Vũ Bất Khuất (Danlambao) - Đừng đổ tội cho ngành Giáo Dục, bởi vì cái ngành Giáo Dục này tự bản thân của nó không còn là giáo dục nữa, mà ở đó chính là hang ổ của sự tha hóa, từ chương trình dạy cho đến tư cách người dạy. Những khái niệm Yêu Nước mà cái hang ổ đó truyền đạt chẳng qua là một khái niệm vong bản và nô lệ. Nó đã làm đúng chức năng của nó, thậm chí “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và kết quả của nó là như thế đấy...
*
Nhân đọc bài viết của “Đừng dạy trẻ thiếu trách nhiệm với giang sơn” của Phan Thủy, trong đó tác giả có dẫn ra một câu hỏi của ông GSTS Nguyễn Minh Thuyết “Liệu có phải điều đó thể hiện sự phai nhạt tình cảm yêu nước, ý thức trách nhiệm với giang sơn. Hoặc đó có chính là một phản ứng xã hội?” Trong câu hỏi này có hai vế.
Có lẽ cần phải làm rõ hơn về hai vế này.
- Liệu có phải điều đó thể hiện sự phai nhạt tình cảm yêu nước, ý thức trách nhiệm với giang sơn?
Chắc chắn là không. Bởi vì tuổi trẻ Việt Nam không còn nước để mà yêu. Không còn giang sơn để thể hiện ý thức trách nhiệm. Những người tuổi trẻ đang đứng sau song sắt nhà tù như 14 thanh niên Công Giáo, Phương Uyên, Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đinh Nhật Uy, Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân... Những người đã bị đánh đập uy hiếp thường trực như chị em Huỳnh Thục Vy - Huỳnh Khánh Vy, Nguyễn Hoàng Vi - Nguyễn Thảo Chi, Ngọc Hoa, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Đình Hà, Lê Hồng Phong, Nghiêm Ngọc Trai và Nguyễn Văn Viên... và hàng hàng lớp lớp những con người trẻ tuổi âm thầm lặng lẽ trên những cánh đồng, những xí nghiệp, các công trường xây dựng và ngàn trùng sóng gió biển khơi... Thử hỏi không có đôi tay và tình cảm yêu nước của tuổi trẻ thì là cái gì? Họ chẳng là những người yêu nước sao? Và vì tình cảm yêu nước, trách nhiệm với giang sơn mà họ chấp nhận một tương lai u ám. Đói nghèo triền miên, bị tù đày, bị trấn áp, đánh đập của Tàu Khựa và đau đớn thay của một bộ phận nhỏ những người tuổi trẻ khác trong ngành công an. Thậm chí còn bị quy chụp là chống lại nhân dân (!?)
- Hoặc đó có chính là một phản ứng xã hội?
Những số phận vừa kể bên trên và cả những nấm mồ có chủ, những nắm xương lạc loài đâu đó ở biên giới Việt Trung, ở Hoàng Sa, Trường Sa vẫn cứ hương tàn khói lạnh, rậm rì cỏ úa, cỏ xanh, bia mộ ngả nghiêng theo ngày tháng lãng quên bởi sự vong ân bội bạc và cả sự tráo trở vô lương tâm. Trong đó có cả hình ảnh của những CSGT trẻ măng đang làm luật trấn lột sức lao động của người khác, những Công an non choẹt nhưng có đủ bạo tàn trấn áp không nương tay của những người cùng chung nòi giống, những thằng nhóc, con bé COCC đang quậy quạng trên đường phố, tụ điểm ăn chơi hay đảo qua đảo lại những đống tiền xương máu nhân dân trong những căn phòng sang trọng. Tất cả đóng tai, nhắm mắt trước nguy cơ của tổ quốc, nỗi khổ của đồng loại.Một Phản Ứng Xã Hội ư? Đây không phải là câu hỏi mà là một câu trả lời. Suy cho cùng những hành vi của công an, cảnh sát và cả đám COCC và người phạm tội hình sự cũng là những phản ứng của xã hội.
Thế nên những thanh niên bày ra những chiêu trò trốn lính là việc làm rất dễ chấp nhận vừa không thiệt thân vừa chẳng hại người. Không thể trách những con người này. Phản ứng của họ, thoạt nhìn thì có vẻ như tiêu cực. Nhưng cái cuối cùng thì là cái gì? Rất khó trả lời. Nhưng trước mắt chính là không muốn chết một cách vô ích.
Đừng đổ tội cho ngành Giáo Dục, bởi vì cái ngành Giáo Dục này tự bản thân của nó không còn là giáo dục nữa, mà ở đó chính là hang ổ của sự tha hóa, từ chương trình dạy cho đến tư cách người dạy. Những khái niệm Yêu Nước mà cái hang ổ đó truyền đạt chẳng qua là một khái niệm vong bản và nô lệ. Nó đã làm đúng chức năng của nó, thậm chí “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và kết quả của nó là như thế đấy.
Phản ứng xã hội là đúng. Những phản ứng đó càng lúc càng nâng cao cường độ. Nó là điều kiện ắt có và đủ để cho tuổi trẻ Việt Nam còn có Nước để mà yêu, còn có Giang Sơn để họ hoàn thành trách nhiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét