Bài báo trên Quân đội Nhân dân gây tranh cãi
Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok
2013-01-14
Một bài báo về điều 88 BLHS VN, về nhân quyền và quyền công dân thu hút sự quan tâm của những ý kiến bình luận, tranh cãi.
Tải xuống - download
Quyền con người và quyền công dân
Bài báo nhan đề “Điều 88 Bộ luật Hình sự với quyền con người và quyền công dân” đăng trên tờ Quân đội Nhân dân online chiều ngày 13 tháng 1 vừa qua trong đó phản bác lại những ý kiến kêu gọi tôn trọng nhân quyền Việt Nam cũng như những ý kiến kêu gọi bỏ điều 88 trong BLHS Việt Nam và bỏ Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”.
Theo tác giả Đức Giang của bài báo, những hoạt động trên được truyền thông phương Tây đăng tải và “tăng âm”, “khiến một số người nghi ngờ về hệ thống pháp luật và bản chất của chế độ ta”.
Theo bài báo, nhiều quyền và tự do của con người cũng bị hạn chế trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị - công ước mà nhiều ý kiến đang kêu gọi Việt Nam thực hiện. LS Trần Quốc Thuận, nguyên phó Chủ nhiệm Thường trực VPQH Việt Nam, nhận xét về điều này:
Dĩ nhiên trong Công ước về Quyền dân sự và Chính trị cũng có nói là quyền đó sẽ bị hạn chế nếu nó xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn XH của một nước khác. Nhưng nó phải được cụ thể, tách bạch raLS Trần Quốc Thuận
“Dĩ nhiên trong Công ước về Quyền dân sự và Chính trị cũng có nói là quyền đó sẽ bị hạn chế nếu nó xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn XH của một nước khác. Nhưng nó phải được cụ thể, tách bạch ra”.
Bài báo cũng nói rằng “So với khái niệm quyền con người, khái niệm quyền công dân mang tính xác định hơn”; rằng quyền công dân gắn liền với nghĩa vụ công dân.
“Nghe qua thì cứ tưởng đó là một nhưng thực ra nó hoàn toàn khác nhau. Một quyền được chi phối bởi chính quyền và một quyền là quyền tự nhiên, phổ quát”, ông Thuận nói thêm.
Việt Nam tham gia Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị vào năm 1982 nhưng thường bị các cơ quan cổ võ nhân quyền chỉ trích là không thực hiện Công ước. Bài báo trên Quân đội Nhân dân không phủ nhận Việt Nam là thành viên của công ước này nhưng nói rằng “không có nghĩa Việt Nam không có quyền đưa ra những hạn chế luật định về quyền tự do ngôn luận”. Bài báo khẳng định “Điều 88, Bộ luật Hình sự, 1999 là hoàn toàn đúng đắn”.
Luật về Điều ước Quốc tế của Việt Nam được QH thông qua nói đối với những điều ước QT mà Việt Nam là thành viên thì Việt Nam tuân theo điều ước QT đó. Và nếu như có sự mâu thuẩn giữa luật Việt Nam với các công ước, luật quốc tế ấy thì Việt Nam tuân theo các qui định quốc tế mà mình là thành viên. Ông Trần Quốc Thuận khẳng định:
“Có nghĩa rằng Việt Nam tự thừa nhận rằng luật pháp Việt Nam tôn trọng điều ước quốc tế có giá trị cao hơn luật pháp trong nước. Nguyên tắc là tuân theo điều ước QT. Luật về Điều ước QT đã qui định như thế”.
Bài báo cũng nói rằng “So với khái niệm quyền con người, khái niệm quyền công dân mang tính xác định hơn”; rằng quyền công dân gắn liền với nghĩa vụ công dân
Trao đổi với đài RFA, GS Tương Lai, nguyên viện trưởng viện XH học Việt Nam nói rằng ông không phủ nhận việc mọi quốc gia cần có những điều lệ để bảo vệ an ninh xã hội và sự xuất hiện của điều 88 BLHS Việt Nam là điều “dễ hiểu”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng điều này được
qui định không rõ ràng:
“Tại sao chúng tôi phản đối điều này? Trong lời tuyên bố chúng tôi đã nói rõ là qui định điều 88 mù mờ mà vì vậy nên người ta muốn vận dụng thế nào cũng được. Khi ban hành luật mà tạo nên khe hở để hiểu thế này cũng được, thế kia cũng được thì rất nguy hiểm. Chính vì sự mù mờ đó mà chúng tôi đề nghị hủy bỏ. Như thế thì không phải hủy bỏ một điều luật nhằm bảo vệ an ninh của chế độ và nhằm chống lại thế lực muốn lật đổ chế độ”.
Sự “mù mờ” của điều 88
Hồi tháng trước, các trí thức Việt Nam kêu gọi thực hiện quyền con người bao gồm việc kêu gọi bỏ điều 88 trong BLHS. Quan điểm của GS Tương Lai là điều quan trọng của một nhà nước pháp quyền là phải có những luật lệ rõ ràng để tránh bị vận dụng tùy tiện.
“Cách thức điều 88 được vận dụng trong thời gian vừa qua thì ai cũng có thể bị qui vào tuyên truyền chống nhà nước nếu nhà cầm quyền không thích sự phản biện của họ về các chính sách, điều luật sai trái. Vậy thì còn ai dám nói nữa. Dân chủ là được nói những điều mình nghĩ”, ông nói thêm.
LS Trần Quốc Thuận cũng cho rằng sự “mù mờ” của điều 88 không những làm ảnh hưởng đến những nhà bất đồng chính kiến mà còn có thể ảnh hưởng đến cả những người làm nghệ thuật, đặc biệt là những người muốn tham gia phản biện xã hội:
“Các văn bản của Nhà nước và Đảng đều khuyến khích phản biện xã hội. Phản biện là thế nào? Là nói ngược lại, nói khác đi. Nhưng người ta lại quay ngược lại cho rằng đó là tuyên truyền chống Nhà nước”.
Bài báo đăng trên tờ Quân đội Nhân dân, ấn bản điện tử thu hút sự quan tâm của dư luận khi thẳng thắn cho rằng việc kêu gọi xóa bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự, 1999 “là một bước đi quan trọng trong âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm tước bỏ công cụ pháp lý cơ bản bảo vệ chế độ xã hội và Nhà nước của nhân dân ta”. GS Tương Lai bác bỏ quan điểm này và giải thích:
“Vì để phát huy dân chủ đúng như những gì các nhà lãnh đạo đang kêu gọi; để tạo niềm tin cho người dân là nói một đàng không làm một nẻo thì chúng tôi kêu gọi thực hiện quyền con người được ghi trong hiến pháp. Thế thôi”.
Cách thức điều 88 được vận dụng trong thời gian vừa qua thì ai cũng có thể bị qui vào tuyên truyền chống nhà nước nếu nhà cầm quyền không thích sự phản biện của họ về các chính sách, điều luật sai trái. Vậy thì còn ai dám nói nữaGS Tương Lai
Tự do ngôn luận là một trong các phạm trù của nhân quyền gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam. Trong lúc nhiều người yêu cầu được thực hiện quyền này thì bài báo về điều 88 trên khẳng định “Quan điểm cực đoan về tự do ngôn luận, báo chí của phương Tây đã phải trả giá đắt”.
Tác giả Đức Giang viện dẫn những dẫn chứng như tin tức về mục sư đạo Tin lành Mỹ đòi đốt kinh Cô-ran; vụ họa sĩ Đan Mạch vẽ tranh biếm họa, vụ bộ phim được cho là báng bổ nhà tiên tri Mô-ha-mét … được đưa lên truyền thông đã “kích hoạt” những mâu thuẩn xã hội”. Ông Phil Robertson Phó Giám đốc khu vực Châu A´ của tổ chức Theo dõi Nhân quyền không đồng ý với quan điểm trên. Ông nói:
“Thực ra không phải như vậy, tự do ngôn luận là quyền phổ quát, được ghi trong Tuyên ngôn QT về Nhân quyền cũng như được ghi trong Công ước QT về quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam phải tôn trọng. Những cái gây ra mâu thuẩn XH ở Việt Nam là vấn đề liên quan đến tham nhũng, cưỡng chế đất đai, thiếu minh bạch…. Tự do ngôn luận chỉ đảm bảo việc nói lên những vấn đề đó. Nó không đảm bảo rằng các vấn đề sẽ được giải quyết”.
Nói về Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng” mà nhiều người yêu cầu xóa bỏ, LS Trần Quốc Thuận cho rằng nếu nghị định này được dùng để chống biểu tình thì “hoàn toàn sai”. Ông cho rằng quyền cơ bản và nghĩa vụ cơ bản công dân phải được Hiến pháp và luật qui định, tức là phải được Quốc hội qui định. “Chính phủ không có quyền ra một nghị định xâm phạm đến quyền của công dân”, ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét