Chuyện Một Con Tàu
Cầm trong tay tờ đơn gia nhập hội Cựu Quân Nhân, đọc dần xuống cuối trang, người lính ngày xưa ấy nhìn thấy hàng chữ ghi đơn vị cuối cùng. Anh cảm thấy thời gian như lắng đọng, tâm hồn sống trở lại hồi hai mươi mấy năm về trước. Cầm bút, anh viết một hàng chữ thật nắn nót: “Khu Trục Hạm Trần khánh Dư HQ-4.” Lòng anh thêm nhớ thương dào dạt: nhớ kỷ niệm, thương con tàu…
Trước khi về phục vụ cho Hải Quân Việt Nam, chiếc Khu Trục Hạm đó đã vang lừng tên tuổi. USS Forster-DER 334- ra đời vào năm 1943 để đáp ứng nhu cầu của Hải Quân Hoa Kỳ trong Thế Chiến Thứ Hai. Con tàu mang nhiệm vụ chính của một chiến hạm hộ tống đặc trách phòng không và tiêu diệt tiềm thủy đỉnh. Mang tên một Sĩ Quan Hải Quân Mỹ đã anh dũng hy sinh lúc khởi đầu cuộc chiến, Khu Trục Hạm này được kiến trúc, trang bị và rồi hạ thủy vội vã tại xưởng đóng tàu Consolidated Steel Corporation ở Orange, Taxas, vào ngày 13 tháng 11 năm 1943. Ngay lần ra khơi đầu tiên, khi bảo vệ đoàn thương thuyền vượt Đại Tây Dương sang Anh Quốc, con kình ngư sơ sanh, thiếu tháng, mẹ chưa dậy đủ kỹ thuật săn mồi này hạ ngay một hơi 2 khu trục cơ Đức Quốc Xã và bắn hư hại nặng nhiều chiếc khác. Đến ngày D-Day, 6 tháng 6 năm 1944, vào lúc quân Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, chiến hạm đã hoàn tất mỹ mãn nhiều công tác hành quân giúp cho việc tiếp vận từ Hoa Kỳ sang Âu Châu được điều hòa.
Chiến tranh Đại Tây Dương chấm dứt, sau khi được tuyên dương công trạng trước Hải Quân, chiếc USS Forster được chuyển đổi qua mặt trận Thái Bình Dương. Thế Chiến Thứ Hai kết liễu, con tàu trở thành một đài thăm dò khí tượng lưu động liên tiếp trong nhiều năm.
Vào đầu thập niên 1950, tình hình đột nhiên căng thẳng giữa Mỹ và Nga, có đôi lần đã tưởng xẩy ra đại chiến, con tàu được gọi về, vào ngay Hải Quân Công Xưởng để cải biến và tối tân hóa thành loại Khu Trục Hạm Tiền Thám D.E.R. (Destroyer Escort Radar) với những dụng cụ điện tử đắt tiền nhất thời bấy giờ; chiến hạm được trang bị đầy đủ cả ba hệ thống “mắt thần” về hải thám, không thám và tiền thám.
Để có đủ chỗ cho 12 phòng liên hệ về điện tử, điện toán và kiểm pháo, hình dạng con tàu cần phải biến đổi. Phần thượng tầng kiến trúc được nối thêm bằng hợp kim nhôm; hai cột radar vĩ đại mầu đen có ba chân chống được dựng lên sừng sững ở sân giữa. Trung tâm chiến báo C.I.C. (Combat Information Center) mở rộng ra hết cả chiều ngang con tàu. Hai Radar, SPS-8 (Surface Search) và TACAN (Tactical Aircraft Navigation) được thiết trí với những giàn dây trời khổng lồ vần vũ trên đài chỉ huy và một hệ thống antenna “beehive” góc cạnh chẻ ba ở sân thượng phía sau. Trong vòng 10 năm, tới 1965: chiến hạm tham dự vào hệ thống báo động tiền phương DEW line (Distant Early Warning). Là một thành phần căn bản vùng Bắc Thái Bình Dương, Khu Trục Hạm Forster có nhiệm vụ phát hiện đầu tiên về những cuộc tấn công bằng phi cơ và hỏa tiễn của Cộng Sản vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhật ký chiến hạm ghi nhận các công tác được thi hành mỹ mãn và đặc biệt đã được tuyển chọn làm đơn vị gương mẫu của Hải Quân Hoa Kỳ. Đài chỉ huy của Khu Trục Hạm lúc đó mang đầy huy chương và dấu hiệu Ưu Hạng E (Exellent).
Chiến hạm được chuyển giao qua Hải Quân Việt Nam vào cuối năm 1971 tại Hải Xưởng Guam. Khu Trục Hạm mang chiến số HQ-4 và danh hiệu một trong Ngũ Hổ Tướng đời Trần: Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Thủy thủ đoàn lúc đầu được chọn lọc và trang bị đầy đủ cấp số, trong đó có cả một Y sĩ Hải Quân.
What ship??? – Tàu nào???
Khu Trục Hạm này là một niềm hãnh diện của cả Hải Quân Việt Nam, thời ấy chiếc chiến hạm chủ lực đầu tiên và độc nhất có vận tốc hơn 20 gút. Từ đó trên biển Đông, khi nước và gió thuận chiều, dưới bảng quốc kỳ Việt Nam phất phới tung bay, con tàu tuần tiễu di hành có khi tới 24 hải lý một giờ.
Người đi biển thường tin rằng những con tàu có linh hồn. Mỗi chuyến ra khơi, thủy thủ đoàn hay nhận được nhiều điềm lành ứng báo trước cho những chiến công sắp tới, đôi lần ngay khi toàn thể thủy thủ đoàn trang trọng xếp hàng ngay ngắn chào tiễn biệt quân cảng ra khơi. Có người còn kể chuyện là đã được biết trước, quả quyết với đồng đội đi về tốt đẹp của chuyến đi. Người lính thủy nào trên Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư cũng đều hay những sự linh thiêng hiển hiện đó.
Chỉ ít tháng sau khi nhận lãnh, trong lúc đang tuần dương tại vùng biển cực Bắc, Khu Trục Hạm được lệnh vượt hàng ngàn cây số đường biển hỏa tốc xuôi Nam, săn đuổi và tiêu diệt tàu địch trong vùng vịnh Thái Lan. Đại dương nổi sóng, chiến hạm địch tuy có ngụy trang nhưng cũng vẫn bị phát hiện và bị bắn chìm xuống lòng biển sâu, mang theo nhiều ngàn vũ khí các loại. Thủy thủ đoàn địch bị chết, bị bắt sống nhiều tên, trong đó có cả sĩ quan Hải Quân cao cấp Cộng Sản. Chiến hạm được tuyên dương công trạng trước quân đội.
Kỹ thuật tốt, vận tốc nhanh, khả năng thám sát và tác chiến cao, chiến hạm không hề vắng mặt mỗi khi nhu cầu quốc phòng kêu gọi tới. Đánh giặc đã hay mà bắt cướp, diệt buôn lậu cũng tài. Qua 4 năm vùng vẫy trên biển Đông, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 còn nổi danh vì hai lần bắt tàu ngoại quốc buôn lậu chuyên chở bạch phiến và thuốc phiện, tịch thu hàng chục tấn ma túy. Thành tích này có tính cách quốc tế và là một kỷ lục khó bị phá vỡ.
Trong những năm cuối cùng của cuộc chiến, tình trạng tiếp vận yếu kém tuy có làm sút giảm khả năng chiến hạm đôi chút nhưng tinh thần người lính biển lúc nào cũng vẫn cao. Khi các đơn vị pháo binh bắt đầu bị hạn chế đạn dược thì quân bạn đi hành quân vùng duyên hải cần sự tăng cường về yểm trợ hải pháo. Thủy thủ đoàn HQ-4 nhiều khi thức trắng đêm, tác xạ hàng ngàn trái đạn lên đầu địch quân. Hai cỗ đại pháo do đó bị soi mòn nhiều, thường phải thay nòng súng luôn luôn.
Rồi đầu năm 1974, nghe nơi vùng Đông Hải chứa nhiều dầu, Trung Cộng bèn âm mưu xâm chiến quần đảo Hoàng Sa. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư lại ra khơi mang theo chuyến hải hành nỗi căm hờn của toàn dân Việt trong việc bảo vệ hải biên. Biển Đông nổi sóng cuồng loạn vì hải chiến. Phía địch, hai Hộ Tống Hạm bị chìm tại chỗ, hai chiếc khác hư hại nặng. Tuy vậy, lực lượng trú phòng của ta trên bờ không đủ tiếp viện, lại thiếu không trợ nên các hải đảo bị quân Trung Cộng tràn ngập.
Trong khi thành bại của chiến dịch là do chiến lược, chiến thuật đem áp dụng bởi những vị tư lệnh cao cấp thì vinh dự của một đơn vị tham dự là do thành quả tốt đẹp đã đạt được ngoài chiến trường so với khả năng tác chiến. Dù sao người lính thủy của Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 cũng vẫn thường kể rằng gần 200 năm sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, lần đầu tiên họ đã đại diện cho Việt Nam đánh nhau chống kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Còn nói tới hải chiến, đây là lần thứ nhất Nam quân tác chiến ngoài đại dương.
Sau 3 năm mang nặng tinh thần phục vụ Tổ Quốc, HQ-4 được tuyên dương công trạng hai lần trước quân đội; thủy thủ đoàn hãnh diện mang dây biểu chương mầu Anh Dũng Bội Tinh. Hai đồng chính phủ cũng ghi công chiến hạm bằng một huy chương Tài Chánh Bội Tinh. Thật chưa bao giờ trong Quân Chủng có một đơn vị nào được vinh dự hơn!
Bình thường, chiến hạm được nghỉ bến sau hai năm hải hành để về sửa chữa đại kỳ, nhưng vì nhu cầu chiến trường đòi hỏi, con tàu vẫn tiếp tục công tác cho tới đầu năm 1975. Mùa Xuân năm ấy khi quân địch tràn vào, HQ-4 đang nằm trong Hải Quân Công Xưởng, tất cả máy móc, vũ khí bị tháo gỡ toàn diện để tu trang. Con tàu tuy được vội vã ráp nối nhưng không còn kịp để ra khơi. Số mệnh đã an bài, những ngày oai hùng của Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư nay đành chấm dứt!
Người viết theo đoàn người ly hương, trở thành kẻ tị nạn lang thang nơi xứ lạ quê người. Bẵng đi hai, ba năm, tuy có nhớ về đơn vị cũ, anh chỉ mong sao cho con tàu không trở thành một phương tiện chiến tranh phục vụ kẻ thù. Niềm ao ước thành sự thực và được chứng minh một cách tình cờ vào một ngày đẹp trời nơi xứ Gia Nã Đại. Gia đình đưa anh coi một tờ báo trong đó Cộng Sản Việt Nam cho in hình chiến hạm cũ của anh làm phương tiện tuyên truyền. Xem kỹ tấm ảnh, lòng anh xiết bao thanh thản. Với con mắt của một người thủy thủ già, bỏ qua những lớp sơn phết giả tạo mà kẻ thù đã giả trang cho chiến hạm, anh biết rằng con tàu thân yêu của anh vẫn còn tiếp tục nằm bến. Khu Trục Hạm ngày đó, nay thiếu hẳn hệ thống Radar hải pháo, lại mất nhiều giây trời truyền tin điện tử; đến cả những gạt nước trên đài chỉ huy và máy đo gió cũng không còn hoạt động. Với tình trạng ấy, chiến hạm nhất định chưa bao giờ ra khơi.
Việt Cộng xâm lăng xứ Cambodge, nỗ lực chận bắt người vượt biển tìm tự do nhưng chiếc tàu ấy vẫn chưa một lần nhúng tay vào tội ác! Các ấn bản của Jane’s Fighting Ships liên tiếp trong nhiều năm cũng xác nhận là những chiến hạm, chiến đỉnh Hải Quân VNCH ngày ấy bị bỏ lại đến nay vẫn còn chạy, chỉ riêng có Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư là bất khiển dụng vì Cộng Sản không thể sửa chữa được. Phải có một sự linh thiêng nào giúp cho con tàu, sau hơn 30 năm tung hoành hiên ngang khắp mặt đại dương mà ngày nay nằm trong tay địch cũng như Từ Thứ đã về Tào nhưng suốt đời không phù ngụy nghĩa.
Nói về chiến hạm nào, người ta hay kể tới các Hạm Trưởng của con tàu ấy. Nhiều vị Đô Đốc, Đại tá Hải Quân Hoa Kỳ xuất thân từ USS Forster. Các vị chỉ huy Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư tuy không được may mắn nhiều như vậy nhưng vẫn có nhiều điều đáng nói.
Từ xưa, số phận Hạm Trưởng và chiến hạm thường liên hệ với nhau. Vị Hạm Trưởng đầu tiên nhận lãnh tàu tượng trưng cho cái oai phong lẫm liệt của Phó Đô Tướng Quân Trần Khánh Dư lúc kháng Nguyên. Sau chiến công thủy táng tàu địch, Ông là vị Hạm Trưởng đầu tiên của Hải Quân VNCH mang cấp bậc đại tá thực thụ và cũng là vị sĩ quan trẻ nhất trong cấp bậc này. Thật là điều hãn hữu khi chỉ huy trưởng của Hải Đội còn thua ông một “vạch vàng” và Tư Lệnh Hạm Đội cũng chỉ đồng cấp với ông mà thôi. Cũng kể từ đó, Hạm Trưởng các chiến hạm chủ lực thuộc Hạm Đội của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa mới bắt đầu được mang cấp bậc Đại Tá (captain) cho tương xứng với chức vụ, bảng cấp số và cũng là đúng với tuyền thống Hải Quân quốc tế.
Trời đất cũng ganh ghét kẻ anh tài. Ông phải rời tàu vì nhuốm bạo bệnh sau đó ít tháng thì từ trần. Khi người viết thuyên chuyển xuống phục vụ chiến hạm một năm sau, cái hùng khí của Ông còn lẩn khuất đâu đây. Đôi khi thủy thủ đoàn như mường tượng thấy Ông đang đứng trên đài chỉ huy dẫn một chiến hạm vượt ngàn hải lý rượt đuổi quân thù. Vết chân Ông còn như in dấu cạnh la-bàn tả hạm nơi Ông kiên quyết ra lệnh tác xạ tiêu diệt tàu địch.
Vị Hạm Trưởng kế nhiệm mang hình ảnh sảng khoái nhưng uy nhiệm của tướng lãnh đời nhà Trần lúc nhập tiệc khao quân chiến thắng khôi phục Thăng Long. Ông có vẻ mặt vừa khoan hòa vừa cương quyết như khi người xưa đang tập trung nghị lực để chờ giờ quyết định tử chiến với quân thù tại ngoài khơi Vân Đồn. Trong giai đoạn tương đối ít sôi động này, Ông được ghi nhận nhiều công lao yểm trợ đắc lực cho quân bạn suốt “mùa hè đỏ lửa” và tham dự một lần chận bắt ghe tàu buôn lậu quốc tế.
Gần hai năm cuối cùng, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan trẻ tuổi. Để khuyến khích sĩ quan và đoàn viên noi gương vị anh hùng mà chiến hạm mang danh hiệu, ông thường đọc tiểu sử Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư và đặc biệt khuyến cáo nhân viên thuộc lòng bài thơ “Bán Than.”
Chiến trận sôi động khắp toàn quốc, con tàu có nhiều dịp vùng vẫy khắp biển Đông cũng như trong vịnh Thái Lan. Cộng Sản mở nhiều đợt tấn công, chiến hạm như một pháo đài lưu động vừa tuần dương vừa yểm trở quân bạn trên bờ. Hết diệt loạn trong nước lại đến chống giặc ngoại xâm. Nhớ khi xưa Trần Khánh Dư dẹp Mông Cổ, HQ-4 được phái ra Hoàng Sa giữ nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch trong giai đoạn đầu, sau đó dẫn đạo một hải đi khi hải chiến.
Như “Bán Than” là bài thơ nôm đầu tiên, Hạm Trưởng đời thứ ba của Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư cũng hãnh diện là người sĩ quan đầu tiên của Hạm Ðội được vinh dự mang đầy đủ một hàng huy chương đặc biệt trên ngực áo bên phải vì các đơn vị ông phục vụ và chỉ huy được tuyên dương công trạng tập thể nhiều lần.
Một lời thốt ra có thể vận vào với số phận. Không ai biết ngày xưa Trần Khánh Dư vì lỗi lầm gì mà phải đi bán than. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư dù “nghĩ mình lem luốc” nhưng một lòng vẫn nguyện “ở với khói hương cho vẹn kiếp” và “xem sắt đá có bền gan?” … Người bán than Trần Khánh Dư, sau cơn thử thách chờ đợi tại Chí Linh, lại xuất hiện để đi làm lịch sử. Linh hồn Khu Trục Hạm HQ-4 chắc vẫn mong mỏi một ngày nào gió thuận nước xuôi, lại uy dũng ra khơi vẫy vùng cho thỏa sức mà phục vụ Lý Tưởng Quốc Gia.
Chiến hạm thân yêu ơi, đừng buồn nhé! Hãy can đảm lên, nhẫn nhục chờ thời để rồi lại hiên ngang tiến tới. Nhớ xưa Trần Khánh Dư đã từng một thời vinh hiển làm hầu tước mà số phận đổi dời, phải nhận nghiệp bán than. Sau đó từ một thân bại tướng, ông vẫn kiên tâm quyết chiến, lật ngược cả thời cuộc trong trận đại thắng Vân Đồn…
Ngày mai kia, quân thù Cộng sản rồi cũng sẽ bị diệt vong, ngươi lại ra khơi tạo lại danh xưa. Người viết, một thời sát cánh cùng người, tuy mỗi tuổi mỗi già, vẫn bền tâm chờ đợi…
Vũ Hữu San
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét