17 tháng 2, 2013

Tình em biển cả hiền hòa






Lời Tác Giả: Tôi có một người bạn ở Móng Cái, Quảng Ninh. Sáng sớm ngày 17/2/1979, quân Tàu đã bất ngờ dùng hơn ba chục sư đoàn quân ồ ạt tràn qua 6 tỉnh Biên Giới Phía Bắc của nước ta tàn sát hàng ngàn dân thường, trong đó phần lớn là ông bà già, phụ nữ và trẻ con. Gia đình bạn tôi có bốn người là bố mẹ già, vợ và một đứa con gái nhỏ đã bị chúng giết hại một cách dã man. Nhân hôm nay, 17/2/2013 là ngày giỗ lần thứ 34 của những người ruột thịt trong gia đình anh ấy, tôi xin gửi tới quý báo vài dòng cảm thương để sẻ chia với những mất mát đau thương mà anh ấy đã phải chịu đựng trong hàng chục năm qua. Cũng nhân dịp này, tôi xin phép được nhắc lại một lời dặn của Cố TBT Lê Duẩn của đảng Cộng Sản Việt Nam: “Giặc Tàu là kẻ thù truyền kiếp và nguy hiểm nhất của Dân Tộc Việt Nam!”





Sinh ra bên bờ Biển Đông
Lớn lên bắt tôm bắt cá
Xa em những chiều nắng hạ
Thuyền anh biển cả phiêu bồng

Em ơi đừng đợi đừng mong
Hay đâu biển chiều tím biếc
Bão giông ập vào ai biết
Thuyền anh có vẹn toàn không?

Một lần dạt vào đảo vắng
Trông như hòn vợ hòn chồng
Nguy nan rồi anh mới hiểu
Chỉ mình em đợi chờ trông

Cưới xong, anh ra mặt trận
Mình em chăm mẹ chăm cha
Trường Sơn nhiều đêm thức giấc
Gặp em trong mộng xót xa!

Ngờ đâu ngày về đoàn tụ
Hay tin giặc giết em rồi!
Quân Tàu tràn qua Móng Cái(1)
Dã man giết cả con tôi!

Mẹ già giặc thả sông trôi
Xác cha vứt ngoài bờ giậu
Cộng Sản ư? Quân khát máu!
Lẽ nào trời đất dung tha?

Em lo vớt mẹ cứu cha
Khóc con mà ra nông nỗi
Em ơi, chính anh có tội!
Dối em: “Vô sản một nhà!”

Ngày xưa yêu anh em hát
Muôn năm Việt Nam-Trung Hoa!(2)
Giờ đây cô đơn anh khát
Tình Em Biển Cả Hiền Hòa!

     Hà nội, 13/ 1 /2011
       Đặng Huy Văn

(1) Sáng sớm ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc đã bất ngờ
tràn qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta tàn sát hàng ngàn
dân thường trong đó phần lớn là ông bà già, phụ nữ và trẻ con.
 (2) Trích lời một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

BÀI THỨ HAI:

Lời Tác Giả: Những năm từ 1977 đến 1984, trường tôi có một vài lớp đại học tại chức tại tỉnh Cao Bằng. Tháng 11/1978, tôi đã lên thị xã Cao Bằng dạy học. Lớp tôi dạy khoảng 40 sinh viên phần lớn là cán bộ đang làm việc tại địa phương đi học. Nông Thi Thà là một nữ sinh viên trẻ trong lớp đó, tuổi mới 24 người dân tộc Tày xinh xắn quê tận trên Hạ Lang sát biên giới Việt Trung. Cuối tháng 3/1979, sau khi Tàu vừa rút khỏi Cao Bằng thì tôi lên dạy kì tiếp theo nhưng không còn được gặp lại cô sinh viên xinh đẹp đó nữa! Có thể cô ấy đã bị quân Tàu giết hại rồi vứt xác đâu đó, cũng có thể cô ấy bị giặc Tàu làm nhục nên đã quyên sinh? Cho đến tận bây giờ vẫn chưa có thông tin nào về số phận của cô sinh viên xinh đẹp Nông Thị Thà của tôi! Tôi căm thù bọn công sản Trung Quốc xâm lược đến tận xương tủy vì nhiều lẽ, mà một trong những lẽ đó có thể vì những người thân thiết của tôi ở Cao Bằng vào tháng 2 và tháng 3 năm 1979 đã bị giặc Tàu hãm hại một cách dã man như thời Trung Cổ!

NỖI ĐAU 17 THÁNG HAI

(Lời tâm tình với một nữ sinh viên mất tích)

Thà ơi!
Cả lớp học tập trung rồi
Nay chỉ thiếu mỗi mình em
Giặc Tàu vừa rút đi
Nên cũng có vài sinh viên đến muộn
Nhưng hôm nay cả lớp tới đủ rồi
Chỉ còn mình em chưa xuống
Hay em gặp chuyện chẳng lành
Mà thầy không biết, em ơi!

Các bạn thưa
Do quân Tàu đến bất ngờ
Có thể em không chạy kịp
Cũng có thể em đã bị giặc Tàu bắn chết?
Nhưng biết đâu chúng đã giam em
Để thay nhau hành hạ xác thân?
Rồi ném xác em xuống lòng suối Hòa An!
Các bạn đã tìm đến tận văn phòng
Nơi trước tết em đến đây làm việc
Đã về cả nhà em ở Hạ Lang
Xem mế em có biết?
Quân Tàu đã rút đi hai tuần rồi
Mà không ai biết tin em!
Cả lớp chẳng rõ nay em ở đâu
Đang nhao nhác đi tìm

Rồi từ Hòa An tin về
Có một giếng thây người!
Tại xã Hưng Đạo, thôn Tổng Chúp(*)
Xác chồng chất rữa nát!
Hàng chục xác người bị chém phanh
Ngoài bờ khe vứt rải rác
Các bạn đã đến tận nơi
Mà không nhận dạng được xác em!

Có tin hôm 16/2/1979
Em lên Chợ Phục Hòa thăm bạn
Nhưng bạn gái em ở Phục Hòa
Hôm 28/2 cũng đã bị giặc phanh thây!
Vậy sáng sớm ngày 17/2 em ở đâu
Giờ biết hỏi ai đây?

Thầy chỉ nhớ như mơ
Những chiều trên bục giảng
Ngay giữa thị xã Cao Bằng
Giảng đường cũng khang trang
Em thường ngồi bên cửa sổ
Và chăm chăm nhìn lên bảng
Má ửng đỏ mắt đen huyền
Hồn đâu đó xa xăm...

Giờ đây vắng em!
Và giảng đường xưa
Cũng đã bị giặc Tàu đập nát
Cả thị xã Cao Bằng nay chỉ là
Bãi gạch vụn giữa tan hoang xơ xác
Những sinh viên ngồi co ro
Trong gian nhà tạm lợp gianh
Bục giảng bằng đất, bàn ghế thầy
Là mảnh ván vỡ ghép thành
Bàn ghế của sinh viên
Chỉ làm tạm bằng tre nứa
Nhưng cái trống vắng khôn cùng
Là em không còn đó nữa!
Bên cửa sổ của “Giảng đường”
Đâu đôi mắt huyền đen?

Ôi Thà ơi em mau về đi học!
Cả lớp thương nhớ em
Nhiều đêm thầy cũng khóc
Mế già rồi sao có thể xa em?
Hạ Lang mùa xuân khe nước chảy êm đềm
Vẫn nhớ em những chiều ra suối tắm
“Chiều Biên Giới em ơi!” Lời ca ai say đắm?
Như gọi hồn người Tử Sĩ Biên Cương
Đã bỏ mình vì Đất Mẹ mến thương!

Nỗi đau 17 Tháng Hai
Là tiếp nỗi đau thương truyền kiếp!
Trong lời nhắn nhủ tới cháu con
Truyền lại tự ông cha
Nay lũ Chiêu Thống cố tình quên
Chỉ vì chức quyền và tiền bạc
Mà ôm chân bọn cộng Tàu
Bán đứng cả Hoàng Sa!
Rồi sẽ đến ngày
Những oan hồn dân Việt
Sẽ treo cổ lũ các ngươi
Để đòi nợ nước
Trả thù nhà!

Hà Nội, 17/2/2013
Ts. Đặng Huy Văn
(*) Sáng sớm ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã cho gần nửa triệu quân tràn qua 6 tỉnh Biên Giới Phía Bắc nước ta từ Quảng Ninh đến Lao Cai. Lào Cai, Sapa, Ðồng Ðăng, Lạng Sơn...bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Ðạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9/3/1979, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 2 đàn ông, 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối cạnh giếng.  




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét