Các Sách Trắng về chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa, cũng như một số tài liệu nghiên cứu của các học giả Trung Quốc mà tiêu biểu là ông Hàn Chấn Hoa với cuốn “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải của nước ta” (Trung Quốc –NV) đã đưa ra nhiều kết luận “hùng hồn” rằng có rất nhiều “sự thật lịch sử”, trong đó có sự hiện diện của các di chỉ khảo cổ, “chứng tỏ đầy đủ rằng” Trung Quốc là người đã phát hiện, kinh doanh, khai thác và thực hiện việc cai quản đầu tiên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) từ “hàng nghìn năm nay”. Thế nhưng, đáng tiếc là các sử gia Trung Quốc thời cổ xưa lại chính là những nhà chép sử có lòng tự trọng và nghiêm túc với chức trách. Các bộ Sử ký của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc đã ghi lại hầu hết các sự kiện quan trọng với nhiều chi tiết rõ ràng, nên khi đi vào từng vấn đề cụ thể, lập luận của Trung Quốc ngày nay về chủ quyền của họ trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng đã tỏ ra hết sức mâu thuẫn với bản thân các tài liệu chính sử.
Xét về mặt địa lý, Trung Quốc trích dẫn từ một số sách địa lý cổ xưa của họ có những ghi nhận và mô tả về các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để cho rằng họ phát hiện và xác lập chủ quyền tại hai quần đảo này từ hàng ngàn năm qua. Chẳng hạn như cuốn Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn (thời Tam Quốc 220-265) viết dưới thời Hán Vũ Đế, có mô tả về các đảo đá và cát trên Biển Đông, có đoạn mô tả chỗ nước nông và có đá nam châm khiến cho tàu thuyền qua lại nguy hiểm, dễ bị chìm. Dị Vật Chí của Dương Phù (đời Đông Hán, 25-220 sau CN) nói về những điều lạ của xứ nước ngoài mô tả địa danh Trướng Hải như sau: “Tại Trướng Hải Kỳ Đầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châm, thuyền lớn đi ngoài cõi, dưới thuyền gắn lá sắt sẽ bị nhổ ra”. Chỉ có vậy, thế nhưng các tài liệu gần đây của Trung Quốc lại “áp đặt” sự mô tả này về Trướng Hải Kỳ Đầu cùng truyền thuyết về đá nam châm hút đinh sắt của các thuyền có liên quan tới các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông. Cũng cần nhấn mạnh rằng, phần lớn các thư tịch cổ của Trung Quốc khi nói về đảo và các bãi đá ngầm trên Biển Đông đều chép với rất nhiều tên gọi khác nhau. Chẳng hạn như trong cuốn Đông Tây Dương Khảo của Trương Nhiếp (1618), có nói đến các đảo nằm cách huyện Văn Xương 100 dặm (khoảng 50km), điều này không thể phù hợp về mặt địa lý với quần đảo Hoàng Sa (Paracels) nằm cách Hải Nam về phía nam đến hơn 250km. Tên của các đảo này cũng được chép rất khác nhau tùy theo sự tưởng tượng của tác giả như: Cửu Nhũ Loa Châu, Vạn Lý Thạch Đường, Thiên Lý Thạch Đường, Thất Châu Dương, Thất Châu Sơn… Thật là khó có thể chấp nhận quan điểm của Trung Quốc khi họ cứ khăng khăng cho rằng những đảo đó chính là quần đảo Hoàng Sa (Paracels) hoặc có lẽ là Trường Sa (Spratleys). Đôi khi, sự khẳng định của họ không khỏi gây ra sự sửng sốt. Trong tài liệu “Các biên giới của Trung Quốc” của Chu Kiện (1991), tác giả khẳng định “năm 1873, Quách Tông Đào, Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc được cử sang phương Tây, trong nhật ký hành trình đã nhắc đến Nam Sa (Spratleys) thuộc về Trung Quốc”. Thế nhưng đoạn văn này lại được minh hoạ thêm bởi chú thích đề cập tới Hoàng Sa (Paracels) và ghi chú đảo nằm ở vĩ độ 17 Bắc. Đây quả là sự lẫn lộn nghiêm trọng và càng cho thấy sự cố tình gán ghép các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vốn nằm phía nam vĩ tuyến 17 vào lãnh thổ Trung Quốc.
Các tham vọng của Trung Quốc còn mâu thuẫn bởi chính các nguồn tư liệu khác của họ. Nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và phân định rõ lãnh thổ của đế chế Trung Hoa khá trùng hợp nhau, các mô tả này đều định rõ lãnh thổ Trung Hoa có điểm tận cùng ở phía nam là đảo Hải Nam. Theo hướng này, trong số các cuốn sách ở thế kỷ XII, rồi thế kỷ XVII và XVIII, trong đó các cuốn Địa chí phủ Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) cũng như cuốn Địa chí tỉnh Quảng Đông năm 1731, cuốn sách dâng nộp vua Thanh năm thứ 9 đời Văn Chính (1731), bản đồ tỉnh Quảng Đông không nói gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó vào năm 1754, các dân binh hải đội Hoàng Sa của Việt Nam bị đắm thuyền khi công tác trên quần đảo Hoàng Sa trôi dạt tới bờ biển Trung Quốc, nhà chức trách Trung Quốc sau khi thẩm tra xong đã đưa họ về quê hương mà không có sự phản kháng nào của Trung Quốc, chứng tỏ hoạt động của hải đội Hoàng Sa được Trung Quốc thời đó ghi nhận là việc bình thường thực thi chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển này. Trong tất cả các tài liệu Trung Quốc đều nhắc lại rằng các ngư dân Trung Quốc đã đến các đảo trên Biển Đông vào mọi thời kỳ. Nhưng, các tài liệu mà họ đưa ra chỉ cho thấy đó là những hành vi cá nhân, không mang tính nhà nước, không phù hợp với một sự chiếm hữu cũng như với ý định khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia bởi vì việc chiếm cứ “do các tư nhân không hành động nhân danh chính phủ của họ mà thực hiện vì một lợi ích cá nhân không tạo thành một sự chiếm hữu”, theo luật pháp quốc tế đương thời.
Hơn nữa, cũng trong những thời kỳ này, chính các quần đảo đó thường được các ngư dân Việt Nam lui tới. Trên thực tế, đã không có một chút dấu vết gì chứng tỏ là Trung Quốc đã từng phản kháng lại sự khẳng định chủ quyền của Hoàng đế Gia Long và các người kế nhiệm ông trong suốt cả thế kỷ XVIII cũng như thế kỷ XIX, khi các chúa Nguyễn của Việt Nam tổ chức việc khai thác các đảo nằm dưới quyền tài phán của họ một cách mạnh mẽ và liên tục. Chúng ta có thể tìm thấy trong các văn tập lịch sử Trung Quốc những lời xác nhận sự không tồn tại tham vọng về các đảo trên Biển Đông của Trung Quốc trong lịch sử. Như vậy, có thể thấy rằng Trung Quốc chưa bao giờ có việc thực thi chủ quyền mang tính nhà nước đối với các quần đảo này suốt lịch sử cho tới đầu thế kỷ XX. Sự thờ ơ của Trung Quốc đối với các quần đảo trên Biển Đông đã được hai tài liệu xác nhận: bản đồ Trung Hoa của đế chế thống nhất Hoàng Triều Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ, phát hành vào năm 1894, lãnh thổ Trung Quốc trong đó chỉ mở rộng tới đảo Hải Nam. Ngoài ra, quyển “Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư”, phát hành năm 1906 nêu ở trang 241 rằng “điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu, đảo Quỳnh Châu, ở vĩ tuyến 18°13′ Bắc”.
Sự chính xác và rõ ràng của các luận chứng khẳng định chủ quyền lâu đời, liên tục của Việt Nam bằng những hành động cụ thể của người Việt theo lệnh của triều đình từ thế kỷ XVIII, khiến Trung Quốc phải phản bác lại là các vua chúa Việt Nam luôn chỉ hoạt động nhằm phục vụ Hoàng đế Trung Hoa. Điều này lại càng phi lý. Vương quốc Việt Nam (Đại Cồ Việt) được thành lập vào thế kỷ XI bằng việc thiết lập một quyền lực chính trị và một nền cai trị độc lập đối với Trung Quốc, nhưng đồng thời công nhận một cách khéo léo quyền bá chủ của Trung Quốc. Mối quan hệ chư hầu này khó xác định theo một quan điểm pháp lý bởi vì nội dung của nó mơ hồ và tăng giảm tùy theo các thời kỳ. Trong lịch sử bang giao Đại Việt – Trung Hoa, các triều đại Việt Nam cần lễ thụ phong của Trung Quốc để được công nhận, giống như mọi quốc gia hiện đại muốn đứng vững thì không thể bỏ qua sự công nhận quốc tế. Đối với Trung Quốc, cống nạp thể hiện sự phụ thuộc tối đa mà họ hy vọng. Ngược lại, đối với Đại Việt, cống nạp thể hiện sự độc lập tối đa mà vương quốc này có thể đạt tới mà không gây nên phản ứng đế quốc từ phía Trung Quốc. Chế độ chư hầu được Việt Nam chấp nhận trên danh nghĩa, dưới hình thức triều cống danh dự. Nhưng nghĩa vụ tôn kính của triều đình Việt Nam đối với “Thiên triều” là hoàn toàn hình thức. Lịch sử các quan hệ Trung-Việt từ khi thành lập nước Việt Nam, thoát ra khỏi sự chi phối của Trung Quốc, đã được đánh dấu bằng nhiều mưu toan quân sự của Trung Quốc chống lại Việt Nam. Sau khi đã chiến thắng, các vua Việt Nam không bao giờ quên việc tìm cách xoa dịu người láng giềng khổng lồ của mình bằng một sự thần phục tượng trưng. Từ đó cho thấy lập luận của Trung Quốc đưa ra từ quan hệ chư hầu để mập mờ đòi hỏi yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam là không hề có giá trị pháp lý.
Trung Quốc cũng sử dụng một số báo cáo về khảo cổ học để cho rằng họ có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, không có một kiểm chứng khoa học khách quan nào cho thấy những di vật cổ xưa nói là được tìm thấy trên các quần đảo này là của người Trung Quốc. Hơn nữa, theo giới chuyên môn, giả sử “các di chỉ khảo cổ” mà Trung Quốc cho là phát hiện tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đúng là của người Trung Quốc đi chăng nữa, thì theo luật pháp quốc tế, cũng không có ý nghĩa trong việc xác lập chủ quyền lãnh thổ tại đây. Là một ngành khoa học, khảo cổ học và những di chỉ khảo cổ không có vai trò quyết định trong việc công nhận hay bác bỏ chủ quyền của một quốc gia trên một vùng lãnh thổ nơi các di chỉ khảo cổ hiện diện. Việc Trung Quốc coi các “di chỉ khảo cổ” nói là tìm thấy ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để kết luận “hàng loạt tư liệu văn vật này chứng minh một cách hùng hồn rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ cổ xưa là lãnh thổ của Trung Quốc” là một kết luận mang tính suy diễn, không có cơ sở khoa học, lịch sử và pháp lý quốc tế. Cái gọi là những “di chỉ khảo cổ” của Trung Quốc chỉ là sự bịa đặt cố ý nhằm phục vụ cho mưu đồ chính trị, không làm thay đổi được thực tế là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam từ rất lâu đời và người Việt Nam đã thực thi quyền chủ quyền của mình liên tục trên hai quần đảo này cho tới nay.
Nhóm PV Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét