Phục Hồi Hiệp Định Paris 1973: Hoang Tưởng Hay Hiện Thực?
Nguyễn Quốc Khải
January 5, 20130 Bình Luận
January 5, 20130 Bình Luận
Cách đây hai tuần, tôi có viết bài “Khoảng Cách Chạy Tội: Sự Thực Phũ Phàng Về Hiệp Định Paris 1973.” Bài này có một tiểu mục về chủ trương phục hồi Hiệp Định Paris của Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ Tịch của Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH, một hình thức chính phủ lưu vong. Tôi đã kết luận rằng đây là một ý kiến hoang tưởng. Nhiều độc giả đặc biệt chú ý tới tiểu mục này và đóng góp khá nhiều ý kiến. Riêng Ông Nguyễn Ngọc Bích vẫn nghiêm chỉnh cho rằng ý kiến phục hồi Hiệp Định Paris là một việc khả thi. Theo ông, sau khi lấy lại miền Nam Việt Nam, ông sẽ tổ chức tổng tuyển cử và những người di cư từ miền Bắc vào Nam sau 30-4-1975 được phép ở lại miền Nam, nhưng họ không có quyền đi bầu. Phần đông ai cũng thấy đây là một chuyện hoang tưởng. Tuy nhiên, theo lời yêu cầu của một số độc giả, kể cả Ông Nguyễn Ngọc Bích, tôi xin giải thích rõ hơn vì sao phục hồi Hiệp Định Paris không thể là một hiện thực.
Sáng kiến phục hồi Hiệp Định Paris 1973
GS Vũ Quốc Thúc (hình bên) cùng với LS Vương Văn Bắc, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao, sáng lập Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 vào cuối năm 1986 tại Paris.
Sáng kiến phục hồi Hiệp Định Paris 1973 đã có từ cuối thập niên 1970. Sau khi GS Vũ Quốc Thúc được chính phủ Pháp can thiệp cho di cư sang Pháp vào 1978, ông đã nhận thấy những nhân vật chủ chốt cũ của VNCH cần thành lập một chính phủ lưu vong để phục hồi Hiệp Định Paris và tiếp tục tranh đấu chống Cộng Sản. Nhưng mãi đến cuối 1986, ý kiến này mới được thảo luận nghiêm chỉnh trong một cuộc hội thảo tại Paris để bàn về vấn đề thuyền nhân. LS Vương Văn Bắc, cựu bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, nhận định rằng Hiệp Định Paris vẫn còn có giá trị và có những điều khoản giúp thiết lập hòa bình ở Việt Nam và như vậy sẽ chấm dứt được thảm cảnh vượt biển và quốc tế sẽ không nhìn những thuyền nhân như những người tị nạn kinh tế.
Các tham dự viên của cuộc hội thảo đã quyết định thành lập Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 (Comité de Juristes Vietnamiens pour la Remise en Vigueur des Accords de Paris de 1973) do GS Vũ Quốc Thúc làm chủ tịch. Ủy Ban Luật Gia Việt Nam (Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 viết tắt) soạn thảo bạch thư Chiến Tranh và Hòa Bình ở Đông Dương (Guèrre et Paix en Indochine) và chính thức kêu gọi Chánh Phủ Pháp đứng ra hòa giải vì Pháp đã tổ chức cuộc hòa đàm đưa đến Hiệp Định Paris 1973.
Tiếp theo sáng kiến của Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973, một vài nhân vật và một số tổ chức khác đã theo đuổi việc phục hồi Hiệp Định Paris 1973.
Trước và sau khi của Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 được thành lập, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tiếp xúc với tổ chức này thường xuyên, vì ông ủng hộ việc vãn hồi Hiệp Định Paris. Chính cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đã gửi thư lên Liên Hiệp Quốc về vấn đề này vào năm 1993.
Đến năm 2008, Ông Nguyễn Bá Cẩn, cựu chủ tích Hạ Viện và cựu thủ tướng VNCH, thành lập Chánh Phủ VNCH lưu vong tại Hoa Kỳ. Ông Cẩn cũng chủ trương phục hồi Hiệp Định Paris 1973. Sau khi ông đột ngột từ trần vào năm 2009, hai Ông nguyễn Văn Chức và Lý Tòng Bá của Chính Phủ VNCH lưu vong tiếp tục công việc vận động này. Người ta không rõ chính phủ lưu vong này đã đạt những kết quả cụ thể nào.
Hình (VNCH Foundation): Phái đoàn chính phủ lưu vong VNCH vận động Quốc Hội Hoa Kỳ để phục hồi Hiệp Định Paris 1973 gồm các ông (hàng đầu từ trái): Hồ Văn Sinh, Lâm Chấn Thọ, Nguyễn Ngọc Bích, một phụ tá của DB Ed Royce, Lý Tòng Bá, không rõ tên, và Nguyễn Văn Chức.
Gần đây nhất, Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH (UBLĐLTVNCH) của Ông Nguyễn Ngọc Bích mới thành lập vào tháng 10, 2012 cũng gửi thỉnh nguyện thư gồm trên 30,000 chữ ký, kêu gọi Liên Hiệp Quốc tái nhóm một Hội Nghị Quốc Tế khẩn cấp về Việt Nam để “phục hồi Hiệp Định Paris 1973 nhắm trả lại danh dự và công bằng cho 40 triệu quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa”.
Thỉnh nguyện thư này gián tiếp xác nhận UBLĐLTVNCH là một chánh phủ lưu vong và có một “quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ngoài lãnh thổ”. Việc phục hồi Hiệp Định Paris 1973 và thành lập chính phủ lưu vong VNCH chỉ là phương tiện. Mục tiêu của UBLĐLTVNCH là phục hoạt chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên hầu hết những nhân vật chính của VNCH từ ngày ra nước ngoài sống ẩn dật hoặc ngày nay đã quá lớn tuổi hoặc đã qua đời.
LS Lâm Chấn Thọ, một người chủ trương trở lại Hiệp Định Paris 1973, phân tách rằng “Vì không có một tổ chức nào ở hải ngoại hoặc quốc nội có đủ tầm vóc để được các thành phần không cộng sản tín nhiệm, chính phủ lưu vong là chất keo kết nạp tất cả các tổ chức không cộng sản lại.” Người ta muốn biết tất cả bốn chính phủ Việt Nam lưu vong ở Hoa Kỳ có được người Việt trong và ngoài nước ủng hộ hay không, cho đến nay đã kết nạp được bao nhiêu đoàn thể, có bao nhiêu thành viên, thành lập được bao nhiêu cơ sở.
Trở ngại chính cho việc phục hồi Hiệp Định Paris 1973
Việc làm của Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 được một phần chính giới Pháp ủng hộ. Tuy nhiên, quan điểm chính thức của Pháp đã được DB Georges Mesmin trình bầy tại cuộc hội thảo 1986 tại Paris rằng:
“Khi chính phủ Pháp chính thức yểm trợ Việt Nam (Cộng Sản) gia nhập Liên Hiệp Quốc [1977], thì mặc nhiên Pháp đã xí xóa việc Hà Nội vi phạm Hiệp định Paris 1973.”
Ủy Ban Luật Gia Việt Nam cũng không nhận được sự tiếp tay của Hoa Kỳ. Trước cuộc hội thảo một ngày, Ông David Steinman, một luật sư Hoa Kỳ và cộng sự viên của TNS Daniel Moynihan, đến gặp GS Vũ Quốc Thúc và cho biết rằng Hoa Kỳ không muốn cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu công khai tham gia hội thảo mà nên đứng sau hội trường. Ông Steinman cũng khuyến cáo rằng:
“Sớm muộn gì quý vị cũng phải dùng biện pháp bất tuân dân sự (civil disobedience). Phải có phong trào bất tuân dân sự trên toàn quốc mới hy vọng thay đổi được chế độ cộng sản độc tài.”
Hình (NQK): LS Nguyễn Hữu Thống, chủ tịch Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền, cựu dân biểu Quốc Hội VNCH.
Vào năm 1989, cựu TNS Phạm Nam Sách và cựu DB Nguyễn Hữu Thống gửi đơn lên Tòa Án Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice) tại The Hague, Hòa Lan để kiện CSVN vi phạm Hiệp Định Paris 1973. Tòa Án Công Lý Quốc Tế không thụ lý được trường hợp này vì cơ quan này chỉ sử tranh chấp giữa các quốc gia hội viên thuộc Liên Hiệp Quốc mà thôi.
Hoa Kỳ không đưa ra một quan điểm chính thức nào về việc vãn hồi Hiệp Định Paris 1973 cho đến năm 1990. Sau khi cuộc vận động tại Tòa Án Công Lý Quốc Tế không thành công, Luật sư Nguyễn Hữu Thống nhân danh Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền (UBLGBVDQ) vận động thẳng với chánh phủ Hoa Kỳ và được Tổng Thống George H. W. Bush phúc đáp rằng Hoa Kỳ không trở lại Hiệp Định Paris 1973 nữa.
UBLGBVDQ được thành lập vào 1990 gồm có LS Nguyễn Hữu Thống, LS Nguyễn Văn Chức, GS Vũ Quốc Thúc, LS Phạm Nam Sách, LS Nghiêm Xuân Hồng, và GS Nguyễn Cao Hách.
Không có quốc tế yểm trợ, kế hoạch vận động vãn hồi Hiệp Định Paris 1973 do Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 chủ xướng từ năm 1986 đã thất bại. GS Vũ Quốc Thúc chia sẻ cảm nghĩ của ông về sự kiện này như sau:
“Dù biết trước những sự khó khăn này, ngay từ năm 1986, chúng tôi đã tìm cách nêu vấn đề trở lại Hiệp định Paris. Mục đích của chúng tôi, lúc bấy giờ, là kích thích tinh thần đấu tranh của Cộng đồng Việt Nam tại Pháp, phần nào đã suy giảm sau khi thấy CSVN rầm rộ ăn mừng “mười năm tái thống nhất đất nước … Tóm lại, vấn đề trở lại Hiệp định Paris, coi như đã bị các đồng minh cũ của Việt Nam Cộng Hoà gạt bỏ hẳn.”
Sau khi công cuộc phục hồi Hiệp Định Paris bất thành và Hoa Kỳ bình thường hóa ngoại giao với Hà Nội, GS Vũ Quốc Thúc đã hợp tác TS Nguyễn Bá Long, rút kinh nghiệm của những cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng Sản ở Đông Âu, thiết lập Phong Trào Hiến Chương 2000 để đấu tranh với CSVN và vận động cho một thể chế tự do dân chủ tại Việt Nam. Bản Hiến Chương 2000 được công bố vào ngày 25-11-2000 tại Paris.
Kể từ năm 1977, khi Việt Nam được gia nhập Liên Hiệp Quốc, tức là đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận, ngày càng có thêm trở ngại cho việc vãn hồi Hiệp Định Paris 1973 và đến nay có thể nói không còn một hi vọng nào cả. Đối với quốc gia công nhận và quốc gia được công nhận, Hiệp Định Paris không còn giá trị nữa.
Hoa Kỳ chính thức công nhận Việt Nam khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận với Việt Nam vào năm 1994 và tái lập bang giao với Việt Nam vào năm 1995. Kể từ thời điểm này Hoa Kỳ chính thức không còn tôn trọng Hiệp Định Paris 1973.
Ngay từ đầu Hiệp Định Paris 1973 cũng chỉ là một thỏa hiệp tạm bợ để Hoa Kỳ hi vọng có thêm thời gian tháo chạy ra khỏi Việt Nam mà không bị mất mặt. Do đó, không có một động cơ nào để Hoa Kỳ phục hồi hiệp định này. Trái lại, chính sách của Hoa Kỳ hiện nay là liên kết với chính quyền Hà Nội để ngăn chặn lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Tại buổi hội thảo về chính sách ngoại giao vào giữa tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, Đại Tá CSVN Trần Đăng Thanh, giảng viên thuộc Học Viện Chính Trị, Bộ Quốc Phòng, nói rằng Hoa Kỳ “đang dùng Việt Nam như một lực lượng tiên phong để chặn Trung Quốc.”
Trong một buổi hội thảo vào cuối năm 1987 cũng tại Paris do do Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 tổ chức, ông Henri Kissinger, cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của cựu Tổng Thống Richard Nixon, giải thích rằng:
“Hoa Kỳ không phản ứng khi Hà Nội vi phạm hiệp định vì Hoa Kỳ đang bị lúng túng với vụ Watergate. Dư luận Hoa Kỳ cho rằng Hoa Kỳ đã rút hết quân rồi, việc Bắc Việt vi phạm Hiệp Định Paris xâm chiếm miền Nam là việc nội bộ của Việt Nam, Hoa Kỳ không thể nào nhân cơ hội này trở lại Việt Nam để bị lôi cuốn một lần nữa vào ‘vũng bùn chiến tranh’ và Quốc hội Mỹ cũng không chấp nhận.”
Trở ngại chính cho việc phục hồi Hiệp Định Paris 1973 là thiếu hỗ trợ quốc tế. Phục hồi nó không dễ dàng và không đem lại quyền lợi thực tiễn nào cho các nước tham dự Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam. Từ lâu hiệp định này đã là một sự kiện quá khứ.
Trong 40 năm vừa qua, theo thiển ý của tôi, mặc dù có những cá nhân xuất sắc nhưng ở hải ngoại chưa thấy xuất hiện một tổ chức nào lớn mạnh, có uy tín và hậu thuẫn của người Việt để có thể đảm đương những việc làm có tầm vóc quốc tế như việc vận động phục hồi Hiệp Định Paris, giả sử nếu đó là một việc hợp lý đáng làm. Chúng ta không có thực lực. Đó là trở ngại không kém quan trọng. Và nếu không có thực lực, không một định chế quốc tế nào ủng hộ chúng ta cả.
Hiệp Định Paris 1973 chỉ còn giá trị lịch sử
Hiệp Định Paris 1973 đã chết ngắc ngoải vào đầu năm 1974, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố Hiệp Định Paris 1973 vô giá trị vì CSVN lợi dụng thời gian ngưng bắn để lấn chiếm những vùng hẻo lãnh. Những vi phạm này được xác nhận trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ ngày 10-4-1973 và công hàm của Hoa Kỳ gửi 11 nước yểm trợ Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam.
Khi CSBV xua quân vượt qua sông Bến Hải để tiến chiếm Việt Nam vào 8-1-1975, Hiệp Định Paris đã bị khai tử từ ngày đó. Cả thế giới làm ngơ trước sư vi phạm trắng trợn này. Hoa Kỳ cũng không có một phản ứng nào mặc dù Điều 7 (b) của Đạo Luật về Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam (Act of The International Conference of Vietnam) ký ngày 2-3-1973 bởi 12 nước bảo đảm Hiệp Định Paris 1973 qui định rằng trong trường hợp có sự vi phạm Hiệp Định Paris 1973, Hoa Kỳ và nước Dân Chủ Cộng Hòa Việt Nam có thể triệu tập hội nghị quốc tế thay mặt những nước đã ký kết hoặc trong trường hợp có it nhất sáu nước đồng ý.
Hiệp định Paris 1973 đã chết thì không thể làm sống lại được vì những điều khoản trong hiệp định này. Thật vậy, Hiệp Định Paris 1973 công nhận Việt Nam có hai miền Bắc và Nam. Riêng miền Nam Việt Nam có hai chánh phủ: (1) Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa và (2) Chánh Phủ Cách Mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam.
Điều 9 (b) của Chương IV qui định rằng:
“Nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế.”
Sau ngày 30-4-1975, chánh phủ VNCH không còn và sau ngày 2-7-1976 Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam cũng bị sát nhập vào Chánh Phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Việt Nam không có hai miền Nam Bắc riêng biệt nữa. Sau 30-4-1975 cả triệu người Bắc di cư vào Nam lập nghiệp, không kể 150,000 quân CSBV được hai Ông Chu Ân Lai và Kissinger cho phép chính thức ở lại miền Nam Việt Nam kể từ ngày Hiệp Định Paris được ký kết vào ngày 27-1-1973. Miền Nam hiện nay không còn là miền Nam trước 30-4-1975 nữa. Phục hồi Hiệp Định Paris 1973 để đòi Chánh Phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trả lại phần đất phía nam vĩ tuyến 17, để miền Nam tổ chức tổng tuyển cử là một chuyện hoàn toàn thiếu thực tế. Ngoài ra, không ai muốn Việt Nam lại bị chia cắt ra làm hai phần một lần nữa.
Kết luận
Sau 40 năm, tình hình thế giới đã thay đổi. Biển Đông nổi sóng vì tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Bàn cờ Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn. Không nên và cũng không thể nào lập lại bàn cờ cũ được. Cách đây một phần tư thế kỷ, những cố gắng của Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 và Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền chứng tỏ đã quá trễ rồi. Rút kinh nghiệm của những người đi trước, ngày nay ý tưởng phục hồi một hiệp định đã trở thành vô giá trị, với toan tính dựa dẫm nặng nề một lần nữa vào thế lực ngoại quốc, là một hoang tưởng và một dại dột.
Ông Lê Quế Lâm, một độc giả, sau khi đọc bản thảo của bài viết này đã tóm tắt suy nghĩ của ông như sau:
“Hiệp Định Paris 1973 ra đời đến nay vừa tròn 40 năm, đất nước đã thay đổi quá nhiều, làm sao có thể tái tạo bối cảnh cũ để trình diễn. Chỉ còn cách đóng tuồng để hoài vọng quá khứ.”
Theo thiển ý của tôi, về mặt quốc tế, lội ngược dòng là chết. Tương kế tựu kế là sách lược khôn ngoan cho một quốc gia nhỏ bé và chậm tiến như Việt Nam trong tình trạng hiện nay. Về mặt quốc nội, yểm trợ những nhà dân chủ kiên cường ở trong nước là quốc sách.
Cách đây vài năm, tôi được dịp tham gia một cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam tại Hòa Lan. Trong dịp này tôi được hân hạnh gặp một thuyết trình viên là Bà J. W. E Spies, lúc đó Bà là Chủ Tịch Đảng Christian Democratic Appeal và dân biểu Quốc Hội Hòa Lan, và hiện nay Bà là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Khi được hỏi về vấn đề vận động quốc tế cho tự do dân chủ ở Việt Nam, Bà nói rằng người Việt Nam trước tiên phải hi sinh, phải tranh đấu cụ thể cho đất nước của chính mình trước khi mong đợi người ngoài giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng lời khuyến cáo của Bà Spies thật rất thực tiễn và chí lý đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Nguyễn Quốc Khải
31-12-2012
31-12-2012
Tài liệu tham khảo:
1. Lam Chan Tho, “Est-il Une Solution Pour Le Vietnam?” 2-10-2012.
2. Lê Quế Lâm, “Những Đóng Góp Cho Đất Nước Sau 1975 Của Một Chứng Nhân Lịch Sử: GS Vũ Quốc Thúc,” Thụ Nhân Âu Châu, 16-7-2011.
3. Lê Quế Lâm, “Đọc Hồi Ký của GS Vũ Quốc Thúc,” Việt Thức, 28-12-2010.
4. Nguyễn Hữu Thống, “Hiệp Định Hòa Bình Paris Dẫn Đến Hòa Bình của Những Nấm Mồ,” Việt Vùng Vịnh, 2-6-2010.
5. Nguyễn Quốc Khải, “Sự Thật Phũ Phàng Về Hiệp Định Paris 1973,” RFA, 17-12-2012.
6. Nguyễn Quốc Khải, “Mạn Đàm về Chính Phủ Lưu Vong,” Đàn Chim Việt, 05-12-2012.
7. Nguyễn Thiếu Nhẫn, “Sự Vong Thân Của Một Vị Tôn Sư,” Tin Paris, 2-10-2011.
8. Paris Peace Accords, “Act of The International Conference of Vietnam”, March 2, 1973.
9. Trần Đăng Thanh, “Đại tá Trần Đăng Thanh giảng về Biển Đông cho lãnh đạo các trường Đại học,” Ba Sàm. 19-12-2012.
10. Trần Thị Diệu Tâm, “Buổi Giới Thiệu Sách của GS Vũ Quốc Thúc tại Paris,” 12-11-2010.
11. Trần Thị Diệu Tâm, “Tang Lễ của LS Vương Văn Bắc,” 28-12-2011.
12. U.S. Department of State, “Complaints of Violations of the Cease-fire: United States Note Verbale transmitted April 10, 1973 for delivery to prticipants in the International Conference in Vietnam,” April 10, 1973.
13. Vũ Quốc Thúc, “Thời Đại của Tôi,” nhà xuất bản Người Việt, 2010.
14. Đào Nương, “Chỉ Một Ngày Là Lập Xong Chính Phủ,” Saigon Nhỏ số 1019, 9-11-2012.
2. Lê Quế Lâm, “Những Đóng Góp Cho Đất Nước Sau 1975 Của Một Chứng Nhân Lịch Sử: GS Vũ Quốc Thúc,” Thụ Nhân Âu Châu, 16-7-2011.
3. Lê Quế Lâm, “Đọc Hồi Ký của GS Vũ Quốc Thúc,” Việt Thức, 28-12-2010.
4. Nguyễn Hữu Thống, “Hiệp Định Hòa Bình Paris Dẫn Đến Hòa Bình của Những Nấm Mồ,” Việt Vùng Vịnh, 2-6-2010.
5. Nguyễn Quốc Khải, “Sự Thật Phũ Phàng Về Hiệp Định Paris 1973,” RFA, 17-12-2012.
6. Nguyễn Quốc Khải, “Mạn Đàm về Chính Phủ Lưu Vong,” Đàn Chim Việt, 05-12-2012.
7. Nguyễn Thiếu Nhẫn, “Sự Vong Thân Của Một Vị Tôn Sư,” Tin Paris, 2-10-2011.
8. Paris Peace Accords, “Act of The International Conference of Vietnam”, March 2, 1973.
9. Trần Đăng Thanh, “Đại tá Trần Đăng Thanh giảng về Biển Đông cho lãnh đạo các trường Đại học,” Ba Sàm. 19-12-2012.
10. Trần Thị Diệu Tâm, “Buổi Giới Thiệu Sách của GS Vũ Quốc Thúc tại Paris,” 12-11-2010.
11. Trần Thị Diệu Tâm, “Tang Lễ của LS Vương Văn Bắc,” 28-12-2011.
12. U.S. Department of State, “Complaints of Violations of the Cease-fire: United States Note Verbale transmitted April 10, 1973 for delivery to prticipants in the International Conference in Vietnam,” April 10, 1973.
13. Vũ Quốc Thúc, “Thời Đại của Tôi,” nhà xuất bản Người Việt, 2010.
14. Đào Nương, “Chỉ Một Ngày Là Lập Xong Chính Phủ,” Saigon Nhỏ số 1019, 9-11-2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét