13 tháng 1, 2013


Giới Trí Thức Việt Nam: Bầy Việt Điểu Sẽ Mọc Cánh Trở Lại

Giới trí thức Việt Nam, qua nhiều chế độ, suốt dòng lịch sử bất hạnh tới nay, vẫn chỉ là những con chim Việt Điểu gẫy cánh, đầy thương tích, đầy mặc cảm [tự ti, tự tôn lẫn lộn], nên đã trở thành một loại nhân-sinh-vật hiếm hoi, dần dà tuyệt diệt[1] chăng?

Loại nhân-sinh-vật này tự nó cũng đủ thú đau thương, đủ tàn lực tự hủy,[2] nếu thả lỏng, nếu không còn gì làm hơn là an phận, ngồi xé lịch đợi ngày qua.
Nên chế độ quen dùng bạo lực cũng chả cần thêm gậy gộc, cung nỏ, súng đạn. Chả cần thêm hận thù, đày ải.  Vô ích.  Với cái đà ù lì, bất di bất dịch trong nước, người Việt trí thức sẽ tự dưng biến mất khỏi môi trường phi nhân, phi nghĩa.  Như những dòng sông khô lòng, không bao giờ thấy biển cả.
Người trí thức Việt Nam ngày hôm nay ý thức được như vậy, không để tự cứu lấy mình, vì quá muộn, quá yếu kém trước bạo quyền.  
Trong và ngoài nước, họ chỉ cần dồn lực gửi gấm các thế hệ sau đủ hình thái nhân bản, đủ cơ hội thấy rõ, biết rõ, hiểu nhiều để cảm nhận và hành động tương xứng.  Họ sẽ phanh phui với thế hệ trẻ những kinh nghiệm máu mủ, những lầm lẫn mà họ đã mắc phải.  Họ sẽ nhắn nhũ con cháu họ về trách nhiệm bảo trọng lấy mình và tha nhân.  Họ sẽ căn dặn giới trẻ tránh xa ý thức hệ lừa lọc, bất nhân, bất nghĩa để chọn lấy một con đường sống căn bản, tự trọng, tự quyết.
Và như một phép lạ, bầy Việt Điểu trẻ của các thế hệ dấn thân, nhập cuộc đang và sẽ mọc cánh trở lại.
Người Việt hải ngoại may mắn hơn “đồng-bào-họ” trong nước.  Nếu người hải ngoại còn có tấm lòng, còn muốn làm người tử tế, nghĩ tới người trong nước, là vì họ chọn và tự nguyện dấn thân như vậy, chứ không vì bị trói buộc bởi định mệnh khắt khe, hay bị áp bức bởi dàn cột chính trị, xã hội độc đoán mà họ đã thoát khỏi. 
Cùng ý nghĩ đó, dòng tư tưởng dân chủ chân chính phải là những cánh cửa mở rộng tiếp đón kiến thức và tâm thức, tự nguyện soi sáng thân phận người dân, với quan niệm biết mình, biết người, biết đời để sống còn. Người dân trong nước phải tự nguyện chọn lựa như vậy, không ai ép buộc, không ai quyết định hộ.
Kiến thức và tâm thức dấn thạn vào cuộc sống tự chủ phải là cùng một ý niệm kết sinh: Cái “biết” và cái “trọng sinh” cần đi song song, rồi hội nhập. Cái “biết” dù cao siêu tới mấy, nhưng nếu khinh mạn phẩm giá con người, miệt thị công lý nhân đạo, chỉ là thứ tiến bộ phá hoại, bất tất, bất hạnh, nên vô nghĩa.
Bất cứ ở môi trường nào, tri thức không lương tâm chỉ là tinh thần tự hủy – “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” [Rabelais].[3]
Bất cứ ở xã hội nào, người trí thức tự hủy dùng trí lực để chà đạp, phá phách, phương hại một cách tinh vi, xảo quyệt.  Một thứ hung thần làm bằng đất bùn chưa khô, chưa nung đủ lửa.
Người trí thức có tấm lòng dùng sức mọn để lọc nhơ bẩn ra tinh khiết, loại bỏ hà tì, nguy nan, để hướng về lẽ sống, để trân trọng đời sống.  Họ chỉ là những dấu ấn có thể bị xoá bỏ, nhưng lại cùng lúc soi sáng được những đường nét cởi mở, thân thiện, vì ích lợi chung. Vì tương lai chung.
Người trí thức đó, dù ngày nay là những con chim Việt Điểu gẫy cánh, nếu còn ý thức lột xác, gạt bỏ sai lầm và những mặc cảm phù phiếm sẽ đủ cơ hội truyền hơi tiếp sức, dù tàn, nhưng tinh khiết, nhưng thân thiện tới tấm lòng non nớt của các thế hệ sau.  Như thế cũng đã hoàn tất sứ mạng con người vượt thắng lấy chính mình. 
Chả mấy lúc, bầy Việt Điểu Trẻ sẽ mọc cánh trở lại…  
 
TS-LS Lưu Nguyễn Đạt
[1] endangered species
[2] self-destructive
[3] 
François Rabelais est un prêtre catholique évangélique, médecin et écrivain humaniste français de la Renaissance, né à La Devinière à Seuilly, près de Chinon (dans l’ancienne province de Touraine), à une date indéterminée entre 1483 et 1495, et mort à Paris le 9 avril 1553. Ses œuvres, comme Pantagruel (1532) et Gargantua (1534), qui tiennent à la fois du conte avec leurs personnages de géants, de la parodie héroï-comique de l’épopée et du roman de chevalerie mais qui préfigurent aussi le roman réaliste et satirique, sont considérées comme une des premières formes du roman moderne.  

 Video 
Motivational – Rebirth of an Eagle
4 min – Jan 10, 2013

  Click on Picture to startXEM VIDEO: MỜI BẤM VÀO HÌNH TRÊN
  Đón coi Khung Lớn [Full Screen]: Bấm góc phải, phía dưới VIDEO

Binh Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét