24 tháng 7, 2012

Việt - Phi phản đối 'thành phố Tam Sa'


Việt - Phi phản đối 'thành phố Tam Sa'

BBC - Việt Nam và Philippines cùng lên tiếng phản đối Trung Quốc trong khi chính quyền thành phố Tam Sa chính thức ra mắt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm thứ Ba 24/7 lên tiếng bình luận về các diễn biến như Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định thành lập bộ chỉ huy quân sự của thành phố Tam Sa, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I tại đây.

Ông Lương Thanh Nghị nói:

“Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị".

"Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa Asean và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp."

Người phát ngôn Việt Nam nói thêm:

"Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông".

Ông Lương Thanh Nghị nói Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Cùng ngày, Trung Quốc tổ chức ra mắt thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, trong một buổi lễ được truyền hình trực tiếp. Một hôm trước đó, dàn lãnh đạo mới đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Phù Tráng và Thị trưởng Tiêu Kiện, đã được bầu chọn trong cuộc họp đầu tiên của hội đồng nhân dân của thành phố Tam Sa.

Philippines cứng rắn

Trong khi đó, Philippines tỏ ra cứng rắn hơn khi triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở nước này để phản đối việc Trung Quốc đặt bộ chỉ huy quân sự trên quần đảo Hoàng Sa.

Điều đáng chú ý là Philippines không có tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo này.

Việt Nam nói đã gửi công hàm tới 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc
 
Manila cho hay Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Mã Khắc Thanh để phản đối trực tiếp, đồng thời cũng phản đối việc Trung Quốc điều đoàn tàu cá có hải quân hộ tống tới hoạt động ở quần đảo Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói kế hoạch quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trung tâm hành chính Tam Sa là "không thể chấp nhận được".

Ông Henandez cũng nói với các phóng viên:

"Chính phủ Philippines quan ngại nghiêm trọng và cực lực phản đối quyết định đặt bộ chỉ huy quân sự của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm".

Cơ quan tuần duyên của Philippines đã ghi nhận sự có mặt của đoàn tàu cá 29 chiếc, cộng thêm một tàu hàng và ba tàu hộ tống trong có một tàu hải quân gần Đá Chữ Thập rồi tới Đá Su Bi hồi cuối tuần qua, theo ông Hernandez.

Ông nói: "Sử dụng tàu chính phủ có vũ trang để hộ tống tàu cá để thực hiện các hoạt động không liên quan ngư nghiệp là vi phạm lãnh thổ của Philippines và vi phạm bổn phận của các quốc gia theo luật pháp quốc tế".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét