Sau khi tiến hành phân tích các số liệu về hơn 2,4 triệu người hút thuốc lá và 44.000 ca bệnh động mạch vành trên thế giới, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota và Đại học John Hopkins của Hoa Kỳ mới đây cho biết phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn gấp 25% so với nam giới hút thuốc. 

Tỷ lệ này tăng thêm 2% trong mỗi năm sau đó. Điều này có nghĩa là phụ nữ hút thuốc càng lâu, thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Các tác giả, Tiến sĩ Rachel Huxley thuộc Đại học Minnesota và Tiến sĩ Mark Woodward thuộc Đại học John Hopkins, cho rằng các kết quả của cuộc nghiên cứu củng cố quan điểm về cơ sở sinh lý bệnh học liên quan đến sự khác biệt về giới tính. Phụ nữ có thể hút vào các độc tố và các thành phần gây ung thư nhiều hơn so với nam giới. Điều này cũng lý giải tại sao phụ nữ hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi nhiều gấp đôi so với nam giới.  

Tiến sĩ Elisa Tong, thuộc trường đại học UC Davis ở bang California, đã từng tiến hành các cuộc nghiên cứu và khảo sát về hành vi hút thuốc lá của người gốc châu Á ở Mỹ, trong đó có cả người Việt.

Tiến sĩ Tong cho biết theo kết quả một cuộc khảo sát về tình trạng hút thuốc lá của người Việt ở bang California, nơi có đông người Việt sinh sống nhất ở Mỹ, tỷ lệ phụ nữ Việt hút thuốc lá thấp hơn tỷ lệ hút thuốc lá của phụ nữ thuộc các nước châu Á khác - chỉ có khoảng hơn 1% phụ nữ Việt hút thuốc - trong khi đàn ông Việt lại là một trong những nhóm hút thuốc lá nhiều nhất so với những người đàn ông châu Á khác, chỉ đứng sau đàn ông Nam Triều Tiên. Tỷ lệ đàn ông Việt hút thuốc lá ở California vào khoảng 31%. 

Tuy tỷ lệ phụ nữ Việt hút thuốc lá là khá thấp, nhưng điều đó không có nghĩa là phụ nữ Việt ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch do ảnh hưởng của khói thuốc lá hơn so với phụ nữ Mỹ và phụ nữ châu Á khác. Tiến sĩ Tong giải thích:

“Tỷ lệ đàn ông Việt hút thuốc lá cao khiến cho tỷ lệ phụ nữ Việt có nguy cơ mắc bệnh từ việc hút thuốc lá bị động cũng cao. Hút thuốc lá bị động là một yếu tố quan trọng dẫn đến bệnh tim mạch.”

Cũng theo tiến sĩ Tong, mặc dù nhiều người đàn ông Việt cho rằng mình không hút thuốc lá với số lượng nhiều, và không phải ngày nào cũng hút, hay chỉ hút để xã giao, nhưng không có mức độ hút thuốc nào được coi là an toàn đối với bệnh tim mạch. 

“Nhiều khi những người hút thuốc lá và bác sĩ coi việc hút thuốc xã giao hay hút ít thuốc không phải là vấn đề nghiêm trọng, nhưng thực chất là nó có gây hại, đặc biệt là đối với bệnh tim. Bởi vì hút thuốc không chỉ làm tăng mức độ cholesteral xấu mà còn làm tăng khả năng đông máu, dễ hình thành cục máu đông và có thể gây nhồi máu cơ tim nhanh chóng hơn. Vì vậy, cho dù đàn ông hay phụ nữ Việt cho rằng họ không hút thuốc nhiều và không ngửi khói thuốc nhiều thì điều đó cũng không có nghĩa là họ không có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.”

Nếu như con số 31% đàn ông Việt hút thuốc lá ở bang California, Hoa Kỳ được cho là khá cao, thì tỷ lệ đàn ông ở Việt Nam hút thuốc lá còn cao hơn con số đó, lên tới gần 50%, theo như một công bố của Tổ chức Y tế Thế giới hồi tháng 5 năm nay. Việt Nam cũng được coi là một trong những nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Một trong các nguyên nhân khiến những người đàn ông Việt ở Mỹ có thể bỏ thuốc lá, theo Tiến sĩ Tong, là do ở Mỹ có nhiều qui định nghiêm ngặt hơn về việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng. 

Gần đây Việt Nam cũng đã thực hiện quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng nhưng cho tới nay con số người bị phạt vì vi phạm quy định này vẫn quá ít.

Một yếu tố nữa dẫn tới việc đàn ông Việt ở Mỹ bỏ thuốc là do nhiều gia đình cũng đã đặt ra các qui định để những thành viên trong gia đình không hút thuốc lá trong nhà.  

Một lời khuyên mà tiến sĩ Tong dành cho những người muốn cai thuốc là họ phải kiên trì:

“Tôi đã giúp nhiều bệnh nhân bỏ thuốc lá, và tính trung bình phải mất 8 lần bỏ thuốc thì họ mới có thể bỏ thuốc hoàn toàn. Trong những lần bỏ thuốc đầu tiên quí vị có thể chán nản vì không thành công, nhưng càng cố bỏ thuốc nhiều lần thì tỷ lệ thành công càng cao. Vì vậy tôi thường nói với bệnh nhân của tôi rằng nếu quí vị càng cho não thoát khỏi chất Nicotine càng nhiều lần thì khả năng bỏ thuốc của quí vị càng lớn.”

Theo các bác sĩ, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bệnh động mạch vành trên khắp thế giới. Đến năm 2030, bệnh động mạch vành sẽ là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 9,6 triệu người trên thế giới mỗi năm. 

Mặc dù nghiên cứu đăng trên tạp chí y học the Lancet không chỉ ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc phụ nữ hút thuốc có nguy cơ bị bệnh động mạch vành nhiều hơn nam giới, nhưng các số liệu thu thập được cho thấy đây là một lời cảnh tỉnh đối với những phụ nữ hút thuốc lá. 

Tiến sĩ Elisa Tong là tác giả của nhiều nghiên cứu và khảo sát về việc hút thuốc lá, trong đó có các nghiên cứu mang tên: Smoking Behaviors Among Immigrant Asian Americans: Rules for Smoke-Free Homes; Smoking Among California's Asian Americans; Smoke-Free Policies Among Asian-American Women: Comparisons by Education Status; Physicians Should Ask and Advise Nondaily Smokers to Quit.