10 tháng 1, 2013


Đến Lượt Đài Loan Đẩy Mạnh Việc Áp Đặt Chủ Quyền Tại Vùng Trường Sa — Philippines Phản Đối Kế Hoạch Thăm Dò Dầu Khí Của Đài Loan ở Trường Sa


Đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa
Đến Lượt Đài Loan Đẩy Mạnh Việc Áp Đặt Chủ Quyền Tại Vùng Trường Sa

Sau ba chục năm bất động, chính quyền Đài Loan ngày 27/12/2012 đã tiết lộ quyết định thăm dò dầu khí trở lại tại vùng biển chung quanh đảo Itu Aba
 thuộc vùng quần đảo Trường Sa mà họ đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines và Trung Quốc. Đây là một bước mới của chính quyền Đài Bắc nhằm thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, song song với một loạt hành động nhằm củng cố quyền kiểm soát thực tế của Đài Loan trên hòn đảo đã bị họ chiếm đóng từ năm 1956.

Theo kế hoạch thúc đẩy trở lại việc thăm dò dầu khí ngoài khơi hòn đảo mà họ gọi là Thái Bình (tên Việt Nam là Ba Bình), chính quyền Đài Bắc đã dự trù một ngân sách gần 600.000 đô la Mỹ cho kế hoạch thăm dò sẽ kéo dài một năm. Trong công việc này, Cục Năng lượng thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan sẽ kết hợp với tập đoàn dầu khí Nhà nước CPC (Đài Loan Trung du). Tàu khảo sát địa chấn sẽ bắt đầu đến nơi hoạt động vào khoảng sau tháng Ba năm 2013.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Đài Loan có ý định khai thác dầu khí trong khu vực họ tranh chấp chủ quyền với các láng giềng tại Biển Đông. Theo phó Ban Thăm dò và Khai thác của tập đoàn CPC, hãng này đã từng khoan thử một giếng tại khu vực đảo Itu Aba vào thập niên 1980, nhưng công việc đó đã không được tiếp tục vì không có công nghệ thích hợp để khoan dưới lớp san hô.
Tình hình hiện nay đã khác đi. Tập đoàn dầu khí nhà nước Đài Loan CPC trong thời gian qua đã phát triển và hiện đang tham gia nhiều dự án khai thác cùng với đại tập đoàn Canada Husky Energy, và nhất là tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc CNOOC, tại các khu vực nước sâu ở eo biển Đài Loan.
Quyết định tái khởi động công việc thăm dò dầu khí tại vùng Biển Đông đang tranh chấp, là diễn biến mới nhất trong một loạt những hành động có thể nói là quyết đoán hẳn lên của chính quyền Đài Loan trong thời gian gần đây, nhằm củng cố các đòi hỏi chủ quyền của họ trong khu vực.
Vào tháng 9 vừa qua, Đài Bắc đã quyết định tăng cường khả năng phòng thủ trên đảo Thái Bình (Ba Bình) bằng cách triển khai thêm trên đảo tám bộ đại bác tự hành 40 ly, cùng với loại súng cối 120 ly. Theo ông Lâm Úc Phương (Lin Yu Fang) một dân biểu thuộc Quốc Dân Đảng đang cầm quyền tại Đài Loan, việc tăng cường quân sự sẽ hỗ trợ cho chính phủ trong việc thăm dò dầu khí.
Không chỉ quan tâm đến việc củng cố quyền kiểm soát thực tế của Đài Loan trên đảo Itu Aba, một dân biểu khác của Quốc dân đảng, ông Trần Trấn Chương (Chen Cheng Hsiang) còn khuyến cáo chính phủ tích cực thăm dò khai thác vùng các vùng biển khác gần quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Pratas (mà Đài Loan gọi là Đông Sa), và thiết lập ngay một cơ sở tiền phương để giám sát các vấn đề năng lượng, đánh cá và môi trường trong vùng.
Các động thái quyết đoán của Đài Loan đã gây ra một vài sự cố với Việt Nam, nước cũng đòi chủ quyền trong vùng Trường Sa, mà Ba Bình là hòn đảo lớn nhất. Theo thông tin từ phía Đài Loan, ngày 22/03 vừa qua, nước này đã cử hai tàu cao tốc của lực lượng tuần duyên để ngăn chặn hai chiếc tàu tuần tra của Việt Nam tiến vào vùng biển gần hòn đảo này. Bốn ngày sau, lại có hai chiếc tàu Việt Nam khác thâm nhập vào khu vực.
Vào lúc ấy, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã chính thức gởi công hàm phản đối phía Việt Nam, nhưng đã phủ nhận các thông tin báo chí, theo đó đã xẩy ra nổ súng nhân sự cố kể trên.
Theo các nhà quan sát, việc Đài Loan có dấu hiệu quyết đoán hơn trên vấn đề khẳng định chủ quyền tại Biển Đông diễn ra trong bối cảnh quan hệ của họ với Trung Quốc rất thuận thảo trên hồ sơ Biển Đông, đặc biệt là từ khi Quốc dân đảng trở lại cầm quyền ở Đài Bắc.
Mới đây, học giả Trung Quốc và Đài Loan đã quyết định bắt tay với nhau để nghiên cứu cách biện minh về mặt pháp lý cho đường lưỡi bò đang được Bắc Kinh dùng làm cơ sở thâu tóm Biển Đông. Không những thế, các học giả này còn khuyến cáo chính quyền hai bên hợp tác đồng khai thác các vùng đang tranh chấp.
Ý hướng phục tùng Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông của Quốc dân đảng đang cầm quyền lại vừa thể hiện rõ thêm vào hôm qua, khi Quốc hội Đài Loan trong tay Quốc dân đảng đã bỏ phiếu bác bỏ một dự thảo nghị quyết của phe đối lập muốn khẳng định chủ quyền tối thượng của Đài Loan trước Trung Quốc.
Dự thảo này yêu cầu ba việc : Chính quyền Đài Loan phải lên án Trung Quốc về việc in phong cảnh Đài Loan trên hộ chiếu «lưỡi bò» ; Tổng thống Mã Anh Cửu phải tổ chức họp báo quốc tế để tố cáo vấn đề này ; Chính quyền Đài Loan phải từ chối không công nhận hộ chiếu lưỡi bò của Trung Quốc là văn kiện hợp pháp để nhập cảnh Đài Loan.
Dự thảo nghị quyết của hai đảng đối lập Đài Loan đã bị Quốc hội bác bỏ ngay từ đầu, thậm chí còn không được ghi vào chương trình nghị sự của cuộc họp.
Trọng Nghĩa – RFI

Philippines Phản Đối Kế Hoạch Thăm Dò Dầu Khí Của Đài Loan ở Trường Sa
Đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông (DR)Đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) thuộc quần đảo Trường Sa

Khi tiết lộ kế hoạch cho thăm dò dầu khí trở lại ở vùng đảo mang tên quốc tế là Itu Aba thuộc quần đảo Trường Sa ngoài Biển Đông, hiện có ba nước khác cũng đòi chủ quyền là Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, chính quyền Đài Loan dư biết sẽ gặp phản ứng chống đối từ các láng giềng. Đúng như vậy, vào hôm qua, 29/12/2012, Philippines là nước đầu tiên lên tiếng phản đối.
Trong một tuyên bố, chính quyền Philippines khẳng định quyền chủ quyền của Manila trong việc “thăm dò và khai thác” nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình tại vùng biển Tây Philippines (tên nước này đặt cho Biển Đông). Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez, nói rõ là chỉ có nước ông mới có quyền thăm dò tại các vùng thuộc quần đảo Trường Sa nằm bên trong thềm lục địa dài 200 hải lý của minh.
Lời khẳng định của Philippines được đưa ra hai ngày sau khi chính quyền Đài Loan cho biết là vào năm tới họ sẽ bắt đầu tìm kiếm dầu khí ngoài khơi đảo Itu Aba ở Trường Sa, hiện do Đài Loan chiếm đóng, nhưng lại bị Trung Quốc, Philippines và Việt Nam tranh chấp chủ quyền. Đài Loan và Trung Quốc gọi đấy là đảo Thái Bình, trong lúc tên Philippines là Ligao, và tên Việt Nam là Ba Bình.
Tuy nhiên, trong phản ứng của mình, Manila không trực tiếp chỉ trích động thái của Đài Bắc. Ông Hernandez chỉ xác định là bất kỳ nước ngoài nào đến thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đều phải được sự đồng ý của Manila đúng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Phải nói là quyết định tiến hành thăm dò dầu khí của Đài Loan đã khuấy động thêm tình hình Biển Đông vốn đã căng thẳng, đặc biệt sau một loạt động thái hung hăng của Trung Quốc muốn áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ.
Trong số các nước có tranh chấp tại Biển Đông, Philippines cho đến hôm nay là nước duy nhất đã công khai lên tiếng phản đối quyết định của Bắc Kinh phái chiếc tàu tuần tra hải dương hiện đại của họ (Hải tuần 21) xuống Biển Đông tăng cường tuần tra, cũng như phản đối kế hoạch củng cố thành phố Tam Sa, đơn vị hành chánh được thành lập để quản lý tất cả các quần đảo tại Biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình.
Trọng Nghĩa – RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét