18 tháng 1, 2013


Bụng làm - dạ chịu

Trần Trường Sa (Danlambao) - Triều đại cộng sản đã tồn tại ở đất nước ta hơn nửa thế kỷ, cái “được” thì chắc chẳng cần nhắc lại, ai cũng biết! Cứ sa đà bàn về cái “được” chẳng ích gì cho hiện tại và tương lai con em chúng ta. Cái “được” chỉ mang tính tương đối. Còn nói đến cái “mất” thì quả là quá nhiều. Cái “mất” cũng mang tính tương đối. Tương đối ở đây là: ta lấy chuẩn so sánh với các nước trong khu vực cách đây hơn nửa thế kỷ có tầm vóc văn hóa, kinh tế, chính trị... như ta hoặc kém ta; có điều kiện, hoàn cảnh như ta hoặc khó khăn hơn ta: Hàn quốc, Thái lan, Mã lai, Indonexia, Philippin...

Quá rõ là ta đã lạc hậu ít nhất hơn nửa thế kỷ: Văn hóa suy thoái, kinh tế suy sụp, tài nguyên suy kiệt, đạo đức suy đồi... còn dân chúng thì suy vi, đất nước đang lâm vào thế suy vong!

Tại sao? 

Giải mã câu hỏi này không phải để quy tội cho bất cứ một ai, một chủ thuyết nào... mà để chẩn đoán căn bệnh của dân tộc một cách chính xác tận nguồn gốc, căn nguyên mới mong có phương thuốc hiệu nghiệm đưa dân tộc ra khỏi kiếp nạn này.

Tôi xin lấy ví dụ : vào thế kỷ 19, Đế quốc Anh đưa nha phiến vào Trung Hoa. Triều đình Mãn Thanh không ngăn cản được. Hậu quả là hàng chục triệu người Trung Hoa trở thành con nghiện, mất sức đề kháng, tạo điều kiện cho các cường quốc xâu xé Trung Hoa. 

Tội lổi tại ai? 

Tại cục nha phiến vô tri hay người làm ra nó? Tôi cho, không nên quy kết như thế. Bởi vì, không có nha phiến thì cũng có thứ khác (đôi khi còn gây nghiện ghê gớm hơn); không có người này làm ra thì người khác cũng làm ra (quy luật tiến hóa tạo ra phát minh không thể ngăn cản được).

Tại Đế quốc Anh ư? Không phải, vì nếu đế quốc Anh không mang vào thì Đế quốc Pháp, Tây Ban nha,... hay đôi khi chính triều đình Mản Thanh đưa vào cũng nên.

Thế thì tại ai? Theo tôi, thủ phạm chính là sự tương hợp giữa nha phiến và tâm tư người Trung Hoa thời bấy giờ. Sau bao nhiêu năm bị các thế lực phương bắc cai trị (hết Mông Cổ rồi đến Mãn Thanh), nổi đau mất tự chủ cứ đè nén trong tâm tư nhưng không có cách nào thoát ra được, đời sống ngày càng đói khổ, người Trung Hoa dễ chôn mình vào nha phiến để quên đi cái bế tắc mà lịch sử và xã hội tạo nên. Vậy, lý do người Trung Hoa chôn mình vào nha phiến vào thế kỷ thứ 19 chính là do nổi bế tắc của họ trong đời sống chính trị - xã hội. 

Trở lại tình hình Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 20, dân ta đang sống kiếp nô lệ thực dân Pháp, ai cũng mong giành độc lập, tự chủ. Thời ấy, mấy ai biết được nguyên nhân của nô lệ là do sự lạc hậu về tư tưởng, sùng bái phương bắc, coi thường văn minh phương Tây! Người ta cứ quy kết mọi tội lỗi là do thực dân Pháp. Thực tế, nếu Pháp không xâm chiếm nước ta thì cũng có thể là Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Hòa Lan mà thôi. 

Trong bối cảnh đó, phong trào Cần vương thể hiện lòng yêu nước nhưng không có chút gì canh tân, không phù hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại nhất định không thể thành công được. 

Phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng chủ trương học theo Nhật, có nghĩa là học nền văn minh tiến bộ của phương tây qua trung gian nước Nhật, là nước đi trước chúng ta trong canh tân để bù lại cho sai lầm của Gia Long, Minh Mạng...  đã không thực hiện việc học tập trực tiếp từ phương tây ngay đầu thế kỷ 19. Hơn thế nữa, cụ Phan Bội Châu còn muốn dựa vào sức mạnh của Nhật để đánh đuổi thực dân Pháp bằng bạo lực. Phong trào này có tiến bộ là có canh tân dân trí nhưng lại dựa vào một đế quốc để đánh đuổi một đế quốc khác! Thực dân Pháp dễ dàng có cớ để “bêu xấu” cụ cầu viện nước ngoài để vô hiệu hóa phong trào đấu tranh của cụ trước khi Nhật loại Pháp tại phương Đông trong thế chiến thứ hai. 

Phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh đề xướng nhằm giải phóng tận gốc cội nguồn của nô lệ, cụ chủ trương khai dân trí, chấn dân khí để giành lại độc lập, tự do cho từng con người, sau mới nói chuyện độc lập, tự chủ cho quốc gia, dân tộc. Cái này sẽ tự đến như một giải pháp chính trị khi dân trí đạt đến một mức độ nhất định, từng người dân có ý thức độc lập về bản thân, không khom lưng, quỳ gối để kiếm miếng cơm, manh áo. Con đường giành độc lập tuy xa, nhưng bền vững. Tiếc thay, cái lòng nôn nóng giành độc lập cho dân tộc không cho phép chờ sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí do cụ Phan khởi xướng. Hơn thế nữa, cái lòng hiếu học của dân tộc Việt (lúc này) lại không cao như cụ Phan tưởng. Đa phần người dân lại cần cơm ăn áo mặc hơn. Họ đâu biết rằng, có giành được độc lập mà dân trí không cao thì cơm cũng chẳng thể nhiều hơn khi bị bọn thực dân bóc lột!

Chủ nghĩa cộng sản tràn vào nước ta đúng lúc này thực là quá tương hợp với tâm tư đa số người dân Việt lúc bấy giờ. Không cần phải học, không cần có tư duy độc lập (vì đã chủ nghĩa Mac-Lenin dẩn đường) – tư tưởng ấy nay phát triển thành thói ù lì, phó thác mọi việc cho đảng, nhà nước nghĩ hộ, từng người dân trở nên vô cảm trước vận mệnh tồn vong của đất nước. Phần lớn người dân khoái “lấy của người giàu chia cho người nghèo” hơn là phải học để làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, quản lý xã hội một cách hiệu quả trên cơ sở tự do - bình đẳng. Họ đâu tính đến chuyện, sau khi ăn hết những thứ lấy được của tư sản, địa chủ thì lấy đâu ra tri thức để làm ra nhiều của cải vật chất mà chia nhau, lấy đâu ra phương thức quản lý tối ưu để ít có gian lận, ăn cắp trong sản xuất và ăn chia ! Bởi vì trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ rồi kia mà. Phong trào Việt Minh khéo léo dùng vỏ bọc quốc tế vô sản để che đậy việc dựa vào Trung cộng, Liên Xô để đánh đuổi thực dân Pháp, vì vậy hàng vạn trí thức, tư sản, địa chủ... dễ dàng bị lừa , họ nhiệt tình tham gia phong trào do nông dân, công nhân lảnh đạo. Để rồi chính họ là đối tượng bị tiêu diệt khi cách mạng thành công hoặc chỉ gần thành công. Bởi vì phong trào do giai cấp vô sản lãnh đạo thì phải có đấu tranh giai cấp, có chuyên chính vô sản. Hàng chục triệu nông dân, công nhân ngây thơ tin rằng: xã hội có thể tồn tại và phát triển mà không cần có sự hiện diện của trí thức (nhân tố quyết định cho sự phát triển xã hội); không cần có sự hiện diện của tư bản (lực lượng quản lý của cải xã hội tốt nhất).

Thật đáng buồn khi phải thừa nhận: sở dĩ chủ nghĩa cộng sản nhuộm đỏ đất nước ta hơn nửa thế kỷ là do dân ta vốn có tính thực dụng cao mà ngày nay càng phát triển, thể hiện ở rất nhiều lãnh vực trong xã hội; đâu đâu người ta cũng thích hành xử theo lối “mỳ ăn liền”; ít ai nghỉ đến chiến lược mang lại lợi ích lâu dài.

Giành lại “độc lập” cho quốc gia dân tộc nhưng từng người dân không có hoặc không được phép độc lập về tư duy thì cái “độc lập” kia là của ai chứ có phải của dân đâu! Cái vòng nô lệ vẫn cứ đeo bám người dân, chỉ có cái khác là thay đổi từ nô lệ thực dân thành nô lệ tư tưởng cộng sản mà thôi !

Hồ Chí Minh từng bảo: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”. (Thư gửi các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện, và làng tháng 10 năm 1945). Cái “hạnh phúc, tự do” mà Hồ Chí Minh nói tới ở đây là thứ “hạnh phúc, tự do” do đảng ban phát (nếu thích và có điều kiện) chứ chẳng phải do bản thân từng người phấn đấu đem lại cho mình. Khổ thay dân ta lại thích và hy vọng như thế. Niềm tin và hy vọng của dân ta nhanh chóng tan theo mây khói vì ai cầm quyền tuyệt đối mà chẳng bóp nghẹt tự do để dễ độc tài cai trị; còn cái hạnh phúc đơn giản nhất là cơm ăn, áo mặc thì chính quyền cộng sản làm sao có dồi dào để cấp phát cho dân chúng (dù có thương dân, muốn đem lại hạnh phúc cho nhân dân đi nữa).

Hồ Chí Minh chưa bao giờ đề cập đến việc giải phóng dân tộc đem lại độc lập cho từng con người. Chỉ khi từng con người có quyền độc lập về tư duy thì tự bản thân họ mới đem lại tự do và hạnh phúc cho chính họ (không cần chờ ai ban phát).

"CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc"

Cả dân tộc bị lừa bởi cái tiêu đề này. Ai độc lập? Ai tự do? Ai hạnh phúc?

Rõ ràng là chỉ có Nước CHXHCN Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc mà thôi! Từng người dân Việt Nam đừng hòng đòi những thứ này! Mà “CHXHCN Việt Nam” chỉ là một danh từ do chính quyền cộng sản đặt ra thì làm sao hưởng những thứ này được! Khi đó đảng, nhà nước cộng sản chìa mặt ra hứng sạch (vì Đảng cộng sản độc quyền lảnh đạo đất nước theo điều 4 Hiến pháp quy định). Đảng cộng sản muốn cho ai tí nào thì cho.

Ngày nay, để cứu nguy đất nước, không có cách gì khác hơn là đấu tranh giành lại độc lập cho từng con người. Tự mỗi người phải đấu tranh với bản thân, với gia đình, với cộng đồng; thoát ra ngoài mọi sự định hướng. Đây là một cuộc cách mạng đầy cam go, giành giật từng con người khỏi vòng nô lệ của “ma quỷ”, cam go gấp vạn lần mọi cuộc cách mạng giành chính quyền,

Đất nước ta đã trải qua hàng chục cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công, nhưng chưa một chính quyền nào đem lại tự do, hạnh phúc lâu bền (trên 50 năm) cho nhân dân cả. Bởi vì chưa có thế lực nào sau khi giành được chính quyền cho phép người dân được độc lập cả. Triều Lý, Trần thì sùng Phật; triều Lê, Nguyễn thì trọng Nho và tôn phục Trung nguyên, triều đại Cộng sản lúc đầu vô thần, vô sản đến lúc đói khổ kiệt quệ thì đâm ra mê tín, đề cao việc làm giàu một cách man rợ,… Dân phải suy nghĩ cái vua suy nghĩ, đảng suy nghĩ; làm cái vua bảo làm, đảng bảo làm. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tuy có giải phóng con người nhưng dưới chiêu bài chống cộng, bạo lực vẫn được áp dụng để trấn áp các tư tưởng đối lập, hy vọng về một sự tiến bộ mới le lói khi TT Nguyễn Văn Thiệu định bổ nhiệm GS Nguyễn Văn Bông làm thủ tướng, lập tức bị cộng sản Bắc Việt dập tắt bằng một vụ ám sát. Tự do, hạnh phúc mà thỉnh thoảng dân tộc ta có được chỉ là thứ tự do, hạnh phúc được ban phát bởi một minh quân, một ông quan nhân từ nào đó. 

Vậy, muốn có hạnh phúc lâu bền thì bất luận một thế lực nào giành được chính quyền, nhân dân cũng phải phân định cho được:

- Chính quyền đó cai trị nhân dân bằng pháp trị hay đức trị.
- Chính quyền đó bắt người dân tôn trọng lãnh tụ hay sùng bái cá nhân.
- Chính quyền đó điều khiển xã hội bằng tam quyền phân lập hay độc quyền nhất lập
- Chính quyền đó xây dựng nền kinh tế tự do cạnh tranh hay lũng đoạn thị trường.
- Chính quyền đó tôn trọng tư duy cá nhân hay định hướng tư tưởng.
………..

Nhân dân không am hiểu những điều này sẽ đễ dàng bị chính quyền đánh lừa bằng thứ dân chủ giả hiệu, mị dân. Hiểu được những điều này người dân sẽ nhận ra cải thứ dân chủ mà đảng cộng sản hay tuyên truyền chỉ là một món giả cầy nhạt nhẽo. 

Một nhà cách mạng vì nhân dân thực sự là một nhà cách mạng dám trao quyền lực cho nhân dân sau khi lãnh đạo cách mạng thành công. 

Phong trào cộng sản trên thế giới, luôn luôn hô hào là của dân, do dân và vì dân nhưng chẳng bao giờ có đảng cộng sản nào đạt đến ý thức thực sự vô tư vì nhân dân như thế cả. Các cuộc cách mạng do cộng sản lảnh đạo thực chất chỉ là những cuộc đấu tranh giành quyền lực còn khốc liệt hơn cả thời vua chúa. Thế nhưng cha anh ta đã lầm lỡ chọn sai đường, thôi thì “bụng làm dạ chịu” vậy! Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dân tộc Việt Nam đã trả giá quá nhiều cho sai lầm của mình. Sai lầm này là sai lầm của cả dân tộc chứ chẳng của riêng ai! Mặc dù cộng sản Việt Nam ngày nay không còn là cộng sản nữa. Nó chỉ còn lại những gì xấu xa, tệ hại nhất của cộng sản. Đó là một nền chuyên chính, nhưng chẳng phải chuyên chính vô sản, mà là chuyên chính tư bản lũng đoạn. Đó là một môi trường đấu tranh, nhưng không phải đấu tranh giai cấp, mà là đấu tranh giữa các thế lực bảo kê cho các nhóm lợi ích.

Đã đến lúc lịch sử phải sang trang. Muốn những bi kịch chính trị đớn đau không lập lại, muốn không để bất cứ thế lực chính trị nào lừa bịp, lợi dụng; ngay lúc này nhân dân phải học, phải tìm hiểu mọi tư tưởng để xây dựng một xã hội đa nguyên chan hòa tình dân tộc. Chúng ta phải làm ngay công việc mà cụ Phan Chu Trinh khuyên cha anh ta làm cách đây gần cả thế kỷ. Mỗi người dân phải tự xây dựng cho mình một lập trường tư tưởng độc lập. Khi ta chấp nhận làm theo ý kiến số đông là chấp nhận một điều gì đó trong sinh hoặt của cộng đồng chứ không phải chấp nhận giũ bỏ lập trường của ta (dù là thiểu số). Từng người có độc lập về tư duy thì mới có được tự do thực sự và tự đem lại hạnh phúc lâu bền cho chính mình. Những bi kịch tẩy não của cộng sản nhất định không được phép trở lại với dân tộc Việt đầy đau thương này nữa!

18/01/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét