19 tháng 1, 2013


Quần đảo Hoàng Sa– Trường Sa (Paracels) thế kỷ XVII-XIX qua nguồn tư liệu phương Tây-Kỳ 2
07:14, Chủ Nhật, 6/5/2012
Khoảng năm 1614-1615, một nhà hàng hải Bồ Đào Nha là Vincente Rodriguez đã ghi lại trong tập nhật ký hải trình của mình những điều quan sát về vùng Biển Đông và các hải đảo vào tập nhật ký này đã được lưu trữ tại thư viện quốc gia Lisbon, được Y.Manguin sao chép lại.
Trong nguyên bản tiếng Bồ Đào Nha, V. Rodriguez đã nói nhiều đến một vùng cao tảng – bãi đá ngầm (nguyên văn tiếng Bồ: Pracel, Paracel) được bắt đầu từ đảo Pullo Cescir do Mar (Cù Lao Thu), và càng lên phía Bắc thì càng được mở rộng ra, với nhiều bãi tảng đá ngầm nguy hiểm. Tác giả khuyên các nhà hàng hải rằng “vì lẽ đó, tốt hơn hết là cứ nên cho tàu đi dọc theo bờ biển Champa”. Quan niệm về một Hoàng Sa – Trường Sa như một bãi đá ngầm rộng mênh mông rất nguy hiểm cho tàu bè nằm trong nhận thức chung của các nhà hàng hải phương Tây thời đó.

Những tấm hải đồ của các tàu thuyền phương Tây cổ về Hoàng Sa – Trường Sa vào những năm 1630-1640 cũng vẫn theo truyền thống xưa kia, có điều khu vực chủ yếu của cao tảng đã được chuyển dịch lên phía Bắc. Điều đó có thể thấy trong các bản đồ của João Teixeira năm 1630 (trong đó có ghi rõ bằng chữ: I. de Parcel), bản đồ của Pedro Berthelot năm 1635 và hai bản đồ khác của João Teixeira năm 1640 và năm 1649. Bản đồ biển Đông (Indiae Orientalis Nova Descriptis) vẽ năm 1633. G.Sclalda dẫn ra trong “Australia wonveiles " (Amsterdam,1976). Hoàng Sa – Trường Sa thành một cụm với tên gọi Pracela.


Bản đồ Đông Nam Á khoảng năm 1746

Như chúng ta đã nhận xét bên trên, bước vào thế kỷ XVII, người Bồ Đào Nha không còn độc quyền buôn bán giao thương ở biển Đông như trước kia nữa, mà đã vấp phải sự cạnh tranh của nhiều quốc gia phương Tây khác, trước hết là người Hà Lan.

Năm 1633, phái bộ thương gia Hà Lan do Paulus Traudenius dẫn đầu dẫ đến vịnh Đà Nẵng. Và sau đó đến 1636, người Hà Lan đã được phép mở một thương điếm ở Faifo, dưới quyền điều hành của Abraham Duijcker. Ngày 6 tháng 3, hai tàu Hà Lan là Warmont và Grol đi từ Nhật Bản đã đến Đà Nẵng, được chính quyền Đàng Trong tiếp đãi niềm nở. Ở Hội An, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan cũng đã tiếp đón Duijcker, nói rằng ông ta đã được chờ đón từ lâu.

Trong chuyên luận “Les marchands européens en Cochinchine et au Tokin’ (1660-1795)”, (Revue Indochinoise, 1916), tác giả Ch.B.Maybon thuật lại (tr.8):“Duijker đã chuyển đến Chúa một điều khiếu nại. Đó là việc chiếc tàu mang tên Grootenbroeck đã bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thủy thủ đã được người Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nhưng đồng thời cũng lấy đi tổng số món tiền là 25.580 resaux, vậy nên trưởng điếm Duijcker có nhiệm vụ xin được bồi hoàn món tiền đó. Ông ta được trả lời rằng những việc đó đã xảy ra từ thời Chúa trước (tức chúa Sãi Nguyễn Đức Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ngược lại, người Hà Lan từ nay sẽ được hoàn toàn tự do mang hàng hóa đến buôn bán, được miễn thuế, vả lại, nếu sau có tàu Hà Lan mà bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hóa được cứu hộ nữa”.

Tác giả J.M. Buch, trong chuyên luận “La Campagine des Indes Néerlandaises” (BEFEO, 1936) tr.134-135, 139-140, dựa theo tập nhật ký Batavia của công ty Đông Ấn Hà Lan lúc bấy giờ cũng đã kể lại về vụ đắm tàu Grootenbroech ở quần đảo Hoàng Sa như sau:

“Ngày 20-7-1634 [vào thời chúa Sãi (1613-1635), 3 chiếc tàu buôn đăng ký tại Hà Lan là Vechuixzen, Schagen và Grootenbroech đã từ Batavia (Jakarta ngày nay) đến Touron (Đà Nẵng), cùng nhổ neo đi Taiwan. Ngày 21 trên đường biển tại tọa độ khoảng 15 vĩ độ Bắc và 115 độ kinh Đông thì gặp bão ngoài khơi nên lạc hướng. Riêng chiếc tàu Grootenbroech bị đắm gần tọa độ trên nơi có quần đảo Hoàng Sa. Tất cả hàng hóa và 9 thủy thủ mất tích. Số hàng hóa còn lại, sau đó được cất giấu tại đảo Hoàng Sa. Thuyền trưởng Huijch Jansen và thủy thủ đi thuyền nhỏ vào bờ biển xứ Đàng Trong, hy vọng gặp đất liền để mong sự giúp đỡ cho hơn 50 thủy thủ đang ở trên đảo. Thuyền trưởng mang theo một số bạc nhưng khi đến đất liền đã bị một quan chức hải quan ở Hội An mà người Hà Lan gọi là “Ongangming” [Ông già Minh? Người phương Tây lúc bấy giờ thường gọi các quan chức Việt Nam là Ongia…] tịch thu. 

Đoàn thủy thủ và thuyền trưởng ở lại Hội An một thời gian và sau đó họ được phép trở lại Hoàng Sa trên một chiếc tàu Nhật Bản tên là Kiko mà họ đã mua ở cảng để đi đón 50 thủy thủ, cùng số bạc còn giấu ở Hoàng Sa. Đến Hoàng Sa, thuyền trưởng, đoàn thủy thủ được 3 chiếc tàu Bommel, Goa, Zeeburg (đang núp bão tại duyên hải Đàng Trong) đến chở về Batavia. Tại đây thuyền trưởng Huijch Jansen trình bày tất cả các sự việc xảy ra tại Hoàng Sa cùng việc nhà cầm quyền xứ Đàng Trong tịch thu số tiền của họ”.

Về sự kiện tàu Hà Lan Grootenbroech bị đắm tại Hoàng Sa năm 1634, chúng ta còn một tư liệu gốc khác làm sáng tỏ vấn đề đó là tập nhật ký hành trình của chiếc tàu Grol do thuyền trưởng Karel Hartsinck điều khiển, năm 1637 đã từ thương điếm Hirado (Nhật Bản) đến Đàng Trong gặp gỡ tiếp xúc với vua Lê chúa Trịnh đề nghị lập các quan hệ buôn bán và xin phép mở một thương điếm (trước đó là Phố Hiến, sau rời lên Kẻ Chợ). Nhân dịp này trưởng thương điếm Duijcker ở Hội An đã gửi một mật thư cho K.Hartsinck như sau:

“… Các chúa ở xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài là họ hàng anh em với nhau. Người ta nên nhân dịp tàu Grol viếng thăm Đàng Ngoài mà bí mật tìm hiểu xem rằng chúa Đàng Ngoài liệu có thể và muốn giúp đỡ chúng ta lấy lại 23.580 (25.580?) resaux được không, số tiền này đã được cứu thoát trong vụ đắm tàu Grootenbroech (ở Hoàng Sa) và đã bị các quan chức ở Quinam (Quảng Nam) tịch thu một cách trái phép. Tuy nhiên công việc này phải làm một cách hết sức tế nhị và bí mật, không nên nói trực tiếp với nhà Vua (Chúa) hoặc ngày cả với một vị đại thần nào trong triều, vì tất cả những việc xảy ra trong triều đình Đàng Ngoài sẽ được bí mật báo cáo về cho triều đình Đàng Trong, và nếu Đàng Trong mà biết được những mưu toan của chúng ta thì tất cả các quan chức của công ty đang làm việc ở thương điếm Quinam sẽ phải gánh chịu những nguy hiểm lớn nhất, lúc bấy giờ cái xử sở độc ác  này sẽ không ngần ngại mà tiến hành một tấn bi kịch thực sự đối với chúng ta… Ngày 13-3-1637”.

Cũng trong nhật ký tàu Grol, Hartsinch đã cho chúng ta biết một số chi tiết chung quanh vụ đắm tàu này:

Nhật ký ghi: “Ngày 2-6-1637, chúng tôi đưa thuyền cập bến cùng với 4 người Hà Lan, Một quan chức kiểm soát tàu bè (Kapado) trẻ tuổi, thừa lệnh nhà Chúa được cử đến, hỏi han ngài Hartsinch”.

1. Nghe nói chúa Nguyễn định nhượng lại cho công ty Hà Lan đảo Cù Lao Chàm (Champello) đổi lấy 150 viên ngọc và 17.000 lạng bạc, việc ấy đã tiến hành chưa?

- Trả lời: Không, tất cả những chuyện đó đều là lời đơm đặt của người Bồ Đào Nha.

2. Có phải là Chúa Đàng Trong (Quinam) đã lấy một số bạc của công ty Hà Lan không?

- Trả lời: Đúng. Năm 1633, họ đã lấy đi những súng đại bác và tiền bạc của chiếc tàu Kemphaan bị đắm ở gần Cù Lao Chàm. Sau đó, họ lại lấy đi tất cả số bạc mà đoàn thủy thủ của chiếc tàu Grootenbroeck bị đắm ở quần đảo Paracels (Hoàng Sa) đã cứu hộ được và đem đến xứ Đàng Trong.

3. Vậy liệu công ty có còn đòi lại số bạc đó nữa không?

- Trả lời: Còn.

4. Vậy liệu công ty có cần đến sự giúp đỡ để gây chiến tranh với xứ Đàng Trong không?

- Trả lời: Đó là một công việc mà chỉ có ngài Toàn Quyền ở Java mới có thể quyết định.

5. Vậy liệu công ty có kiên quyết đòi nữa không, trong trường hợp Đàng Ngoài sẽ tìm cách khuất phục Đàng Trong?

- Trả lời: Có như thế.

Tập hợp và phân tích những nguồn tư liệu khác nhau nói trên xung quanh vụ đắm tàu Grootenbroeck ở Hoàng Sa năm 1634, gạt bỏ các chi tiết, chúng ta có thể rút ra mấy nhận xét:

- Quần đảo Paracels là cửa ngõ để các tàu thuyền phương Tây tiến vào vịnh Bắc Bộ và nằm trên tuyến hải dương quốc tê ở Biển Đông.

- Lúc này, tàu bè của nhiều nước phương Tây khác nhau đã qua lại vùng biển Đông để buôn bán (trên đường đi Trung Quốc và Nhật Bản). Họ đã thường xuyên đi qua khu biển Hoàng Sa, nhưng ở đây vẫn là nơi nguy hiểm nhất cho các tàu bè bởi các trận bão táp và các trận đắm tàu.

- Trong các vụ đắm tàu này, ta thấy có những đoàn người Việt xứ Đàng Trong đã ra quần đảo Hoàng Sa làm công tác cứu hộ, rồi đưa nạn nhân về vùng Quảng Nam. Điều đó nói lên lúc  này người Việt đã thường xuyên đi thuyền ra Hoàng Sa kiểm soát vùng biển và đảo. Đây có thể chính là hoạt động của các đội Hoàng Sa – Bắc Hải của các chúa Nguyễn đã được ghi lại trong tư liệu sử Việt Nam.

- Các thuyền trưởng người phương Tây của các tàu bị đắm đều đến xứ Đàng Trong gặp gỡ chúa Nguyễn để giao dịch, giải quyết. Chính quyền Đàng Trong cũng dành cho mình quyền xử lý các hàng hóa, tiền bạc trên các tàu bị đắm đó. Điều đó nói lên ở đây lúc này, các chúa Nguyễn đã mặc nhiên xác định chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và các tàu buôn phương Tây trên thực tế cũng đã thừa nhận quyền lực đó của các chúa Nguyễn trên quần đảo đó.

PGS.TS.Nguyễn Thừa Hỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét