24 tháng 2, 2013


Biến cố Tết Mậu Thân 1968: Trường hợp Lê Văn Hảo

Vinh Mỹ (Danlambao) - "Than ôi! Đó không phải là sự thật lịch sử mà tôi chỉ là một con tin đã bị ở trong thế kẹt phải nhận lấy chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mà mong có ngày về với vợ con thôi! Chớ tôi nói thật với anh vai trò của tôi trong Tết Mậu Thân là vai trò hoàn toàn thụ động, tôi chỉ ngồi trên núi để nghe đài, nghe tin tức... sự việc diễn biến như vậy thì mình theo thời cuộc thôi, mình phải theo cách mạng thôi, chớ không có cách nào khác. Anh thấy như vậy đó!..." - Lê Văn Hảo (trích trả lời phỏng vấn của Nguyễn An)

*

Vào dịp kỷ niệm 40 năm Tết Mậu Thân 1968, ông Nguyễn An, phóng viên đài RFA đã phỏng vấn và ghi lại ngày 2 tháng 2, năm 2008 những câu trả lời của ông Lê Văn Hảo về vai trò của ông với tư cách là chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên - Huế trong biến cố đó. Đọc những câu trả lời lúc đó của ông Lê Văn Hảo, tôi nhớ lại những gì chính Lê Văn Hảo đã viết dưới dạng hồi ký đăng trên tập san tiếng Pháp Etudes vietnamiennes do Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện xuất bản tại Hà nội năm 1973 mà tôi đọc đã lâu: “L’Itinéraire d’un intellectuel patrote”: Extraits des souvenirs du professeur Le Van Hao, le titre est de la Rédaction In: Huế, Passé et Présent ; Etudes Vietnamiennes No 37, 1973, pp. 133-200. Tìm đọc lại bài đó, tôi thấy có rất nhiều dị biệt nếu không nói là trái ngược hẳn nhau giữa những gì Lê Văn Hảo nói năm 2008 và những gì ông đã ghi lại trong hồi ký năm 1973. Phản ứng đầu tiên của tôi là liên tưởng đến trường hợp ông Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông Tường cũng có chuyện mâu thuẫn như thế và đã được nhiều người nói đến. 

Nay đến ngày kỷ niệm 45 năm kỷ niệm biến cố đau thương đó của đất nước, đặc biệt của những nạn nhân vô tội xứ Huế, tôi thấy nhiều phim ảnh và bài viết được cộng sản tung ra nhằm chối bỏ những tội ác tày trời rành rành trước mắt các nhân chứng, trong đó nhiều người còn sống. 

Không ai còn lạ chuyện cộng sản nói dối, có người cho là cộng sản không nói dối, mà cộng sản chính là sự dối trá, là hiện thân của dối trá “mendacium incarnatum”. Sự thật của họ là một sự dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi nhà báo Tôn Vy quả quyết một cách xanh rờn rằng sở dĩ có vụ Tổng tấn công Mậu Thân là vì Việt Nam Cộng Hòa đã “vi phạm một cách lỗ liệu thỏa thuận hưu chiến Tết” (ibid p.104), thì ông cho đó là một sự thật secundum cộng sản. Mỗi tranh luận trở thành vô ích. Biết như thế, nhưng tôi cũng xin trích dẫn cả hai bài của ông Lê Văn Hảo để góp dữ kiện cho bạn đọc kiểm chứng và bình luận,

I. Tết Mậu Thân (Lê Văn Hao 1973)

1. Lê Văn Hảo có ở Huế không?

Hãy nghe tác giả hồi ký kể lại quang cảnh nhộn nhịp ở Huế cũng như cảm giác tâm tình của mình ngày Tết Mậu Thân 1968: 

“Tuy nhiên, mùa xuân 1968 sắp đến nơi. Một cái gì sắp xảy ra, người dân cảm thấy như thế. Trong thâm tâm chúng tôi có những cảm giác khó tả”. 

“Đến gần Tết, người vào người ra tấp nập. Nhiều người kéo ra khỏi thành Huế. Nhiều đoàn người từ các quận tỉnh Thừa Thiên tiến vào thành phố. Chợ hoa ở bên cầu Trường tiền đông nghịt: hoa đào vàng lẫn hoa thược dược đỏ. Thành phố nhộn nhịp hơn những năm trước, có cái gì đó bất thường, Tuy nhiên chúng tôi không thể ngờ rằng chúng tôi sắp có một cái Tết khó quên, trong một khí thế phấn khởi như năm 1789, khi Quang Trung đại thắng quân xâm lăng nhà Thanh”. (sic!) (ibid p.196

2. Lê Văn Hảo, chủ tịch Liên Minh đã làm gì ở Huế?

“Chỉ vài giờ sau khi tấn công, Lực Lượng Cách Mạng và dân chúng đã làm chủ thành phố. Cờ Mặt trận phất phới trên kỳ đài thành nội thay cho cờ bù nhìn. Đó là ngày 31 tháng 1, 1968 vào khoảng 8 giờ sáng. Cờ của Liên Minh phất phới bên cạnh cờ của Mặt trận trên các công sở. Liên Minh kêu gọi dân chúng cùng nổi dậy để dành lại thành phố bị kẻ thù chiếm đóng từ 20 năm nay.” (ibid p.196)

3.- Hội nghị nào và ở đâu đã bầu Lê Văn Hảo làm chủ tịch UBNDCM Thừa Thiên Huế?

“Lực Lượng Cách Mạng Huế cùng với Liên Minh họp hội nghị để thành lập một Chính Quyền Cách Mạng, với mục đích tổ chức việc quản trị thành phố và chuẩn bị chống lại địch.

Ngày 15 tháng 2 năm 1968 Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế được thành lập và tôi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch.” 

Tuy nhiên chiến đấu đang diễn ra rất khốc liệt. Những gương can đảm và xả kỷ làm chúng tôi phấn khởi trong những ngày anh dũng này

Sau 23 ngày chiến đấu kịch liệt, lực lượng cách mạng phải bỏ thành phố để tránh cho Huế khỏi phải tiêu diệt theo kiểu diệt chủng của Mỹ. (ibid p.197)

4.- Lê Văn Hảo rút lui từ Huế ra vùng giải phóng

“Trên đường từ Huế đến vùng giải phóngtự mắt tôi xem thấy những tội ác của bọn xâm lược Mỹ. Những làng như La Chu, Van xa, Thanh Luong (huyện Huong Tra) dọc quốc lộ số 1 trong số nhiều làng khác bị san bình địa. Vô số hố bom đã thay chỗ cho nhà cửa. Ỏ trung tâm thành phố, bọn xâm lược Mỹ đã tưới lên trên những xóm đông dân cư các thứ bom bi, bom đốt, bom nổ, bom phosphore, bom gaz. Hàng vạn ngôi nhà bị thiêu hủy, hàng nghìn người bị giết hay bị thương. (p. 197)

Những năm sau này, mặc dầu Mỹ ồ ạt đổ quân vào Việt nan, tôi không hoàn toàn tin là Mỹ diệt chủng, nghĩ rằng trong chiến tranh không tránh khỏi đánh giết và tàn phá…. tôi không tin là họ ném bom bừa bãi vói mục đích tiêu diệt. Nhưng bây giờ tôi có thể quả quyết là Mỹ đã làm như thế. Tội diệt chủng của bọn côn đồ (gangsters) Mỹ là một điều hiển nhiên(ibid p.198).

“Khi vừa tới vùng giải phóng, tôi gặp lại nhiều người quen thuộc kể cả những người bạn và học sinh của tôi. [...] những nhà cách mạng mà tôi gặp ở Huế tỏ ra rất thân thiện cởi mở trong khu giải phóng. Chúng tôi cùng cảm thông trong tình yêu quốc gia trong sự căm thù Mỹ và bè lũ tay sai trong một bầu khí đấu tranh sôi sục cho thắng lợi quốc gia (ibid p.198)


II. Tết Mậu Thân Huế (Lê Văn Hảo 2008)

Lê Văn Hảo 2008: Sau khi tôi nhận chức đó (chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên - Huế) rồi thì có nhiều cuộc họp và họ nói cho tôi biết thế nào là chủ nghĩa CS, thế nào là chủ nghĩa Max Lenin, thế nào là chính quyền cách mạng, thế nào là đấu tranh giai cấp. Họ cũng làm cho tôi một loạt các bài học vỡ lòng để cho tôi biết chức vụ đó thì tôi phải nên làm thế nào để cho xứng đáng với chức vụ đó.

Lời bàn: UBNDCM đã được Liên Minh hội họp với Lực Lượng Cách Mạng Huế lập ra, và bầu Lê Văn Hảo làm chủ tịch. (vừa chủ tịch Liên Minh vừa chủ tịch Ủy ban Nhân Dân Cách Mạng) để tổ chức việc cai trị thành phố. Bầu rồi lại đem lên núi (hay là bầu trên núi?) cho học abc chủ nghĩa cộng sản! Nghe thế có được không?!

Nguyễn An: Thưa Ông, như vậy tức là Mậu Thân sau khi họ tấn công Huế thì sau đó họ đưa ông về? 

Lê Văn Hảo 2008: Không! Tôi không có về lúc đó, lúc đấy là chỉ có mấy anh CS về đánh nhau ở dưới thành phố thôi, chớ còn tôi họ đâu có dám đưa tôi về! Họ biết rằng khi tôi nhận thì tôi cũng miễn cưởng mà nếu đưa tôi về thì tôi chắc cũng chuồn luôn thì họ đâu có dám đưa tôi về. Trong tất cả khi nổ ra Mậu Thân tức là trong 26 ngày đêm CS chiếm thành phố Huế thì tôi ngồi trên núi để nghe đài phát thanh suốt ngày, tất cả những gì xảy ra dưới Huế tôi chỉ biết qua đài phát thanh của Hà Nội và đài phát thanh giải phóng. 

Than ôi! Đó không phải là sự thật lịch sử mà tôi chỉ là một con tin đã bị ở trong thế kẹt phải nhận lấy chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mà mong có ngày về với vợ con thôi! Chớ tôi nói thật với anh vai trò của tôi trong Tết Mậu Thân là vai trò hoàn toàn thụ động, tôi chỉ ngồi trên núi để nghe đài, nghe tin tức. 

Lời bàn: Trước Tết, trong Tết Mậu Thân, Lê Văn Hảo đều ở Huế, và chỉ rời Huế với tàn quân cộng sản (xem I. 1, 2, 3&4 trên đây)

Không thể Liên Minh họp tại Huế với Lực Lượng Cách Mạng bầu chủ tịch Lên Minh là Lê Văn Hảo làm chủ tịch UBNDCM để lo việc cai trị thành phố mà Lê Văn Hảo lại ở trên núi xa Huế đến 50 km. 

Nguyễn An: Tức là ông không biết những cái gì thêm ngoài những điều mà đài phát thanh nói? 

Lê Văn Hảo 2008: Tôi không thể biết được bởi vì tôi không có mặt ở Huế mà nó đâu có dám để cho tôi về Huế vì anh biết khi nó đề nghị một chức vụ như vậy là cả một sự áp đặt. Nó nói là anh phải nhận, nếu anh không nhận thì anh cũng không còn đường về thì cả một sự đe dọa. Anh có thấy tính chất đe dọa đàng sau lời đề nghị đó không? 

Lời bàn: Như trên (xem I 2, 3 ở trên)

Nguyễn An: Đây là một chi tiết rất là mới bởi vì hồi xưa cho đến bây giờ người ta cứ tưởng rằng là những đoàn quân họ chiếm đóng Huế hai mươi mấy ngày đó là Ông về trực tiếp điều hành công việc ở đó, thì hóa ra hoàn toàn không có chuyện này! 

Lê Văn Hảo 2008: Than ôi! Đó không phải là sự thật lịch sử mà tôi chỉ là một con tin đã bị ở trong thế kẹt phải nhận lấy chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mà mong có ngày về với vợ con thôi! Chớ tôi nói thật với anh vai trò của tôi trong Tết Mậu Thân là vai trò hoàn toàn thụ động, tôi chỉ ngồi trên núi để nghe đài, nghe tin tức. 

Rồi lâu lâu mấy ông như: Trần Văn Quang và các ông lãnh đạo khác ở Thừa Thiên, Huế ghé qua thăm và an ủi tôi và nói là sự việc diễn biến như vậy thì mình theo thời cuộc thôi, mình phải theo cách mạng thôi, chớ không có cách nào khác. Anh thấy như vậy đó! 

Lời bàn: Tại sao cộng sản bắt Lê Văn Hảo làm con tin, con tin để đòi hỏi gì? trong khi Lê Văn Hảo hoàn toàn đứng về phe cách mạng!

Nguyễn An: Tức là cũng không có ai báo cáo với Ông tình hình như thế nào với tư cách là chủ tịch UBND hết? 

Lê Văn Hảo 2008: Có chứ! Tức là trong khi đánh nhau và chiếm thành phố Huế như vậy thì chúng có điện đài theo dõi thì cũng nắm được tình hình lắm chớ, chớ đâu có phải là không biết gì! 

Lời bàn: Câu hỏi và câu trả lời đều lạc lõng khi đã chứng Minh Lê Văn Hảo ở Huế không phải ở trên núi. Ông vừa là chủ tịch Liên Minh, vừa là chủ tịch UBNDCM (thị trưởng kiêm tỉnh trưởng).

Nguyễn An: Sau khi rút ra khỏi Huế rồi, thì ông vẫn tiếp tục trên núi hay là ông đi theo họ? 

Lê Văn Hảo 2008: Dạ thưa tôi vẫn tiếp tục ở trên núi và lúc đấy thì quân đội Hoa Kỳ và quân đội VNCH đã phản ứng rất mạnh bằng cách ném bom rất dữ dội các vùng giải phóng chung quanh các thành phố lớn, thú thật với anh là chúng tôi sống toàn trong các hang núi, nếu ra ngoài thì cũng ăn bom như thường vì tình hình quá căng thẳng, bom đạn quá sức tưởng tượng. 

Lời bàn: Khó có thể nói Lê Văn Hảo còn ở trên núi khi Việt cộng rời khỏi Huế, khi nghe Lê Văn Hảo 1973 kể hành trình của mình từ Huế ra vùng giải phóng! (xem I, 4)
Nguyễn An: Hoàn cảnh đưa đẩy họ đến núi đó có tương tự như ông không? 

Lê Văn Hảo 2008: Giống hệt như tôi! Vị nào cũng được mời họp hết. Riêng cụ Thích Đôn Hậu thì cụ bị bắt cóc lúc mà quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế rồi thì họ mời cụ lên võng để đi họp thì nó cũng võng cụ lên trên núi luôn. Bà Nguyễn Đình Chi cũng trường hợp như vậy, tức là mời bà đi họp rồi võng Bà lên núi luôn.

Lời bàn: Thích Đôn Hậu có mặt ở Huế “khi quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế” họ võng cụ đi họp Liên Minh. Bên phía Liên Minh, Lê Văn Hảo là chủ tịch, Hoàng Phủ Ngọc Tường là Tổng thư ký. Ông nầy đã thú nhận một cách gián tiếp: “Với tư cách Tổng thư ký, tôi luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên để làm công tác chính trị của Liên Minh”. Thế tức là ở đâu có Thích Đôn Hậu ở đó có ông Tường và ông Hảo. Cuộc họp phải xảy ra ở Huế vì trong khi"bom đạn quá sức tưởng tượng » như Lê Văn Hảo nói mà CS võng (đi bộ) Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đinh Chi (võng ông và võng bà!) lên núi cách 50 km để họp thì là chuyện lạ! 

Nguyễn An: Như vậy thì ông sinh hoạt ở trong đó bao lâu thì biết rằng là MTGPMN chỉ là chi nhánh của Mặt trận Tổ quốc ở miền Nam thôi? 

Lê Văn Hảo 2008: Nói thật anh, việc ấy thì tôi biết ngay khi tôi lên trên núi thì tôi biết MTGP là một trò bịp bợm, tức là một tổ chức hữu danh vô thực, nó là tổ chức của CS thôi, gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhưng mà tất cả đều do Hà Nội chỉ đạo thôi. Việc đó tôi biết ngay và họ cũng không dấu anh ạ! Lúc đó mình ở trong tay họ rồi nên họ cũng không dấu. 

Lời bàn: Lại chuyện lên núi. Trong hồi ký, Lê Văn Hảo chỉ lên núi có một lần là khi ông rút lui Huế với tàn quân cộng sản còn chuyện ông có biết MTGPMN có là cộng săn không thì đọc hồi ký của ông đã rõ. 

Để kết luận, tôi xin mượn lời sau đây của ông Trần Trung Đạo trong bài viết Hãy nói trước ngày chết:
“Dụng ý của kẻ viết bài này chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, nhiều trong số những người “nhảy núi” còn sống ở Huế hay trong và cả ngoài nước, nhưng chắc không sống bao lâu nữa. Tuổi tác của các ông các bà đều trên dưới bảy mươi. Thời gian còn lại như tiếng chuông ngân đã quá dài. Tất cả sẽ là không. Các ông các bà ra đi không mang theo gì cả nhưng sẽ để lại rất nhiều. Vẫn biết con người khó tự kết án chính mình nhưng các ông, các bà vẫn còn nợ dân tộc Việt Nam, nhất là các thế hệ mai sau, câu trả lời cho cái chết của nhiều ngàn dân Huế vô tội. 

Ngọn nến trước khi tắt thường bật sáng, vì tương lai dân tộc, các ông các bà hãy sáng lên sự thật một lần trước ngày chết.”



__________________________________

Dân Làm Báo - Họ tiếp tục hát trên những xác người, chối bỏ tội ác, đổ thừa tội phạm, chà đạp lịch sử để tự vinh danh những kẻ sát nhân lẫn một chế độ sát nhân. Và vì thế những tang thương quá khứ đành phải lật lại vì sự thật của lịch sử:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét