22 tháng 8, 2013

Chủ nghĩa Mác Lê đại hạ giá


Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-08-21
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
002_22716-1-305.jpg
Poster chân dung các ông Karl Marx, Friedrich Engels và Lenin, từ trái sang.
AFP

Môn học Mác Lê Nin là bắt buộc trong các trường đại học Việt Nam. Nay nhà nước Việt Nam lại muốn khuyến khích học môn học này bằng cách treo giải thưởng.
Môn học bắt buộc ...
Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một nghị định, theo đó thì các tân sinh viên chọn ngành học, và dĩ nhiên chọn sự nghiệp của cuộc đời mình, là các ngành nghiên cứu về chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ được miễn học phí. Tin này đã đựoc hãng thống tấn AP đưa lại, và nhấn mạnh rằng sức mạnh của thị truờng đã chống lại những môn học này.

Một giảng viên đại học kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết là số tiết của các môn Mác Lê Nin bậc đại học thuộc nhóm ngành kinh tế là 60 tiết ở 2 năm đại cương, 75 tiết khi vào năm 3 tức chuyên ngành, ở bậc cao học là 90 tiết, nay chuẩn bị nâng lên 120 tiết. Ngòai ra còn có các môn Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh.  Đối với các sinh viên kinh tế, còn có một môn nữa là Lịch sử các học thuyết kinh tế có 45 tiết học, nhưng trong đó có 30 tiết dành cho kinh tế Mác Lê Nin. Và theo người giảng viên ở Đại học kinh tế này thì số giờ dùng vào các môn học này là quá nhiều.
Đối với sinh viên của các ngành khoa học tự nhiên tưởng đâu không có liên quan gì đến chính trị hay Mác xít, sinh viên cũng bị bắt buộc phải học các môn này. Một bạn sinh viên đang học năm thứ ba ngành công nghệ sinh học tại thành phố Hồ chí Minh cho chúng tôi biết là tổng số thời gian của tất cả các môn có liên quan đến chính trị là 6%. Bạn sinh viên này cho chúng tôi biết,
“Bọn em học để trả bài cho qua thôi, chứ những môn này chẳng giúp ích gì cho mình cả. Việc khuyến khích học môn này như miễn phí thì em thấy không cần thiết vì nếu nghiên cứu mà không ứng dụng được thì chả giải quyết được vấn đề gì.”

Việc khuyến khích học môn này như miễn phí thì em thấy không cần thiết vì nếu nghiên cứu mà không ứng dụng được thì chả giải quyết được vấn đề gì.
- Một SV ở TPHCM
Chương trình giáo dục đại học hiện nay của Việt Nam vốn là hậu thân của một phiên bản chương trình đại học của Liên Xô và những nước cộng sản cũ. Trong các chương trình này các môn học chính trị đóng vai trò rất quan trọng. Môn chủ nghĩa Mác Lê Nin được xem như triết học, và sinh viên của tất cả các quốc gia này chỉ học duy nhất là triết học Mác Lê Nin, dù rằng từ cổ chí kim, từ đông sang tây, có hàng trăm hệ tư tưởng, triết lý khác nhau. Lý do là chủ nghĩa này là chủ nghĩa mà đảng cộng sản cầm quyền theo đuổi, và đảng cộng sản không chấp nhận sự khác biệt tư tưởng nào cả.
Khi hệ thống cộng sản sụp đổ, có hai quốc gia Đông Á là Trung Quốc và Việt Nam đã chấp nhận phần nào vai trò của kinh tế thị trường. Nhưng ở đây đảng cộng sản vẫn độc tôn cầm quyền, và độc tôn ý thức hệ, tức là chủ nghĩa Mác Lê Nin vẫn được xem là tư tưởng mà xã hội cần học hỏi và thực thi những gì mà chủ nghĩa đó đề ra. Thế cho nên Mác xít và Lê Nin Nít vẫn là môn học bắt buộc trong tất cả các Đại học, nơi đào tạo những người nắm vận mệnh quốc gia tương lai, một quốc gia được hình dung là Mác xít Lê Nin nít.
Và bây giờ bắt đầu xuất hiện sự trái khóay giữa các lý thuyết Mác xít Lê nin nít và những gì đang diễn ra trong xã hội.
Lý thuyết Mác xít yêu cầu không bóc lột giá trị thặng dư, tức là không được thu lợi từ việc thuê mướn công nhân, nhưng bây giờ đảng viên Mác xít được phép làm kinh tế và do vậy được phép “bóc lột” người khác.
Cùng phát triển với thị trường tự do, ngành giáo dục Việt Nam cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự ra đời hàng lọat các trường Đại học tư thục, nơi đó nhiều môn học mới đuợc đưa vào giảng dạy, nhưng một điều không thay đổi là các môn chính trị Mác Lê nin vẫn bị bắt buộc.
.. dù không tán thành
000_Hkg6879720-250.jpg
Một cửa hàng bán tranh ảnh Mác - Lê ở Hà Nội. AFP photo
Theo thị trường tự do, đại học Việt Nam bây giờ cũng thu học phí chứ không bao cấp miễn phí như vài chục năm trước. Kể cả các trường đại học của nhà nước cũng thu học phí. Học phí đã trở thành một món đầu tư cho tương lai, và dĩ nhiên người đầu tư mong được thu lợi sau vài năm học hành. Các ngành học như tiếng Anh, Công nghệ thông tin, Kinh tế, Công nghệ sinh học…có vẻ là những ngành sinh lợi nên được ưa chuộng với viễn cảnh kiếm được công việc tốt sau khi tốt nghiệp. Sinh viên chọn học các ngành này vì thế dù phải bị bắt buộc học Mác Lê nin thì cũng cắn răng chịu đựng.
Nhưng nếu chọn ngành học là Mác Lê Nin, với một món học phí trước mắt, và triển vọng eo hẹp của thị trường việc làm thì quả là bất khả! Vì thế mà đã ra đời cái nghị định miễn học phí cho những sinh viên chọn sự nghiệp đời mình là Mác Lê Nin. Có lẽ AP đã nhận định đúng rằng thị trường tự do đã chống những ngành học Mác Lê nin, và cũng xin nhắc lại rằng người sáng lập ra chủ nghĩa Mác đã dành cuộc đời mình để chống lại thị trường tự do mà ông gọi là Tư bản chủ nghĩa.
Bắt hai thứ kình chống nhau phục vụ nhau thì quả là khó. Do vậy nhiều sinh viên mà chúng tôi tiếp chuyện đều cho rằng các môn Mác Lê chẳng giúp gì cho họ, chỉ vì đơn giản là họ sống trong một thị trường tự do, nó không thích hợp với những ý tưởng đòi phủ nhận nó.
Tuy nhiên chúng tôi cũng ghi nhận một ý kiến khá thú vị từ một sinh viên sắp tốt nghiệp đại học kinh tế, ngành luật,
“Việc khuyến khích học Mác Lê Nin là tốt vì đối với Việt Nam là đi theo xã hội chủ nghĩa.”
Bạn này có nói thêm là việc học ấy sẽ giúp cho nhưng ai đi theo con đường chính trị. Khi được hỏi thêm là có gì mâu thuẫn không khi người Mác xít chấp nhận sự không bóc lột giá trị thặng dư nhưng mặt khác thì lại làm chủ có nhân công làm thuê cho mình thì bạn này cho biết,
“Không, không, đó là việc anh cho rằng người ta bóc lột chứ người ta không cảm thấy mình bóc lột.”
Bạn sinh viên này cũng cho rằng người Việt Nam đang sống hạnh phúc, đất nước đang phát triển. Và bạn cũng cho rằng bạn không có thông tin gì về việc các nông dân bị mất đất hay là đời sống nông thôn Việt Nam vẫn nghèo khó.
Không có cuộc thống kê nào để biết là bao nhiêu phần trăm sinh viên không tán thành học môn Mác Lê Nin, hay là tán thành như bạn sinh viên kinh tế trên kia. Nhưng ngay cả bạn sinh viên tán thành ấy cũng không chọn học Mác Lê Nin, dù nó miễn phí, vì mục đích của bạn ấy là học kinh tế để gầy dựng doanh nghiệp riêng, một việc làm mà Karl Marx và những đồng chí không thích.
Một thực tế hiển nhiên là đã có sự khó khăn, bức bách khiến chính quyền của đảng cộng sản cho ra đời nghị định đại hạ giá môn Mác Lê Nin nhằm cứu vớt nó. Nhưng, đại hạ giá lại là một khái niệm của thị trường tự do, điều mà Mác Lê đòi phủ nhận, và hình như chưa có công cuộc đại hạ giá nào lại cứu vớt được giá trị của một món hàng cả nếu nó đã lỗi thời, mà chỉ có cách bán tống bán tháo nó đi rồi sản xuất một món hàng mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét