17 tháng 1, 2013


Tưởng nhớ nhà văn, nhà thơ, nhà cách mạng Phan Khôi

Nhân ngày mất lần thứ 54 (16/01/1959 – 16/01/2013) nhà cách mạng Phan Khôi, đảng viên lão thành Việt Nam Quốc Dân Đảng. Theo cuốn Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng ghi lại về cố đồng chí Phan Khôi: “Trong thời đệ nhị thế chiến (1939-1945), có thể đời sống tại Sài Gòn khó khăn, Phan Khôi về Quảng Nam. Cụ lớn tiếng công kích cán bộ địa phương phá hủy nhà thờ cụ Hoàng Diệu, và chính sách khủng bố của Việt Minh bắt thủ tiêu các đảng phái đối lập, nhất là các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, ông Trương Phước Tường bị Việt Minh bắt tại Tam Kỳ ngày 4-2-1946. Phan Khôi được bầu làm chủ nhiệm tượng trưng cho tỉnh đảng bộ. Phan Bá Lân làm Bí thư và ban chấp hành tỉnh Hoàng Tăng, Phan Khoang, phụ trách Tuyên nghiên huấn. Lê Thận phụ trách Đặc vụ (Hoàng văn Đào sđd trang 354). Để tưởng nhớ cuộc đời cách mạng, thơ văn, làm báo và lý luận của cố đồng chí Phan Khôi, trang nhà http://www.vietquoc.org xin ghi lại những nét son đặc biệt của nhân vật chấn động một thời qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm…

Nhà văn Phan Khôi (1887-1959) và Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm
Nguyễn Quý Đại
Phan Khôi (1887-1959)
Phan Khôi hiệu là Chương Dân, sinh ngày 20-08-1887 (Đinh Hợi) tại làng Bảo An quận Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, thận phụ là phó bảng Phan Trân (1826-1911) thân mẫu Hoàng Thị Lệ (1826-1882) con gái của Tổng đốc Hoàng Diệu (1828-1882).
Năm 1906 Phan Khôi ra Huế thi Hương, nhưng rớt cử nhân được sắp vào hạng tú tài. Ông lấy biệt hiệu Tú Sơn (Tout Seul).
Phan Khôi xuất thân trong gia đình khoa bảng, ông nội là Án sát Phan Nhu. Phan Khôi học Hán văn từ nhỏ, nhờ đọc các sách Tân thư nên có tình thần Duy tân, tin ở Dân quyền. Phong trào Duy Tân hoạt động (1906-1908) do Phan Chu Trinh (1872-1926), Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) và Trần Quý Cáp (1870-1908) cùng các sĩ phu tại quê nhà lãnh đạo, Phan Khôi hưởng ứng phong trào, ra Hà Nội học chữ Quốc ngữ và Pháp văn tham gia hoạt động với trường Đông Kinh Nghĩa Thục mở cửa năm 1907.
Năm 1908, phong trào bị thực dân Pháp đàn áp, tất cả đều bị bắt bỏ tù hay tử hình. Phan Khôi lúc đó ở Hà Nội, bị bắt đưa về giam ở huyện Diên Phước (Điện Bàn), trong thời gian ngắn, được ân xá ông ra Huế theo học tại trường Pellerin từ năm 1909 – 1911.
Hiền Thê (trái) cụ Phan Khôi (phải)
Thân phụ mất, ông về quê để tang, mở trường dạy học, hết tang ông lập gia đình (1913). Nhạc phụ là ông Lương Thúc Kỳ (1867 ?) giáo viên trường Dục Anh tại Phan Thiết do ông Nguyễn Trọng Lợi thành lập.
Sinh hoạt viết báo
Phan Khôi gia nhập làng báo chí, viết cho các báo sau:
- Đăng Cổ Tùng Báo (1907) của trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
- Nam Phong (1918) của Phạm Quỳnh (1892-1945), nhưng chẳng bao lâu bất đồng ý kiến, bỏ vào Sài Gòn viết tờ Lục Tỉnh Tân Văn (thành lập từ năm 1907).
Sau đó, ông ra Hà Nội tiếp tục viết:
- Hà Nội Thực Nghiệp Dân Báo (1920)
- Hữu Thanh (1921)
Phan Khôi lại trở về Sài Gòn vào năm 1925 cộng tác các tờ:
- Đông Pháp Thời Báo (1923)
- Trung Lập Báo (1924)
- Thần Chung (1929)
rồi làm làm chủ bút tờ Phụ Nữ Tân Văn (1929) một thời gian rồi vì khủng khoảng tài chánh nên báo phải đình bản.
Ông ra Hà Nội làm chủ bút tờ Phụ Nữ Thời Đàm (1932)
Ở Huế ông làm Chủ bút: Tràng An (1934), Phụ Nữ Tân Văn tục bản (1936).
Làm chủ nhiệm kiêm chủ bút: Nhân Văn tại Hà Nội (từ ngày 20.9.1956 đến ngày 15.12.1956)
Trong thời gian nầy ông viết thêm các tờ: Giai phẩm (1956), Tuần báo Văn (1957)
Dịch và viết sách
Phan Khôi dịch bộ Thánh Kinh của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Đạo Tin Lành sang truyền giáo tại Việt Nam, chưa có Kinh Thánh bằng Việt ngữ. Phan Khôi là nhà Nho am hiểu Pháp văn. Ông đối chiếu hai cuốn Kinh viết từ Hán văn và Pháp văn dịch sang chữ Quốc ngữ (1921).
Phan Khôi gom các bài viết trong khoảng thời gian 1917-1945 được đăng tải qua báo chí in thành tập Chương Dân Thi Thoại (1936).
- Trở vỏ lửa (1939 cuốn tiểu thuyết ít được nhắc đến)
- Việt ngữ nghiên cứu
- Dịch sách Lỗ Tấn (Chu Thụ Nhân 1858-1913)
Làm Thơ
Bài thơ ngụ ngôn ông viết vào khoảng năm 1909 sau vụ Trung Kỳ Dân Biến (1908) với thể thơ tự do nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Vì báo chí viết bằng chữ Quốc ngữ còn phôi thai:
Mồng bảy tháng bảy năm Mậu Thân
Chiếu lệ bắc cầu qua sông Ngân
Hằng hà sa số cu-ly (cooly) quạ
Bay bổng về trời dường trẩy quân
Hai bên bờ sông đậu lốc ngốc
Con thì kêu đói, con kêu nhọc
Bỗng nghe lệnh trời truyền khởi công
Nào con đầu cúi, con lưng cong
Thêm bầy Lý Bẻo đứng coi việc
Đụng đâu đánh đó như bao bông!
Ngán cho cái kiếp làm dân thiệt
Làm có ăn không, chết cho hết
Cắn cỏ kêu trời, trời chẳng nghe
Một con bay lên đứng diễn thuyết
Hỏi đồng bào nghe tôi nói đây:
Dân quyền mạnh nhất là đời nay
Việc mà chẳng phải mà công ich
Không ai cho phép đem dân đày
Trối kệ Hoàng Ngưu với Chức Nữ
Qua được thời qua không thời chớ?
Quốc dân Ô thước tội tình chi?
Mà bắt xâu bơi làm khổ sở
Anh em ta, hè về quách thôi!
Luôn thể kéo nhau vào cửa trời
Dộng trống đăng văn, ầm đế tọa
Ngai vàng bệ ngọc, rung rinh rơi
Nghe tin dân quạ nổi cách mệnh
Đường xá xa xuôi, việc nặng nề
Phần lũ con thơ ở nhà khóc!
Trời sai Thiên lôi ra thám thính
Đầu đen máu đỏ quyết hy sinh!
Ngừng búa Thiên lôi không dám đánh
Năm nay bỗng thấy chiếu trời ra,
Đánh chữ đại xá trời ban cho
Dân quạ ở đâu về ở đó
Từ nay khỏi bắc cầu Ngân hà
Ờ té ra:
Mềm thì ai cũng cắn!
Rắn thì thời cũng nhả.
Hằng hà sa số cu-ly quạ
Bay về hạ giới kêu kha! Ô khá!
Hai mươi ba năm sau bài thơ Tình Già trình làng, đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 122 ngày 10-3-1932 và từ đó phong trào thơ mới được bắt đầu, lối làm thơ tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, Đường luật nhường chỗ cho phong trào thơ mới.
Mở đầu cho thi ca Việt Nam phát triển phong phú hơn. Bài thơ Tình Già của Phan Khôi được đưa vào chương trình giáo dục (trung học) trước 1975 tại miền Nam
Tình già
Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở.
Ôi đôi ta tình thương thì vẫn nặng
Mà lấy nhau hẳn là không đặng
Để đến rồi tình trước phụ sau
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau
Hay! Nói mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau làm sao cho nở?
Thương được chừng nào hay chừng nấy
Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng
Mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau
Tình cờ nơi đất khách gặp nhau!
Đôi mái đầu đều bạc
Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi!
Con mắt còn có đuôi
Lý luận Phan Khôi
Phan Khôi là một kiện tướng của “Quảng Nam hay cãi”. Người xưa nói “quân tử hòa nhi bất đồng” người quân tử không đồng nhất với nhau nhưng vẫn giữ tư tưởng sự hòa thuận tôn trọng nhau và cộng tác. Phan Khôi ảnh hưởng Nho học và tân học (say mê khoa luận lý học, logique) khả năng lý luận uyên bác. Ngay trong gia đình đối với thân phụ ông cũng cãi lại. “Tôi đã từng biết một gia đình cãi nhau những ba đời. Đó là gia đình ông Phan Khôi, Cha Phan Khôi, một bậc đại khoa tên là Phan Trân (con án sát Phan Nhu), tôi không rõ giữa ông Phan Nhu và ông Phan Trân có hay cãi nhau như thế nào không, nhưng giữa ông Phan Trân và Phan Khôi, các cụ vẫn còn kể lại những vụ cãi nhau rất kinh động. Rốt cuộc, cha thường vác roi đuổi con chạy tơi bời. Điều ấy dễ hiểu: ông phó bảng Phan Trân bênh vực cổ nhân như các bậc đại khoa thời ấy; ông Phan Khôi chống lại vì ông đọc Tân thư, tin ở Dân Quyền..” (Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, sđd trang 93-94 )
Phan Khôi viết bài phê bình bộ Nho Giáo của Trần Trọng Kim (1883-1953) xuất bản gây các cuộc bút chiến với Phạm Quỳnh (1892-1945) vào năm 1930. (1)
Trên tờ Phụ Nữ Thời Đàm năm 1932 bài viết “Văn minh vật chất và Văn minh tinh thần” của Phan Khôi đưa đến bút chiến với nhà văn cộng sản Hải Triều Nguyễn Khoa Văn (1908-1954).
Nhằm lấy lòng Phan Khôi vì ông là nhà văn miền Nam có danh tiếng, chính quyền Hà Nội cử Phan Khôi đi dự lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày mất của Lỗ Tấn (1881-1936) tại Bắc Kinh (Peking) trên đất nước đàn anh cộng sản giáo điều, nhưng Phan Khôi tranh luận cãi với cán bộ Trung Cộng về chủ nghĩa Mác xít (Marxist), Phan Khôi phê bình khi tới thăm nhà máy An Sơn như sau:
Ngày xưa ông Mác nói “lao động sáng tạo nhưng tôi nghĩ rằng nên nói trí thức và lao động sáng tạo mới đúng”.
Cán bộ Tàu lễ phép chữa lại:
“Thưa cụ, ông Mác nói là lao động là bao gồm cả trí thức trong đó chứ ạ!”
Cụ Phan trả lời ngay:
“Không đâu, ý ông Mác chỉ muốn nói công nhân thôi, còn trí thức thì sau nầy người ta mới thêm thắt vào đó”.
Dạy học và hoạt động chính trị
Năm 1934 dạy Việt văn cho trường tư thục Hồ Đắc San tại Huế.
Năm 1936 Phan Khôi dạy tại trường Chấn Thanh Sài Gòn do Phan Bá Lân làm hiệu trưởng. Năm 1941 trường Chấn Thanh dời về Đà Nẳng. Trong thời đệ nhị thế chiến (1939-1945), có thể đời sống tại Sài Gòn khó khăn, Phan Khôi về Quảng Nam. Cụ lớn tiếng công kích cán bộ địa phương phá hủy nhà thờ cụ Hoàng Diệu, và chính sách khủng bố của Việt Minh bắt thủ tiêu các đảng phái đối lập, nhất là các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), ông Trương Phước Tường bị Việt Minh bắt tại Tam Kỳ ngày 4-2-1946. Phan Khôi được bầu làm chủ nhiệm tượng trưng cho tỉnh đảng bộ. Phan Bá Lân làm Bí thư và ban chấp hành tỉnh Hoàng Tăng, Phan Khoang, phụ trách Tuyên nghiên huấn. Lê Thận phụ trách Đặc vụ (Hoàng văn Đào sđd trang 354).
Hà Nội ngày 13-7-1946 Võ Nguyên Giáp cho người lục soát trụ sở Ban Tuyên huấn Đệ thất khu Đảng Bộ của VNQDĐ tại số 9 phố Ôn Như Hầu, trụ sở nầy vốn của quân đội Nhật giao lại cho quân đội Trung Hoa; rồi chuyển cho VNQDĐ.
Việt Minh phao tin lên tìm thấy trong khu vực nhà nầy có chôn xác người, lấy đó làm bằng cớ, lập biên bản kết tội VNQDĐ là tổ chức “hắc điếm” để bắt cóc, giết người. Vụ nầy được gọi là vụ án Ôn Như Hầu. Từ đó Việt Minh thanh toán VNQDĐ trên toàn quốc. (Minh Vũ Hồ Văn Châm, báo đd tr.45)
Cán bộ địa phương không dám thanh toán Phan Khôi và báo cáo lên cấp trên, vì con trai của Phan Khôi là Phan Thao (1915-1960), lúc bấy giờ làm cán bộ cao cấp trong Ủy ban Trung bộ, và Phan Bôi (1910-1949) bí danh Hoàng Hữu Nam (anh em chú bác với Phan Khôi) làm thứ trưởng bộ nội vụ Việt Minh.
Phan Khôi viết thư gởi Huỳnh Thúc Kháng đang giữ chức Bộ trưởng Bộ nội vụ, Huỳnh Thúc Kháng vội vàng can thiệp với Hồ Chí Minh dàn xếp vấn đề, viết thư mời Phan Khôi ra Hà Nội hợp tác, nhưng kỳ thực giao cho Phan Bôi để quản thúc.
Vào tháng 7-1946 tại cầu Chiêm Sơn xã Phú Tân huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam Việt Minh lấy cớ Việt Nam Quốc Dân Đảng mưu toan phá hoại cầu khi có tàu lửa chở vũ khí vào Nam và thanh toán các đảng viên VNQDĐ.
Ngày 20-10-1946 tại Hà Nội Việt Minh tấn công tòa báo của VNQDĐ tại số 80 đường Quan Thánh do nhà văn Khái Hưng (1896-1947) phụ trách, tất cả bị bắt trong đó có Phan Khôi.
Phan Khôi những ngày trên đất Bắc
Phan Thao và Phan Bôi đưa Phan Khôi lên các vùng chiến khu Việt Bắc do Việt Minh hoàn toàn kiểm soát, sống biệt lập, và giao trách nhiệm dịch sách từ Hán văn hay Pháp văn ra Việt ngữ. Phan Khôi tán thành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên phải đứng chung với chủ nghĩa Cộng sản.
Hồng nào hồng chẳng có gai
Miễn đừng là thứ hồng dài không hoa,
Là hồng thì phải có hoa
Không hoa chỉ có gai mà ai chơi?
Ta yêu hồng lắm hồng ơi!
Có gai mà cũng có mùi hương thơm.
( 16.03.1951)
Trong những tháng ngày buồn chán bị cấm đoán cô đơn, Phan Khôi gởi tâm sự qua các bài thơ:
Tuổi già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến thấy dài ra
Mối sầu như tóc bạc,
Cứ cắt lại dài ra.
Trong bài thơ chữ Nho sáng tác năm 1950 Thế Lữ dịch:
Một mình đêm giao thừa
Đến ngọn đèn làm bầu bạn cũng không có
Đắp lên thân suy tàn một tấm chăn kép
Chợp mắt mơ là nhằm miếng chua cay
Có vợ con mà sống chia cách
Không sinh kế đành phải ăn nhờ
Nghe tiếng gà mừng vùng dậy
Kháng chiến bốn lần gặp xuân rồi!
Một mình trước cảnh xanh núi rừng
Ta ngồi ngạo nghễ với bầy chim bầy vượn
Vì ta chạy loạn mà tình cờ gặp cảnh lâm tuyền
Phan Khôi tự ví mình như con heo sống dưới chế độ cộng sản miền Bắc:
Đánh đùng một cái
Kêu éc éc ngay
Bịt mồm, bịt miệng
Trói chân, trói tay……
Từ dây đến cái đao
Chẳng còn bao xa
Hiệp định Genève ký ngày 20-7-1954, Việt Nam bị chia đôi, sông Bến Hải ngăn cách hai miền Nam Bắc tại vĩ tuyến 17. Hơn 1 triệu người bỏ miền Bắc di cư vào Nam. Ngược lại Việt Minh cho các cán bộ kết ra Bắc khoảng 100 ngàn người và để lại một số cán bộ nằm vùng.
Gia đình Phan Khôi tập kết ra Bắc, được đoàn tụ gia đình về sống trong phòng hội Văn nghệ Hà Nội, số 151 đường Trần Hưng Đạo. Tương truyền rằng trong bữa cơm người bạn mời có thịt gà Phan Khôi cầm đũa, liền chỉ dĩa thịt gà trên mâm nói rằng “chín năm nay tao lại gặp mầy” (Hoàng Văn Chí, sđd tr.11)
Suốt trong thời gian Phan Khôi sống trên các miền Thượng du rất khổ cực không được ăn thịt gà, đời sống về vật chất cũng như tư tưởng bị giới hạn, có thể nói đây là giai đoạn giam lỏng, không muốn Phan Khôi chống lại chế độ. Hồ Chí Minh tặng cho Phan Khôi một chiếc áo, nhưng lòng ông vẫn lạnh lùng, vật chất không thể quyến rũ được ông.
Vụ án Nhân văn – Giai Phẩm
Tết Bính Thân, tháng 2 năm 1956 tại Hà Nội xuất hiện đặc san Giai Phẩm mùa Xuân do nhà xuất bản Minh Đức (tư nhân) do Trần Thiếu Bảo ấn hành (Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1939-1975, nxb Văn Hóa, Houston tr. 108).
Phan Khôi dự lễ tưởng niệm 100 năm văn hào Lỗ Tấn tại Trung Hoa
Giai phẩm Xuân nầy tập hợp các cây bút sáng tác tự do, không lệ thuộc chính quyền, không chấp nhận sự “lãnh đạo văn nghệ”. Trong giai phẩm nầy nổi bậc nhất bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần, bị chính quyền kết án chụp mũ phản động, báo bị tịch thâu vào ngày mồng 2 Tết Bính Thân (13/2/1956)
Các văn nghệ sĩ sống tại Hà Nội chia làm hai thành phần: theo đảng làm bồi bút, hoặc độc lập sống vì nghệ thuật. Thời bấy giờ dư luận xôn xao trong quần chúng về việc công bố kết quả các “Giải Thưởng Văn Học” năm 1954-1955 trên báo Văn Nghệ Hà Nội số 112 ra ngày 15/3/1956 và báo Nhân Dân ngày 17/3/1956.
Các tác giả vừa có tác phẩm tham dự, vừa được làm giám khảo. Họ là văn, thi sĩ của đảng của chính quyền, nộp bài và tự chấm bài lãnh giải thưởng. (Tố Hữu giải nhất; giải nhì Xuân Diệu…)
Phan Khôi người cương trực, viết bài phê bình vạch trần sai lầm đó. Tựa bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” dài 14 trang giấy đánh máy đăng trong Giai phẩm mùa Thu tập 1 ngày 29-8-1956.
“Lãnh đạo văn nghệ thành ra vấn đề, quần chúng văn nghệ thắc mắc với lãnh đạo” đưa các vấn đề chính: Sau năm (1954) từ chiến khu trở về Hà Nội, thời gian chấm dứt chiến tranh, văn nghệ sĩ tiếp tục bị trói buộc trong khuôn khổ của chế độ cộng sản, không có tự do sáng tác. Giai phẩm mùa Xuân bị tịch thu, Trần Dần bị tù, văn nghệ sĩ góp tiếng nói ôn hòa xây đựng xã hội, không sách động bạo hành, nhưng tiếng nói của họ bay vào hư vô.
Phan Khôi viết truyện ông Năm Chuột trong giai phẩm mùa Thu tập 1 (giai phẩm nầy có thêm tập 2, tháng 10.1956 và tập 3 tháng 11.1956. Giai phẩm mùa Đông tháng 12-1956, bị đóng cửa cấm phát hành).
Trong bài phê bình lãnh đạo văn nghệ Phan Khôi viết: “Dưới chế độ tư sản, sự đối lập là thường: nhân dân đối lập với chính phủ, công nhân đối lập với chủ xưởng, học sinh đối lập với nhà trường.. nhưng ở dưới chế độ của chúng ta, về mọi phương diện, yêu cầu phải không đi đến đối lập, hễ còn đối lập là cái hiện tượng không tốt, cái triệu chứng không tốt..”. “Trường thi phong kiến thưở xưa tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên ngoài họ vẫn giữ sạch tiếng: một người nào đó con em đi thi, thì người ấy có được cắt cử cũng phải “hồi tị”, không được đi chấm thi. Bây giờ cả đến chính mình đi thi mà cũng không “hồi tị” một lẽ ở thời đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới, đã “liêm chính” cả rồi, một lẽ là tráng trơn vì thấy mọi cái “miệng” đã bị “vú lấp”.
Bài báo gây dư luận sâu rộng tại Hà Nội “có người thốt lên rằng chín mười năm nay mới nghe tiếng nói sang sảng của cụ Phan Khôi” (Hoàng Văn Chí, sđd 26)
Cụ Phan Khôi kể chuyện ngụ ngôn:
Một dạo, giữa loài dở cạn dở nước, mở cuộc thi sắc đẹp. Nhân có sự tranh chấp, ba con ếch, cóc, ễnh ương đấu khẩu với nhau, tiếng cóc nhỏ hơn hết, nhưng mà động đến trời. Trời phán:
- Chỉ có mày là đồng loại với chúng nó, mày sẽ làm vừa ý ta, không được từ chối.
Sau khi cực chẳng đã phải làm trọng tài, Nhái bén tâu kết quả:
- Ễnh ương giải nhất, ếch giải nhì, cóc không ở giải nào cả?
Trời tỏ dáng không vui, bảo Nhái bén:
Mày cố hết sức tìm ra ưu điểm cóc xem.
Nhái bén tâu:
- Cóc có mụt nằm khắp cả người, con không tìm ra ưu điểm nào.
Trời phán:
- Thôi cho mày đi về.
Mấy hôm sau, có nghị định của Hà Bá sức về:
- Nhái bén bị đày vĩnh viễn ở dưới nước, không được lên cạn nữa.
Nhái bén gặp cá trê, kể cảnh ngộ của mình, cá trê bảo:
Mày dại lắm đi đâu chẳng biết con cóc là cậu ông Trời. Tao đây mà cũng còn thua kiện nó nữa là..”
Nhân Văn
Sau giai phẩm mùa Thu tập 1. Nhân Văn ra đời. Phan Khôi giữ chức chủ nhiệm kiêm chủ bút số 1 ra ngày 20/9/1956 đến số 6 đang in tại nhà in Xuân Thu bị tịch thu và đóng cửa ngày 15/12/1956
Tuổi về già nhưng Phan Khôi tận lực theo đuổi lý tưởng, không sợ bạo quyền đe dọa, dùng ngoài bút đấu tranh mong dành lại cho văn học Việt Nam, một chỗ đứng trung thực dưới chế độ cộng sản.
Nắng chiều tuy có đẹp
Tiếc tài gần chạng vạng
Mặc dầu gần chạng vạng
Nắng được thì cứ nắng

1956 (Hoàng Văn Chí, sđd tr 57)
Nhân Văn và Giai phẩm như những bông hoa hương sắc nở ra trên đất Bắc “Trăm hoa đua nở” không lâu, trăm hoa bị vào tù!
Báo Văn
Báo Văn 10/5/1958 số 36 do nhà văn Nguyễn Hồng quản lý tòa soạn, đăng bài Ông Năm Chuột của Phan Khôi trong số 36, ngày 10/11/1958 từ đó bị đóng cửa.
Cộng sản làm cái bẩy “Trăm hoa đua nở” để bắt toàn bộ văn nghệ sĩ có tư tưởng chống lại chế độ, thanh trừng: bỏ tù đưa đi lao động, cải tạo trên các vùng rừng sâu nước độc.
Các nhà văn, thi sĩ thời tiền chiến (trước 1945) nổi danh như: Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Tuân họ sống với cái xác trong xã hội cộng sản, hồn thơ, lời văn của họ đã chết từ lâu.
Văn nghệ sĩ tại miền Bắc sống trong đe dọa thường bị kết án phản động. Phan Khôi viết “Thật là cái tội phản động ở xứ nầy sao mà ghép một cách dễ dàng quá.. nhược bằng bắt mọi người phải viết theo lối của mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết”.
“Cụ Đồ Chiểu ơi! Cụ Đồ Chiểu ơi! Ở thời cụ, cụ đã kêu: Ở đây nào phải trường thi, Ra đề hạn vận một khi buộc ràng! Thế mà ngày, bảy tám mươi năm sau cụ, người ta còn làm ăn gì được nữa cụ ơi! Tôi đâu còn là tôi đâu được nữa cụ ơi!!
Đầu năm 1956 người ta đưa cho Phan Khôi dịch cuốn sách trong đó có chữ “Pomme de terre” ông dịch chữ đó “khoai nhạc ngựa”. Báo Cứu Quốc chê Phan Khôi già lẩm cẩm dịch sai cho rằng hai chữ trên phải dịch là “khoai tây” sao dịch là “khoai nhạc ngựa”?
Phan Khôi trả lời: ai cũng biết “pomme de terre” là “khoai tây” nhưng lâu nay cán bộ phụ trách cấm ông dùng chữ “Tây” và chữ “Tàu”v.v.. khi ông viết chữ “chè Tàu” thì bị sửa lại thành “chè Trung Quốc”, thịt “kho Tàu” thì đổi thành “thịt kho Trung Quốc”.
Do đó ông chiều ý lãnh đạo đỉnh cao trí tuệ ông đã dịch chữ “pomme de terre” ông không dịch là “khoai tây” mà dịch là “khoai nhạc ngựa” vì theo tiếng Trung Quốc gọi là “mã linh thự”. Phan Khôi thông hiểu hai ngôn ngữ Hán văn và Pháp văn. Ông lý luận rõ ràng không thể chê vào đâu được.
Phan Khôi với “Nắng Chiều”
Vụ án Nhân văn Giai phẩm năm 1956 Phan Khôi, không bị tập trung cải tạo như các văn nghệ sĩ trí thức khác phải đi lao động khổ sai, nhưng cuộc đời của ông là chuỗi ngày còn lại cô đơn!
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao

(theo Hoàng văn Chí, sđd 58)
Ngày sinh nhật thất thập, Phan Khôi viết:
Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi!
Thọ ta, ta chúc nọ phiền ai
Tai vách mạch rừng đến tai nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà văn bồi bút đắc lực với chế độ Cộng sản kiếm miếng đỉnh chung, họa lại bài thơ thật vô lễ, khiếm nhã với nhà thơ đàn anh lão thành Phan Khôi.
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi, mi chúc chớ hòng ai
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc!
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
Lô-dích, trước cam làm kiếp chó
Nhân văn nay lại hít gì voi
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục,
Thêm nhục cơm trời chẳng thấy gai 

(Theo Hoàng văn Chí, sđd tr.15)
Nắng Chiều là tựa đề của tác phẩm Phan Khôi tập hợp các bài bút ký, tạp văn viết từ năm 1946. Bản thảo của Phan Khôi đưa cho nhà xuất bản Hội Nhà Văn rồ bị dìm luôn không được xuất bản.
Những ngày cuối đời của cụ Phan Khôi
Có thể bản thảo Nắng Chiều được các nhà văn “bồi bút” trong hội đọc. Thế Lữ (1907-1989) viết bài trên báo Nhân Dân ngày 12-4-1956 số 1501 lên án Phan Khôi “Phan Khôi phản cách cách mạng, ngấm ngầm chống đảng lãnh đạo cách mạng từ trong kháng chiến, đó là việc hiện giờ ta đã thấy rõ hiển nhiên.. Phan Khôi vẫn khoe là được Hồ Chủ tịch tặng chiếc áo lụa, và kể cho tôi nghe một chuyến gặp Hồ chủ tịch. Chuyện được chiếc áo, tôi không thấy ông ta tỏ ra một ý nào là cảm kích..” (Nguyễn Minh Cần, sđd tr. 33)
Trong bài phê bình tiếp tục của tác giả Đoàn Giỏi (1925-1989) tựa đề “Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi” đăng trên báo Văn Nghệ số 15 tháng 8-1958.
Nhờ bài phê bình trên có trích dẫn, những bài viết trong tác phẩm cuối cùng Nắng Chiều của Phan Khôi gồm có hai phần:
Phần một gồm các truyện: Cầm Vịt – Tiếng Chim – Cây Cộng Sản.
Nói về chuyện Cầm Vịt “Tôi thấy làm cái nghề này tuy vất vả mà ăn ở như thế thì đầy đủ lắm, giữa chủ và bạn cũng không có chi khác nhau. Ông chủ nói rằng nếu không thế thì không thuê được người, chẳng những phải trả tiền thuê mỗi tháng mà cuối mùa còn phải chia hoa hồng cho anh em nữa, vì thế tuy được lãi nhiều mà vào tay người chủ không còn mấy..”
Tiếng Chim: “Một lần ở Cẩn Nhân, tôi ngồi nơi nhà sàn, thấy hai con quạ rình bắt gà con kia bị gà mẹ chống cự, bắt không được cũng bay đi tuốt, nó không hề nói “Mầy phải cho tao với!”
Cây Cộng Sản “Có một thứ thực vật, cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, chỉ thấy ở Việt Bắc không chỗ nào không có.”
Theo Phan Khôi có nơi gọi loại cây trên là “cỏ bù xít” hoặc “cây cứt lợn” hoặc “cây chó đẻ”. Ông nói rằng những tên cây đó đều không nhã tí nào, người có học không gọi như vậy mà gọi là “cây cộng sản”
“Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có những năm 1930-1931 đồng thời với Đông Dương Cộng sản đảng hoạt động. Phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy, cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là “herbe communiste” đáng lẽ dịch là cỏ cộng sản. Nó còn một tên rất lạ hỏi ông già Thổ tên nó là cây gì, ông nói tên nó là “cỏ cụ Hồ”. Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường sá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó là như vậy”.
Phần hai tạp văn các truyện: Thái Văn Thu, Ông Năm Chuột- chuyện ba ông vua Kiền Long, Quang Trung và Chiêu Thống và Nguyễn Trường Tộ, được trích dẫn:
“Theo lời Thu thì nhà hắn cũng đủ ăn, hắn đi ăn trộm không phải vì túng thiếu mà không muốn làm nghề gì hết. Cái nhân sinh quan hắn đại khái là “người An Nam” phải làm là đánh giặc Tây mà hắn không làm được, thì đi ăn trộm, ăn trộm của “Tây” (Thái Văn Thu).
“Tự Đức có phê vào bổn điều trần của Nguyễn Trường Tộ do quan tỉnh dâng lên một câu Dùng được đấy hay là cho nó một chức quan để lấy lòng nó, dùng sức nó một chức quan. Ông ấy tưởng người ta báu cái chức quan của ông ấy lắm đấy,”. Vua thì như thế còn đám quan liêu từ triều đình đến ở các tỉnh phần nhiều là hủ nho, đám sĩ phu ở dân gian càng đông hơn, cũng đều là hủ nho. Dưới vua, hai hạng người nầy nắm quyền lợi một nước trong tay họ cấu kết với nhau để giữ lấy quyền lợi, thì còn ai mà làm gì được? Lấy trường hợp Nguyễn Trường Tộ để án chỉ xã hội dưới thời Cộng sản. (Nguyễn Trường Tộ)
Phan Khôi con người khẳng khái, sống và viết trung thực không luồn cúi dưới chế độ cộng sản, để mưu cầu danh lợi. Ông sống đúng tiết tháo của một nhà nho cho đến cuối cuộc đời.
Những bài ông viết trong tập Nắng Chiều dù không được xuất bản, nhưng nhờ Đoàn Giỏi trích dẫn phê bình, chúng ta thấy Phan Khôi chủ đích chính trong bài là chỉ trích chế độ cộng sản độc tài cai trị tại miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ.
Phan Khôi một vì sao lạc về dưới chế độ cộng sản, đã giết chết cuộc đời văn chương của ông. Nhưng trong tuổi già nắng xế Phan Khôi viết và chửi chế độ cộng sản như loại “cỏ bù xít” vì loại cỏ nầy có mùi hôi như con bọ xít, “hoa cứt lợn” hay là cây “chó đẻ”.
Tình thần sống và hoạt động của nhà văn Phan Khôi thật đáng ngưỡng mộ. Ông mất vào lúc 11 giờ sáng ngày 16-1-1959 tại số 73 phố Thuốc Bắc, Hà Nội, nhà văn Phan Khôi sống và mất như nhà thơ Phùng Quán viết:
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết lên đá
(Hoàng Văn Chí, sđd 121)
Nguyễn Quý Đại
———————————————-
Phụ chú:
(Sau nầy người con trai Phan Thao viết bài phê bình báo Nhân Văn do thân phụ giữ chức chủ nhiệm kiêm chủ bút ngày 16-12-1956 tại Hà Nội. Bởi vì tư tưởng không đồng nhất Phan Khôi thích dân quyền, ngược lại con ông thích cộng sản. “con cãi lại cha”)
1/ Phan Khôi bút chiến
Phan Khôi viết bài phê bình trên Phụ Nữ Tân Văn số 54 tháng 6 năm 1930 “Đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim” sau đó Trần Trọng Kim trả lời cùng tờ báo trên số ngày 10-7-1930 bài “Mấy lời bàn với tiên sinh về Khổng giáo” tiếp theo số báo 62 ngày 24-7-1930 Phan Khôi viết tiếp “Sau khi đọc bài trả lời của Trần Trọng Kim tiên sinh, cảnh cáo các nhà học phiệt”. Trong bài nầy có đề cập đến Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh trả lời Phan Khôi số báo ngày 28-8-1930 “Trả lời bài cảnh cáo các nhà học phiệt của Phan Khôi tiên sinh”. Phan Khôi đáp lại số 70 ngày 18-9-1930 “Về cái ý kiến lập hội Chấn Hưng Quốc Học của ông Phạm Quỳnh”.
Sau bài viết của Phan Khôi trên báo Đông Phương (1933) Nguyễn Khoa Văn đả kích Phan Khôi duy tâm, Phan Khôi viết lại trên Phụ Nữ Thời Đàm gây bút chiến sôi nổi về “Duy tâm hay duy vật”.
Tài liệu tham khảo thêm:
Ân tích cộng sản Việt nam của GS Trần Gia Phụng
http://www.Freeviet.org
/nvth/nhanvan/nchieu.html
http://www.xuquang.com
/links/vanhoc/phankhoi/)
độc giả có thể đọc toàn bài thơ nhất định thắng của Trần Dần
http:/www.freeviet.org/nvth/nhavan/ndt.html.
Chú thích thêm:
Xuân Diệu và Tố Hữu vua của văn nghệ bồi bút cộng sản
Xuân Diệu đã viết:
Chúng con thề nguyện một lời,
Quyết tâm thành khẩn.. lột người từ đây
Hoặc trong bài “Trước đây bốn tháng”, viết năm 1953:
..Mẹ xưa chăm cháo, chăm cơm,
Đảng nay nuôi nấng còn hơn mẹ hiền.
Bệnh từ đời cũ liên miên,
Đảng trong thức ngủ chăm liền sớm hôm.
Anh em ơi quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Địa hào, đối lập ra tro
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi..
Tố Hữu bài “Đời đời nhớ ông”, viết năm 1953:
..Sta-lin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sta lin!

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười
……
Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sit-ta-lin bất diệt..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét