Tận cùng của lịch sử, Tổng thống hay Chủ tịch nước
Nguyễn Nghĩa650 (Danlambao) - Bài viết gồm 2 phần nhỏ. Phần 1 hỏi những trí thức cộng sản Việt Nam cứ như con vẹt hát bài Mác-LêNin mãi hay sao? Con vẹt thật còn có ích mua vui cho người chủ của nó, còn trí thức cộng sản ca bài Mác-Lênin chỉ làm hại dân tộc Việt Nam. Phần 2 bàn về chức vụ Tổng thống và Chủ tịch nước trong hiến pháp mới.
1. Tận cùng của lịch sử, hay là khởi đầu của Việt Nam dân chủ
Năm 1989, khi chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Béc-Linh, Francis Fukuyama, một người Mỹ thuộc nhóm nhóm tân bảo thủ, viết một bài có tựa “Điểm Tận của Lịch Sử” (The End of History) với luận điểm:
“Chúng ta đang chứng kiến không chỉ là sự chấm dứt của chiến tranh lạnh, hoặc sự đã qua của một giai đoạn lịch sử nhất định... nhưng chính là điểm tận của lịch sử: nghĩa là, điểm cuối cùng của sự tiến hóa ý thức hệ của nhân loại, và sự phổ cập hóa của thế chế dân chủ phóng khoáng kiểu tây phương như là hình thức chính phủ tối hậu của loài người.”
Sự tiên đoán táo bạo về sự kết thúc của “sự tiến hóa ý thức hệ của nhân loại và sự phổ cập hóa của thế chế dân chủ phóng khoáng kiểu tây phương như là hình thức chính phủ tối hậu của loài người.” đã kích thích một thảo luận có tính toàn cầu về tương lai của loài người và đưa F. Fukuyama trở thành một trong những nhà triết học chiến lược danh tiếng.
Thế nhưng luận điểm "phóng khoáng" của ông cũng gây nhiều hiểu nhầm, khi ông dùng cụm từ "thế chế dân chủ phóng khoáng kiểu tây phương".
Tôi xin dùng cụm từ dễ hiểu hơn là cụm từ "thể chế nhà nước dân chủ nhân dân".
Góp phần diễn giải luận điểm trên của F. Fukuyama, tôi dùng chính triết học của C. Mác.
Đứng ở khởi đầu phát triển của xã hội tư bản, điểm vào các sách sử, C. Mác đã tổng quát và cho rằng: Lịch sử xã hội loài người đã và sẽ trải qua các giai đoạn phát triển,
1. Xã hội cộng sản nguyên thủy.
2. Xã hội phong kiến.
3. Sẽ tới xã hội tư bản.
4. Rồi đến xã hội XHCN.
5. Kết thúc của Xã hội XHCN là Xã hội cộng sản khi người dân "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu".
Như vậy theo Mác, Xã hội cộng sản sẽ là tận cùng của lịch sự phát triển loài người.
Sự sụp đổ của bức tường Béc-Linh đã chỉ cho một tiên đoán về sự nhầm lẫn của C. Mác. Quả vậy, xã hội XHCN xây dựng theo mô hình Mác-Lênin đã bị sụp đổ tại Lên Xô và phe XHCN gồm 12 nước Đông Âu trong một thời gian rất ngắn sau.
Tất nhiên hệ quả kéo theo là sụp đổ của cả hệ thống triết học Mác.
Tại thời điểm này, các nhà nước tư bản trên thế giới đã chuyển thành những nhà nước dân chủ nhân dân.
Khái niệm Nhà nước là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị đàn áp giai cấp bị trị của Mác là sai bét. Nó chỉ đúng trong xã hội phong kiến và kéo dài của chế độ phong kiến là chế độ độc đảng, độc tài.
Trong thể chế Nhà nước dân chủ nhân dân, người công dân đóng thuế là chủ nhân của xã hội này, nhà nước này.
Không còn mâu thuẫn đối kháng trong lòng xã hội vì mọi bất bình đẳng đều được thảo luận để giải quyết trên mặt bằng địa phương (các Hội đồng nhân dân) và trung ương (Quốc hội)...
Các quyền bày tỏ chính kiến, thành lập đảng phái, biểu tình... là những quyền thực, tạo điều kiện hóa giải những nguồn gốc của những bất công bằng, gây căng thẳng trong xã hội..
Sẽ không còn những oan trái như hôm nay: người Việt Nam yêu nước, cảnh tỉnh họa Bắc thuộc thì bị giam cầm, tù tội.
Trong nhà nước Việt Nam dân chủ nhân dân, tội nặng nhất đối với lãnh tụ là cố tình vị phạm Hiến pháp, cố tình nhận hối lộ, cố tình làm đặc vụ cho ngoại bang.
Sẽ không còn tội "Tuyên truyền chống chế độ XHCN”.
Sự chuyển giao quyền lực từ đảng này sang đảng khác sau bầu cử là hiến định và hòa bình.
Tất cả các đảng phái khi thành lập phải tuyên thệ không dùng bạo lực cướp chính quyền và tuyệt đối trung thành với hiến pháp.
Trong nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước do dân làm chủ nên các quyền con người cũng như các quyền mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu tư hữu... được đảm bảo.
Đây là ước mơ ngàn năm của người dân nô lệ thời phong kiến, thời thực dân, thời độc đảng cộng sản.
Nhân dân Việt Nam đã bị làm nô lệ hàng ngàn năm phong kiến, 80 năm thực dân, gần 80 năm ách cộng sản. Trong lòng dân tộc này đang chứa đựng một xung lực nén rất lớn. Nếu hiến pháp mới của Việt Nam thỏa mãn được ước mơ tự do và mưu cầu hạnh phúc, thì sức bật của dân tộc Việt Nam là không tưởng tưởng nổi.
Dân tộc này sẽ làm nên những điều thần kỳ.
2. Tổng thống hay Chủ tịch nước
Người lãnh tụ, đứng đầu một quốc gia, được chia thành 2 loại: yếu và mạnh.
Người đứng đầu quốc gia gọi là mạnh nếu được bầu ra thông qua một cuộc bầu cử trực tiếp, toàn quốc, phổ thông. Cả một dân tộc hậu thuẫn cho Người đứng đầu quốc gia.
Một lãnh đạo quốc gia gọi là yếu, nếu được bầu bởi Quốc hội.
Trường hợp đầu, ta thường gọi vị lãnh đạo này là Tổng thống. Trường hợp sau, gọi là Chủ tịch nước.
Vì được bầu trực tiếp, được sự tín nhiệm trực tiếp của toàn dân, Tổng thống phải có quyền hành lớn.
Điều này ta thấy ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Việt Nam, trong hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước thì kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta là Trung Quốc.
Căn cứ vào Di chúc của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn:
“(Nếu) nó (Trung Quốc) cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy” [ Wikipedia].
Vị tướng giỏi mà Hưng Đạo Vương nói đến, trong một nhà nước dân chủ nhân dân, chính là vị Tổng thống được toàn dân lựa chọn.
Tuy Tổng thống được toàn dân bầu, nhưng căn cứ bầu cử, nhân dân chỉ dựa vào thành tích của quá khứ.
Tương lai, nếu Tổng thống phạm khuyết điểm như vi phạm hiến pháp, tham ô hay nhận hối lộ, làm lợi cho ngoại bang... thì vị Tổng thống này phải bị bãi nhiệm ngay lập tức, tránh làm tổn hại nhiều đến lợi ích quốc gia. Thủ tục bãi nhiệm do Quốc hội tiến hành.
Ta thử so sánh trường hợp từ chức của Tổng thống Mỹ Nixon khi xảy ra vụ nghe lén ở trụ sở đảng Dân chủ Mỹ, và trường hợp Hội nghị 6 TW ĐCSVN phê phán Thủ tướng X, hay Boxit Tây Nguyễn: Đây là chủ trương lớn của BCT ĐCS VN, hay hội nghị Thành Đô 1990...
Sau khi tin tức về vụ cài máy ghi âm tại trụ sở đảng Dân chủ đăng trên mặt báo, ngày 27/7/1974, với 27 phiếu thuận và 11 phiếu chống, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tuyên bố Nixon sẽ phải bị luận tội. Tối 8/8/1974, Nixon thông báo rằng ngày hôm sau ông sẽ xuất hiện trên truyền hình để chính thức từ chức.
Tổng thống Hoa Kỳ là một nhân vật quyền hành nhất thế giới, nhưng ông ta cũng chịu sự giám sát của Hạ viện. Khi Tổng thống vi phạm hiến pháp, Hạ viện có thể khởi động một thủ tục nhằm bãi nhiệm Tổng thống.
Việt Nam cộng sản thì tình hình pháp quyền thật bi đát.
TBT ĐCSVN Nguyễn Văn Linh đứng đầu phái đoàn cao cấp cộng sản, vượt quyền của Bộ ngoại giao, lén lút bán nước tại Hội nghị Thành Đô 1990. ĐCS VN dấu diếm văn bản thỏa thuận tại hội nghị này.
Không có điều luật nào truy tố tội phản quốc này.
Tương tự như vậy đối với việc BCT ĐCS VN lén lút qua mặt Quốc hội VN, đưa người TQ vào Tây Nguyên với dự án bôxit. Cũng không có ai bị truy tố...
Đây là những bài học lịch sử xương máu của dân tộc Việt Nam.
Kết luận
Triết học Mác và xã hội cộng sản đã phá sản.
Sẽ không có một giai cấp công nhân thuần túy như Mác phỏng đoán. Hôm nay, người công nhân đồng thời cũng là ông chủ nếu anh ta mua cổ phiếu của công ty nơi mình làm việc. Anh ta cũng được chia lợi tức từ những thặng dư có được từ công việc của họ.
Tựu chung lại, Mác đã nhầm khi tiên đoán mâu thuẫn đối kháng của ông chủ và người công nhân là mâu thẫn không hóa giải nổi, phải dùng đến nổi dậy, bạo lực.
Đã đến lúc Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa, mà điểm nào cũng sai, lấy bạo lực ép buộc người dân theo nó.
Đã đến lúc Việt Nam hội nhập với thế giới dân chủ, bảo vệ an toàn lãnh thổ lãnh hải của mình, phát triển Việt Nam thành một quốc gia dân chủ, giàu có, đoàn kết và văn minh, dựa trên tinh thần tuân thủ pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét