19 tháng 1, 2013


Mãi mãi Hoàng Sa - Kỳ 2: Thiên nhiên ở đảo

Những người từng đến Hoàng Sa giờ tuổi đã cao, song vẫn còn lưu giữ nhiều ký ức đẹp, sống động về vùng biển đảo thân yêu.

Mãi mãi Hoàng Sa - Kỳ 2: Thiên nhiên ở đảo
Đào giếng tại Hoàng Sa năm 1938 - Ảnh: Tư liệu
Dồi dào sản vật
 
Trở lại Hoàng Sa...
Tháng 10.1973, ông Lê Lan (Quảng Nam) trở lại Hoàng Sa lần thứ 2. “Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là về (đầu năm 1974 - PV) thì Trung Quốc đưa tàu chiến, binh lính đến lấn chiếm đảo. Mặc dù chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu giữ đảo, vì đảo là chủ quyền của chúng ta, nhưng bọn chúng đông quá cùng tàu chiến nhiều nên cuối cùng chúng cũng chiếm được Hoàng Sa...” - ông Lê Lan kể trong uất nghẹn.
“Tôi cùng 32 người khác bị đưa về tạm giam ở đảo Hải Nam 3 tháng, khi đó có thêm 21 người bị hải quân Trung Quốc bắt ở đảo khác. Sau đó chúng đưa tôi về trại tù binh ở Quảng Châu (Trung Quốc) khoảng 1 tháng rồi giao cho Tổ chức Hồng thập tự Quốc tế của Anh trao trả cho chính quyền Sài Gòn" - ông Lê Lan kể lại trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa.
Câu chuyện của ông Ngô Tấn Phát, nhà ở Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) kể nhẹ nhàng, nhưng đau đáu nỗi niềm về Hoàng Sa: “Năm 1959, tôi được Nha Khí tượng điều ra Hoàng Sa công tác tại Ty Khí tượng Hoàng Sa. Lúc đặt chân lên đảo nhìn ra biển thì thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ của màu nước biển phân chia từng lớp trong xanh, đậm nhạt từ bãi cát cho đến tít tận khơi xa mịt mù”. Ngoài phiên trực, theo ông Phát, thời gian rảnh rỗi ông cùng các bạn đi dạo quanh đảo, thả bộ trên bãi cát vòng quanh đảo, rồi tắm biển, câu cá, bắt ốc. Sản vật ở Hoàng Sa lúc bấy giờ nhiều vô kể, có nhiều cá mú, mực, tôm, cá khế, cá mập, rùa biển…
Ông Trương Văn Quảng, ở Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) có thâm niên trên 10 lần ra Hoàng Sa, chủ yếu là tiếp liệu, vận chuyển nhu yếu phẩm cung cấp cho anh em giữ đảo và đo gió, mưa. Ông Quảng cho biết ông có đọc sách nên từ thời trẻ đã hiểu khá tường tận về chủ quyền Hoàng Sa: “Vào thời chúa Nguyễn Hoàng đến nay là trên 450 năm đã có văn kiện chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Khi vua Gia Long lên ngôi còn cho dựng miếu thờ người con gái đã mất ở Hoàng Sa. Thời Pháp, thuộc đảo lớn nhất ở Hoàng Sa có tên là Robert, sau đó người Việt Nam gọi là đảo cây Dừa, bởi vì trên đảo có nhiều cây dừa lớn”. Ông kể trên đảo có nhiều phân chim nằm sâu dưới lớp san hô và bọt biển. Ngoài ra còn có nhiều loại hải sản quý hiếm. “Khi đến Hoàng Sa, điều lý thú nhất là câu cá. Ở Hoàng Sa thời điểm đó ít ghe thuyền đến đánh bắt, nên có nhiều loại cá và dễ câu. Ở trên đảo ngoài câu cá còn bắt rùa biển, ốc tai tượng, nhất là rau câu biển, lấy hàng bao để làm đông sương ăn rất ngon. Khi hết nhiệm kỳ trở về đất liền, mỗi người mang một hoặc hai bao cá khô về làm quà biếu gia đình, bạn bè” - ông Quảng xúc động kể. 
Còn ông Trần Văn Sơn, sau gần 40 năm ra đảo làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền (đoàn ông ra đảo năm 1973) đến giờ ông vẫn còn nhớ như in những khu vực trên đảo như nhà khí tượng, miếu bà, nhà thờ Công giáo, giếng nước... “Cá ở Hoàng Sa nhiều đến nỗi trong một đêm, một người có thể câu đến cả tạ”. Ông Sơn còn cho biết thêm, mỗi khi thời tiết đẹp, đứng ở đảo lớn Hoàng Sa có thể nhìn thấy 7 cụm đảo nhỏ xung quanh. “Khi tôi ra đảo, nhiều anh em đi trước có kể họ từng sang các đảo nhỏ xung quanh để lấy trứng chim. Còn với chúng tôi, đảo trưởng cấm không cho đi vì thời tiết xấu bất thường và có nhiều vùng xoáy rất nguy hiểm”.
Ký ức đẹp đẽ
Kỷ niệm khó phai nhất đối với ông Trần Văn Sơn thời ở Hoàng Sa là vào một đêm trăng sáng, ông cùng vài anh em trong đoàn đi tìm trứng rùa biển. “Tôi nhớ có một con rùa biển rất to lên bờ cát đẻ trứng, hai người đứng trên lưng mà nó vẫn bò đi được. Khi nó bò đến mép nước thì chúng tôi mới nhảy xuống. Phải nói là chưa bao giờ tôi thấy một con rùa biển to như thế” - ông Sơn kể một cách hào hứng.
Trong các câu chuyện của những người từng ở Hoàng Sa kể lại, bao giờ chúng tôi cũng nghe về vẻ đẹp Hoàng Sa cũng như lời khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. “Tôi lúc đó tuổi đôi mươi, không vướng bận thê nhi, chút máu lãng tử trong người trỗi dậy. Hơn nữa nghe kể rằng ngày xưa triều Nguyễn lập đội Hoàng Sa, khi đưa tiễn họ ra đi, họ được xem như những anh hùng...” - ông Trần Hòa quê ở thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên (Quảng Nam) nói. Ông Trần Hòa ra đảo năm 1973, và với ông những dấu tích từ thời xa xưa, những mái nhà, những câu chuyện ở đảo dường như mới in vào trong tâm trí ông: “Biển đảo hiền hòa và hào phóng, cung cấp hải sản không thiếu một thứ gì. Nhưng cũng có lúc nổi cơn giận dữ, biển thét gào với những trận cuồng phong, những đợt sóng cao như trái núi lừ lừ tiến vào đảo trông thật kinh hoàng. Nhưng điều may mắn là Hoàng Sa chưa bao giờ ngập trong sóng biển”.
Hữu Trà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét