12 tháng 1, 2013


Tại sao cô Lô Thanh Thảo bị kết án 3 năm 6 tháng tù

Gia Minh (RFA) - Cô Lô Thị Thanh Thảo, một người vừa bị tòa án thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử hôm ngày 8 tháng giêng vừa qua về tội danh tuyên truyền chống Nhà Nước, nhưng thông tin về cô này đến nay rất ít.
  
Dư luận quan tâm đến tình hình chính trị tại Việt Nam trong ngày 8 tháng giêng vừa qua hầu như dồn hết đến phiên xử 14 nhà hoạt động trong đó chủ yếu là những thanh niên Công giáo thuộc giáo phận Vinh. Cũng chính trong sáng ngày 8 tháng giêng, tòa án tại thành phố Hồ Chí Minh tiến hành xét xử một người hoạt động khác là cô Lô Thị Thanh Thảo, 36 tuổi, quê quán Đồng Nai và hiện sống tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh với người mẹ già là bà Mai Thị Trinh, 70 tuổi.

Sau khi phiên xử trong sáng ngày 8 tháng giêng, truyền thông trong nước loan tin về bản án 3 năm 6 tháng tù giam và hai năm quản chế đối với cô Lô Thị Thanh Thảo.

Cô Lô thị Thanh Thảo, một người vừa bị tòa án thành phố Hồ Chí Minh kết án 3 năm 6 tháng tù giam và hai năm quản chế

Theo cáo trạng mà truyền thông trong nước loan lại thì cô Lô Thị Thanh Thảo có liên lạc với một người Việt ở Mỹ và theo yêu cầu của người này đã làm ra một số truyền đơn với nội dung chống Nhà Nước. Ngoài ra cô Lô thị Thanh Thảo còn đi chụp hình những người dân khiếu kiện tại các cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cô Lô thị Thanh Thảo bị bắt hồi ngày 26 tháng 3 năm ngoái.

Bà Mai thị Trinh, mẹ của cô Lô Thị Thanh Thảo vào ngày 10 tháng giêng vừa qua, tức hai ngày sau khi phiên xử sơ thẩm con bà kết thúc, vẫn tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về phiên xử đó đối với con bà vì gia đình không hề được cơ quan chức năng thông báo gì cả. Bà nói:

Tôi bị đau chân, không đi dự. Họ không báo cho gia đình và không cho gia đình vào. Kết quả xử không biết. Nay biết kết quả kêu án vậy thì phải ráng chịu, phải chấp nhận; khi nào ra thì ra. Ráng đi thăm nuôi thôi.

Gia đình của cô Lô thị Thanh Thảo không hề biết ai là người bào chữa cho cô về những hoạt động mà cô này đã làm và bị qui vào tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa theo điều 88 Bộ Luật Hình sự của Việt Nam.

Bà Mai Thị Trinh cho biết:

Thăm hôm 4 tây, mỗi tháng một lần vào ngày 4 tây. Không cho gặp mặt không cho mướn luật sư. Kháng cáo biết sao được!

Theo bà Mai thị Trinh thì việc đến chụp hình những người dân đi khiếu kiện ở những địa điểm không có bản cấm là hành vi không thể bị gán ghép cho tội danh tuyên truyền chống nhà nước được:

Chụp hình đâu có cấm ở những chỗ không có bảng cấm. Con tôi đi chụp hình gia đình đâu biết gì.

Mẹ của cô Lô thị Thanh Thảo cho biết bà rất đau yếu và neo đơn vì những người con khác đều phải lo cho gia đình và chỉ có cô Lô Thị Thanh Thảo lo cho bà lâu nay. Thế nhưng từ ngày bị bắt đến sáu tháng sau gia đình mới được gặp mặt cô tại nhà giam ở Số 4 Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh. Nguyện vọng duy nhất của bà hiện nay là con gái sớm được tự do để lo cho bà trong những ngày còn lại của cuộc đời.

Từ khi con bị bắt đến nay tôi sút 14 kilogram. Tôi muốn con ra tù vì chỉ có nó lo cho tôi vì chưa có gia đình. Anh chị đều có gia đình, ai cũng phải lo cho gia đình. Tôi đau ốm, bị tai nạn gãy chân, vẹo xương sống cũng chỉ nó lo cho tôi. Giờ tôi chịu trận. Chỉ mong nó mau ra thôi.

Tin tức của truyền thông trong nước cho biết là Hội đồng xét xử tại phiên tòa ở thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quan điểm của cáo trạng, quan điểm luận tội của công tố viên thực hành quyền công tố nhà nước tại phiên tòa. Tất cả đều cho rằng những hoạt động của cô Lô thị Thanh Thảo nhằm đưa lên mạng những hình ảnh như của người dân khiếu kiện đất đai nhằm để các đối tượng nước ngoài sử dụng hầu làm mất niềm tin của nhân dân…

Tin tức trong nước không nói rõ cụ thể đối tượng đó của nhân dân; nhưng ai cũng hiểu được đó là Nhà nước Việt Nam hiện nay. Theo nhiều người dân thì qua biết bao chính sách và hành xử của chính quyền, của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua khoảng cách quá lớn giữa lời nói và việc làm của cán bộ thừa hành công vụ, niềm tin vào bộ máy công quyền bị xói mòn dữ dội.

Cụ thể đó là những chính sách kinh tế sai lầm dẫn đến bao mất mát, khó khăn cho cuộc sống người làm công ăn lương, chính sách ngoại giao nhân nhượng làm mất những vùng biển mà ngư dân đánh bắt hải sản để kiếm sống từ bao đời nay…

Đó là hành xử không tôn trọng pháp luật khiến cho đất nước hỗn loạn, bất an.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét