Gần 780 triệu người không có được nước uống an toàn và khoảng gấp 3 lần con số này có thể không có được những điều kiện vệ sinh khá vì các chính phủ không chi tiêu một cách khôn ngoan những nguồn lực hiếm hoi, theo một phúc trình chung của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Nước của Liên Hiệp Quốc cho biết. 

Giữa năm 1990 và 2010, cơ quan này tường trình là có hơn 2 tỉ người có được nước uống an toàn và 1,8 tỉ người được hưởng những điều kiện vệ sinh được cải thiện, trong khi hiện nay hàng tỉ người vẫn còn thiếu những dịch vụ căn bản như vậy.

Bà Maria Neira giám đốc về y tế công cộng và môi trường của WHO nói: 

“Mỗi năm có 2 triệu người chết vì bệnh tiêu chảy có vì thiếu nước an toàn và vệ sinh."

Bà Neira cho biết thêm là việc có được những dịch vụ này tùy thuộc vào các chính phủ đầu tư như thế nào và ở đâu để cung cấp những dịch vụ này. Và theo lời bà: 

“Hai triệu cái chết hàng năm đó có thể ngăn ngừa được.”

Dữ liệu thu thập từ 74 quốc gia đang phát triển, cho thấy nhiều nước thiếu triền miên những kỹ thuật viên, những lao động có kỹ năng và nhân viên để điều hành và gìn giữ vệ sinh và hạ tầng cơ sở nước uống.

Ông Bruce Gordon, tác giả chính của phúc trình nói: “Nếu tưởng tượng bạn đang ở trong một làng và lấy nước từ một máy bơm tay, bạn hãy tưởng tượng là máy bơm này bị hỏng và mọi người cảm thấy hài lòng là đã lắp đặt máy bơm tay này có thể nhiều tháng trước hay có thể một năm trước, nhưng đơn giản là máy bơm không hoạt động được nữa. Tại những khu vực thành thị, cũng có tình trạng như vậy - chỉ có 7% viện trợ dùng để gìn giữ những dịch vụ hiện hữu và 30% việc tài trợ trong nước do chính phủ thực hiện.”

Theo ông Gordon, có khả năng là những người tiếp cận với nước sạch để uống và phương tiện vệ sinh sẽ không còn được những dịch vụ này trong tương lai nữa.

Phúc trình cho biết tổng số tiền viện trợ phát triển về vệ sinh và nước uống tăng 3% - lên đến 7,8 tỉ đô la – từ năm 2008 đến 2010, nhưng chỉ có một nửa số tiền này được phân phối cho những vùng với 70% dân số thiếu những dịch vụ này cư ngụ: là tiểu vùng Sahara châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á.

Ông Gordon nói tiền do các chính phủ tặng cho các quốc gia đang phát triển không đủ. Nếu số tiền tặng được sử dụng vào những mục tiêu đúng đắn, việc thăng tiến các dịch vụ sẽ đem tới kết quả khác biệt rất to lớn.