Hồng Hạc (Lao Động Việt) - Những em bé bỏ học lênh đênh trên sông nước để bán thức ăn, bán nước giải khát, cuộc đời buồn tủi và u ám hơn cả những gì người ta tưởng tượng được.
Chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Chợ được hình thành đã hơn trăm năm, là nơi bán các loại trái cây đầu mối. Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhất các thương thuyền và những số phận eo sèo với sông nước để kiếm sống qua ngày. Đặc biệt, những em bé bỏ học sớm theo cha mẹ lênh đênh trên sông nước để bán thức ăn, bán nước giải khát, các em có cuộc đời buồn tủi và u ám hơn cả những gì người ta tưởng tượng được.
Hùng, 13 tuổi, có thâm niên bán nước trên chợ Cái răng gần ba năm nay, em kể:
“Nhà cháu nghèo lắm, lại đông anh em nữa, ba mẹ cháu đi gặt lúa thuê khắp nơi, hết tỉnh này lại sang tỉnh khác, có khi đi vài tháng mới về nhà, ở miền Tây người ta gặt thuê dài hạn lắm, hết đồng lúa này sang đồng lúa khác, cứ nối đuôi nhau vậy đó. Một mình cháu lo cho mấy đứa em, bà chị thì nghỉ học năm lớp năm rồi vài năm sau có chồng rồi”.
“Mỗi ngày cháu dậy từ lúc 5h sáng, bán hàng được trả công ba chục ngàn đồng” Hùng, 13 tuổi.
“Thằng em kế của cháu năm nay được mười một tuổi, nó thay thế cháu ở nhà lo cho mấy đứa em nhỏ, cháu phải đi làm kiếm chút tiền mà sau này đi học nghề, chứ ba mẹ làm chỉ đủ ăn, lấy gì lo cho cháu đi học nghề. Cháu định năm tới sẽ đi học nghề, không biết có được chưa đây?”.
“Mỗi ngày cháu dậy từ lúc 5h sáng, phụ cô chú chủ thuyền nấu nước sôi, rấm cà phê, lấy nước đá và sau đó làm vệ sinh, ăn sáng và lên đường, thường thì bán đắt nhất vào lúc 7h đến 9h. Những giờ còn lại chỉ thả thuyền trôi tự do cho đỡ tốn xăng, ai gọi thì mình ghé bán. Mỗi ngày cháu được trả công ba chục ngàn đồng, cho ăn cơm ba bữa và mỗi năm hai bộ áo quần. Với cháu, như vậy là quá tốt, vì ở đây, đi ở đợ cho người ta mỗi tháng cũng chỉ chừng đó lương thôi chứ không hơn”.
Một cậu bé khác tên Tuệ, 15 tuổi, phụ bán thức ăn cho một gia đình nhà ghe trên bến Cái Răng, nói với chúng tôi rằng:
“Cháu làm ở đây được bốn năm rồi, cuối năm nay ông bà chủ sẽ cho cháu học nghề, ông bà chủ coi cháu như con trong nhà, mọi thứ đều dành cho cháu như con cái của ông bà”.
“Mỗi năm, ông bà chủ trả cho cháu chín triệu đồng, cháu sẽ mua một chiếc xe và lên bờ để làm. Nhưng chắc chắn là ông bà không bao giờ đủ tiền để trả liền cho cháu bốn năm tiền công, nghề trên thuyền thì được bữa nào xào bữa đó, nên ông bà chủ sẽ xin cháu vào trường nghề, cho cháu học và gửi tiền hằng tháng để cháu ăn học. Như vậy là quá tốt rồi, vì hai ông bà cũng nghèo lắm, chẳng khá hơn ai, miếng đất cắm dùi cũng không có”.
“Mỗi sáng, hai ông bà thức dậy lúc 3h để nấu nướng, lo mọi thứ, cháu được ngủ tới 5h, sau đó sẽ đi pha trà, kiểm tra xuồng thử có thanh gỗ nào bị hở nước hay không, và chuẩn bị trá đá. Xong, ăn sáng và lên đường, bán mãi cho đến 4h chiều là kết thúc, trở về, về đến bến đậu, bỏ mặc chén đĩa đó đã, ai cũng lăn ra ngủ cho đỡ mệt, chiều lại mới thức dậy rửa chén bát”.
“Mỗi ngày, hai ông bà kiếm được từ một trăm rưỡi đến hai trăm ngàn đồng tiền lãi, nhưng tiền xăng dầu, tiền công thì không tính, theo cháu thấy, lãi ròng cũng được chừng một trăm ngàn đồng. Với mỗi tháng kiếm được ba triệu đồng, lâu lâu sửa chữa xuồng, máy móc, dễ gì mà mua nổi miếng đất trên bờ. Ở đây người ta còn khổ lắm, phần đông là không có đất đai trên bờ, quanh năm suốt tháng bám lấy mạn thuyền mà sống, đến khi chết lại lên bờ mua một miếng đất nào đó chôn thân”.
Cả một bến sông, cả một cái chợ, toàn là người nghèo và không có lấy mảnh đất cắm dùi! Những mảnh đời cứ thế trôi dạt từ chợ nổi Cái Răng vào những miệt vườn rồi quay ra chợ, xuôi dọc trên các nhánh sông Cửu Long. Buổn nhiều hơn vui!
gửi Danlambao
* GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web:laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét