14 tháng 8, 2013

Nghị định mới về Internet


Ai sợ ông Ba Bị?

Nghị định 72 về việc quản lý Internet mà chế độ Hà Nội công bố vào ngày 30 tháng 7 đã dấy lên một làn sóng phẩn nộ. Người phát ngôn của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) gọi nghị định này là “nỗ lực mới nhất của Việt Nam để... ngăn chặn tất cả các hình thức phê bình trên mạng”. Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) tuyên bố “Chẳng gì kém hơn là cuộc tấn công khắc nghiệt nhất đối với quyền tự do thông tin từ... năm 2011″. Còn Đại sứ quán Hoa Kỳ thì bày tỏ “quan ngại sâu sắc”. Và tờ Washington Post cho là “một đáy vực mới”. 

Sự chú ý đã tập trung vào một vài dòng trong Điều 20 của Nghị định này, cấm các blogger hay những người đăng bài lên Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác không được “cung cấp thông tin tổng hợp”. 

Vấn đề là, đây có lẽ không phải những gì chính quyền Việt Nam muốn nhắm tới, và thậm chí nếu họ muốn như thế thì việc ngăn chặn các công dân hiểu biết về Internet không được đăng lại hoặc đặt đường dẫn tới các bản tin gần như vượt quá khả năng của họ. 
Không dễ dập tắt
Người nước ngoài có xu hướng chấp nhận các bài báo về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như chúng xuất hiện và đánh giá chúng ngoài bối cảnh. Điều đó không đáng ngạc nhiên. Nỗ lực dai dẳng của Hà Nội trong việc trừng phạt các blogger vì “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” (Điều 88 Bộ luật hình sự), “thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79) hoặc “lạm dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 258) đã làm những nhà ủng hộ nhân quyền nước ngoài giả định điều tồi tệ nhất về động cơ và phương pháp. 

Lần này không đơn giản như vậy. Từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã cố tìm mọi cách để làm cho các nguyên lý của chế độ Cộng sản, một học thuyết về “pháp luật xã hội chủ nghĩa” dựa trên mô hình nước Nga Leninist, sao cho thích ứng với nhu cầu hoà nhập thành công vào một hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu. 

Các nhà cải cách lập luận rằng đã đến lúc phải loại bỏ quan điểm cho rằng mọi quyền được hưởng phải điều kiện hóa bằng các nghĩa vụ tương ứng, ví dụ, công dân không thể thực hiện quyền phát biểu hay xuất bản một cách tự do, được thờ cúng như mình muốn hoặc kết nhóm với bạn bè cùng chí hướng nếu hoạt động đó “xâm phạm lợi ích của nhà nước”. Những người bảo thủ của chế độ nghĩ rằng đó là một ý tưởng khó có thể nghĩ tới. Họ e rằng bị trượt xuống một con dốc trơn, một con dốc có khả năng dẫn đến việc lật đổ vai trò của Đảng Cộng sản là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. 

Việc tìm kiếm một kiểu “nhà nước xã hội chủ nghĩa pháp trị” dẫn đến một sự rối rắm về lập pháp do cố tìm cách gắn các nguyên tắc và quy luật vốn chỉ thích hợp với một nền kinh tế đang phát triển và một thế giới quan rộng mở vào những gì còn sót lại của hệ tư tưởng Mác-Lênin. Khó có một ví dụ nào về tình trạng lộn xộn này tốt hơn Nghị định 72 của Thủ tướng về quản lý internet với 46 điều, 21 trang đã và đang bị truyền thông phương Tây thẳng thừng lên án. 

Không có nhiều nội dung mới trong Nghị định 72. Hầu hết nó chỉ gói ghém lại một chỉ thị ra năm 2008 (Thông thư 07/2008/TB-BTTT). Chỉ thị này tìm cách mở rộng các nguyên tắc quản lý phương tiện truyền thông công cộng vào một hiện tượng mới, hệ Internet có tương tác và sự gia tăng của các phương tiện truyền thông xã hội. 

Hãy lấy điều 5 của Nghị định này làm ví dụ. Một số lớn các nhà bình luận phương Tây đều chỉ trích gần như nhau về các cấm đoán “mơ hồ đáng báo động” và “lạnh lùng” trong điều này đối với việc sử dụng internet để chống lại nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; tiết lộ bí mật nhà nước, vu khống, hoặc xuất bản các tài liệu đồi trụy, khiêu dâm. Đó là những nội dung chuẩn trong luật quản lý phương tiện truyền thông của Việt Nam, nâng lên trực tiếp từ Hiến pháp 1992. Đối với các blogger bất đồng chính kiến, nó gần như rơi vào loại “tiếng ồn hậu cảnh”. 

Các mục dài của nghị định thiết lập các khuôn khổ pháp lý để quản lý các dịch vụ Internet di động mà năm 2008 chưa từng có, và mở rộng các hạn chế cho các trò chơi điện tử. Các quy định về internet di động có tính kỹ thuật và là chuyện thường ngày. Đối với trò chơi trên mạng, chúng như cơn dịch ở Việt Nam, nỗi chán ngán của hàng triệu bậc cha mẹ, và ít nhất cũng kháng lại sự kiểm soát nhà nước như việc viết blog trên mạng. 

Có hai, hoặc có lẽ ba yếu tố thực sự mới và có vấn đề trong Nghị định 72. 

Thứ nhất, chế độ tìm cách phân loại “các trang thông tin điện tử”. Đó là mục đã làm dấy lên sự tranh cãi gay gắt về những gì có thể hoặc không thể đăng hợp pháp trên một blog hay Facebook. Nghị định 72 định nghĩa “trang thông tin điện tử tổng hợp” là “trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó”. Đối lại, nghị định nêu rằng “trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”. 

Sau khi RSF khai hoả chỉ trích đoạn này như một nỗ lực của Hà Nội cấm những người đăng bài trên các blog hoặc mạng xã hội không được chia sẻ thông tin sao chép từ các nguồn tin, các nhà phê bình phương Tây khác đã nhảy vào cuộc. Phải mất vài ngày để các quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lời thanh minh “‘Chúng tôi không bao giờ cấm mọi người chia sẻ thông tin hoặc liên kết tin tức từ các trang web. Nó đã hoàn toàn bị hiểu lầm’, bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin trực tuyến của Bộ, nói với Reuters. ‘Đây là một nghị định bình thường nó không đi ngược lại với bất kỳ cam kết nhân quyền nào’.” Sự khác biệt chủ yếu giữa “trang thông tin điện tử tổng hợp” và “các trang cá nhân” có vẻ là ở nghĩa vụ của trang tổng hợp, nếu đăng ký tại Việt Nam thì phải cung cấp dữ liệu về người sử dụng theo yêu cầu của chính phủ. Điều này dẫn đến cái mới thứ hai. Hà Nội muốn các công ty cung cấp dịch vụ internet phải định vị ít nhất là một máy chủ tại Việt Nam và cung cấp dữ liệu về người sử dụng theo yêu cầu của nhà chức trách. Các nhà cung cấp quốc tế lớn như Google, Yahoo, Facebook và eBay - hợp thành Liên minh Internet châu Á - có vẻ không hợp tác với quy định này, cho rằng nó “sẽ bóp nghẹt sự đổi mới”. Hay cũng không cần có họ hợp tác trong khi hơn 30 triệu người Việt sử dụng internet có thể truy cập các máy chủ ở nước ngoài chỉ đơn giản bằng cách điều chỉnh các thiết lập DSL trên máy tính của họ. 

Ý tưởng mới thứ ba, theo Bộ Thông tin và Truyền thông là động cơ chính để sửa đổi các quy định quản lý internet, là Việt Nam cần phải thắt chặt việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Trên nguyên tắc, Bộ hoàn toàn đúng: các nhà xuất bản Việt Nam trực tuyến và không trực tuyến đều chẳng ngại ngùng in lại bất cứ điều gì đúng yêu cầu của họ bất kể đó là nội dung ở trong hay ngoài nước, đôi khi có sự chấp nhận nhưng thường là không. Đó là một thực tế hút hầu hết các lợi nhuận ra khỏi sự sáng tạo. 

Tương lai không xa là thoả thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), “hiệp định thương mại thế kỷ 21″ mà Hoa Kỳ đang cổ vũ. Hà Nội hết sức muốn tham gia hiệp ước này, nhưng một phần của điều kiện gia nhập lại là cam kết tin cậy về bảo vệ sở hữu trí tuệ các đối tác khác. Đó là một đòi hỏi rất cao. Đặc biệt trong lĩnh vực trên mạng, chính quyền Việt Nam không có khả năng kiểm soát liệu việc trích dẫn có đầy đủ và chính xác hay không, chưa nói tới việc không tôn trọng bản quyền. Đó là vùng đất chưa khai phá (terra incognita) đối với các tòa án Việt Nam. 

Khi máy chủ ở nước ngoài, Hà Nội có rất ít đòn bẩy để buộc “người tổng hợp thông tin” hoặc các blogger trên Facebook ngưng việc gom vào và đăng tải lại những câu chuyện thú vị, bất kể có nguồn ở báo New York Times hoặc trên một tờ báo địa phương ở Việt Nam. 

Nhiều yêu cầu khác được quy định trong Nghị định mới cũng gặp những khó khăn như thế, không ít hơn so với thông tư năm 2008. Đó là một vấn đề phổ biến với các luật lệ, chỉ thị của Việt Nam: chúng có xu hướng là các phát biểu về nguyên tắc nên nói chung là không thể thi hành được. 

Sau khi thông tư năm 2008 được ban hành, các blog hàng đầu của Việt Nam đã chuyển ra nước ngoài. Hiện nay phần lớn chúng đều do WordPress hoặc Blogspot làm chủ cung cấp dịch vụ. Mặc dù vẫn còn có thể bị hack cài mã độc hại, các blog này nằm ngoài tầm với của luật pháp Việt Nam nhưng lại ngay trong tầm tay của độc giả Việt Nam. Vì Facebook hay Google, cũng đều ở ngoài nước và hầu như miễn nhiễm với các biện pháp trừng phạt của Hà Nội, cho nên những trói buộc chính thức về nội dung mà người sử dụng có thể đăng tải thậm chí còn ít đáng ngại hơn. 

Vì vậy, cuối cùng, giống như rất nhiều luật lệ và nghị định của Việt Nam, các quy định gây tranh cãi của Nghị định 72 dường như chủ yếu chỉ có tính khích lệ, thúc đẩy bởi ý thức hệ và khó có thể thực thi một cách có hệ thống. 

Theo đúng trình tự, một thông tư khác sẽ quy định các mức tiền phạt có thể được áp dụng đối với những hành vi vi phạm Nghị định mới này. Tuy nhiên, nếu quá khứ là tiền lệ, Nghị định 72 sẽ không tạo ra nhiều khác biệt cho lắm. Hà Nội có rất nhiều hình phạt rời mà họ có thể ban phát cho các blogger bất đồng chính kiến tùy họ chọn. Thường thì họ lách xuống chẳng hạn truy tố qua vu cáo tội trốn thuế khi không muốn triển khai vũ khí nặng. Theo số liệu của RSF, vì lý do nào đó, chính phủ đã đưa 35 nhà phê bình trên mạng vào tù trong năm nay. Điều đó giải thích tại sao nghị định mới tương đối ít báo động trong thế giới blog ở Việt Nam; ít nhất có vẻ nó không đe dọa hơn những thứ vũ khí đàn áp tư tưởng của Hà Nội từng có từ trước tới nay.


Bản tiếng Việt:

Chia sẻ bài viết:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét