Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói sẽ tiến hành cưỡng chế để trưng dụng đất ở làng Trịnh Nguyễn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Những người chống đối việc trưng dụng đất cũng cương quyết chống lại.
Cưỡng chế...
Ngày 13 tháng 8/2013, báo Bắc Ninh online có đăng bài về việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại làng Trịnh Nguyễn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dự án đã bắt đầu được tiến hành cách đây hai năm nhưng không thực hiện đựơc do dân làng Trịnh Nguyễn chống lại dự án với lý do là nhà máy đặt tại cánh đồng Lỗ Vó-Dạ Cá là quá gần khu dân cư, nhà máy sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của dân làng và con cháu họ.
Cơ quan công quyền đã dùng sức mạnh để cưỡng chế, nhưng dân làng đã chống lại rất mạnh mẽ và lực lượng công quyền đã rút lui.
Bài viết trên báo Bắc Ninh ngày 13/8 cho hay Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã họp dưới sự chỉ đạo của vị chủ tịch là ông Nguyễn Nhân Chiến về việc thúc đẩy tiến độ dự án này. Ông Chiến được trích lời, nói rằng:
Nếu trong thời gian tới các hộ dân vẫn tiếp tục không nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tiến hành cưỡng chế.
Theo báo Bắc Ninh thì việc chọn lựa địa điểm xây nhà máy ở cánh đồng Lỗ Vó là tối ưu, tuy nhiên báo này lại không đề cập gì đến lo ngại của người dân về vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
Người dân làng Trịnh Nguyễn đã đề nghị dời nhà máy đi xa hơn đến cánh đồng Khô, nhưng bên phía chính quyền cho đến nay vẫn không có ý kiến về đề nghị đó. Mặt khác vừa qua chính quyền có thông báo về việc xây một làng nghề ở cánh đồng Khô. Theo người dân thì chuyện đó là chỉ để lấy cớ không chuyển được nhà máy ra cánh đồng Khô mà thôi.
Nếu trong thời gian tới các hộ dân vẫn tiếp tục không nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tiến hành cưỡng chế.
- Ông Nguyễn Nhân Chiến
Để giải thích với người dân, theo báo Bắc Ninh,
Hội đồng GPMB thị xã phối hợp với Đảng ủy, UBND phường Châu Khê tổ chức 02 buổi họp với toàn thể đảng viên khu phố Trịnh Nguyễn; 02 buổi họp với các hộ dân có đất bị thu hồi để tuyên truyền chủ trương thu hồi đất và giải thích các chế độ chính sách của Nhà nước về công tác đền bù GPMB.
Trước những vướng mắc của người dân, UBND thị xã 02 lần tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân khiếu kiện nhưng các hộ dân lại không tham gia và vẫn tiếp tục chống đối việc triển khai dự án.
Theo những thông tin chúng tôi ghi nhận được thì đã có đảng viên bị khai trừ đảng vì chống lại việc thu hồi đất.
Mặt khác báo Bắc Ninh cũng cho biết là việc đánh giá tác động môi trường đã được thực hiện đầy đủ. Một người dân làng Trịnh Nguyễn cho chúng tôi biết về việc họp dân và đánh giá tác động môi trường như sau,
Người trưởng thôn gọi là đại diện của dân ấy là cán bộ đâu phải do dân bầu lên, dự án cũng không có đại diện của Bộ tài nguyên và môi trường.
Và người dân này cũng cho chúng tôi biết là dân làng đã gởi hồ sơ khiếu nại lên đến chính phủ. Đây có lẽ là chuyện mà báo Bắc Ninh gọi là …Khiếu nại vượt cấp. Và theo người dân thì người đứng ra nhận hồ sơ của họ cũng không được Ủy ban nhân dân tỉnh hỏi ý kiến.
...và chống đối
Khi được hỏi là sắp tới nếu cơ quan công quyền tiến hành cưỡng chế thì sao, người dân này trả lời,
Chuyện nhà máy nước thải là phục vụ toàn dân thì chúng tôi đồng ý, nhưng nó liên quan đến sức khỏe của chúng tôi thì chúng tôi phải phản đối. Chúng tôi đã làm hết rồi. Quyền lợi chính đáng của chúng tôi thì chúng tôi phải giữ. Bây giờ nếu họ cưỡng chế thì dân làng sẽ ra ngăn cản thôi. Hai bên cứ cương quyết như thế thì sẽ có đổ máu thôi.
Trong một cuộc phỏng vấn của chúng tôi về sự tham gia của dân chúng vào các dự án kinh tế xã hội, kỹ sư Phạm Phan Long, người tham gia vào việc đánh giá tác động môi trường của các dự án ở Hoa Kỳ nói,
Việc giới thiệu dự án với cộng đồng dân cư, những người chịu ảnh hưởng của dự án, là rất quan trọng. Qua đó những người chủ trương dự án tìm hiểu xem người dân sống thế nào, lịch sử của họ ra sao, và họ nghĩ gì về dự án của mình. Từ đó người người làm dự án đưa những hiểu biết này vào trong dự án, tìm cách đối phó và đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc này sẽ làm giảm sự chống đối của người dân đối với dự án, có khi họ còn ủng hộ nữa. Trong một xã hội dân chủ và văn minh, cần tránh sự cưỡng ép người ta mà phải thu phục nhân tâm trước. Nếu mình làm việc có trách nhiệm và mọi người đều có quyền góp tiếng nói của mình vào thì sẽ tránh được những sự xung khắc, sự chống đối của nhân dân.
Quyền lợi chính đáng của chúng tôi thì chúng tôi phải giữ. Bây giờ nếu họ cưỡng chế thì dân làng sẽ ra ngăn cản thôi. Hai bên cứ cương quyết như thế thì sẽ có đổ máu thôi.
- Người dân
Khái niệm đánh giá tác động môi trường như vậy là bao gồm sự hài lòng hay không hài lòng của cư dân địa phương, chứ không phải chỉ thuần túy là khía cạnh kỹ thuật.
Trong thời đại thông tin, người nông dân Việt Nam không hề xa lạ với các quyền của họ. Người dân làng Trịnh Nguyễn nói tiếp với chúng tôi,
Họ đã không làm đúng nghị định 96 về dân chủ hóa, họ phải bàn với dân chứ, chính quyền thì cũng là của dân và vì dân mà.
Một dự án không lớn lắm, nhưng lại gây xung đột mà người dân cho là có thể đổ máu. Điều phi lý ấy chỉ có thể được giải thích bằng câu nói của người dân nêu trên về người đại diện,
Người trưởng thôn đâu phải do dân bầu lên.
Điều này đang xảy ra ở rất nhiều làng quê Việt Nam hiện tại, mỗi khi có các dự án kinh tế xã hội, mặt dù người dân đều đồng ý rằng các dự án là phục vụ cho tòan xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét