ này.
Mọi cuộc cách mạng đều phải bắt đầu bằng một thái độ dứt khoát ngay cả vào những lúc mà ta cảm thấy tuyệt vọng và yếu đuối nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét