Hồi ký cựu Đại sứ Pháp Mérillon: Bịp bợm Lịch sử lớn nhất tại Hải ngoại
Trọng Đạt
February 16, 20130 Bình Luận
February 16, 20130 Bình Luận
Jean-Marie Mérillon, Ambassadeur de France
Vụ bịa đặt lịch sử động trời này đã được phổ biến sâu rộng tại Hải ngoại từ 1989 tức 24 năm qua, cho tới những năm gần đây trên truyền thông, báo chí đài phát thanh. Ảnh hưởng của nó rất lớn, nhiều vị đã từng giữ chức vụ lớn như Thủ tướng, Tổng trưởng, Tướng lãnh, Đại tá, các vị khoa bảng tiến sĩ, các nhà nghiên cứu sử… cũng đã bị mắc lừa. Vụ đại bịp này đã bị nhiều người phát hiện, lật tẩy từ 1996, đã có nhiều bài viết nghi ngờ tính xuyên tạc lịch sử của nó . Đầu năm 2009 tôi đã viết vấn đề này trong bài “Saigon et moi Một cuốn Sách ma”.
Từ 2008 trở về trước, hàng năm đến tháng tư đen, báo chí, đài phát thanh say sưa cho phổ biến một tài liệu quí giá gọi là Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa (NNCCCVNCH), bản dịch cuốn hồi ký Saigon et moi (Saigon và tôi) của cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam trước 30/4/1975 Jean-Marie Mérillon, dịch giả Vũ Hải Hồ (xin đừng nhầm với Những Ngày Cuối của VNCH do Nguyễn Kỳ Phong dịch từ bản tiếng Anh The Final Collapsecủa Cao Văn Viên). Khoảng bốn năm trở lại đây (2009-2012) bản dịch này tương đối ít xuất hiện nhưng nay tự nhiên nó lại được phổ biến nhiều trên mạng vì thế tôi trở lại viết về đề tài này.
Diễn tiến
Để cho vấn đề được dễ hiểu, trước hết tôi xin kể sơ diễn tiến vụ bịa đặt này. -Năm 1989, một tác giả tên Vũ Hải Hổ viết bài Những Ngày Cuối Của VNCH dài gần 20 trang đánh máy, nói là bản dịch cuốn Saigon et moi của cựu Đại sứ Pháp Mérillon tại Việt Nam hồi 1975 và cho phổ biến.
- Tháng 4 năm 1991, nguyệt san Diễn Đàn Việt Nam số 4 in tại miền nam Tây Đức đã cho đăng bản dịch kể trên (tức NNCCCVNCH). Tòa soạn cũng cho biết Ông Mérillon, đã ra mắt cuốn hồi ký Saigon et Moi tại khách sạn La Fayette, quận 6, Paris trước một số cử tọa thượng thặng như 3 vị cựu Thủ tướng Giscard D’Estaing, Pierre Mesmer, Jacques Chirac, Jacques Hunzinger (Ủy viên ngoại vụ đảng Xã Hội Pháp), Louis Mermas (Chủ tịch Hạ Viện) v.v… Theo một nguồn tin được biết là cuốn sách này đã bị Bộ Ngoại Giao cho lệnh thu hồi. Rút cuộc, nay người ta chỉ được thấy một bản tóm tắt dưới đây do một nhân vật tình cờ có được cuốn đó.
-Từ đó bản dịch cuốn sách này được đăng đi đăng lại tại Hải ngoại vào dịp tháng tư đen hàng năm. Năm 1989 nhà sử học Hoàng Ngọc Thành nghe tiếng cuốn Saigon et moi và nhân dịp qua Paris tìm mãi không ra quyển sách đó, ông đành liên lạc với chính tác giả Mérillon lúc đó đang là Đại Sứ Pháp tại Mạc Tư Khoa. Merillon trả lời và phủ nhận ông không phải là tác giả Saigon et moi và không viết bất cứ cuốn sách nào về VN. [Xem tài liệu đính hậu. Việt Thức phụ chú]
-Năm 1994 ông Hồng Ngọc Thành và Bà Thân Thị Nhân Đức xuât bản cuốn “Những Ngày Cuối Cùng Của Ngô Đình Diệm”, tại trang 622 và 623 (cuối sách) phần Phụ Lục có bản phóng ảnh thư và chữ ký của ông Mérillon, đề ngày 12/11/1990, đại sứ Pháp tại Nga, phủ nhận không phải là tác giảSaigon et moi. (Quí vị có thể vào thư viện coi)
- Tác giả Ngự Sử ngày 15/4/1996, đăng bài trên báo Ngày Nay tại Houston Texas cho biết bản dịch Saigon et moi của Vũ hải Hồ chỉ là trò cá tháng tư, bịa đặt.
-Năm 1997 Đại Nam cho xuất bản cuốn Nước Việt Nam Cộng Hòa Bị Bức Tử, Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa dịch từ cuốn La Mort Du Vietnam của Tướng Vanuxem. Phần cuối sách ông Dương Hiếu Nghĩa cho in thêm vào bản dịch Saigon et moi của Vũ Hải Hồ (tức NNCCVNCH) với lời giới thiệu rất trân trọng.
Bản dịch cuốn sách “ma” này được tiếp tục phổ biến tại hải ngoại, nhiều đài phát thanh tiếng Việt đọc tài liệu say mê, nhiều báo cho đăng kèm hình ảnh.
Khoảng năm 2005, 2007… một bức thư của Nguyễn Trần Việt được phổ biến trên mạng chỉ trích NNCCVNCH của Vũ hải Hồ là bịa đặt, ông cho biết trong cuốn Những Ngày Cuối Của Ngô Đình Diệm (tác giả Hồng Ngọc Thành ) trang 622-623 có đăng thư của cựu đại sứ Mérillon phủ nhận ông không phải là tác giả cuốn sách trên, ông không viết bất cứ cuốn sách nào về VN cả.
Khoảng 2008, 2009 ông Trịnh Bá Lộc, cựu sĩ quan tùy viên của Tướng Dương Văn Minh đã lên tiếng trên trang mạng Take2Tango phủ nhận NNCCVNCH, bản dịch Saigon et moi là bịa đạt. Ông Lộc cho biết ông Dương Văn Minh không hề có liên lạc với Mérillon trong tháng 4/1975.
Khoảng năm 2000 tôi có đọc một đoạn của bản dịch Saigon et moi trên một tờ báo giấy, họ đăng một phần ngắn thôi nên chưa hiểu rõ. Năm 2008 tôi được đọc đầy đủ toàn bài trên một tờ nguyệt san tại Mỹ, thú thật khi đọc xong hai lượt tôi nghi ngờ ngay.
Trước hết là giọng văn quá bình dân, rẻ tiền; một người có trình độ như ông Đại sứ Pháp đâu có viết lách kiểu ba xu như báo lá cải thế này.
Trích đọan gần cuối bài
“Những gì mà ông Dương văn Minh hứa với chúng tôi đã như nước đổ lá khoai. Bao nhiêu kế họach, bao nhiêu công trình vận động, phút chốc ông Minh làm tiêu tan hết. Lại còn dối gạt các tướng lãnh yêu nước khác, gây ra sự chậm trễ phản công giờ chót, bởi đa số đều tưởng ông Ðại Tướng có phép lạ, sáng chế được công thức ngưng bắn tại chỗ để phe quốc gia không bị thua trong nhục nhã. Thâm ý của ông Dương văn Minh là muốn đầu hàng, sau đó nồi ăn, hưởng cho đến già.”
Có những đoạn Vũ Hải Hồ (VVH) tỏ ra rất ấu trĩ, hiểu biết của ông ta về tình hình chính trị quân sự 1975 thấp kém tồi tệ như sau:
“Quân số Biệt khu thủ đô có khả năng tác chiến, có vũ khí trong tay ước được 100.000. Căn cứ vào vũ khí đạn dược, hỏa lực nặng, tiếp liệu, và tinh thần chiến đấu thì dân Sài Gòn có thể phòng thủ, cầm cự được chừng 7 tháng”
Ta thấy VHH y như người từ cung trăng rớt xuống, tháng 4/1975 đạn trong kho đã cạn chỉ đủ xài một, hai tuần (Cao Van Viên Những ngày cuối VNCH trang 92). Nói càn nói láo như thế mà không biết ngượng miệng, càng nói ông ta càng lòi ra cái dốt của mình về quân sử, về tình hình 1975.
Phải nói VHH là tay bịp vào loại siêu, trước hết ông ta nói dịch từ một cuốn sách Pháp khiến nhiều người tin ngay. Kế đó cho biết cuốn này đã được tác giả Merillon ra mắt tại Paris, có các ông cựu thủ tướng Pháp tham dự nhưng sau đó bị Bộ ngoại giao cấm và tịch thu hết, chỉ con bản dịch này. Như thế nay dù có muốn tìm bản chính cũng không được. Nhưng khôn mà không ngoan, trong bản dịch Vũ hải Hồ lại để lộ ra những cái “dốt đặc” của ông ta về tình hình 1975, lại nữa vì “nổ” quá nó biến thành những trò hề hạ cấp như sau.
Lời ông Ðại sứ
“Chẳng là vì chúng tôi có đủ tin tức tình báo nói rõ có năm vị tướng lãnh Nga có mặt trong Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ CHí Minh tại chiến trường Long Khánh. Không lẽ các vị ấy chỉ ngồi uống trà nói chuyện chơi với Văn Tiến Dũng hay sao?”
Phải nói là quá hạ cấp, thật chẳng đáng bàn; bởi thế đã có nhiều người từ 1995 tới nay đánh giá bản dịch NNCCCVNCH chỉ là trò cá tháng tư, trò ma trò quỉ.
Xin mời quí vị nghe tiếp vở tuồng rẻ tiền ba xu dưới đây.
“Trước khi lập chính phủ giả định tôi xét phản ứng của Nga Sô và Trung Cộng. Nước nhiệt thành đầu tiên là Trung Cộng. Thủ tướng Chu Ân Lai điện cho Bộ ngọai giao Pháp là sẵn sàng hợp tác vơí Pháp để xây dựng một chánh thể trung lập tại miền Nam…
…Mao thì ghét cay ghét đắng Lê Duẫn thân Nga thành thử điều kiện Bắc Kinh đặt ra là phải hạ bệ đảng viên thân Nga, cầm chân quân Bắc Việt để dành cho MTMN tiến vô Sài gon . . . . . . Thực ra nền trung lập đối với chúng tôi chỉ coi như tạm thời ngăn cản dòng nước lũ cho VNCH tạm dung thân.
Phần chúng tôi là phải đáp lời hứa là thành lập chính phủ liên hiệp gồm có ba thành phần: Quốc gia, Ðối lập, MTGPMN.
Chu Ân Lai đưa ra một danh sách: Trương Như Tảng, Nguyễn thị Bình, Trần văn Trà…”
Vừa đọc tôi vừa buồn cười nôn ruột trước sự dốt nát thậm tệ của người bịa sử, chẳng có một tí hiểu biết gì về CS.
Xin trích tiếp
Lời ông Đại sứ
“- Thưa Ðại tướng ông Nguyễn văn Thiệu để lại quân đội nay còn bao nhiêu người?……
Ðại tướng Dương văn Minh trả lời ông chưa nắm vững ….
- Thưa Ðại tướng, Đại tá tùy viên quân sự của chúng tôi sẽ phúc trình cho Ðại tướng biết sau. Theo chúng tôi quân lực VNCH còn đủ khả năng chiến đấu thêm 10 tháng nữa, nếu các nhà quân sự chịu thay đổi chiến thuật từ qui ước sang du kích chiến…”
Như thế nhà dịch giả VHH càng phịa càng lòi sự hiểu biết trĩ của mình về tình hình quân sự tháng tư 1975. Trong khi BV đã đưa cả 5 quân đoàn (1, 2, 3, 4, 232) và hàng chục trung đoàn độc lập với hỏa lực dồi dào để bao vây Sài Gòn. VNCH chỉ còn 3 sư đoàn trong đó sư đoan 18 bị sứt mẻ, đạn dược gần cạn kiệt thì chiến đấu được mấy ngày. Người ta càng thấy rõ giọng văn diễu cợt trơ trẽn của một người dốt nát.
Xin trích tiếp kế hoạch thứ ba của ông Đại sứ dưới đây để chúng ta coi Vũ hải Hồ coi thường sự hiểu biết của độc giả như thế nào:
“Cùng lúc mời thành viên MTGPMN hợp tác trong chánh phủ trung lập, Ðại tướng tuyên bố sẵn sàng bang giao với Trung Quốc [...]
Trung Quốc sẽ chụp lấy cơ hội này để cử Ðại sứ đến Sài Gòn ngay sau 24 giờ đồng hồ cùng với tiền viện trợ 420 triệu Mỹ kim là tiền sẽ trao cho Hà Nội mà nay trao cho chánh phủ hòa hợp hòa giải dân tộc. Kế họach này đánh phủ đầu Hà Nội bằng cách đưa đứa con nuôi của họ là MTGPMN lên nắm chính quyền…
Và
“Tôi cũng thông báo cho ông Dương Văn Minh hay là tôi đã liên lạc với thành viên MTGPMN. Hầu hết đều tán thành giải pháp giúp họ thoát khỏi vòng quĩ đạo của Bắc Việt”
Anh đại bịp này chẳng cần biết gì về công pháp quốc tế: Trung Quốc không có bang giao với VNCH mà lại cử người tới Sàigon trong 24 giờ đồng hồ và mang theo một thùng 420 triệu Ðô la tiền mặt trong lúc lửa đạn tơi bời !!!! Trong những ngày cuối cùng của VNCH, ông Ðại sứ chuẩn bị chui xuống hầm là vừa, thời giờ đâu mà đi liên lạc với MTGPM. Bắc Việt và MTGP chỉ là một nhưng hiểu biết của VH Hồ về CS thấp kém quá nên mới phóng ra những đọan khôi hài nói trên.
Thưa quí vị, tôi không dám trích nhiều vì sợ quí vị cười quá sẽ bể bụng như những đoạn dưới đây
“Nước Pháp sẽ trao 300 triệu quan chuyển tiếp từ chế độ VNCH giao cho tân chính phủ để nuôi sống giải pháp trung lập. Chúng tôi sẽ quyên góp các nước bạn đồng minh Âu Châu một ngân khoản độ 290 triệu cho các chương trình viện trợ kinh tế, văn hóa, phát triển nông nghiệp, nhân đạo…. Tổng cộng cũng gần bằng viện trợ của Hoa Kỳ trước đây
Trích thêm
“Ngày 27-4-1975
Chiều ngày 27-4-75 tôi nhận được tin rất phấn khởi: Tướng Trần văn Trà bắn tin nhờ tôi cấp tốc thành lập chánh phủ trung lập và ông gửi gấp hai nhân vật thân tín của ông vào chánh phủ là là bà Nguyễn thi Bình và ông Ðinh Bá Thi….
Tùy viên quân sự của chúng tôi cũng xác nhận là hai sư đoàn tập kết của Trần Văn Trà sẽ vào tiếp thu Sài Gòn, phỗng tay trên của đạo quân Văn Tiến Dũng!!!!!!”
Quí vị xem đoạn dưới để biết nhà dịch giả nói láo tới cỡ nào:
“Kinh nghiệm bọn Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh ngày 17 tháng 4/75, đã xảy ra tình trạng chém giết hỗn loạn nguy hiểm đến sinh mạng Pháp kiều và các phóng viên ngoại quốc, cần Tòa Đại sứ Pháp che chở. Vì vậy ngày 19/4/75 tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao Pháp tăng phái cho chúng tôi một trung đội thủy quân lục chiến từ Nouvelle Calédonia đến Sài Gòn để bảo vệ sứ quán”.
Từ đầu chí cuối bản dịch cuốn Saigon et “ma” chỉ toàn là chuyện láo khoét, nhà dịch giả nói láo không thể tưởng tượng nổi, nói láo hơn Việt Cộng.
Sau khi đã đọc hai lượt và biết rõ thực chất của vở tuồng hề bịa đăt này, tôi xem thêm các bài của các tác giả Nguyễn Trần Việt, Ngự Sử, Vũ Ánh, Trịnh Bá Lộc… những người phủ nhận NNCCCVNCH chỉ là bịa đặt. Khoảng đầu năm 2009 tôi viết bài “Saigon et moi Một Cuốn Sách ma” và đã cho phổ biến trên truyền thông báo chí. Từ đó vụ bịa sử này tương đối ít được phổ biến nhưng chẳng hiểu sao nay lại thấy xuất hiện đầy trên mạng.
Nguyên nhân
Thử hỏi vì đâu mà có vụ bịa đăt lịch sử này? Trước hết tác giả của nó dựa theo những tin đồn. Ông Cao Văn Viên trong cuốn Những ngày cuối của VNCH trang 218 cho biết tại Sài Gòn những ngày 7/4 và 10/4 /1975 có tin đồn một cuộc dàn xếp tình hình chính trị của VNCH qua tay người Pháp đang được nói đến. Nhưng ngay chính ông Cao Văn Viên cũng không biết gì hơn về những sự kiện này. Ngoài ra chừng 10 ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ, báo chí đăng tin có sự vận động của quốc tế để tránh cho Sài Gòn khỏi trở thành bãi chiến trường.
Nói về tin đồn thì Sài Gòn trước và sau 30/4/1975 có vô số những giai thoại như thế. Sau ngày 30/4 khi mà tấm hình Bác Hồ to tổ bố đã treo trước tầng hai dinh Độc Lập, phía trên có hàng chữ “Hồ Chủ Tịt Vĩ Đại Sống Mãi Trong Sự Nghiệp của Chúng Ta” thế mà người ta vẫn cứ đồn ầm lên nào là Sài Gòn sẽ như Hồng Kông, nào là miền nam sẽ trung lập.. vân vân…
Vào khoảng 24, 25/4/1975 sau khi hai ông Thiệu, Khiêm đã ra đi, Tổng Thống Trần Văn Hương vừa nói vừa khóc trước quốc dân trên đài phát thanh Sài Gòn. Ông than thở về tình hình bi đát,
“Vùng I và II hoàn toàn tan rã, Vùng III và IV nhiều sứt mẻ. Rồi mai đây những trận đánh sấm sét sẽ đổ xuống và rồi Thủ đô Sài Gòn sẽ thành cái núi xương sông máu. Tôi đã nghĩ đến cái cảnh núi xương sống máu ấy và đã bàn với anh Dương văn Minh
Tôi có nói với ảnh như vầy “Bây giờ tôi bàn giao chính quyền cho anh, nhưng bàn giao để anh tìm cái giải pháp hoà bình cho đất nước chứ bàn giao cho anh để anh đầu hàng thì bàn giao làm gì?”
Chiều 28/4/1975 Ông Trần Văn Hương bàn giao quyền Tổng Thống cho Dương Văn Minh, 5 máy bay địch ném bom phi trường Tân Sơn Nhất, Lúc 7 giờ chiều đài BBC cho biết
“Hôm nay tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh được cử lên giữ chức vụ quyền Tổng thống thay thế ông Trần Văn Hương để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng”.
Sự thật lịch sử đã được nói huỵch toẹt trên đài phát thanh vì miền nam VN lúc này chẳng còn gì được gọi là bí mật.
Tình hình cuối tháng 4/1975 đã quá rõ ràng: CSBV dốc toàn lực bao vây Sài Gòn, tổng Cộng khoảng gần 20 sư đoàn gồm 5 quân đoàn (1,2,3,4,232) và 6 trung đoàn đặc công, nhiều trung đoàn độc lập, hỏa lực địch rất mạnh. Trung Tướng Toàn tổ chức năm tuyến phòng thủ (Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc, Đông, Nam) bảo vệ Sài Gòn, tổng cộng VNCH có 3 sư đoàn và các đơn vị di tản, quân số ta thiếu hụt, đạn chỉ còn đủ đánh một, hai tuần.. Tối 29/4 Tướng Toàn tẩu vi thượng sách cũng như nhiều vị quan to khác, lý do người ta biết chắc sẽ thua, ở lại cũng chết.
Quí vị đã xem cuốn phim Bẩy Người Hiệp Sĩ của Nhật quay năm 1954, 40 tên cướp tấn công một thôn làng cho tới người cuối cùng bởi vì chúng đã hết lương thực, trước sau gì cũng chết. CSBV đã nướng một triệu cán binh để chiếm cho được “vựa lúa miền nam” cũng y như 40 tên cướp trong phim, nay họ nắm chắc phần thắng trong tay chẳng lẽ lại thương thuyết để rồi rút về miền Bắc, thật khôi hài hết nước nói. Những tin đồn về thương thuyết nghe chơi cho vui thôi, nó xuất phát từ những người không có một tí kinh nghiệm và hiểu biết gì về CS, quá khứ đã cho ta thấy chúng chỉ chịu thương thuyết khi nào ở thế yếu.
Hậu quả
Không những truyền thông, báo chí, đài phát thanh đã bị gạt mà ngay cả các vị quan to, các nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị cũng bị lừa. Thưa quí vị tôi không có ác ý nhưng chỉ nêu ra đây một trường hợp số cụ thể: Năm 1997 Đại tá Dương Hiếu Nghĩa xuất bản cuốn “Nước VNCH Bị Bức Tử” tức bản dịch cuốn La Mort du Vietnam của Tướng Vanuxem. Phần sau cuốn sách, ông Đại tá Nghĩa cho in nguyên văn bản dịch cuốn Saigon et moi (tức NNCCCVNCH) với những lời giới thiệu trang trọng, ông có ghi.
“Và cho đến giờ nầy không còn ai tìm thấy tung tích quyển sách nầy nữa ở bất cứ thư viện nào bên Pháp, kể cả Thư Viện Quốc Gia Pháp ở Paris, cũng như sau nầy chính Ông Mérillon đã đính chánh ông không phải là tác giả của quyển “Saigon Et Moi” hay bất cứ quyển nào khác viết về Việt Nam. Tuy nhiên các báo Việt Nam tại Pháp lúc bấy giờ đều có đăng bản tóm lược của quyển sách nầy, mà bản tóm lược của ông Vũ Hải Hồ tại Paris là một. Hy vọng một ngày nào đó nếu có duyên may tìm được quyển sách quý “Saigon Et Moi” thì chúng tôi sẽ xin tiếp tục dịch để cống hiến cho quý vị độc giả. Bây giờ thì xin giới thiệu quý vị phụ bản đặc biệt nầy, trích từ tập san ĐA HIỆU (của Hội cựu sinh viên Võ bị Đà Lạt)”. (trang 114)
Thật là mâu thuẫn, chính ông đã nói cựu Đại sứ Mérillon phủ nhận không phải là tàc giả cuốn Saigon et moi [“ma”] và không viết bất cứ cuốn nào về VN mà ông vẫn tin là cuốn sách này có thực, còn coi là cuốn sách quí, nó là cuốn sách ma rồi còn gì nữa. Một sĩ quan cao cấp, có trình độ như ông đã bị lừa mà còn phổ biến cái trò ma quỉ này để cho bao nhiêu người khác bị lừa theo.
Ngoài ra một số các nhà nghiên cứu khác cũng bị lừa nhưng ít thôi, ông Dương Hiếu Nghĩa là bị gạt nhiều nhất.
Trang 218 Cuốn Tâm Tư Tổng Thống Thiệu, GS Nguyễn Tiến Hưng viết:
“…Có ngờ đâu cái tên của ông (Mérilllon) đã dính rất chặt vào những diễn biến tại Sài Gòn vào giờ thứ hai mươi tư. Chính ông đã kể lại rất rõ ràng những cố gắng của ông trong cuốn hồi ký ‘Saigon et moi’, nhưng vì một lý do nào đó , cuốn sách đã bị thu hồi ngay sau khi xuất bản (1983) nên ít ai được đọc .”
Và cuối trang 218 GS Nguyễn Tiến Hưng nói:
“Cựu Thủ tướng Cẩn cũng kể lại là: … “Ngày 17 tháng 4 khi tôi tiếp Đại sứ Mérillon thì ông thao thao bất tuyệt bênh vực giải pháp Dương Văn Minh. Sau này tập hồi ký của Mérillon có tiết lo thêm rằng ngày 18 tháng 4 Đại Sứ Martin chính thức nói với ông ta là đối với chính quyền Hoa Kỳ, trách nhiệm người Mỹ tại Việt Nam đã chấm dứt”
Quí vị là nhà dịch giả, nhà nghiên cứu, khi nghe tin cuốn sách Saigon et moi["ma"] bị thu hồi tại Pháp thì phải đặt câu hỏi:
-Nước Pháp tự do nhất thế giới có thể thể có chuyện tịch thu sách hay không?
-Trong trường hợp đặc biệt nếu cuốn sách đó tiết lộ “Bí mật quốc gia” vào loại “động trời” thì chính phủ Pháp cũng phải thu hồi cả cái bản dịch của Vũ Hải Hồ (tức NNCCCVNCH) chẳng lẽ cứ để ông ta cho phổ biến khơi khơi cái bí mật “động trời” ấy trên toàn thế giới hay sao?
-Khi cuốn Saigon et “ma” được phát hành ngoài các tiệm bên Tây thì ít ra cũng phải có mươi, mười lăm người Việt bên ấy mua được mỗi người một cuốn, chẳng lẽ chỉ có một mình ông VH Hồ mua được còn bà con ta chịu thua không biết nó bán ở đâu? Chẳng lẽ nó bán chạy quá bà con ta chậm chân không mua được? chẳng lẽ bà con ta bên ấy không ai biết tiếng Tây nên không mua chỉ có một mình ông VHH biết tiếng Tây nên mới mua?
Chuyện diễu vô lý như thế mà sao quí vị có thể tin được?
Ngoài ra nhiều nhà nghiên cứu khác cũng bị lừa nhưng ít thôi: (Trung tướng) Nguyễn Văn Toàn, (Đại tá) Lê Bá Khiếu, (Tiến sĩ) Nguyễn Văn trong cuốn “Những Sự Thật Chiến Tranh Việt Nam 1954-1975”, in năm 2002 cũng có nói tới Saigon et moi [“ma”] nhưng tương đối ít.
Năm 2009 khi viết xong bài “Saigon et moi, Một Cuốn Sách Ma”, tôi có gửi cho các thân hữu đọc, sau đó ông Trần đông Phong (tác giả cuốn VNCH, 10 Ngày Cuối Cùng, in 2005) có gửi thư trả lời tôi nói :
“Chết tôi rồi anh ơi, tại tôi tin người ta, người bạn đưa cho tôi mấy dữ kiện của NNCCCVNH, tôi lỡ cho vào tác phẩm, không biết tính sao bây giờ?”
Nhưng ông Trần Đông Phong cũng bị lừa ít thôi, chỉ thấy chút chút trong một, hai trang. Nguyên do người ta quá dễ tin và chỉ thích những chuyện bí mật nên mới bị lừa.
Cách đây chừng bốn năm, một ông bạn (hiện là GS, Khoa Trưởng tại Mỹ) nói ông có biết một ông Việt Nam làm luận án Tiến sĩ sử đã tham khảo nhiều trong tài liệu NNCCCVNCH, sau ông đã bỏ nó ra.
Báo giấy, trang mạng, đài phát thanh Hải ngoại… từ hai chục năm qua bị lừa gạt vô số, cách đây mấy năm KBC Hải Ngoại còn đăng lại kèm theo những hình ảnh trang trọng, cả Hải ngoại bị lừa gạt suốt hơn hai chục năm qua.
Phải nói nhà dịch giả Vũ Hải Hồ là người có tài bịp quá giỏi nhưng có điều nhà dịch giả thật đáng trách.
LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ LÀ CHUYỆN THIÊNG LIÊNG, ĐEM LỊCH SỬ ĐẤT NƯỚC RA LÀM TRÒ HỀ TRÒ CƯỜI LÀ MỘT VIỆC LÀM VÔ Ý THỨC.
Trọng Đạt
ĐẠI SỨ JEAN-MARIE MÉRILLON CÓ VIẾT CUỐN HỒI KÝ SAIGON ET MOIHAY KHÔNG?
Đoàn Thanh Liêm
01:14:pm 14/02/13
http://www.danchimviet.info/archives/73173/van-de-can-phai-duoc-lam-sang-to/2013/02 Vấn đề cần phải được làm sáng tỏ: Đại sứ Jean-Marie Mérillon có viết cuốn Hồi ký nào với nhan đề là Saigon et moi hay không?
Đại sứ Jean-Marie Mérillon
Từ nhiều năm trước đây, tôi có nghe trên vài đài phát thanh và rồi cũng đọc trên một vài tờ báo ở California về chuyện Vị Đại sứ Pháp ở Saigon trước năm 1975 tên là Jean-Marie Mérillon có viết một cuốn Hồi ký nhan đề là “Saigon et moi”, trong đó có kể một số chuyện xảy ra ở Saigon vào mấy ngày gần kề với ngày 30 tháng Tư năm 1975. Rồi gần đây, trên internet cũng lại thấy nhắc lại chuyện này nữa.
Bài báo khá dài đến 8425 chữ, có nhan đề là:
* Đại sứ Pháp ở Việt Nam Jean-Marie Mérillon :
“ Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa”.
“ Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa”.
Để khỏi mất thời giờ của bạn đọc, tôi chỉ xin trích dẫn một số đọan trong bài báo mà tôi lấy được từ Internet và xin dùng chữ nghiêng như dưới đây để phân biệt với nội dung của bài do chính tôi viết :
“ Móc nối với Trung Cộng thỏa thuận đâu vào đó cả rồi, sáng ngày 22/4 tôi mời phái đòan Dương Văn Minh vào Tòa Đại sứ tiếp xúc với chúng tôi. Phái đòan này có nhiều nhân vật đang tập sự làm chính trị, những kẻ chuyên sống nhờ xác chết của đồng bào họ : Huỳnh Tấn Mẫm, Hòang Phủ Ngọc Tường, Ngô Bá Thành, Ni sư Hùynh Liên, Lý Quý Chung,Vũ Văn Mẫu, Hồ Ngọc Cứ v.v… Tôi thấy Dương Văn Minh đã liên lạc quá vội với một thành phần vô ích. Những khuôn mặt này Bắc Việt chưa biết họ, còn bào công giúp Bắc Việt thì chỉ có việc chưởi tầm bậy chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
….Huỳnh Tấn Mẫm cướp lời Dương Văn Minh nói trước :
- “Thưa ông Đại sứ Pháp, cuộc chiến này Mỹ đã thua, tất cả người Việt Nam chúng tôi thắng trận”.
…Bà Ni sư Hùynh Liên nói nhiều lắm. Bà kể lể “tín đồ Phật Giáo bị kềm kẹp từ 20 năm qua, nếu cộng sản thắng thì đó là lời cầu nguyện của hàng triệu phật tử Việt Nam”.
…Đây là buổi thăm dò quan niệm, nhưng những con cờ quốc tế đã gửi cho tôi từ trước không có Hùynh Tấn Mẫm, Ngô Bá Thành, Hùynh Liên, Vũ Văn Mẫu và Lý Quý Chung. Tôi lễ phép mời họ ra về, ngọai trừ Đại tướng Dương Văn Minh để thu xếp nhiều công việc khác.
… Ông Vũ Văn Mẫu nói nhỏ với tôi một câu bằng tiếng Latinh : “Tôi muốn đi Pháp, nếu tân chánh phủ không được Hà nội nhìn nhận.”
….Huỳnh Tấn Mẫm cướp lời Dương Văn Minh nói trước :
- “Thưa ông Đại sứ Pháp, cuộc chiến này Mỹ đã thua, tất cả người Việt Nam chúng tôi thắng trận”.
…Bà Ni sư Hùynh Liên nói nhiều lắm. Bà kể lể “tín đồ Phật Giáo bị kềm kẹp từ 20 năm qua, nếu cộng sản thắng thì đó là lời cầu nguyện của hàng triệu phật tử Việt Nam”.
…Đây là buổi thăm dò quan niệm, nhưng những con cờ quốc tế đã gửi cho tôi từ trước không có Hùynh Tấn Mẫm, Ngô Bá Thành, Hùynh Liên, Vũ Văn Mẫu và Lý Quý Chung. Tôi lễ phép mời họ ra về, ngọai trừ Đại tướng Dương Văn Minh để thu xếp nhiều công việc khác.
… Ông Vũ Văn Mẫu nói nhỏ với tôi một câu bằng tiếng Latinh : “Tôi muốn đi Pháp, nếu tân chánh phủ không được Hà nội nhìn nhận.”
( Xin ghi rõ : Vào ngày 22 tháng 4, thì Hùynh Tấn Mẫm vẫn còn bị giam giữ trong tù. Chỉ đến ngày 29 tháng 4, thì Bộ trưởng Thông Tin Lý Quý Chung mới kéo Mẫm ra khỏi tù và giới thiệu Mẫm với giới truyền thông báo chí trong một cuộc Họp Báo. Còn Hòang Phủ Ngọc Tường lúc đó đâu có ở Saigon, vì từ năm 1966 – 67 anh ta đã rời bỏ Huế để lên chiến khu trên núi rồi. Lại nữa : Làm sao mà có chuyện Tướng Dương Văn Minh phải dẫn cả một phái đòan tới gặp Đại sứ Mérillon được? Mà họ nói chuyện với ông Mérillon bằng thứ ngôn ngữ nào : tiếng Việt hay tiếng Pháp ?)
* Lại có chỗ còn có câu kỳ lạ như sau : “Chẳng là vì chúng tôi có đủ tin tức tình báo nói rõ có 5 vị tướng lãnh Nga có mặt trong Bộ Chỉ Huy chiến dịch Hồ Chí Minh tại chiến trường Long Khánh. Không lẽ các vị ấy chỉ ngồi uống trà với Văn Tiến Dũng hay sao?…”
Tôi thật sự không đủ kiên nhẫn để trích dẫn thêm nữa những điều bịa đặt quá hoang tưởng như trên, nên xin để bạn đọc tùy nghi tìm hiểu và thẩm định.
- Có một vài bạn thắc mắc hỏi tôi : “Liệu có thật như vậy chăng?”
Tôi xin trả lời chung cho các bạn thật ngắn gọn như sau:
1 – Tôi đã đọc bài báo đó từ cả trên 10 năm trước và thấy rõ ràng đó là thứ tài liệu ngụy tạo kém cỏi, vì mấy lý do sau đây
A – Không hề có một ai đưa ra được bản nguyên tác Hồi Ký viết bằng tiếng Pháp của vị Đại sứ Mérillon. Ở Paris, chúng ta có các vị trí thức có tên tuổi, như Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Luật sư Vương Văn Bắc, Luật sư Trần Thanh Hiệp, Nhà báo Từ Nguyên Trần Văn Ngô v.v… Mà chưa hề thấy một ai lên tiếng xác nhận là có một cuốn Hồi ký như thế của Đại sứ Mérillon.
B – Tôi đọc lời tường thuật trên bài báo, thì nhận thấy ngay đó không thể nào là văn phong của một vị Đại sứ của một quốc gia văn minh như nước Pháp được. Người ngụy tạo ra bài báo đó rõ ràng là có trình độ văn hóa và đạo đức quá thấp kém, nên mới dám liều lĩnh viết bịa đặt gian dối bậy bạ như vậy.
2 – Vào năm 1990, Giáo sư Hòang Ngọc Thành – một nhà nghiên cứu sử học được tiếng là nghiêm túc – đã đích thân viết thư hỏi ông Mérillon lúc đó đang là Đại sứ Pháp tại Liên Xô để ông nói rõ xem là ông có viết một cuốn Hồi ký Saigon et moi hay không? Thì ông Đại sứ đã trả lời cho Giáo sư Thành bằng văn thư viết bằng Anh ngữ gửi từ Moscou đề ngày 12 tháng 11 năm 1990 rằng : “Tôi không hề viết một cuốn Hồi ký như thế”.
(Xin đính kèm nguyên văn bức thư của Jean-Marie Mérillon gủi GS Thành).
Như vậy để kết luận cho bài viết này, tôi có thể quyết đóan với bạn đọc rằng :” Không hề có cuốn Hồi ký Saigon et moi do Đại sứ Mérillon viết”.
Westminster California, Tháng Hai 2013
Đoàn Thanh Liêm
(Xin đính kèm nguyên văn bức thư của Jean-Marie Mérillon gủi GS Thành).
République Française
Jean-Marie Mérillon
Ambassade de FranceEn URSS
Ambassade de FranceEn URSS
Moscou le 12th November 1990
Dear Dr Thanh,
Your letter of the 22nd October has just reached me. I was most touched by it and very pleased to hear from you.
As far as the book Saigon et moi is concerned, I must make a point particularly clear. I did not write this book nor have I written any other about Vietnam; therefore the work that you are enquiring about is not mine. However, I am intrigued by this publication and should be glad to have any information relating to it.
Should I visit California, I shall not fail to take advantage of your kind invitation to a Vietnamese dinner.
Wishing your new book every success, I remain
Yours sincerely,
Jean- Marie Mérillon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét