18 tháng 1, 2013


Trung Quốc sẵn sàng chiến tranh?

2013-01-17
Tuần trước, chương trình Thế giới Trong Tuần kết luận rằng sẽ khó xảy ra chiến tranh ở Đông Á, Đông Nam Á.. Nhưng qua tuần này Trung Quốc có những động thái cứng rắn tỏ ra như đang chuẩn bị chiến tranh.
defensetalk.com photo
Hạm đội Nhật Bản thao dượt

Tín hiệu chiến tranh?

Đầu năm nay Trung Quốc tuyên bố chỉ áp dụng lệnh khám xét và ngăn cấm tàu lạ ở hải phận 12 hải lý quanh đảo Hải Nam, không phải là lãnh hải lưỡi bò mà họ áp đặt. Tình hình biển Đông nhờ đó được lắng dịu đôi chút, trong khi Trung Quốc quay sang phía Nhật, với nhiều hành động xâm phạm lãnh hải và không phận Senkaku/Điếu ngư  lại còn loan báo kế hoạch cho tàu thăm dò đến quanh Điếu Ngư, để vẽ bản đồ lại giống như đã làm ở biển Đông. Bắc Kinh có vẻ như muốn tập trung nỗ lực sang phía Đông để tránh phải hành động cùng lúc ở hai hướng khác nhau.    
chinese-j20
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 Mãnh Long của Trung Quốc-militaryreview.com photo
Nhưng hôm thứ bảy Trung Quốc tung ra bản đồ mới gom tất cả 130 đảo ở biển Đông vào đường Lưỡi Bò, rồi hôm thứ ba ra chỉ thị về kế hoạch huấn luyện, buộc quân đội “phải thao luyện chăm chỉ và nghiêm túc như khi chiến đấu thực sự” để “chuẩn bị tốt cho một cuộc chiến”. Những động thái này quả có khiến nhiều người phải suy nghĩ về sự khả dĩ xảy ra đối đầu quân sự căng thẳng hơn, thậm chí có thể có xung đột võ trang.

Hay hành động ắt có?

Tuy nhiên lại có ý kiến cho rằng thấy những việc làm mới đây của Trung Quốc chỉ chứng tỏ sự “nhất quán” trong chính sách bành trướng lãnh hải, đó là những việc “cần làm ngay” để theo đuổi và đề cao chính sách ấy, mà người ta khó trông chờ Bắc Kinh tỏ ra ngọt dịu hơn thế.
Đã đề ra một chính sách có tính cách chiến lược thì tất nhiên phải thực hiện bằng mọi cách. Giả sử một lúc nào đó Trung Quốc tỏ ra hòa dịu ngọt ngào, thì thế giới càng phải cảnh giác vì đó có thể chỉ là chiến thuật “lùi một để tiến hai”. Nay Bắc Kinh tỏ ra hung hãn cũng chỉ thể hiện quyết tâm của họ theo đuổi chính sách đã đề ra mà thôi,Trung Quốc hẳn nhiên chưa muốn gây chiến với Nhật Bản vào lúc còn cần thời gian và tài nguyên để phát triển kinh tế, và kinh tế là túi tiền yểm trợ cho công cuộc phát triển tột cùng về quân sự. Với những vấn đề nội bộ cần nhiều ngân quỹ để xoa dịu, giải quyết, Bắc Kinh chưa có đủ ngân khoản dành cho quốc phòng, dù rằng vẫn dành ưu tiên cho công cuộc hiện đại hóa quân đội. Vì thế gây chiến lúc này không thể tránh thất bại. Trung Quốc hùng hổ ở Hoa Đông phải chăng để "dương đông kích tây", nhử đàng đông để tiến thẳng xuống hướng Nam? Ngày nay khó lòng cho Trung Quốc tạo yếu tố bất ngờ như vậy.

Đem nước ngoài làm nhân tố đoàn kết

Nhìn lại tổng thể chiến lược của Trung Quốc, thì căn nguyên của những hành động bành trướng đã bắt nguồn từ khi Đặng Tiểu Bình cùng đảng Cộng sản hạ quyết tâm thực hiện tham vọng đại dương của Bắc Kinh. Một chính sách lớn lao như vậy phải được thực hiện qua nhiều giai đoạn và nhiều phương cách.
Lúc này, giữa bối cảnh nền kinh tế mất đà tăng trưởng, nhiều khó khăn nội bộ lâu dài bắt đầu hiển hiện, là lúc Trung Quốc cần tỏ ra mạnh bạo, cứng rắn, tỏ ra như sắp gây chiến.
Lý do vì sao?  Vì trong lịch sử thế giới, nhất là ở những nước phong kiến và độc tài giống như Trung Hoa, cứ khi nào nội trị có vấn đề khó khăn là giới cai trị lại tung ra một cuộc chiến tranh với bên ngoài. Đó chính là nguyên ủy của hành động gây hấn đang diễn ra ở Senkaku và biển Đông. Hiện nay người dân Trung Quốc đang đòi hỏi công bằng kinh tế và tăng phúc lợi, hiển hiện sự bất quân bình về mọi mặt giữa thành thị - thôn quê, giữa các vùng duyên hải với vùng sơn cước, thị t
haruna-250
Chiến hạm Haruna của Nhật- militaryinfo.com photo
rường tài chính tham ô nặng đầy nợ xấu, dân số lão hoá… rồi mâu thuẫn trong nội bộ đảng, thể hiện qua vụ bí thư Trùng Khánh Bạc Hy-Lai với bộ chính trị ở Bắc Kinh. Trung Quốc phải làm một việc nào đó để toàn quốc tự dẹp yên những mâu thuẫn, những đấu tranh, tập trung năng lực ủng hộ Nhà nước trong những hành động đối ngoại. Những vụ biểu tình chống Nhật là một phép thử của Bắc Kinh trong việc vận động người dân đoàn kết lại ủng hộ đảng và Nhà nước đẩy mạnh thêm nữa những hành động chống nước ngoài, thể theo chủ nghĩa Đại Hán từ muôn đời nay.

Chẳng phải tận bây giờ

Tuy nhiên chính sách bành trướng của Trung Quốc không phải là mới có đây, mà đã manh nha từ trước thời Đặng Tiểu Bình. Chẳng phải đến nay Bắc Kinh mới thực hiện tham vọng ấy, mà họ đã khai hỏa phát động nó từ trận Hoàng Sa 1974 rồi đến Trường Sa 1988. Phải chăng Trung Quốc không phải đợi tới khi có khó khăn nội bộ mới thi hành chính sách bá quyền nước lớn?
Trở lại xa hơn nữa, người ta thấy Đường Lưỡi bò được hình thành dựa trên cái gọi là "đường mười một đoạn" của chính phủ Trung hoa Dân quốc xuất hiện trong bản đồ chính thức do Bộ Nội chính của chính phủ này phát hành từ tháng 2 năm 1948.
Cộng sản Trung Hoa đoạt chính quyền năm 1949, đã kế tục chính sách biên giới của chính phủ Tưởng Giới Thạch. Đâu phải tới bây giờ Trung Quốc mới thực hiện tham vọng đại dương!

Cơ hội: Mỹ rút khỏi Việt Nam

Đáp lại ý kiến đó, nhìn lại lịch sử, người ta thấy triều đại nào của Trung Hoa cũng muốn xâm chiếm Việt Nam và bán đảo Đông Dương để mở rộng biên giới. Nhà Nguyên từng đem biên giới nước Tàu qua khỏi nước Nga sang tận châu Âu, nhưng vó ngựa viễn chinh của quân Nguyên Mông đành gãy gục, không thể chiến thắng trước các danh tướng và quân binh dũng sĩ đời nhà Trần.
Thêm vào đó, triều đại Trung Hoa Cộng Sản dù có tham vọng đến đâu thì, trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, cũng không thể nghĩ tới việc bành trướng lãnh hải bao trùm biển Đông và loang ra xa hơn nữa, chỉ vì lúc đó vẫn còn hạm đội 7 của Mỹ ở phía nam vĩ tuyến 17, từng hoạt động cả trong vịnh Bắc bộ.
Chỉ vào khi Việt Nam thống nhất dưới đảng Cộng Sản thì mới là lúc Bắc Kinh có cơ hội thực hiện tham vọng đại dương. Cơ hội đã manh nha từ sau lúc Ngoại trưởng Mỹ Kissinger cam kết với Thủ tướng Chu Ân Lai về việc buông bỏ miền Nam. Hạm đội 7 đã không màng với tay cứu nạn các chiến sĩ hải quân VNCH thất trận Hoàng Sa. Rồi người Mỹ cuốn gói khỏi Việt Nam, không lâu sau cũng rút khỏi căn cứ Clark và vịnh Subic ở Philippines.
Cơ hội đã thực sự đến tay Bắc Kinh từ lúc ấy để khuất phục Việt Nam; Lào và Cambodia đương nhiên phải quy phục, Thái Lan bị kẹp giữa Đông Dương với Miến Điện khi đó còn chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh (ngày nay đã thoát); Trung Quốc mở được con đường chiến lược ra thẳng Ấn Độ Dương thênh thang nhìn sang biển Á Rập, không phải chui qua khung cửa hẹp eo biển Malacca, thoát được một dãy “tường thành” những bản đảo nối nhau từ Thái Lan, Malaysia, Singapore, sang Indonesia, Philippines bao vây quanh biển Đông. Ngày nay cơ hội càng sáng tỏ khi nhân lực và kỹ thuật Trung Hoa càng ngày càng đầy tràn trên lãnh thổ Việt Nam.
Đây chính là lúc Bắc Kinh nỗ lực hành động để xâm chiếm dần biển Đông và đe dọa xấm chiếm biển Hoa Đông, một công hai chuyện, vừa thực hiện tham vọng bành trướng vừa hướng năng lực xung đột nội bộ ra phía bên ngoài. Nhưng liệu Trung Quốc có đạt được mục đích đó không?

Dũng sĩ Việt Nam và Thần Phong Nhật Bản

Người ta thấy Trung Quốc càng hung hãn thì Nhật càng tỏ quyết tâm bảo vệ lãnh hải, với sự ủng hộ vững chắc của Hoa Kỳ.
Trung Quốc hẳn nhiên sẽ gặp khó khăn một khi đối đầu quân sự với Nhật, có hạm đội 7 sẵn sàng đứng sau lưng. Nhưng Trung Quốc có liều gây chiến không, ở biển Đông hay biển Hoa Đông?
Việt Nam ngày xưa với binh tướng nhà Trần đã hai lần quật ngã vó ngựa tung hoành khắp châu Âu của quân Mông Cổ. Triều đại Nguyên Mông này cũng hai lần huy động chiến thuyền xâm lăng Nhật Bản vào năm 1274 và năm 1281 thì hai cơn bão Thần Phong đánh tan cả hạm đội ở nửa đường.
Lịch sử cho thấy triều đại mạnh nhất của Trung Hoa phải bó tay thất trận ở khi đối đầu cùng Việt Nam và Nhật Bản. Lịch sử có cơ tái diễn chăng?
Ngày nay vào lúc người Cộng Sản Việt Nam đã thống nhất đất nước để Mỹ ra đi cho Bắc Kinh có cơ hội bành trướng, liệu Việt Nam có làm được con sóng thần để ngăn hạm đội Trung Quốc chiếm hữu biển Đông và đóng dàn khoan hút hết tài nguyên nhiên liệu của mình hay không? Đó là một câu hỏi lớn mà thế giới đang quan sát hành động của Hà Nội để tìm câu trả lời.
Hôm nay, thứ tư, 16 tháng 1, là ngày Thủ tướng Shinzo Abe đến Việt Nam trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên từ khi ông trở thành Thủ tướng Nhật Bản, với mục đích thắt chặt quan hệ kinh tế và an ninh giữa Nhật với các nước trong khu vực. Hôm qua Mỹ và Nhật mở cuộc thao dượt 5 ngày phối hợp không quân hải quân. Hai ngày trước đó quân đội Nhật cũng tập trận ở gần thủ đô Tokyo, với mục đích lượng định khả năng phòng vệ vùng đảo Senkaku. Hôm thứ tư cũng có tin Nhật Bản có thể sẽ đặt hệ thống radar di động và hệ thống liên
kilo-class-sub
1 trong 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga bán cho Việt Nam- wareye.com photo
lạc ở gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.  Trước đó lại có tin Nhật Bản đang xem xét bố trí các chiến đấu cơ F-15 tại đảo Shimoji gần Senkaku.
Việc Thủ tướng Nhật đi Việt Nam,Thái Lan, Indonesia là dấu hiệu quan trọng vào lúc này, trong khi Việt Nam còn khá nhún nhường đối với Trung Quốc, ngoại trừ sự phản đối ngoại giao hôm thứ hai là hành động tối thiểu phải làm. Vấn đề an ninh khu vực nằm trong nghị trình thảo luận của Thủ tướng Shinzo Abe với những người tương nhiệm của ba quốc gia có vị trí địa dư bao vây Trung Quốc gần xa.
Và nếu ta nhớ rằng Trung Quốc nhiều lần phản đối việc hải quân Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia tập trận chung, Hoa Kỳ yểm trợ khí cụ quốc phòng và huấn luyện quân sự cho Philippines, Singapore, Indonesia, huấn luyện cả hải quân Việt Nam, thì có lẽ Trung Quốc không thể coi thường việc khả dĩ Nhật Ấn Độ và Úc xếp hàng chung với Việt Nam để chờ họ ở biển Đông, với điều kiện những người Cộng Sản Việt Nam cần giữ nước hơn giữ Đảng, cùng toàn dân một lòng chống xâm lăng.
Mong sao vào giờ phút tối hậu, Việt Nam sẽ hết "nhún nhường" để có phản ứng mạnh mẽ và thích đáng.
Mong sao giờ phút tối hậu ấy chỉ đến vào lúc hải quân và không quân Việt Nam có đủ tàu bè khí cụ để chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải, nhất quyết không nhường thêm đất biển cho quân bành trướng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét