7 tháng 8, 2011

Cải cách Ruộng đất

Cải cách Ruộng đất

Tác giả/Nhân vật: Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng |17-03-2011| 642 lần xem | |
Trích “Những câu chuyện về một thời”, xuất bản năm 2009, tập 3.
Ở những nước tư bản, có những chủ nhân, những xí nghiệp, những nhà máy, có giới chủ với người thợ, thì cuộc đấu tranh giữa thợ thuyền và chủ nhân là nhằm đánh đổ giới chủ, để có một lớp người vô sản, để biến xã hội tư bản thành xã hội vô sản.


Ở những nước mà nguồn kinh tế chính là ruộng đất, thì nơi đó giới thống trị là người có nhiều ruộng đất, là những địa chủ, và giới vô sản là những bần cố nông không ruộng đất. Cuộc đấu tranh của vô sản ở đây là nông dân nghèo vùng lên đòi lấy ruộng đất từ các địa chủ, để giới vô sản sẽ làm chủ nhân ông. Đó là tư tưởng chỉ đạo việc Cải cách Ruộng đất. Cuộc Cải cách Ruộng đất ở các nước nông nghiệp là phương tiện chính để vô sản hoá xã hội.
Ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản nắm chính quyền vào năm 1949. Liền sau đó là cuộc Cải cách Ruộng đất long trời lở đất làm biến đổi hẳn bộ mặt Trung Quốc, một nước vô sản vĩ đại sau Liên Xô. Liên Xô là thành trì của thế giới, đối với VN là anh cả, mà anh hai là Trung Quốc.
1- Cho nên sau cuộc Cải cách Ruộng đất ở Trung Quốc, người Cộng sản Việt Nam cũng lăm le theo gót. Phải nói: Cộng sản Trung Quốc đến sau Cộng sản Việt Nam trong việc cướp chính quyền, song Cộng sản Việt Nam từ đây mọi cái nhất nhất phải theo Cộng sản Trung Quốc. Có nhiều lý do: Hầu hết các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam đều phát xuất từ Trung Quốc, hoặc chịu ảnh hưởng Trung Quốc hơn là Liên Xô. Một là vì Việt Nam ở sát Trung Quốc, việc giao lưu dễ dàng. Hai là tuy cách mạng Việt Nam giành được độc lập trước Trung Quốc, song nhờ Trung Quốc mà giữ vững được vị trí, đặc biệt là nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5-1954, trong đó Việt Nam nếu không nhờ Trung Quốc tất cả thì cũng là phần lớn.


2- Cộng sản Trung Quốc một khi nắm chính quyền là nắm toàn bộ, còn ở Việt Nam, nền độc lập chỉ có trên nguyên tắc, Cộng sản còn phải đánh nhau với Pháp nên chưa dám lộ diện hoàn toàn. Chỉ mới là Đảng Lao Động, nhà nước dân chủ cộng hoà.
3- Cuộc Cải cách Ruộng đất nó dữ dội quá, giết nhiều người quá, đã làm hoen ố bộ mặt Cộng sản vốn luôn tuyên bố vì nước vì dân, vì độc lập, với bao là chính nghĩa xuông, nên Cộng sản Việt Nam có làm Cải cách Ruộng đất cũng là một cách miễn cưỡng, chẳng đặng đừng, và một cách dè dặt, chứ không cực đoan, triệt để như Trung Quốc. Cho nên họ phải đưa ra ông Trường Chinh (Đặng Xuân Khu, người Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định). Tuy là Tổng bí thư Đảng, là lý thuyết gia của Đảng, nhưng ít người biết đến tên tuổi ông, đến mặt mũi ông. Ông được trao cho nhiệm vụ thừa hành kế hoạch Cải cách Ruộng đất, còn ông Hồ Chí Minh “giả cách đứng ngoài. Kế hoạch đó cũng đạt mục đích phần nào, vì sau này tai tiếng đều trút trên đầu ông Trường Chinh, mà “Bác Hồ” vốn “nhân từ” chỉ bị liên hệ chút ít. Nhưng làm sao mà che mắt được dư luận nhân dân. Ông Hồ là lãnh tụ tối cao, ông Trường Chinh chỉ là tay chân, làm sao công việc long trời lở đất đó lại qua mắt được lãnh tụ tối cao! Sau này mới có chính sách lãnh đạo tập thể, chứ lúc đó mọi cái chỉ do mấy ông chóp bu định đoạt. Dù cá nhân, dù tập thể, thì ai là lãnh tụ phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên mặt ông Trường Chinh không bao giờ được rửa sạch. Mặc dù sau này ông làm Chủ tịch Quốc hội, ông cũng không bao giờ vươn lên khuôn mặt kính mến trước nhân dân.
4- Do chính sách “chiếu cố miền Nam, Cộng sản Việt Nam ở miền Bắc chưa dám lộ ra bộ mặt quá cứng rắn, quá tàn ác đi tới mọi rợ.
Dù sao, cuộc Cải cách Ruộng đất đã được thực hiện. Sách “Biên niên sử Việt Nam” không đề cập gì đến Luật cải cách được ban bố ngày nào, thi hành ngày nào, mà chỉ nói “Tháng 7 năm 1956: Hoàn thành Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc. Ruộng đất đã về tay nông dân, 10 triệu nông dân lao động đã làm chủ ruộng đất, làm chủ nông thôn.
Nói “Hoàn thành Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc”, vì thực ra đã có cuộc cải cách ở miền Trung, trong các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, giữa lúc quân đội Pháp và Việt Minh đang gay gắt đánh nhau ở miền Bắc, năm 1951-1952. Không những giật lấy ruộng đất ở tay địa chủ, cuộc cải cách ở miền Trung còn dập tắt mọi mầm mống có thể nổi lên từ phía quốc gia, để khỏi đi với Pháp chống lại Việt Minh (Cộng sản). Ở miền Bắc nghe thấy nói tới Cải cách Ruộng đất ở Khu Tư là rợn người, đến khiếp sợ cả người Khu Tư nữa.
Nói “hoàn thành” là hoàn thành thế nào? Đó là 10 triệu nông dân nghèo không ruộng đất, nay có ruộng cầy. Cái kết quả đẹp đẽ quá! Nhưng để tới kết quả đó, đã phải có những phương tiện nào?
Người Cộng sản Việt Nam học được kinh nghiệm của các anh Liên Xô, Trung Quốc, nên công cuộc được tổ chức rất chu đáo cặn kẽ, từ lúc phát động đến hoàn thành. Tuy nhiên, người Việt Nam vốn có lòng từ tâm, nên những cách tàn bạo quá đỗi ở Liên Xô hay Trung Quốc, không được bắt chước đầy đủ.
Đầu hết là cái khẩu hiệu “Người cầy có ruộng” quá hợp tình hợp lý đi thôi. Cho được thế, phải lấy ruộng đất ở tay những người có nhiều quá mà san sẻ cho những người không có tí nào! Đó cũng là lẽ công bằng. Nhưng làm sao để vui lòng san sẻ ? Giáo Hội có luật công bằng, xã hội dựa trên bác ái. Cộng sản có phương châm đấu tranh dựa trên căm thù. Làm thế nào để khơi dậy căm thù, hay nói chung, để thành cán bộ cải cách, Đội cải cách?
Nhiều trường được xây dựng để đào tạo Đội cải cách. Tôi biết một trường như thế ở Phủ Lý. Tôi đã có dịp vào đó. Nghỉ ở đó trong một buổi họp nọ. Trường gồm độ vài chục căn nhà, mái tranh vách đất, có vẻ tạm thời, nằm ở phía đông nhà thờ Phủ Lý. Thị xã lúc này đã bị phá huỷ theo sách lược “tiêu thổ kháng chiến” hồi năm 1946-1947: không còn một ngôi nhà, chỉ trừ nhà thờ.
Người ta dạy gì trong trường? Tôi không rõ, tất cả là bí mật. Khi thấy công việc Đội cải cách làm, thì biết họ học gì, được huấn luyện thế nào! Học xong họ được phân đi các xã, các thôn, cũng hầu như bí mật. Người tỉnh này được phái đi các tỉnh khác để không ai biết họ, cũng như họ không biết ai trong địa phương, để hoàn toàn tránh những liên lạc, hoặc cư xử riêng tư hay nể nang gì đó.
Mỗi xã được phân phối dăm bẩy đội viên hoặc hơn kém tùy theo xã quan trọng thế nào. Đội về đâu ở đâu không ai biết. Họ sống theo chế độ “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Nghĩa là họ đến một nhà nào đó, thường là một bần cố nông. Người này ở một cái lều, đồng chí Đội cũng chui rúc vào lều đó; nhà đó ăn cháo, ăn cơm độn thì Đội cũng ăn cháo, ăn cơm độn như họ; bần cố nông đó đi cầy, đi cuốc thuê, thì Đội cũng cùng làm y hệt. Người Đội cải cách bắt rễ ở nhà nào, thì sống trong những điều kiện của nhà đó, không có chi khác biệt. Bởi đó người ta cũng không để ý tới, đã mấy ai nghe nói đến Cải cách, đến Đội cải cách mà theo dõi! Còn người được Đội đến nhà, có thể lấy đó làm vinh dự, đàng khác Đội lại khéo léo, chấp nhận ăn chung, sống chung với nhau như thế, khách chủ cùng cánh, dễ thông cảm và thân mật.
Do cách sống gần gũi thân mật với nhau, nhìn nhau mỗi ngày 24/24 tiếng, người Đội khéo léo tỉ tê, khai thác được mọi chuyện của người bà con nông dân chất phác và dốt nát đó: Bác nông dân đó kể lể về cảnh sống khổ sở của mình làm sao? Lam lũ làm thân trâu ngựa thế nào? Bị hành hạ làm sao? Bị áp bức và bị bóc lột đến thế nào? Các anh địa chủ, các tên cường hào kia ăn ở làm sao? Bóc lột áp bức thế nào? Thế là lửa căm thù được nhóm lên giữa những giai cấp khác nhau, để một ngày kia sẽ bùng lên.
Sau khi mối hận thù giữa các giai cấp chín muồi, thì phong trào Cải cách được phát động rầm rộ. Quả nhiên, những ngày hội của nông dân bắt đầu. Từng đoàn thiếu nhi đeo trống ếch đi khắp ngõ ngách xóm làng, tiếng tùng tùng tùng tùng bắt nhịp với những tiếng hô đả đảo, đả đảo địa chủ… đả đảo cường hào… tiêu diệt ác ôn! Một tên xướng lên, cả đoàn lập lại hai lần. Bầu sát khí nổi lên bừng bừng. Bừng bừng một cách giả tạo, miễn cưỡng, chứ từ xưa tới nay dân làng vẫn sống cảnh thanh bình đầm ấm; nhất là vào ngày tết, ngày lễ, ngày hội, anh em bà con có đi làm ăn xa đến đâu, cũng nhớ đến nơi chôn rau cắt rốn trở về đoàn tụ gia đình. Cái luỹ tre xanh bao quanh làng biểu tượng một đời sống tĩnh mịch, êm ấm.
Tuy trong thời gian chiến tranh, bom đạn có khuấy động đời sống dân làng. Nhưng đã qua đi cái thời chiến tranh loạn lạc… Nay khắp nơi ngày đêm ra rả những tiếng ca ngợi hoà bình: hoà bình trong nước, hoà bình trên thế giới. Xem ra chủ nghĩa xã hội độc quyền cả hoà bình, còn chiến tranh là của tư bản. Các hạng người vong bản, họ nhập cảng một chủ nghĩa ngoại lai ở đâu ấy, hô hào xây dựng nên cảnh bồng lai…. Vậy mà ngược với cảnh hoà bình êm đềm, họ đưa xóm làng vào một cuộc cách mạng long trời lở đất, Việt Nam chưa hề thấy bao giờ!
Chiều chiều sau việc đồng áng, khi bà con về cầu ao rửa chân tay, cầy cuốc, chuẩn bị cơm tối, tiếng trống ếch đã rộn rã trên các đường ngõ trong làng, tiếng hô loa nổi lên mời bà con đi họp, họ chờ đầy đủ không thiếu một ai. Đi họp đầy đủ, chứ ai mà dám ở nhà. Có thể đầu làng một đám lửa bốc lên ở một đống rơm, một chuồng lợn. Người ta cố ý đốt và đổ cho bọn địch không chịu đi họp đã gây nên. Chỗ khác, những viên đá, viên gạch ném ra đường ngăn cản đội hoặc bà con đi họp, là do bọn địch không chịu đi họp gây nên!?!
Vào phòng họp, đội dõng dạc tuyên bố: “Bà con nông dân đề cao cảnh giác, vì địch nó ngồi ở đằng sau ta…”. Người ngồi sau run sợ! Một lúc nữa, đội lại nói: “Bà con cảnh giác, địch nó ngồi ngay trước mặt ta”. Ngồi trước ngồi sau đều là địch cả. Không còn biết chọn chỗ nào nên ngồi! Sợ sệt và sợ sệt…!
Ai nấy ngồi yên chỗ, bắt đầu cuộc “đấu tố”. Tố cáo tội ác giai cấp bóc lột, đấu tranh đánh đổ giai cấp bóc lột đó. Mọi người bắt đầu cuộc kể khổ, để tố cáo tội ác của bọn địa chủ cường hào ác bá. Những tội ác được bịa đặt ra nhiều hơn và nặng nề hơn sự thật.
Tôi vay hắn ta mấy bát gạo, hắn ta bắt tôi viết văn tự thế bằng một sào ruộng. Tôi không có gì trả, thế là hắn ăn không sào ruộng của tôi. Và cứ mấy lần vay như vậy, rồi không có gì trả, thế là chẳng còn một mẩu đất để cắm dùi…”; “Tôi cấy tô cho nó, chẳng may trời để mất mùa, vì bão lụt, nó cứ thu tô như chẳng có tai hoạ gì xẩy ra. Chẳng có gì mà nộp, nó cho người đến tháo bộ cửa, dỡ mấy gian nhà tôi….”; “Tôi nghèo khổ, đi làm thuê cho nhà nó, ăn đói, ăn khát, nó còn đánh đập, tiền công không trả, nhà nó tìm cách đuổi tôi đi để quỵt công….
Và nhiều thứ tội khác, chung quy là tội tàn bạo, bóc lột, đổ trên những người bị quy là địa chủ, hay ác ôn, cường hào. Có thể là tội cá biệt nhưng nay là tội chung. Ai là đối tượng thì được khoác cho những tội đó. Người nông dân thật thà chất phác, mấy ai nghĩ ra được cách tố cáo. Tất cả đã được dạy bảo, được đội “mớm” cho trước.

Thế rồi đấu! Đấu tranh với địa chủ, thì phải có khí thế, chưa quen thì phải tập. Chưa có ai xuất hiện để mà đấu, thì có thể dùng cái cột nhà thay thế. Bà con và nhất là các phụ nữ giơ tay xỉa xói vào cái cột nhà mà rằng: “Mày đã cướp của tao, mày đã đốt nhà tao, mày đã đánh đập tao thật tàn bạo. Tao khó nhọc làm giầu cho mày, mà mày cho tao ăn đói ăn khát…. Tất cả phải được nhuần nhuyễn, từ cử chỉ đến lời nói, để khi gặp “người thật” thì không ngượng ngùng ái ngại.
Đến nỗi có một phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha già chị săn sóc hằng ngày, vậy mà chị phải nói với bố: “Ông có biết tôi là ai không?” Người cha ngậm ngùi ngước nhìn đứa con dứt ruột của mình và nói: “Thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ”. Lời thưa não nùng thảm thương, nhưng phải hỏi cái sức ma quỉ nào đã thúc đẩy người con chất vấn người bố như thế? Cứ đó mà luận ra những kẻ khởi xướng!

Một bầu khí sợ hãi lan tràn khắp nơi. Không hiểu tự đâu, Đội cải cách có cái tài làm cho mọi người sợ thế. Tôi cho là có ma quỉ đứng đằng sau để giật dây. Không ai dám đến nhà ai, không ai dám gặp nhau, nói chuyện với nhau. Gặp gỡ hay chuyện trò có thể một lúc nào đó bị coi là âm mưu tìm cách phá hoại Cải cách. Tội gì, chứ bị cáo là phá hoại thì chỉ có mà chết! “Nhất Đội, nhì Trời” cơ mà! Để tăng thêm nỗi sợ hãi, chỗ này hay chỗ kia một đống rơm, một chuồng lợn được đốt lên, và phao tin kẻ địch phá hoại, không chịu đi họp đã gây ra. Như thế, ai còn dám ở nhà nữa? Chỗ khác tung tin: bọn phá hoại nấp trong nhà, chờ Đội đi qua là ném gạch, ném đá. Ai nấy đi họp cho nhanh, kẻo ở nhà dễ “bị phát hiện” là kẻ địch.
Vào buồng họp, Đội nghiêm nghị tuyên bố: “Kẻ địch nó ngồi ngay trước mắt ta”. Những người ngồi trước giật mình! Lúc sau đội lại nói: “Kẻ địch nó ngồi đàng sau chúng ta”. Người ngồi sau thất đảm! Ngồi đâu cũng sợ hãi, không yên. Thế rồi ai cũng phải phát biểu, không có truyện thì bịa truyện, nói dối, vu cáo. Ăn không nói có… là đường lối chính sách. Đội dùng những phương pháp khủng bố tinh thần từ Liên Xô, nhất là từ Trung Quốc. Văn hoá, não trạng của Tàu với ta khá đồng dạng, nên ta học rất nhiều của Tàu, được coi như bậc thày.
Tôi còn nhớ, trong một buổi họp ở bên Tàu, một người tố cáo người kia, được gán cho là địa chủ, như thế này: “Nó đổ cho tôi ăn trộm cái trứng gà của nhà nó. Nó lý luận: cái trứng đó đem ấp, nở ra một con gà, con gà đó lại đẻ ra hàng chục trứng. Từ hàng chục trứng này, lại nở ra một đàn gà. Đàn gà tăng lên, ít lâu thành trăm con, bán đi làm gì mà không mua được đôi lợn, rồi lợn tăng cân, bán đi làm gì lại không tậu được đôi bò, rồi cứ thế dùng tiền bán đi mà xây nhà, tậu ruộng. Ấy tội ăn cắp nó đổ cho tôi, gây thiệt hại to lớn đến thế. Ông bà nông dân nghĩ thế nào? Toàn thể hội nghị đã được học tập đồng thanh hô: “Tịch thu tài sản của nó, còn nó có đáng chết hay không, là phán quyết của Toà án nhân dân”.
Cũng một chuyện khác xảy ra bên Trung Quốc thời Cải cách mà Việt Nam bắt chước. Ở một thành phố trước kia có nhà “tiểu nhi”, tức trại mồ côi do các bà phước đảm trách, các trẻ đưa đến nhà tiểu nhi thường là các hài nhi hoặc là trẻ em bị bỏ rơi. Các bà nhặt được hoặc có ai đưa tới các bà đón nhận, rửa tội cho chúng. Thường là không nuôi được, các bà lo chôn cất hài nhi đó. Có rất nhiều.
Đội cải cách bắt các bà khai quật các mồ, hài cốt chất đầy từng thúng, cho lên xe ô-tô, các bà đi theo sau để họ bêu riếu tội ác họ gán cho các bà. Các bà đứng trên xe, với những hài cốt, xe đi qua các phố, tiếng loa quát: “Đây là những kẻ giết người, chúng đã giết từng ngàn từng vạn hài nhi”. Dĩ nhiên là các bà đứng yên đó không lời thanh minh, chỉ có những kẻ hai bên đường phố lên tiếng phỉ báng: “Bọn giết người!
Toà án Nhân dân và những án tử hình
Đội huấn luyện, chỉ bảo, thúc đẩy nhân dân. Đội bảo án tội thế nào, nhân dân cứ thế mà nói, thường là do quá sợ hãi! Có làm theo chỉ là “bị” phát động, do quá sợ hãi. Mọi việc đều do “nhân dân” hình thức thi hành. Đặc biệt có Toà án nhân dân, hằng ngày nhóm họp để xét xử hoặc lên án những “tội phạm đã bị đấu tố.

Toà án nhân dân thành phần là các bần cố nông, một chữ không biết mà đứng làm quan toà, làm thẩm phán. Tôi biết một bà thẩm phán ở xứ Phú Ốc, khi tôi lên làm lễ thường ra chào bà. Nhà bà ở gần đường vào nhà thờ, toà án có khi họp phiên ngay nhà bà, chật chội phải chen chúc. Bà trạc gần 70, có cô con gái tiến bộ, lấy ông chủ tịch thôn ngoại giáo. Bà thật hiền lành, đạo đức, chữ nghĩa không biết, không biết ăn nói nữa. Tôi gặp bà, bà lễ phép chào tôi và chỉ cười. Đúng là bà lão nhà quê, thế mà nắm quyền sinh sát trong tay. Cũng may là làng Phú Ốc chỉ có ba bốn người Công giáo bị quy lên địa chủ: Ông lang Thản, ông Chuân ngày xưa đi lính cho Pháp, ông Cố Nhụ (có hai linh mục Trinh và Thiện đi Nam), ông Kiều công nhân nhà máy dệt…
Có người làm việc cho nhà nước, cha mẹ anh em cũng vẫn bị quy tội như thường. Ông Chuân có con làm cán bộ, em làm hiệu trưởng trường lục quân; những người này hình như sợ liên quan, không dám thăm hỏi, xưng anh chị em gì cả. Phần đám trẻ, gặp ông ở đường làng, chạy đến giật râu ông và bảo: “Chào ông bà nông dân đi”. Ông Chuân phải khoanh tay chào lũ trẻ: “Con chào ông bà nông dân ạ”. Các địa chủ khi gặp bất cứ người già hay trẻ, phải xưng hô là “con”, và thưa chào “ông hay bà nông dân”.
Như vậy là uy thế của địa chủ đã bị hạ trong hội nghị, trong quần chúng. Cả từ “địa chủ” cũng do tuyên truyền mà trở nên cái gì ác quái, ghê gớm, xấu xa trong đầu óc quần chúng. Phải công nhận cái tài nhồi sọ của Cộng sản!
Cùng bị hại với những người bị quy là địa chủ, còn có những người phải mang danh từ tội ác nặng nề hơn, đó là “bọn ác ôn, bọn cường hào ác bá. Những người này là ai? Thường là những người làm việc dưới các chế độ khác như thời Pháp cai trị, hoặc thời quốc gia. Họ làm quan, làm viên chức, như Chánh phó tổng, Chánh phó hương hội, Lý trưởng, Thơ ký, Thủ quỹ của hương hội. Thậm chí cả những người nào có uy tín trong quần chúng, những người nào có vẻ đạo mạo….

Quy thành địa chủ, thì phải theo tiêu chuẩn nào đó, như người đó có một số mẫu ruộng, hoặc nhà ngói gốc mít, ao cả ruộng liền, rồi thuê người làm hơn là làm lấy, có thế mới dễ dàng quy vào hạng bóc lột. Như vậy, việc quy lên địa chủ ở nông thôn Việt Nam bị giới hạn nhiều, vì ít làng có nhiều người ruộng liền ao cả. Ở Việt Nam, người có vài ba mẫu ruộng cũng bị coi là địa chủ; trong khi ở các nước khác, địa chủ là người có hàng trăm, nghìn mẫu ruộng.
Nhưng những người có uy tín, có thế lực, thậm chí được kính nể, thì tương đối nhiều hơn là con số địa chủ. Ngoài ra, ở xã hội ta, một xã hội có thể coi là phong kiến, những người làm việc hương lý có những hành vi tàn bạo, bất công, ức hiếp, hà lạm… con số không phải là nhỏ. Vả lại dân ta hiền lành, nên đôi nơi có người chẳng giữ chức vụ gì, nhưng vẫn có thể xưng hùng xưng bá, bắt nạt người khác với những hành vi tàn bạo, đốt nhà cướp của, cả làng khiếp sợ, không ai dám nho nhoe. Tất cả những người có uy tín, hương chức có hành vi tàn ác, hoặc những kẻ chỉ làm việc cho chế độ cũ (viên chức, lính tráng) như thế đều bị quy là cường hào ác bá, ác ôn, và những nhân vật loại này còn nặng tội hơn là địa chủ, và đáng bị tiêu diệt hơn.
Thế còn những viên chức trong đạo thì sao? Cải cách Ruộng đất làm ra vẻ rất tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhà thờ nhà xứ được bảo đảm. Nhưng ngoài ra đều phải theo luật CCRĐ. Chẳng hạn nhà xứ nào có nhiều ruộng đất, cha xứ cũng bị đấu tố, xỉ vả như các người khác.
Tôi chỉ thấy có cha Thính ở Vĩnh Đà không bị đấu tố, vì ngài không dính dáng đến ruộng nương, không ăn nhờ vào ai. Ngài còn tuyên bố: “Mỗi ngày tôi chỉ vài chiếc bánh đa và nước lã là đủ”. Nhưng cha Thu, thư ký cho Đức Cha Tĩnh giáo phận Bùi Chu, thì bị đổ cho cái tội “khoan đê”. Ngài cho lời vu khống đó là quá trẻ con, ai lại dùng chiếc khoan gỗ của thợ mộc mà khoan cho vỡ đê được. Thấy quá lố bịch ngài nhận cho xong. Thế mà thành tội thật và bị đem ra xử bắn vì tội khoan đê. (Cũng có người bị khép tội khoan đê như thế, người đó phải cầm cái khoan của thợ mộc, khoan vào đê, cán bộ chụp hình, làm chứng cớ tội phạm).
Hình phạt dành cho địa chủ, cường hào gian ác v.v… do Toà án nhân dân lên án. Nói đúng ra là cán bộ cải cách, chứ bà thẩm phán tên là Thậm ở Phú Ốc nói một câu cũng không ra câu, thì lên án làm sao?
Án phạt trước hết là tịch thu nhà cửa ruộng đất. Người đó bị đuổi ra khỏi nhà, đi ở đâu thì đi. Họ dựng một cái lều ở đất hoang nào đó để độ thân, còn nhà cửa thì được chia cho ông bà nông dân, đặc biệt là bần cố nông loại nhất, nhà to thì chia cho hai ba người. Bên lương, họ không có 10 điều răn Chúa, họ dễ dàng đến ở. Trước đây ở các lều, các nhà lụp xụp, nay được mấy gian nhà ngói, làm gì mà không nhận. Nhưng bà con Công giáo thì khác, cũng có người ép tình nhận, đến ở ít lâu, sau có dịp trả lại. Có người không nhận, ít người vui vẻ nhận.
Khi hai ba người được một cái nhà, họ thường chia nhau, rỡ đi bán. Bán đi tiêu hết tiền, lại trở về cảnh sống nơi túp lều. Ông trùm Tứ, xứ Ba Trại, có căn nhà lá ba gian, được chia cho hai người, lập tức họ chia đôi mỗi người được gian rưỡi, họ lấy cưa, cưa đôi gian giữa. Không biết rỡ về làm được gì, họa chăng dựng được túp lều?
Chú tôi ở Kim Lâm, tuy hai ông bà đã chết hoặc đi Nam gì đó, có cô con gái lấy chồng cán bộ, anh Hân, thế mà cũng bị quy là địa chủ, nhà cửa bị tịch thu chia cho hai người Công giáo; hai người chỉ lẫm lờ nhận, nhưng không dám ở bao giờ. Em tôi vẫn giữ mãi cho đến ngày không ở thì dâng cho họ giáo để làm nhà phòng. Cảnh nhà cửa bị tịch thu nó tương tự như thế.
Còn ao vườn ruộng đất? Dĩ nhiên là được đem chia cho nông dân hết, theo nguyên tắc chung. Đất đai là công thổ, tất cả là của nhà nước. Do đó mà ao vườn đất đai nhà thờ, nhà xứ, cũng được đem ra chia hết.
Còn bản thân những thành phần có tội với nhân dân thì sao? Từ khi Cải cách được phát động, tối nào cũng họp bà con nông dân. Đội cải cách nhờ chính sách “ba cùng đã nắm bắt tình hình các hộ, đã chia ra từng thành phần: địa chủ, hay loại người tương tự, phú nông, trung nông, bần nông, cố nông. Chỉ có phú nông trở xuống mới được đi họp, và dĩ nhiên bần cố nông là nòng cốt, là lãnh đạo.
Ai mà không được đi họp thì lo ngay ngáy. Số phận từ đây đã được định đoạt: thành phần có tội, đáng bị loại trừ khỏi xã hội. Thành phần tuy đã được đội xác định, song để cho có vẻ “dân chủ” thì sẽ có các cuộc họp của nhân dân vạch mặt rồi định đoạt số phận.
Có hai vòng họp, vòng họp thứ nhất thành phần xấu không được tham dự. Trong vòng họp này, bà con nông dân vạch mặt bọn “địa chủ, cường hào gian ác. Ai cũng phải phát biểu, nói thật thì ít, bịa đặt vu khống thì nhiều, vừa nói vừa làm ra vẻ căm phẫn, vừa nói vừa xỉa xói.
Sau khi đã cho việc tố cáo là đủ, các cuộc họp chuyển sang vòng hai. Những người đã bị các cuộc hội họp tố, nay được triệu tập đến để các thành viên khác đấu. Những cuộc đấu tố này chẳng khác gì những phiên toà lên án tội nhân. Những người bị tố trong các buổi họp trước nay thành tội nhân mà nhân dân sẽ lên án.
Tội nhân bị tố nặng như có nợ máu với nhân dân, có thể bị trói tay, bắt quỳ hay ngồi trên đất ở giữa hội nghị. Những người đấu tố lần lượt kể tội. Phạm nhân bị cưỡng bức đó chỉ còn một việc cúi đầu nhận tội. Nếu tỏ dấu thanh minh, sẽ bị coi là ngoan cố, tội càng nặng hơn. Không ai được phép bào chữa. Chỉ tỏ vẻ thương cảm mà không tỏ vẻ phẫn uất, cũng rất nguy hiểm, có thể bị coi là liên quan và chịu vạ lây. Con cái cũng không được tỏ bầy cảm tình đối với cha mẹ, còn phải đấu tố cha mẹ là khác, để may ra được ra khỏi thành phần.
Không phải người bị đấu tố nào cũng phải xử bắn, họ bị phân loại. Trên hết là địa chủ gian ác, bóc lột, có nhiều ruộng, lại bị tố cáo có những hành vi bóc lột, đánh đập người ở. Ở bên Công giáo hạng này thì ít, vì phần lớn những người giầu có, nhiều ruộng nhiều thóc, như ở Sơn Miêng, ở xứ Tâng (An Phú), Kẻ Vác… họ hiểu thế nào là CS, nên đã cao bay xa chạy vào Nam từ năm 1954 rồi. Một số đồng bào bên lương, đặc biệt ở thành phố, cũng đã hiểu và cũng cao chạy xa bay.
Nhưng số lớn người bị bắn thường là những người bị quy cho là cường hào gian ác, ác bá ác ôn… Đây là những chức việc trong xã trong huyện, hoặc là những người đã tham gia những đảng phái khác như Quốc Dân Đảng, Đại Việt… Cả những người trong đảng Cộng sản bị nghi là tả khuynh, hữu khuynh, có tư tưởng theo đường lối xét lại, thậm chí những người trung thành với Đảng, có uy tín cá nhân, nhưng lại có vẻ không trung thành với lãnh tụ, nói cách khác, không ăn cánh với cấp trên. Tất cả đều bị coi là nguy hiểm và cần tiêu diệt ngay từ trứng nước.
Tôi biết có hai người bị tội bắn: ở Báo Đáp, một người giầu có, xưa đã đi lính cho Pháp. Một người khác ở quê tôi, làm Chánh tổng lâu năm. Số người bị bắn không mấy làng không có, có làng bị đến 2, 3 người, và con số ở miền Bắc lên tới hàng vạn, hàng vạn người.
Những người bị tử hình hầu hết là bị bắn, hoặc bị bắn ở cánh đồng, hoặc bị treo lên cành cây rồi bắn. Cuộc xử bắn diễn ra trước hàng vạn người, để có tính cách răn đe. “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ”. Và đúng là thế, sự sợ hãi lên tới cực điểm, tựa như có đám mây đen bao phủ toàn dân. Phải triệt để khai thác tình trạng sợ hãi này. “Không được để lọt một thằng nào”. Hiệu lệnh là thế! “Thà giết nhầm 10 thằng còn hơn để một thằng lọt”.
Các địa chủ trung bình thường bị giam. Một số lớn cũng bị giam cùng với họ là những người đã cộng tác với chế độ ngày trước trong hành chính, hoặc đã đi lính và đã có cấp bậc, những trí thức xem ra không thiện cảm với chế độ mới, những người đảm nhiệm công việc trong tôn giáo mà có uy tín như Chánh trương, Trùm trưởng, Quản giáo. Có cả những đảng viên Cộng sản, thành viên Uỷ ban Nhân dân bị nghi ngờ là không trung thành. Gần tôi như ban Hành giáo xứ Kẻ Báng (Xuân Bảng), nhất là Quản giáo bị bắt giam hầu hết. Xứ Tường Loan (Ba Trại) chưa được năm trăm nhân danh mà cũng mấy người bị bắt giam, trong đó có cả anh Trưởng ban hát và một thanh niên thường. Cũng ở xã đó, có anh Chủ tịch Uỷ ban xã mà tôi mới trình giấy tháng trước, thì tháng sau nghe nói đã bị bắt giam.
Trong thời gian bị giam, thường họ bị cưỡng ép làm giấy thú nhận đã có những hành vi phá hoại: như bỏ trứng sâu vào lúa, phá hoại đê điều, đầu độc người nọ người kia, và ai cũng phải làm giấy nhận tội hết. Thời gian bị giam thường là năm, bảy tháng. Có nhiều người bị ngược đãi quá, hoặc bị bệnh nặng thì được tha về, và chỉ ít lâu sau thì chết.
Các địa chủ không có tội gì, ngoài việc có máu mặt hơn trong làng xóm, hoặc được người ta kính trọng hơn, có uy tín hơn một chút, thì chỉ bị phân biệt đối xử. Không còn quyền công dân như là bầu cử, hội họp, không được làm chức vụ gì trong xã hội, cả trong tôn giáo. Nếu là người Công giáo, có đến nhà thờ cũng phải ngồi dưới, không được ngồi lên ghế trên. Con cái không được đi học, trừ đứa nào tiến bộ, cố gắng thoát ly ra khỏi giai cấp, bằng cách đứng với bần cố nông, hăng hái đấu tố giai cấp của bố mẹ, đi đến cả đấu tố cha mẹ, mới được hưởng quyền lợi đôi chút của xã hội. Nhưng không bao giờ tẩy xoá được cái danh hiệu “con địa chủ”, danh hiệu cha truyền con nối. Không được cả đến cái “vinh dự” đi bộ đội, vì còn bị nghi là không trung thành, bởi đã mang dòng máu đối nghịch truyền đời của giai cấp.
Có những cán bộ xuất thân từ giai cấp địa chủ, tư sản, từ đầu Cách mạng đã hoàn toàn thoát ly và đã có thể giữ chức nọ kia, có thể lên chức. Nhưng khi Cách mạng thành công, họ không được trọng dụng lắm, chẳng lên chức nào, mà còn bị thất sủng là khác. Những cán bộ như thế, trong thời gian hoạt động, nhất là trong thời gian Cải cách, không được, nói đúng ra, không dám có một liên hệ gì đến gia đình. Có thể nói cả đến tư tưởng cũng phải dứt khoát! Nếu không sẽ bị liệt vào hạng liên quan và bị đem ra xử lý. Không bị kết tội thì cũng bị hạ tầng công tác.
Tất cả những lãnh tụ, kể cả lãnh tụ vĩ đại nhất cũng đều xuất thân từ giai cấp địa chủ hoặc tư sản. Ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), ba anh em ông Lê Đức Thọ lý thuyết gia của Đảng, ông Võ Nguyên Giáp, ông Phạm Văn Đồng… đều là con cái địa chủ, hoặc là tư sản. Các ông ấy là những người sáng lập, cha đẻ ra chủ nghĩa vô sản Việt Nam, nhưng các ông ấy đứng trên tất cả, thì ai làm gì được các ông! Các ông đặt ra cái thòng lọng, lại để cho cái thòng lọng thắt cổ mình làm sao?
Giả sử các ông ấy là nông dân thường, con nhà bần cố nông, thì làm gì có cơ hội mà ăn học. Đàng này, hầu hết các ông là học trò của trường Thành Trung (Carreau) Nam Định, trường Bưởi Hà Nội… Phải là địa chủ giầu có mới đủ tiền gửi con cái lên các trường đó, có ông còn được Thực dân Pháp cho đi ăn học.
Xét cho cùng, thì giới bần cố nông phải biết ơn giới địa chủ, tư sản, đã phát động phong trào cải cách để họ nâng lên vai trò lãnh đạo. Còn các nhà cải cách phát động phong trào, tô điểm mỹ miều cho cái danh từ “thoát ly” mà họ mắc vào, chứ thực ra họ là những người “phản giai cấp. Và công luận không bao giờ cho phép xoá đi cái danh hiệu con nhà “địa chủ, mà họ đã dầy công bắt người ta bôi nhọ bằng đủ cái xấu. Gậy ông lại đập lưng ông là thế.
Một số kinh nghiệm riêng tư về Cải cách
Ngoài xứ Nam Định là chính, tôi còn phụ trách hai xứ Phú Ốc và Tường Loan, hai xứ thuộc nông thôn nên có Cải cách Ruộng đất.
Tôi vẫn đi lại xứ Phú Ốc một cách dễ dàng, vì chỉ cách chỗ tôi ở thường xuyên có 3 km. Chúa nhật nào tôi cũng lên đó dâng lễ, cả thứ Sáu thứ Bẩy đầu tháng. Còn như là bắt buộc phải đến đó vào các ngày lễ. Theo Đội cải cách, đang làm việc gì, ở đâu ngày nào thì cứ việc làm, nếu bỏ thì y như là phá Cải cách, làm cho Cải cách mang tiếng phá đạo.
Đạp xe đạp lên Phú Ốc, cứ đến bờ hồ trước nhà thờ, thì lần nào cũng có chị Đội cải cách đứng đón ở dưới gốc cây bàng. Chị mặc quần áo đen, đeo túi, và nói với tôi cách nhã nhặn: “Mời linh mục vào hội ý. Tôi bước theo chị, sang xóm bên lương, vào một túp lều, chắc là ngôi nhà của vị bần cố nông Đội đã bắt rễ. Ngủ nghỉ, ăn làm, bếp núc là trong căn lều đó. Tôi ngồi trên nệm rơm với anh Đội bên cạnh bếp. Trong cuộc hội ý, anh ân cần nhắc nhở tôi, lần nào cũng một tư tưởng: “Linh mục cứ về làm lễ như thường, linh mục lưu ý là ở đây có nhiều phần tử xấu. Trong khi giảng đạo linh mục không được nói gì gây chia rẽ. Nghe xong, tôi đứng dậy, ra dắt xe vào nhà thờ dâng lễ. Cả việc rước kiệu cũng phải giữ, không được bỏ.
Tình hình Cải cách ở đây xem ra không gay gắt như ở các nơi khác. Dân cư ở đây, nhất là người có đạo, hiền lành tử tế hơn. Bà thẩm phán là bà Thứ, gặp tôi vẫn chào hỏi như các con chiên tốt lành khác. Mấy anh du kích như Trường, Vu v.v… bà con sau này kêu là quá đáng, vì có những cách đối xử tàn bạo với những người bị quy là địa chủ. Người trong xứ đi Nam hầu hết, chỉ còn lại gần năm trăm, thế mà cũng có 3 người bị quy là địa chủ. Địa chủ thường, chỉ bị đấu tố thôi.
Trong ba ông, già nhất là ông Chánh Lục, làm thày lang, hiền lành đạo đức. Thế mà ông cũng bị tố là đã cho thuốc độc vào quả táo để đầu độc đội cán bộ. Ông thứ hai là ông Chuân, trước kia có đi lính thời Pháp; ông có râu nên bị trẻ con giật râu, bắt phải chào hỏi theo lối Đội cải cách (trẻ con mặc quần thủng đũng): “Con chào ông bà nông dân ạ!. Ông có người anh tên Cao, làm hiệu trưởng Trường Lục quân, con trai làm cán bộ trung ương, song chẳng ai thèm ngó tới ông. Ông thứ ba là ông Kiều, công nhân nhà máy dệt Nam Định, như thế là thuộc giai cấp lãnh đạo, giai cấp công nông (búa liềm). Chỉ vì ông hay nói, và có nói không đúng chính sách, nên ông bị quy “tội phản động, và bị tố là đã cho thuốc độc vào quả táo để sát hại nhân dân.
Tôi cũng trông thấy đám nhi đồng quàng khăn đỏ, chiều chiều đi đánh trống phát động phong trào, tối đến bà con đi họp đông đủ.
Ở Tường Loan (Ba Trại), phong trào Cải cách tương đối mạnh mẽ, gay gắt hơn. Đến làm lễ Chúa nhật ở đó, thường là phải xin phép trước, xin phép cơ quan thành phố Nam Định, chứ không phải xin phép Đội. Xin minh họa qua một cuộc cử hành lễ Chầu Lượt tại Ba Trại.
Đó là vào dịp Tết Nguyên Đán năm Bính Thân (1956). Chúa nhật Chầu Lượt rơi vào chính ngày Mồng Một Tết. Một tuần trước, tôi đến Ba Trại để giải tội (vì cho rằng ngày Mồng Một Tết không có thì giờ giải tội).
Theo lệ, đến đâu là phải tới chào Đội ngay để “hội ý. Xong công việc, khi trở về, cũng phải ra chào Đội. Bởi vì chào lúc đi, rồi sắp trở lại ngày Tết. Đội nói với tôi:
- Lần sau ông đến, có gì xẩy ra ở đây, ông phải chịu trách nhiệm!
- Ông nói thế thì cũng như cấm tôi ra đây. Tôi ví dụ: nếu ông treo ở cổng làng tấm bảng đề: “Ai vào làng này sẽ phải chịu trách nhiệm về cái gì xẩy ra nơi đây”, thì nhìn bảng yết thị như thế, ai còn dám vào làng? Tôi cũng không dám!
- Ông nói thế thì được. Ông cứ việc đến, có thế nào thì sẽ xét -Anh Đội đấu dịu- chứ không đóng sống cho bất kể ai vào làng này đâu!
Có lẽ chỉ mình tôi dám ý kiến thẳng với Đội. Nhất Đội nhì Trời cơ mà. Ai dám nho nhe!
Ngày thứ Bẩy trước Chúa nhật lễ Chầu, tức hôm 30 Tết, tôi xin giấy ra Ba Trại làm lễ Chầu. Đến Khu phố, Khu phố bảo đến Công an. Đến Công an, Công an bảo đến Mặt trận. Nộp đưa các đơn có phải là dễ đâu. Biết thân phận mình thuộc thành phần rốt hết, nên nộp đơn phải cẩn thận, đặt dưới cùng đống đơn bà con đến trước đã dầy cộm. Cán bộ cứ lần lượt xét, giải quyết từ trên xuống dưới. Cuối cùng đến lượt mình, may mà còn thì giờ nên đơn được cầm lên. Nếu hết giờ, chưa đến lượt, thì về không; sáng đến chiều, chiều đến hôm sau, cứ mỗi buổi đơn thêm nhiều bao nhiêu, của mình vẫn ở cuối cùng. May mà lần này, vẫn còn giờ, nhưng lại được đẩy đến cơ quan khác. Trong một ngày 30 Tết đó, tôi được đẩy đi qua hết mọi cơ sở hữu quan, có nơi đến lần thứ hai. Tới chiều, khi mọi cơ quan đều đóng cửa về ăn tết, tôi vẫn không bị từ chối, nhưng bị đẩy đi các cửa. Đến khi các cơ quan đóng cửa hết, tôi đành cầm đơn về không. Thế là ngày mai Ba Trại không có lễ Chầu!
Đêm 30 Tết đó thật là tối. Tối như đêm 30 Tết mà! Kẻ trộm cũng rình mò tối hôm đó hơn các đêm khác. Trong dân gian lưu truyền vậy. Tất tả suốt ngày, đêm đến giấc ngủ đang ngon thì bỗng có tiếng gọi cổng nhà xứ. Công an gọi tôi cấp tốc ra đồn. Có việc gì mà khẩn cấp thế? Mắt còn đang cay xè, tôi bước theo anh công an. Đi thế này, trong đêm tối thường chỉ là bị bắt và điệu đi giam. Thế mà sao lúc này, tôi chẳng có ý nghĩ gì về chuyện đó, nên không thấy xao xuyến gì. Một số cán bộ ngồi đó cho biết Toà Giám mục Hà Nội vừa ra một Thư Chung phản động. Thư Chung Đức Cha Trịnh Như Khuê vừa viết là về đề tài Tình yêu. Họ giải thích đó là bức thư chống Cải cách Ruộng đất, đặc biệt qua sự tha thứ cho thù địch, và như thế là tha thứ cho địa chủ, bọn phản động, cường hào ác bá.
Tình yêu, yêu mọi người cả kẻ thù nghịch, đó là luật căn bản của đạo Phúc âm. Cuộc tranh luận nổ ra ngay ban đêm. Giữa một bên là cha chính Nhân với tôi và bên kia là cán bộ của Uỷ ban. Không thể và không dám bắt chúng tôi bỏ đi lề luật căn bản ấy của đạo, họ chỉ đòi chúng tôi là không được đọc thư đó và nộp cho họ các bức thư. Chúng tôi không nộp.
Sau đó họ hỏi tôi có làm lễ Chầu ở Ba Trại không? Tôi nói các ông có cấp giấy đâu mà làm, tôi đã đi suốt ngày để xin giấy, cho đến lúc các cơ quan đều đóng cửa cả mà không nơi nào giải quyết cả. Họ nói: “Sáng mai ra đồn Công an lấy giấy”.
Sáng hôm sau, Chúa nhật Mồng Một Tết, tôi và cha chính Nhân thỏa thuận tóm tắt Thư Chung rồi nói, như thế mọi người đều hiểu căn bản về bức thư.
Lễ xong tôi ra đồn xin giấy. Đến đồn, chưa ai thức dậy, tôi phải đánh thức họ. Một anh công an hỏi tôi cần gì? Tôi nói đêm qua, Uỷ ban Thành phố có bảo tôi sáng nay ra đồn lấy giấy.
- Hôm nay không cấp giấy! anh công an nói.
- Tôi biết, hôm nay ngày Tết, chỉ kẻ nào không có trí khôn mới đến cơ quan xin giấy. Nhưng vì tối qua Uỷ ban bảo sáng nay ra đồn lấy giấy, nên tôi mới đến.
- Được rồi! Ông cứ về đi! Chúng tôi còn xét…
Tôi về nhà được độ 5 phút, có tiếng gọi rối rít ở sân:
- Ông Trọng ơi! Ông Trọng ơi! Ra đồn lấy giấy!
Tôi vội vàng đi theo anh công an ra đồn. Đến văn phòng, ngay ở cửa, thấy chiếc bàn trên có bày la liệt bánh kẹo, ấm chén.
Một anh công an ở buồng trong đi ra, có lẽ là đồn trưởng. Anh chúc mừng năm mới tôi, rồi tôi chúc mừng đáp lại. Trong vòng 10 phút mà quang cảnh rất khác nhau. Anh đồn trưởng mời tôi ăn bánh kẹo, uống nước trà để mừng xuân, cùng nhau vui xuân một lúc. Anh đưa cho tôi giấy thông hành có giá trị ba ngày. Tôi xin phép đi, anh ân cần hỏi:
- Linh mục có phương tiện gì không?
- Có, tôi vẫn đi xe đạp.
Tôi vừa nói xong, thì một người từ cổng chạy vào nói:
- Có tôi giúp linh mục.
Tôi nhận ra người đó là anh Đội cải cách, tôi đã gặp ở Ba Trại. Tôi về nhà lấy xe đạp, cùng sánh vai với anh, qua các đường phố. Đường phố lúc này còn vắng vẻ. Chưa tới giờ xuất hành mà! Ra khỏi thành phố, trên con đường qua cánh đồng để đi tới Ba Trại, tuyệt không một bóng người. Nhưng trên cánh đồng, ở đàng xa, lủi thủi mấy bóng người. Tôi đoán có lẽ là những địa chủ, đã bị tịch thu hết nhà cửa tài sản, không được vui tết với ai cả, đành lang thang trên cánh đồng.
Đến gần nhà thờ, trước cửa nhà ông Sặt, một gia đình được Đội coi là thân thiện, anh Đội chia tay tôi, để tôi một mình vào nhà xứ. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ, các màn kịch diễn ra thay đổi như trở bàn tay. Lúc thì xua đuổi, lúc thì ân cần đón tiếp, săn sóc đến nơi đến chốn, để rồi đưa vào cạm bẫy.
Những màn sau đây cũng được sắp xếp, có đầy tình nghĩa, song lại được lái vào những mục tiêu gian dối và thâm độc hơn.
Tới nhà xứ, ba gian nhà khách đã đầy ắp người, im lặng như đang có cái gì. Hay nói đúng hơn, với dáng dấp sợ sệt, không ai hé môi.
Một ông dắt xe đạp của tôi, để vào một chỗ. Một bà bưng chậu nước nóng để tôi rửa mặt rửa tay. Trời lạnh mà! Tôi biết tên hai người: ông Lộc, bần cố nông nay Đội cải cách cắt làm Trùm, bà Giảng, cũng là bần cố nông nay được cất làm Quản giáo. Ông Lộc, bà Giảng hôm nay được Đội chỉ định để hầu hạ tôi.
Tôi vào ngồi giữa nhà, bà con tất cả ngồi chung quanh, chen nhau trong nhà, không ai ngồi hè. Anh Chung, con người tôi chưa biết, thay mặt cho mọi người chúc tết tôi, rồi anh tuyên bố: “Thưa Cha, những người đội lốt đã bị lột mặt nạ, và đội đã tống giam cả rồi. Xin cha cứ yên trí ở lại với chúng con, nghỉ lại đêm Mồng Một với chúng con”.
Nhìn chung quanh, không thấy ông Chánh trương Huỳnh, ông Trùm Tứ, ông Quản giáo Luỹ, ông cựu Trùm Trạch, tôi biết ngay những người đội lốt là ai. Thấy thế, tôi định tâm không ở lại đêm nữa, mặc dù tôi có giấy và có ý nghĩ từ trước là sẽ ở lại.
Thấy trước mặt mình có người lạ chưa quen biết, tôi hỏi anh ta:
- Anh là người thế nào mà tôi chưa biết? Dân xứ đây tôi biết hết.
- Thưa Cha, con ở Phủ Lý về đây!
- Sao đang ở Phủ Lý lại về đây?
- Con xin thú thực với Cha, con là người Thanh Hoá, gia đình con kéo nhau đi Nam. Đến Phủ Lý con bị cản lại, nên về đây!
- Anh cứ ở đây, đất lành chim đậu, đi Nam làm gì?
Khi mọi người giải tán, lên nhà thờ, ông trùm Lộc thắc mắc với tôi?
- Sao ban nãy Cha lại nói chuyện với người lạ?
- Tôi thấy người đó lạ, tôi phải hỏi.
- Anh ta không có nhiệm vụ, mà anh dám vào tiếp xúc với cha. Cái này con phải ra trình Đội!
Rồi tôi ra nhà thờ cử hành Thánh lễ, lễ xong đặt Mình Thánh Chúa. Lễ Chầu năm nay chỉ có những người trong xứ chầu Mình Thánh với nhau, trong bầu không khí buồn tẻ sợ hãi. Ngoài việc giải tội những người không đi kịp tuần trước, chẳng một ai đến tiếp xúc với tôi, trừ ông trùm Lộc, bà Giảng lo liệu việc cơm nước cho tôi. Thêm anh Chung, lúc nào cũng săn đón tôi để xin xưng tội, dù bị giãn. Anh là Đội cải cách hoạt động ở vùng Gia Trạng, Đại Lại, không biết bị thất sủng hay được sai về làm việc ở quê. Nếu được làm việc ở quê thì cũng khác thường, vì hầu như theo quy luật, Đội cải cách phải hoạt động xa quê quán của mình, để dễ “khách quan”.
Đến 5 giờ chiều, tôi trở về Nam Định. Không dám ở lại đêm như đã dự định, vì những người thân quen làm việc bên tôi đã bị bắt giam hết.
Còn truyện ông trùm Lộc đi báo cáo với Đội về anh Long nào đó, tức là người lạ mặt mà tôi hỏi chuyện trong buổi chúc mừng tết ở Ba Trại hôm ấy, thì không phải do lòng độc ác đâu. Ông chỉ quá thật thà làm theo kế hoạch Đội đặt ra mà không hay biết.
Kế hoạch là làm thế nào bắt anh Long với những bằng chứng rành rành không thể chối cãi được. Trước hết anh có mặt trong buổi họp, nơi anh không được phép đến, trừ ra Đội cho phép hoặc thúc đẩy. Đến chỗ họp, anh được xếp ngồi một mình trước mặt linh mục, để linh mục phải bó buộc bắt chuyện. Giả sử không có cuộc tiếp xúc đi nữa, cũng không thành vấn đề. Nguyên việc anh là người lạ, mà có mặt bên những con chiên của cha, là anh đã trà trộn vào với ý đồ. Sự có mặt, việc tiếp xúc đó, ông Trùm là người có nhiệm vụ phải quan sát tất cả, và đúng là mọi cái không qua mắt ông, dù ông là người chột mắt. Ông đi báo cáo với Đội. Thế là tội anh Long có đủ bằng chứng không thể chối cãi được. Nghe đâu anh đã bị bắt giam ngay, và trong khi bị giam anh đã khai: “Tôi đã gặp linh mục, linh mục có trao cho tôi một chai axít, để đổ vào cán bộ. Tôi ra khỏi sân nhà thờ, đến bờ ao, tôi đã ném xuống ao rồi”.
Cán bộ cũng không bắt anh phải xuống ao mò chai axít đó, vì làm gì có! Có xuống mò thì cái gian dối lại thò đuôi ra. Mặc dù thế, anh vẫn bị kết án. Giá người có tội thật thì phải xử bắn. Nhưng tội của anh, chỉ là trong kế hoạch thu xếp của Đội, không có thật. Dù thế, anh vẫn bị ba tháng tù, rồi bị đuổi về Thanh Hoá, quê quán của anh. Nói chung, những người bị bắt dưới thời Cải cách, hầu hết rơi vào tình trạng “phạm tội” như thế.
Cũng ở Ba Trại, một anh thanh niên tên Ghi, con bà Hồi, còn bị khép tội một cách trâng tráo hơn nhiều. Một buổi chiều nọ, trong tháng 3 năm 1956, đội đưa anh Ghi xuống Nam Định. Đến cổng trại An Phong, Đội bảo anh vào gặp linh mục, lúc này là cha già Nguyễn Phúc Hạnh. Anh ngơ ngác, rụt rè một mình đến với cha, cha hỏi:
- Anh ở đâu, có việc gì ?
Anh ấp úng đáp:
- Con ở Ba Trại, trình… trình…. cha..
Cha Hạnh đuổi ngay.
- Ba Trại thì xuống cha xứ mà trình, tôi không biết.
Anh lủi thủi đi ra cổng, vẫn gặp anh Đội đã đưa mình đi. Anh Đội bắt nghiến lấy với tội danh: “Đã đến tiếp xúc với linh mục, nhận chỉ thị để về gây tội ác”. Vì tội đó, anh bị giam một năm. Chuyện thật trăm phần trăm.
Cả đến đồng chí Chủ tịch Uỷ ban xã Mỹ Tân (Ba Trại) tên là Đán cũng bị bắt giam với tội danh “bỏ trứng sâu vào ruộng ngô”. Anh còn phải diễn lại “tội ác” bằng cách cầm một hộp bích quy đựng tro và rắc trên ruộng trước ống kính nhà nhiếp ảnh. Thật là nhọ nhem!
Tất cả các viên chức hàng xứ Ba Trại đều bị khép tội như thế. Ông Huỳnh, ông Tứ, ông Lũy, ông Nguyệt, ông Trạch…. bị quy địa chủ, bị bắt giam một thời gian mấy tháng. Các ông đều làm giấy xin tôi tha tội, vì trong khi bị giam các ông đã “dại dột” đổ tội cho tôi đã đưa trứng sâu cho các ông để bỏ vào lúa.
Những chuyện có vẻ trẻ con đó mà hậu quả thì rất nghiêm trọng, chắc chắn đã diễn ra trên khắp miền Bắc. Đó là chính sách Cải cách Ruộng đất, đâu đâu cũng phải thực hành theo cùng một cung cách như nhau. Anh Đội nào, địa phương nào mà dám làm khác? Và con số những người bị vu khống oan ức như thế, phải lên đến hàng triệu!
Người trần gian mà làm ông tổ của nói dối, vu khống là đại văn hào Pháp Voltaire. Ông đã đưa ra một khẩu hiệu: “Bạn cứ nói dối, nói dối khoẻ hơn nữa đi! Thế nào cũng còn cái gì!”. Phải, thế nào cũng còn cái gì! Quần chúng phẫn nộ trước sự gian dối độc ác. Khi vụ Cải cách phải sửa sai, họ đi tìm các anh Đội mà rạch mép rạch mồm, những cái mồm mép đã phun ra bao là dối trá, vu khống. Cũng may mà chỉ tìm ra được số ít, vì không biết họ từ đâu mà đến, để gieo rắc bao tai họa cho thôn làng. Nhưng chuyện mấy tên bị rạch mép cũng đủ làm im đi những môi mép đã phun ra bao nọc độc chết chóc.
Phong trào Cải cách Ruộng đất khựng lại
Phong trào Cải cách đang vùn vụt tiến tới, đỉnh ngọn lửa đấu tranh đang ngùn ngụt bốc lên như hoả diệm sơn, thì đùng một cái nó khựng lại. Nguyên nhân tại đâu ?
Nhà nước thì gọi giai đoạn này là “sửa sai. Nói đến sửa sai tất nhiên đã có sai lầm. Có sai lầm không? Đảng thì không thể sai lầm được! Nhưng Đảng đã khéo dự phòng, chọn “con dê gánh tội” là ông Trường Chinh. Ông là nhân vật bí ẩn, trước nay có ra trước công chúng bao giờ! Không ai biết mặt ông, chỉ biết tên. Tha hồ mà đổ tội cho ông. Ông chẳng sao cả, vì ông đúng như một nhân vật “vô hình vô tượng”!
Sai do chỗ nào? “Nhất Đội nhì Trời”. Mọi khi đúng sai, tốt xấu là do ông Trời phân định. Bây giờ Đội ở trên cả ông Trời, thì Đội còn có khả năng phân định giỏi hơn ông Trời chứ!
Có một cái sức bí nhiệm không ai lường được, tựa như những cơn sóng ngầm trong lòng quần chúng, làm vỡ đê điều lúc nào không hay. Nó như thanh gươm hai lưỡi, chém người khác, rồi lại quay lại chém người sử dụng nó, một cách bất ngờ. Bởi đó mà có những nhà độc tài, những nhà cầm quyền hét ra lửa, bị quật ngã lúc nào không biết.
Phong trào Cải cách đang quay mũi dùi căm thù vào kẻ thù của giai cấp vô sản, thì không hiểu tại sao mũi dùi căm thù quay trở lại chĩa vào những người đang lái nó. Những anh “Đội nhất Trời nhì” hôm nào còn dương oai tác quái, hùng hổ hơn Trời, miệng thét ra lửa, thế mà nay bỗng dưng biến đâu mất, như những bóng ma không ai còn trông thấy. Những anh cốt cán hôm nào mặt còn rắn như đanh, tay cứng như sắt, nay cũng nhũn như con chi chi. Sức mạnh nào đã làm thay đổi đến thế? Đó chỉ là quy luật tự nhiên: ác giả ác báo! Nhưng nhà nước đã đưa ra phương thế để chữa cháy: chính sách “sửa sai, gáo nước lạnh đổ vào nồi nước sôi. Họ khiêm tốn nhận có sai thật! Đây là những sai lầm: một số người đưa lên địa chủ một cách vô lý, phải hạ thành phần cho họ. Một số khác bị tịch thu nhà cửa bừa bãi, rồi chia cho người khác, phải trả lại như cũ. Đại loại sửa sai là thế. Nhưng các trường hợp sai sót con số chẳng là bao đối với những đảo lộn long trời lở đất và những cái sửa lại đó không đáng kể đối với một xã hội đã bị thương tổn đến gốc rễ.
Tuy nhiên các lỗi lầm, theo thái độ quần chúng, xem ra không phải là về việc phân định sai ai là địa chủ, hoặc tịch thu nhầm về ruộng đất. Những sai lầm phải được xem xét theo thái độ hờn ghét của quần chúng chĩa mũi dùi vào ai. Không hiểu tại sao khi vừa nghe nói có việc sửa sai, thì bọn cán bộ cải cách biến đâu hết. Họ là ân nhân của người không có ruộng cầy, thì những người này phải biết ơn những kẻ đã đem lại ruộng cầy cho mình, và đáng lẽ phải có một cuộc đại liên hoan, mừng Cải cách Ruộng đất thành công mới phải chứ?
Nhưng không, chỉ thấy dân chúng thay vì cảm ơn và mở tiệc ăn mừng, họ lại “xuống đường” đi săn bắt Đội cải cách “ân nhân” của mình. Ngược đời! Họ lùng bắt không phải để đánh đập hoặc giết chết. Dân chúng bản chất vẫn rất nhân từ. Họ chỉ tìm để rạch mép, nhẹ nhàng thế thôi. Sao lại rạch mép? Là vì những môi mép kia đã phun ra bao là vu khống dối trá, và bắt người lành cũng phải dối trá như họ, để gây nên biết bao là chết chóc, đau khổ cho mọi người, gây nên hận thù giữa làng xóm, mà xưa nay vẫn sống hiền hoà.
Nhưng bọn cải cách đã cao chạy xa bay từ đời nào. Họ biết trước phần thưởng dành cho họ. Rạch mép nhẹ nhàng, thâm thuý chua cay, nhằm đúng mục tiêu. Không biết có bao nhiêu tên bị rạch mép? Chúng biến đi, cái xã hội gian trá chúng gây nên cũng biến đi. Sự an bình vui tươi lại trở về, y như không có chuyện gì. Người này người nọ, xóm này thôn kia lại giao tiếp với nhau, đi lại với nhau. Đâu đấy lại trở về đời sống không chỉ như trước Cải cách, mà còn xa hơn nữa.
Đức Cha Khuê cũng nhờ việc đi lại dễ dàng mà kinh lý rất nhiều nơi, từ Hà Nội đến Hà Đông, Hà Nam, Nam Định. Chẳng phải xin phép, chẳng phải báo cáo với ai. Không giấy tờ, không gặp gỡ chính quyền, hoàn toàn tự do….
Lại bàn về sai lầm. Thiết nghĩ làm gì có thể sai lầm được! Giả sử chỉ có mình Việt Nam làm CCRĐ, chưa có đâu làm, thì còn có thể nói đến sai lầm. Đàng này các bậc thày, các bậc đàn anh đã làm, đã rút kinh nghiệm, Việt Nam chỉ việc lặp lại. Người ta đã tính từ trước sẽ có những sai sót. Có thể nói, những sai sót cố ý! Thà giết nhầm mười người còn hơn để sót một! Hoặc kinh nghiệm cho thấy là việc Cải cách gây đau khổ nhức nhối chừng nào! Nên giả cách, có vài sửa sai chẳng vào đâu cả, để phần nào làm nguôi lòng dân. Thực thế, cấp dưới thấy cấp trên ăn năn hối lỗi, giả cách hay thực tình, và đưa ra vài biện pháp lặt vặt, thì cũng cho qua… Dân chúng dễ nguôi đi, chỉ trừng phạt bằng cách rạch mép được tên nào thì rạch. Bọn này cũng dễ rút êm, vì chúng được bố trí đến không ai biết, đi không ai hay.
Có hai bức thư rất mạnh mẽ, một cái đâm thẳng vào quả tim Cải cách, một cái đâm vào bụng Cải cách. Đấy là theo như cách đánh giá của những kẻ cho là mình bị nhầm. Thứ nhất là bức Thư Chung do Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê, ban bố hồi tháng 2-1956 dịp Tết Nguyên Đán Bính Thân. Ngài dạy luật căn bản của đạo Phúc Âm: “Thương yêu, tha thứ trong khi Cải cách đang khơi dậy ngọn lửa căm thù giai cấp. Thứ hai là bức Thư Chung do Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, Giám mục Bùi Chu, ban bố lúc Cải cách sắp kết thúc, nói về luật căn bản của Đạo, đi theo luật căn bản thứ nhất: đó là “công bằng”. Đối với Cải cách họ hiểu: dù ăn vào bụng rồi, cũng phải nhả ra. Người ta gọi đó là “Bức thư giả của”.
Cứ theo như đánh giá của Cải cách, thì các tác giả của hai bức Thư Chung đó phải bị nhân dân băm vằm. Nhưng các Ngài không bị hề hấn gì. Chung quy chỉ ngăn cản không cho phổ biến hai bức thư. Cũng chỉ là sự nhịn nhục khéo léo đấy thôi. Trước hết hai bức thư đó nói về những điều căn bản của đạo. Đem ra tranh luận hay xử lý cách nào đó, thì chỉ lợi cho đạo, mà bất lợi cho Cải cách. Đàng khác có phổ biến, thì cũng chỉ là trong giới Công giáo, nhóm thiểu số giữa đám đông đang sôi sục căm thù và đòi lấy của. Im đi là thượng sách. Con cái thế gian khôn ngoan là thế!
Hoàn thành Cải cách Ruộng đất
Trong cuốn Biên Niên Sử có nói: “Cuộc Cải cách Ruộng đất đã hoàn thành, mười triệu nông dân có ruộng cầy”. Một cuộc cách mạng long trời lở đất, mà kết quả có thế thì cũng khiêm tốn. Đó chỉ là cái khiêm tốn giả tạo, sự thực “kết quả” to lớn hơn vô cùng!
Lấy được ruộng ở tay người địa chủ, không phải là việc dễ dàng. Phải có những bàn tay mạnh mẽ, đi tới tàn bạo của một chính thể độc tài chuyên chính. Người ta vẫn nói vô sản chuyên chính mà! Thật ra lấy lại ruộng đất để chia cho những người cầy, không phải là mục tiêu chính của việc Cải cách và chính việc Cải cách cũng không phải là mục tiêu của Cách mạng. Lấy lại ruộng đất chỉ là phương tiện để cải cách, chính việc Cải cách cũng chỉ là phương tiện cho sự thống trị của giai cấp vô sản. Nói đúng ra, cho sự thống trị của Đảng chuyên chính được thiết lập vững chắc.
Nói Cải cách Ruộng đất: ruộng đất là cái mồi lôi cuốn những kẻ không có ruộng tham dự vào cuộc đấu tranh. Trong tay không một tấc đất, mai kia sẽ làm chủ, chứ không đi làm thuê, lấy thân làm trâu ngựa. Nghe thế ai mà không phấn khởi, tích cực tham gia? Như thế ruộng đất là cái mồi thúc đẩy việc Cải cách.
Cuộc đấu tranh đòi ruộng đất là động lực chính, lại còn được dùng để đánh đổ các thế lực khác! Trước hết là địa chủ, phải đánh gục để lấy đất ra! Còn có những kẻ khác không có ruộng hay có ít chẳng bõ, nhưng họ uy quyền, uy thế, uy tín trong nông thôn. Cả những người được vị nể một cách xứng đáng nhờ đạo đức, nhờ quảng đại, cũng là những đối tượng phải đánh gục. Các thành phần này có thể đông hơn là địa chủ nhiều. Lấy việc đòi ruộng để chia là cách dễ đi vào lòng người, hầu đánh vào những thành phần khác. Như vậy Cải cách Ruộng đất trở thành phương tiện cho Cách mạng. Vì thế, kết quả việc CCRĐ không chỉ vẻn vẹn trong tình trạng mười triệu người có đất cầy.
Cải cách Ruộng đất là một cách quét sạch những địa chủ, những cường hào ác ôn, ác bá, những người có uy tín, những người có mầm mống để vươn lên. Tất cả những gì mà Cách mạng cho là đối nghịch, là nguy hiểm trong hiện tại và trong tương lai. Quét sạch, để cho xã hội trở nên một tờ giấy trơn, hầu Đảng muốn vẽ gì thì vẽ, theo ý mình.
Không có cái gì gai gai lên, xã hội trở nên mặt bằng, Đảng muốn đặt hình tượng nào thì tuỳ ý. Không sợ có hình thể nào lén cài lại. Sao lại nặn tôi lên như thế? Sao lại đặt tôi vào chỗ này? Đảng làm vậy để toàn năng như Ông Trời.
Đó, kết quả của việc Cải cách là thế, là quét sạch mọi thế lực bị coi là thù nghịch! Chứ có phải là lấy mấy triệu mẫu ruộng, đem chia ra rồi có ngày lại thu về đâu! Đó là tạo nên một mặt bằng, không gì gợn lên. Cái gọi là “vô sản chuyên chính” cũng chỉ là cái áo khoác cho dân nghèo vốn chiếm phần đông trong xã hội nhìn cho vừa mắt.
Phải chăng đó là trong chủ nghĩa duy vật?
Đối với chủ nghĩa duy vật, đem giải thích theo lịch sử quan, thì xã hội loài người theo cấu trúc hạ tầng cơ sở và thượng tầng cơ sở (super-structure) . Hạ tầng cơ sở là vật chất thì bất biến. Thượng tầng cơ sở là trí tuệ, kiến thức, luân lý, tôn giáo, quyền bính thì thay đổi. Chính kinh tế làm thay đổi, biến thể. Thượng tầng cơ sở là nền tảng của chủ nghĩa duy tâm, bị kinh tế làm thay đổi. Theo họ, lịch sử thế giới biến đổi, tiến bộ, không do trí tuệ, do chiến tranh, do tôn giáo, do phát triển khoa học, nhưng là do kinh tế chi phối; và họ đưa ra duy vật sử quan để giải thích những giai đoạn loài người đang trải qua, từ lúc kinh tế còn thô sơ cho tới nền kinh tế phức tạp ngày nay. Chính kinh tế làm thay đổi mọi sự!
Theo chủ nghĩa Mác-Ănghen, lịch sử thế giới diễn biến theo nhịp kinh tế, từ đời sống hang hầm, đẽo đá, cho tới thời đại điện tử. Kinh tế chi phối tất cả, nó làm thay đổi cái thượng tầng cơ cấu. Cải cách Ruộng đất cũng trong đường lối diễn biến đó. Nó làm thay đổi bộ mặt xã hội, mà nền tảng là vật chất. Nó là duy vật nên không chấp nhận cái gì là thiêng liêng. Làm gì có Chúa, có thánh thần! Có cái gì là linh thiêng cao cả, có cái gì là ở trên, có cái gì là cái đáng kính đáng trọng, có cái gì cần nể nang, cần phải bảo tồn đâu! Chủ nghĩa duy vật mù quáng, chôn vùi mọi thứ xuống đất không chút thương tiếc.
Vì thế Cải cách Ruộng đất dựa vào chủ nghĩa duy vật, có thể đập phá lung tung, không phải kiêng nể bất cứ cái gì; phong trào được phát động đến mức con cái có thể đào mả bố, đấu tố sỉ nhục cha mẹ. San bằng tất cả những cái mà các chế độ, các thời đại trước đã tạo nên, để xây dựng một thượng tầng cơ sở mới, không biết nó sẽ là cái gì, vì vật chất thì mù quáng, làm gì có kim chỉ nam! Sống suy nghĩ theo Mác-Ănghen thì nó miên man và ảo tưởng đến thế!
Nhưng nông dân vô sản làm gì mà biết suy luận như vậy! Người ta bảo đánh thì đánh, đập phá thì đập phá. Rồi họ mãn nguyện với mảnh bằng, chứng thực. Họ được làm chủ mấy sào ruộng, để rồi ít lâu nữa sẽ rời những cái ghế chủ nhân ấy. Bây giờ họ chưa biết thế đâu!
Tấm bằng được trình bầy một cách rất lộng lẫy, khổ 60 x 40, có ghi những chữ lớn với nét đỏ thắm: Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất! Sau đó là kê khai những thửa ruộng được làm chủ. Cuối cùng lại hiện ra những dòng chữ viết khá lớn, để cho thấy nội dung cũng quan trọng. Toàn là những khẩu hiệu đã được ghi đó đây, được để ở cửa miệng để hô to. Ghi ở đây, chúng lại có ý nghĩa đặc biệt. Câu đầu là: “Tăng cường đoàn kết.
Đoàn kết ở đây, trong lúc này có ý nghĩa đặc biệt. Học thuyết Hegel, một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa Mácxít, chủ trương vạn vật hợp tan tan hợp (Thèse, Antithèse và Synthèse, Chính đề, Phản đề và Hợp đề). Xã hội chứa đầy những thực thể (Thèse), nhưng cũng luôn có những đối kháng (Antithèse) và do cuộc đấu tranh giữa những thực thể đối kháng nhau mà đi tới tổng hợp (Synthèse). Tổng hợp đây không có nghĩa là hợp những cái mâu thuẫn lại, nhưng là các mâu thuẫn loại trừ nhau, tạo nên một mặt bằng (Synthèse). Đó chính là điều mà bản Tuyên Ngôn của Mác nói đến khi mở đầu: “Hỡi các bạn vô sản toàn thế giới, hãy đoàn kết lại”.
Trong Cải cách Ruộng đất, giới vô sản, tức bần cố nông đứng sau Đảng, lật đổ không những giới chủ ruộng, mà còn cả những thực thể đối nghịch khác, để làm nên một mặt bằng gồm những người khố rách như nhau, để rồi trên đó sẽ có những người có cái khố lành hơn, cái áo sặc sỡ hơn, làm nẩy nở những mâu thuẫn khác (Antithèse). Đó chỉ là những cái mà giới chóp bu đưa vào để tìm nguồn động lực cho hoạt động của mình; còn dân chúng thì chỉ bị lái, mà nổi dậy một cách vô ý thức.
Sau cuộc đấu tranh mệt mỏi, được thưởng bằng một tờ giấy có ghi: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” là hể hả. Nhưng còn phải giữ cái thành quả đó bằng “tăng cường đoàn kết”, rồi “nâng cao cảnh giác”. Nâng cao cho đến lúc ruộng đất được đem đi dâng, còn lại mảnh bằng, có cất kỹ thì may ra lâu mới không mục vì nó bằng giấy. Nhưng cái gì con người tạo nên, nó cũng sẽ mau biến đi như thân phận con người.
Cải cách Ruộng đất chỉ là một công cụ mà Đảng Cộng sản nước nào cũng dùng để xây dựng và củng cố quyền bính. Nó là công cụ, nên chỉ là giai đoạn, vì chỉ được dùng vào một thời nào đó. Những cảnh rùng rợn nó gây nên, chẳng bao lâu người ta cũng nguôi đi, hoặc bị làm cho quên lãng.
Khoảng tháng 10 năm 1956, người ta mời tôi đi họp. Tại sao người ta lại mời tôi, họp về việc gì tôi cũng không nhớ! Kỳ cục thay, địa điểm họp lại chính là trường đào tạo cán bộ Cải cách Ruộng đất ở thị xã Phủ Lý. Một khu rộng rãi, gần nhà thờ, có mấy chục ngôi nhà lợp lá. Thị xã Phủ Lý lúc này do tiêu thổ kháng chiến đã bị hoang tàn, dân cư thưa thớt, nhà cửa lụp xụp. Có độ vài trăm người họp. Có điều khác thường, chắc trước đây không có: đó là có một ngôi nhà nguyện, trong đó sáng tối có tiếng đọc kinh râm ran. Người họp có đủ hạng, thành thị, nông thôn, đàn bà, đàn ông, người già, người trẻ… Các bà đọc kinh cầu nguyện tối sáng, có lẽ là các bà Bùi Chu. Cũng có mấy linh mục khác. Chúng tôi không gặp nhau, vì không muốn lợi dụng đi họp để gặp nhau. Chúng tôi không làm lễ dù người ta mời. Cũng không đến cái gọi là nhà nguyện bao giờ. Đi họp là đi họp, không làm lễ, và chúng tôi không mang áo dài thâm, để lấy cớ không có áo dài thâm thì không làm lễ. Họp ba ngày, ăn ngủ ở đó, phân chia từng tổ. Tổ bao gồm những người thuộc tỉnh mình, địa phương mình. Tổ của tôi gồm các nhân sĩ, bác sĩ, giáo sư, nghĩa là thành phần “thượng lưu”.
Không biết có nhiều phiên họp chung không, và họp về các đề tài gì? Chỉ biết chúng tôi ngồi với nhau tán chuyện suốt ngày. Rồi bữa ăn, bữa quà. Tối đến đi xem diễn kịch, hoặc Xinêma. Những giải trí đó tôi không đi bao giờ.
Họp sau khi Cải cách, giữa trường đã đào tạo Đội cải cách, mà không nói gì tới Cải cách. Không khen, không chê, không rút kinh nghiệm. Ở dưới mái nhà đã che nắng mưa cho những người được huấn luyện để đi gây rùng rợn, sợ hãi cho kẻ khác. Nằm trên những chiếc giường mà hôm nào đó, những người cán bộ Cải cách Ruộng đất đã có những đêm ngủ ngon, để rồi đi gieo đau thương vào tâm hồn và thể xác của hàng triệu dân lành.
Ấy thế mà không ai nói đến chuyện Cải cách. Những lúc ngồi tán gẫu với nhau, thường người đời chỉ lấy chuyện “bù khú” làm đầu. Nhưng chợt thấy tôi ở gần, họ liếc mắt nhau, rồi lảng sang chuyện khác, y như nói với nhau: “Ông cố đạo đấy, đừng làm rát tai ông ta, ông ta cười cho”. Có lần họ giở chuyện đạo với nhau, và tôi nghe được.
Chuyện ở miền Nam. Họ được thông tin đâu đó nói rằng: Toà Thánh đặt Đức Cha Nguyễn Văn Hiền ở Sài Gòn, còn Đức Cha Ngô Đình Thục, anh ông Diệm thì đưa về Huế, và họ khen Toà Thánh công bằng! Có ý muốn nói: Ông Thục là anh em với ông Diệm, lẽ thường ông Diệm muốn đặt người anh của mình ở thủ đô Sài Gòn, thế mà Toà Thánh lại không nghe, lại đặt ở Huế, không quan trọng bằng “thủ đô Sài Gòn”. Nghe thì biết vậy, chứ thực ra lúc này Hà Nội làm gì có những thông tin như thế, và tôi cũng không tham gia vào câu chuyện.
Họp sau ngày Cải cách, họp trong trường đào tạo cán bộ cải cách, mà không nói gì đến Cải cách, lại chỉ nói đến chuyện ở đâu. Y như người ta muốn quên đi những chuyện về Cải cách. Quên thật! Những ngày họp ở đây toàn là những ngày “chiêu đãi” để lấp liếm mọi chuyện. Được đi họp những buổi như thế này là vinh dự lắm, phải ở cấp nào, công tác làm sao mới được vinh dự đó. Không hiểu sao, tôi lại được cái vinh dự đó!
Đầu năm 1957, tôi thấy trong mình hơi yếu. Lợi dụng sau Cải cách, mọi cái dễ dàng, tôi xin lên Hà Nội một tháng để chữa bệnh. Chữa bệnh thì ít, ý định khác thì nhiều. Lúc này nhà nước cho ra cái phong trào “Người Công giáo yêu nước dưới danh hiệu Hội liên lạc những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hoà bình. Ở các nước Cộng sản khác, họ trắng trợn đưa ra cái thứ Hội yêu nước như thế để tách khỏi Vatican. Ở Việt Nam, miền Bắc còn phải “chiếu cố” miền Nam, nên không dám cho mình tự trị, nhưng cũng tìm cách đứng ngoài ảnh hưởng của Vatican.
Về phía Giáo quyền đã có những tuyên bố, chỉ thị, biện pháp, chống lại trào lưu này. Ngoài thông cáo thời danh của cha chính Antôn Đinh Lưu Nhân, Nam Định, về hội Liên lạc Công giáo đó, tôi cũng muốn đóng góp một phần nhỏ tích cực hơn. Tôi thu thập những bài nói về Hội Thánh, soạn thành một cuốn sách nhỏ, chỉ nói về vẻ đẹp của Hội Thánh, để cho thấy tách biệt khỏi Hội Thánh là tách biệt khỏi Chúa Kitô, tách biệt khỏi Chúa Kitô là tách biệt khỏi Thiên Chúa. Tôi đã soạn xong nhân dịp đi an dưỡng. Nhờ ông Tiệp lúc này chưa là ông Cố, mà chỉ là thư ký làm việc ở hiệu sách Thánh Maria, đánh máy giùm. Dĩ nhiên là ông đánh máy, trình bầy đẹp hơn tôi. Tôi đã hoàn thành và định nhờ máy ronêô của Nhà Chung. Máy này bỏ lâu không dùng được. Tôi xin một ít giấy của Nhà Chung đưa về Nam Định quay lấy. Tôi đưa về Nam Định quay ronêô với một đứa cháu của tôi, để công việc kín đáo hơn.
Nhắc lại chuyện đó để cho thấy sau Cải cách, vào thời kỳ sửa sai, việc đi lại dễ dàng. Việc xuất bản khó khăn, nhưng việc in ấn còn có thể kín đáo tiến hành. Nhưng nhất là cho thấy Giáo Hội Việt Nam còn phải đối phó gay go với một phong trào khác: “Hội Liên Lạc”, gay go, phức tạp, dai dẳng hơn là với Cải cách Ruộng đất.
Ví dụ: Do tình thế đi lại dễ dàng của thời kỳ sửa sai, vị Giám mục địa phận, Đức Cha Trịnh Như Khuê, đi đến cả những xứ thật xa, ở tỉnh Nam Định, như xứ An Lộc. Nơi đây cha xứ là cha Vũ Xuân Kỷ, Chủ tịch Hội Liên lạc Công giáo, hình như đi công tác, không có mặt. Trong lúc Đức Cha tiếp giáo dân đứng chật trong nhà, ngoài hiên, ngoài sân, mấy tên Công giáo tiến bộ, đứng đầu là tên Đượm, tên Đọc… cứ xô đẩy đám đông, để xông vào ý kiến với Đức Cha, đoạn xô đẩy Đức Cha đến chân tường, rồi ra hiên đằng sau, đến chân cầu thang. May nhờ cầu thang này mà Đức Cha lên gác thoát nạn!
Khi mọi người trở lại bình tĩnh, Đức Cha tuyên bố bãi xứ An Lộc và chuyển sang họ Vạn Điểm. Từ nay họ Vạn Điểm trong lịch Công giáo được in là xứ Vạn Điểm. Quyết định có vẻ vội vàng một chút. Song thấy cha xứ đứng đầu phong trào chống Giáo hội, giáo dân không biết bao nhiêu người lại có những cử chỉ quá khích, thì làm sao tránh khỏi kết luận như vậy. Xứ này không còn trung thành với Giáo Hội, nên bãi đi.
Kết luận khác không thể sai: Những cử chỉ quá khích của một số giáo dân An Lộc hôm đó đã được hình thành từ cách lộng hành, tàn bạo của Cải cách Ruộng đất.
Thành quả của Cải cách Ruộng đất
Mấy sào ruộng rồi sẽ đưa vào hợp tác xã để ông chủ lại đi cầy thuê. Cái bằng chứng nhận kia chỉ đem vứt vào sọt rác, vì nó chỉ còn là một tờ giấy vô giá trị. Cảnh người cầy có ruộng lại lên mây!
Cái bầu trời đã phác quang, cái mặt đất đã san phẳng lì, muốn dựng lên cái gì thì dựng. Với tính tàn khốc, tính quá khích, họ đã tạo nên bầu trời quang và mặt đất bằng. Tính tình man rợ đó đã in sâu trong lòng, không biết phải bao nhiêu thế hệ mới xoá nổi !
Trên tờ “Chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” có ghi cái khẩu hiệu để viết trên mặt bằng của Cải cách: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh”. Vẫn chưa thoả mãn? Đẹp thế mà! Thời kỳ Cải cách mọi cái thay đổi khá nhiều, theo hướng đi lên hay đi xuống không ai biết! Cả Đức Cha Khuê cũng có vẻ đổi thay. Ngài đi kinh lý xứ Nam Định. Tôi theo Ngài ra thăm Mặt trận Tổ Quốc. Thay đổi đấy! Ngồi đối diện với ông Chủ tịch Mặt trận, Ngài chúc sức khỏe ông Chủ tịch và các nhân viên. Để cập nhật hơn, Ngài bầy tỏ lòng yêu mến nước VN, cầu mong nước Việt Nam hạnh phúc.
Ông Chủ tịch bất cần nhã nhặn, phản ứng ngay: “Nói Việt Nam thôi không đủ. Phải nói là Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”. Tim Đức Cha không biết có bị nhói không, phần tôi thì sạm mặt lại. Chúng tôi ngần này tuổi đầu, học hành gì mà cái tên nước Việt Nam cũng không nói đúng!
Việt Nam dù là hoà bình, là thống nhất, là giầu mạnh hay gì đi nữa, cũng không đủ. Cải cách Ruộng đất không chỉ đi đến mục tiêu đó, nhưng là tới cùng đích: VN Xã hội Chủ nghĩa. Xã hội Chủ nghĩa là gì?
Như vậy ai cũng hiểu Cải cách Ruộng đất là sách lược cơ bản, không phải là cái gì tuỳ tiện. Những phương pháp tàn bạo cũng chẳng phải là cái gì vượt ra khỏi dự phòng. Cả những cái gọi là sai lầm cũng là giả tạo, để lấy cớ sửa sai.
Trước khi Cải cách, nhiều người hy vọng vinh quang đang đến với mình, có thể phấn khởi hô lên: “Cải cách muôn năm! Cải cách muôn năm!”. Sau này, dù có những tai tiếng đến đâu, những ai nhờ đó mà có chỗ ăn chỗ đứng, trong thâm tâm vẫn phải vang lên “Cải cách muôn năm”!!!
Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng – GM Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội
(Chúng tôi có biên tập lại. Người sưu tập)
Theo Việt Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét