16 tháng 12, 2011

Làm sao để cải cách tiền lương hiệu quả?


Làm sao để cải cách tiền lương hiệu quả?

2011-12-16
Trong nhiều năm liền, chính phủ tăng mức lương tối thiểu của công chức, nhưng vẫn còn rất xa với mức chi cho nhu cầu tối thiểu.

RFA PHOTO
Tiền đồng Việt Nam, ảnh chụp hôm 27-10-2011 tại Hà Nội.
 
Đề án Cải Cách Lương 2012 – 2020 dự định sẽ báo cáo chính phủ trình hội nghị 5 của đảng vào tháng 4/2012. Thông tín viên Định Nguyên tìm hiểu và trình bày sau đây.

Tăng lương 7 lần vẫn thấp

Dù có biện luận như thế nào, người ta cũng đồng ý với nhau là một nền hành chính công năng động, hiệu quả, minh bạch chính là tiền đề cho mọi hoạt động xã hội khác phát triển. Người làm việc trong nền hành chính công được gọi là công chức.
Nền hành chính công Việt Nam trải qua nhiều thập niên, với nhiều cải cách, nhưng vẫn chưa được như mong ước. Trì trệ, kém hiệu quả, thậm chí có lúc, có nơi trở thành lực cản của xã hội. Lý giải cho việc này người ta thường quy cho lương thấp. Từ đó lương được tăng liên tục. Từ năm 2003 đến 2011 đã tăng tất cả 7 lần.
Bộ máy nhà nước ngày càng phình to ra, bộ máy đảng nó cũng phình to như thế, rồi bộ máy các đoàn thể nó cũng phình to như thế. Tất cả đều ăn lương. Quỹ lương ở đâu?
GS Tương Lai
Tháng 5/2011 chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 750 ngàn/tháng lên 830 ngàn/tháng. Mức lương này vẫn chưa đủ sống và rất  xa với dự kiến được đưa ra nhiều năm trước đây là đến năm 2012 “lương công chức đủ sống và có tích lũy”. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2011 đã lên đến 18% thì lương công chức tuy đã tăng đến gần 1,5 lần vẫn chỉ theo kịp gần 60% so với đà trượt của vật giá
Đề án Cải Cách Lương sẽ trình ra hội nghị trung ương 5 của đảng vào tháng 4/2012. Theo những chuyên gia thì dự thảo đề án không có ý tưởng gì mới, chỉ là nối tiếp những việc đã làm trong nhiều năm qua trong lãnh vực lương. Và, một khi không nhận rõ gốc rễ vấn đề, “những yếu tố mới thì 10 năm nữa, chúng ta lại quay lại đúng câu chuyện đang nói ngày hôm nay” - cố vấn chính sách UNDP Việt Nam, ông Jairo Acuna-Alfaro, thẳng thắn nhận xét.
Về căn bản, lương không đủ sống nhưng bộ máy nhân sự nhà nước ngày càng phình to ra. Thừa người hưởng lương, thiếu người làm việc. Người ta không quan tâm đến lương “cứng”. Còn Lương “mềm” thì bao gồm những khoản phụ cấp, trợ cấp, bồi dưỡng, thưởng nằm chung trong rổ ngân sách, là chính. Chưa nói đến những khoản thu nhập phi chính thức khác mà trong dự thảo đề án đề cập như là “hội chứng tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công vụ (Bộ Nội Vụ). Hay nói cách khác, người ta cố vào con đường công chức vì “Bổng” chứ không phải vì “Lương”. Điều này nhìn thấy khá rõ qua cảnh sống của không ít “công chức” với đồng lương như vậy mà họ vẫn có nhà lầu xe hơi một cách sang trọng.
Thêm vào đó, đâu chỉ riêng bộ máy nhà nước hưởng lương từ ngân sách . Cách đây 16 năm, cựu Bộ trưởng Tài Chính Hồ Tế đã phát biểu trước quốc hội rằng: "Ta không tăng lương được vì phải nuôi ba bộ máy: Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể. Nếu ta chỉ tập trung nuôi bộ máy Chính phủ như các nước thì lương tôi cũng sẽ tăng 3 lần...”
GS Tương Lai chia xẻ cách nhìn nhận vấn đề này như sau:
Gao-Thai-Lan-1-250.jpg
Một quầy bán gạo tại Hà Nội hôm 11-10-2011. RFA PHOTO.
“Ý kiến của anh Hồ Tế vào thời điểm ấy như một quả bom nổ giữa chính trường. Đấy chính là nguyên nhân. Bộ máy nhà nước ngày càng phình to ra, bộ máy đảng nó cũng phình to như thế, rồi bộ máy các đoàn thể nó cũng phình to như thế. Tất cả đều ăn lương. Quỹ lương ở đâu? Là thuế của người dân đóng.
Cho nên muốn tăng lương thì phải tái cơ cấu lại nhiều thứ. Không phải chỉ tái cơ cấu kinh tế, mà có lẽ phải có chuyển đổi về mặt chính trị, về mặt thể chế, để làm thế nào cho phù hợp với sự phát triển nói chung. Một bộ máy ăn lương, dù đó là bộ máy của ai, của nhà nước, của đảng, của đoàn thể, mà nó phình to như thế thì không có ngân sách nào có thể đáp ứng. Cho nên không có cải cách về chính trị, không thể có chuyện đảm bảo lương.
Muốn tăng lương phải cơ cấu lại người ăn lương. Ai là người được ăn lương nhà nước thì chuyện này nó động tới rất nhiều về chuyện cải cách chính trị. Nếu vấn đề không được đặt lên bàn nghị sự thì chuyện tăng lương sẽ còn khó. Nhất là nó phải tuân theo năng suất lao động và được điều chỉnh trong cơ chế thị trường”.
GS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh Tế VN, cho biết thêm:
Chuyện tăng lương sẽ còn khó. Nhất là nó phải tuân theo năng suất lao động và được điều chỉnh trong cơ chế thị trường.
GS Tương Lai
“Xưa nay, chuyện ngân sách phải nuôi những lực lượng như vậy là vấn đề mang tính lịch sử, do vậy không phải một chốc một lát mà chúng ta thay đổi được. Nhưng đứng về mặt bước đi phải tính cho nó hợp lý. Thứ 2, với những tổ chức, đoàn thể, có lẽ tới đây cũng phải có quy hoạch lại, thu hẹp dần lại để nhà nước chỉ trả lương cho những người làm việc đúng theo công chức thôi. Còn những tổ chức khác làm theo chức năng của mình để có nguồn thu thực sự độc lập, chứ ngân sách nhà nước không thể gánh mãi như vậy. Phải có những bước đi, những lộ trình vì nó gắn liền với sự ổn định của xã hội, gắn liền tới cái mang tính cụ thể của Việt Nam.”

Lương tối thiểu vẫn bất cập

Quan điểm “Lương tối thiểu”, ngay từ đầu, đã tỏ ra bất cập. Giải pháp chính của quan điểm này là “gọt chân cho vừa giày”. Nhu cầu tối thiểu của con người có thể không thay đổi nếu hoàn cảnh không thay đổi, nhưng cái giá chi tiêu cho nhu cầu tối thiểu luôn biến đổi khi món hàng dùng cho nhu cầu tối thiểu bị biến động giá. Biểu đồ chỉ số tiêu dùng của VN tăng không ngừng. Công bố cho năm 2011 là 18%, nhưng thực tế còn cao hơn nhiều, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm. 
Một tình trạng thường xảy ra: khi chính phủ công bố nâng lương cho công chức, ngay sau đó khoản lương được nâng thêm này liền bị bốc hơi vì giá cả hàng loạt mặt hàng nhu yếu cũng tăng lên. Người làm công ăn lương trở lại với cuộc sống bấp bênh như trước.
Hang-hoa---sieu-thi-1-250.jpg
Dầu ăn bán tại Siêu thị Big-C tại Hà Nội hôm 14-08-2011. RFA PHOTO.
Thêm một yếu tố nữa được nhận diện: Không có sự công bằng trong hệ thống lương giữa các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Lương bình quân nhân viên ngành điện vào khoảng 7,3 triệu/tháng, đã làm cho ông Phạm Lê Thanh, Tổng GĐ EVN, cảm thấy rất “đau lòng”, nếu đem so với lương bình quân của nhân viên khối sự nghiệp thì không còn là chuyện đau lòng nữa, mà là “đứt ruột”. Do vậy Nguyên thứ trưởng Bộ Nội Vụ Thang Văn Phúc đã thẳng thắn cho rằng hiện tượng “một người đang làm chủ tịch doanh nghiệp, nhận được đề bạt lên thứ trưởng nhưng không muốn lên.”
Trong “Định hướng cải cách lương 2012 – 2020” của Bộ Nội Vụ, đưa ra một quan điểm mới được đưa vào dự thảo đề án cải cách tiền lương đó là tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ý tưởng này tuy không mới, nhưng đã chính thức thừa nhận thuộc tính của lương. Ý tưởng này đặt ra cho ngân sách bài toán nan giải. Không tinh giản được bộ máy nhà nước; không minh bạch được những khoản trợ, phụ cấp lớn hơn lương; không tối ưu hóa tầng nấc ngạch trật rối mù, cộng thêm lạm phát, kinh tế khó khăn, ngân sách nhà nước liệu có kham nổi?
Theo GS TS Trần Đình Thiên, ngân sách có thể kham nổi nếu lương trả theo việc chứ không trả theo người vì trên thế giới ở đâu người ta cũng làm như vậy. Ông nói:
Hệ thống lương không gắn với trách nhiệm, vì thế trả lương cho rất nhiều người mà tổng số việc không thay đổi. Cho nên căn cứ số người để cải cách lương thì không phải.
GS Trần Đình Thiên
“Hiện nay cách tiếp cận nó khó. Để cải cách lương ngân sách tỏ ra không kham nổi. Thực ra không kham nổi thì phải xem ngược lại. Chúng ta đi tìm một hệ thống lương không gắn với trách nhiệm, vì thế trả lương cho rất nhiều người mà tổng số việc không thay đổi. Cho nên căn cứ số người để cải cách lương thì không phải.
Cải cách lương đầu tiên phải gắn liền vào việc mà hệ thống nhà nước đảm nhiệm và trách nhiệm về việc mà cá nhân đảm trách để trả tiền. Như vậy là trả lương theo việc chứ không theo người.
Với cách làm như vậy thì bất cứ ngân sách nào cũng đủ tiền để trả. Việt Nam không phải là nước duy nhất làm việc này. Thế giới xưa nay người ta vẫn trả lương như vậy, phải nuôi đủ bộ máy của mình, thì không có lý do gì Việt Nam không làm được. Vấn đề nó mắc ở cái chỗ, cùng với việc ấy là phải sắp xếp lại bộ máy nhà nước, chuyển sang một nguyên tắc mới tức là trả lương theo việc chứ không phải số người làm việc.”
Dư luận mong mỏi rằng Đề án lương 2012-2020 sẽ tìm được phương cách giải quyết chuyện ăn no mặc ấm của công chức. Hy vọng sau năm 2020 công chức sẽ được ăn ngon mặc đẹp, chứ đừng quay lại vạch xuất phát hôm nay.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét