6 tháng 4, 2014

Y tá chích nhầm thuốc cho trẻ sơ sinh, bạn tin không?


Mẹ Nấm - Bản tin đầu tiên tôi đọc trong ngày Cá tháng Tư là bản tin “Y tá đã tiêm nhầm thuốc cho ba trẻ sơ sinh”, liên quan đến vụ việc 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B tại bệnh viện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) vào hồi tháng 7/2013.

Vậy là sau hơn 7 tháng trời, “cơ quan điều tra Việt Nam – một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh” (2) đã khởi tố và bắt tạm giam nữ y tá Nguyễn Thị Thuận.

Trước hết cần nhắc lại nguyên nhân tử vong đầu tiên của cả ba cháu bé được đưa ra là “Sốc phản vệ”.

Và trong những diễn biến tiếp theo đó, ngày 25/10/2013 một số báo đưa tin nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B ngày 20/7/2013 tại BV Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị) là trong quá trình tiêm phòng bị cúp điện nên đã “lấy nhầm thuốc gây co bóp tử cung tiêm cho 3 cháu bé. Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xilanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra”. (3)

Bản tin trên báo Người Lao Động viết :

Về thông tin 3 trẻ tử vong do bị tiêm nhầm thuốc Oxytocin (thuốc có chức năng gây co hồi tử cung), thượng tá Lê Quang Công nói: “Báo lấy thông tin riêng từ đâu không rõ, chúng tôi không biết. Nếu rõ ràng là như thế thì chúng tôi đã khởi tố bị can, bắt giam bị can ngay chứ không phải kéo dài điều tra như thế này nữa”. Trước đó, vào ngày 10-10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án này để điều tra với tội danh “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”. 

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Hướng Hóa, cho biết đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì liên quan tới vụ 3 trẻ tử vong từ cơ quan điều tra. Về khả năng 3 trẻ tử vong do nhân viên y tế lấy nhầm thuốc Oxytocin, ông Thiện cho rằng: “Đúng là sáng hôm đó (20-7-2013) mất điện, trời có mưa giông nhưng không thể có chuyện nhân viên y tế lấy nhầm thuốc do trời tối. Tại BV chúng tôi, vắc-xin ngừa viêm gan B cho trẻ được bảo quản trong tủ lạnh còn thuốc Oxytocin được bảo quản bình thường chứ không bỏ trong tủ lạnh, để cách xa nhau. Hai loại thuốc này có hình dạng khác nhau và đều do y tá Nguyễn Thị Thuận lấy ra tiêm cho các cháu”. (4)

Nữ y tá Nguyễn Thị Thuận đã trở lại làm việc sau khi bị đình chỉ công tác tới 6 tháng để phục vụ điều tra mà công an không đưa ra được bằng chứng để khởi tố, nay đã bị bắt giam vì “thay vì tiêm văcxin thì đã tiêm nhầm một thuốc khác cho ba trẻ sơ sinh, gây tử vong. Loại thuốc này có yếu tố độc và chất gây mê.”

“Tại nhà của y tá Thuận, cơ quan công an cũng đã thực hiện lệnh khám xét nhà và thu giữ nhiều tài sản, 2 sổ tiết kiệm của bà Thuận.” (5)

Câu hỏi đặt ra: “ Nếu tiêm y tá tiêm nhầm thuốc tại sao phải đợi đến hơn 7 tháng trời cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới mới đưa ra kết luận một cách dè dặt và kín tiếng sau tuyên bố kết luận tử vong vì “sốc phản vệ” đầu tiên?”

"Sốc phản vệ" - Choáng phản vệ (CPV) là một tình trạng dị ứng nặng nề ở mức độ toàn thân và đe doạ tính mạng. Thường xảy ra trong vòng vài giây cho đến vài phút sau khi cơ thể tiếp xúc với một chất gây dị ứng hay dị nguyên. Các triệu chứng điển hình của CPV thường là co thắt khí phế quản gây tím tái, suy hô hấp, ngừng tim, loạn nhịp, tổn thương nhiều nội tạng… và tất yếu sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng, nếu không được chẩn đoán kịp thời. (6)

Kết luận nặng ký này có từ kết quả khám nghiệm tử thi do chính công an đưa ra. 

Đây là điểm cần chú ý để có câu trả lời vì sao cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới phải đợi đến hơn 7 tháng mới bắt tạm giam nữ y tá vì tiêm nhầm thuốc.

Chúng ta vẫn bàn nhiều về y đức, chúng ta phẫn nộ và sục sôi mỗi ngày với các bản tin sức khoẻ cộng đồng và chúng ta im lặng với kết luận điều tra trên??

Điều đó nghĩa là gì?

Nghĩa là chúng ta mặc nhiên chấp nhận sự vô lý hiển nhiên mà không phản kháng.

Nghĩa là chúng ta chấp nhận việc tiếp tục sử dụng những loại vaccine chết người cho thế hệ tương lai.

Y đức nằm ở đâu nếu những đồng nghiệp của nữ y tá Nguyễn Thị Thuận im lặng phó mặc số phận của chị sau hơn 7 tháng điều tra mà không đưa ra được bằng chứng?

Cộng đồng mạng xã hội Facebook sục sôi sau khi đòi bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải từ chức sau hàng loạt bê bối của ngành Y bị phanh phui liệu có tin vào kết luận điều tra của cơ quan công an hay không?

Và cả những bạn đã bị cơ quan công an mời lên làm việc vì đã tham gia ký tên vào thư yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức đến giờ đã có câu trả lời chính thức cho câu hỏi “Liệu có hay không việc người đứng đầu ngành Y sẽ chịu trách nhiệm về những bê bối?”

Đổ tội cho nữ y tá Nguyễn Thị Thuận liệu có gỡ được sai phạm của Bộ Y tế hay không?

Họ đang bảo vệ cái gì, nếu không phải là lợi ích của nhóm lợi ích liên quan đến việc nhập vaccine và thuốc?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét