Vài suy nghĩ về bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Duy Vinh - Mặc dù xa nhà đã lâu, tôi luôn hướng tâm tư về quê hương xứ sở và theo dõi những việc xảy ra trên mảnh đất hình chữ S. Vừa qua tôi được đọc toàn bài phát biểu của ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (xin được phép viết tắt là TBT-NPT) đăng trên báo điện tử VietNamNet. Vì xa quê hương khá lâu và lại lớn lên trong Nam, tôi phải thú thực ngay là tôi đã gặp khó khăn khi đọc bài phát biểu này. Tôi phải đọc đi đọc lại và dùng từ điển Việt Nam tra cứu mới hiểu được đúng hơn ý của bài phát biểu. Có rất nhiều chữ mới tôi rất ít gặp và chỉ mới bắt đầu tự tìm hiểu gần đây. Tôi ghi ra đây vội vàng vài chữ gọi là để dẫn chứng những điều tôi vừa nói : khẩn trương, tiếp thu, vĩ mô, đột phá, quán triệt, hạch toán, xử lý, quy hoạch, đội ngũ, chỉ đạo, triển khai, định kỳ rà soát, kiên định, thanh khoản v.v…
Theo tôi, bài phát biểu này rất quan trọng vì nó được nói lên bởi một người vừa có chức năng chủ chốt trong guồng máy lãnh đạo nhà nước vừa có trách nhiệm về tư duy của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bài phát biểu này cho tôi và có thể cho những người Việt sống ở hải ngoại một cơ hội học hỏi về tình hình trong nước qua lăng kính của những người cầm quyền. Ông TBT-NPT qua bài này đã khẩn trương “rà soát” những vấn đề lớn của xã hội Việt Nam ngày nay.
Thứ nhất ông ấy nói về kinh tế. Ông TBT-NPT vẽ lên một bức tranh đẹp về tình hình kinh tế nước nhà mặc dù trên thực tế, theo các báo chí trên mạng trong và ngoài nước, vừa qua đã có những dấu hiệu không tốt. Có những ngân hàng đóng cửa và một số giám đốc ngân hàng phải thôi việc và đang bị điều tra. Giá xăng tăng. Giá cả trong đời sống hằng ngày tăng. Số dân nghèo tăng. Người đói tăng. Điều nầy chắc hẳn người dân trong nước thấy rõ hơn ai hết nhưng chưa dám nói lên sự thật. Tiền nợ của ngân hàng vẫn còn ở mức độ cao cũng như thanh khoản yếu kém. Thế mà ông TBT-NPT ngược lại khẳng định là kinh tế nước ta đã ổn định, lạm phát đã được kiềm chế, việc quản lý tiền ra vào và quỹ của ngân hàng ngày càng được cải thiện; Đảng và nhà nước hoàn toàn tin tưởng vào giá trị của đồng tiền Việt Nam, đang được củng cố mạnh mẽ. Ông TBT-NPT đưa ra một chỉ đạo (phương châm và hướng đi) mà ông gọi là “đột phá chiến lược” (đọc bốn chữ này tôi cứ tưởng là mình đang đọc một bài tả một trận đánh hay một cuộc hành quân của quân đội). Để xã hội được ngày càng ổn định, ông TBT-NPT đưa ra ba phương cách mà hội nghị lần thứ 6 này đã biểu quyết : (i) phải đổi mới mô hình tăng trưởng, (ii) phải cơ cấu lại nền kinh tế, và (iii) phải bảo đảm ổn định chính trị. Ông TBT-NPT đã không đi vào chi tiết để giải thích tường tận hơn về 3 chiến lược đột phá này. Trong lúc chờ đợi những nhà chuyên gia về kinh tế trong cũng như ngoài nước cho chúng ta học hỏi thêm về cách làm thế nào để thực hiện được các chiến lược một và hai, chiến lược số 3 cho thấy sự quyết tâm của nhà nước trong việc bám giữ vào hướng đi và cấu trúc chính trị hiện nay ở Việt Nam. Nói một cách nôm na nhà nước sẽ tiếp tục duy trì một đảng duy nhất lãnh đạo trong đó hai cơ quan điều hành tối cao vẫn là Bộ Chính Trị (BCT) và Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTƯ).
Thứ hai ông Trọng nói về doanh nghiệp nhà nước. Ông TBT-NPT “khẩn trương chỉ đạo” Đảng và nhà nước phải triệt để “quán triệt” và thực hiện nghiêm túc những điểm đã được đề ra trong Nghị Quyết của Đại Hội ĐCSVN lần thứ XI. Ông TBT-NPT nói nhà nước phải dốc tâm bổ sung, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước. Ông Trọng đưa ra bốn lĩnh vực chính, mà theo ông, có khả năng đưa nước Việt Nam đi đúng con đường “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thú thật, viết đến đây, mặc dù có chút học vấn, nếu có con tôi bên cạnh và hỏi tôi : “bố ơi, con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường gì thế bố ?”, tôi sẽ bảo nó ra chỗ khác để tôi yên hoặc trả lời ấp úng cho qua : “bố bận, ra mà hỏi mẹ mày ấy !”. Trong lúc chờ đợi được soi sáng hơn về con đường 10 chữ này, tôi xin chép lại đây 4 lĩnh vực vừa nói : (i) công nghiệp quốc phòng, (ii) công nghiệp độc quyền tự nhiên, (iii) công nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu, (iv) và công nghiệp nền tảng. Đọc đến đây, tôi lại càng thêm ù ù cạc cạc. Công nghiệp quốc phòng thì tôi còn mường tượng được, như là đóng tàu chiến, làm xe tăng, bào chế súng đạn v.v… Còn 3 công nghiệp kia tôi phải để thì giờ tra cứu thêm. Riêng có một công nghiệp hàng hải và đóng tàu rất quan trọng mà không thấy ông TBT-NPT nói đến. Đó là công nghiệp hoàn toàn do bộ máy nhà nước lãnh đạo và quản lý có tên Vinashin và Vinalines. Nhà nước Việt Nam đã mất hàng tỉ đồng đô la US và hàng loạt những người chỉ huy giám đốc các doanh nghiệp Vinashin và Vinalines bị đi tù và một số còn lại đang bị điều tra vì họ là những người có trách nhiệm điều hành. Các tội được thông tin trên báo VN gồm hai tội chính : làm sai quy định nhà nước và làm thất thoát trầm trọng ngân quỹ doanh nghiệp. Ông TBT-NPT có nói đến tên của hai công ty này ở cuối bài phát biểu và ông cũng nhấn mạnh đến sự sai phạm đã gây tổn thất lớn và để lại hậu quả hết sức quan trọng. Nhưng đọc cả bài tôi không tìm được những chi tiết về sự tổn thất lớn này.
Thứ ba ông Trọng nói về đất đai. Luật đất đai 2003 là luật hiện hành. Ông TBT-NPT nhắc nhở toàn dân là quyền sử dụng đất không phải là quyền sở hữu. Nhà nước và Đảng có nhiệm vụ quy định phương pháp (quy hoạch), xác định giá đất, bảo đảm và thu hồi đất cho việc phát triển nông lâm trường, cho quốc phòng an ninh, cho lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Đọc hết những chữ này tôi thấy rõ rệt là nhà nước sẽ có tiếng nói cuối cùng trong vụ tranh chấp đất ở Tiên Lãng hay ở bất cứ nơi nào khác ở VN. Tôi nghĩ ông Đoàn Văn Vươn nên bắt đầu thu dọn xẻng cuốc và nồi niêu xoong chảo là vừa. Và ông Vươn chắc chắn sẽ được tái định cư theo đúng trình tự nhà nước (nghĩa là theo ông TBT-NPT ắt phải có dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng). Đừng lo lắng nữa ông Vươn nhé, đây là lời của vị lãnh đạo tối cao của tư duy dân tộc nói đấy.
Thứ tư ông Trọng nói về giáo dục và đào tạo. Ông TBT-NPT cho biết là BCHTƯ đã thảo luận sôi nổi về đề án “đổi mới căn bản và hiện đại hóa toàn diện nền giáo dục VN trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và hội nhập quốc tế, sau 16 năm thực hiện nghị quyết Trung Ương 2 (Khóa VIII) vẫn còn nhiều khó khăn. Những vấn đề như nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài theo chiều hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được nhắc đến. Nhưng ông TBT-NPT không đi vào chi tiết và cho biết những cách thức, những phương sách để thực hiện những thay đổi căn bản và toàn diện này. Người viết bài này thấy mục đích theo đuổi rất đẹp nhưng băn khoăn tự hỏi nhà nước có những kế hoạch nào để thay đổi toàn diện nền giáo dục Việt Nam ? Nếu nhà nước thật sự quan tâm đến tiền đồ tổ quốc và thế hệ mai sau thì nổ lực cải tổ nầy cần phải được thực thi vô điều kiện.
Thứ năm ông Trọng nói về phát triển khoa học và công nghệ. Theo ông Trọng đây là quốc sách đứng hàng đầu. Để thực hiện quốc sách này, ông TBT-NPT nói nhà nước có bổn phận phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Ở đây ông Trọng lại tuyên bố là việc hiện đại hóa công nghệ phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sáu chữ định hướng xã hội chủ nghĩa được lập lại lần này là lần thứ ba. Người viết bài này lại băn khoăn vì không hiểu định hướng đó như thế nào ? Tại sao không nói một cách đơn giản là “phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học quốc gia để theo kịp đà tiến và văn minh của nhân loại” ?
Tôi xin nhảy qua vấn đề thứ bảy vì vấn đề thứ sáu nói về quy hoạch BCHTƯ nằm ngoài phạm vi hiểu biết của tôi. Về đề tài số 7, ông Trọng nói về báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của BCT và Ban Bí Thư (BBT). Theo phát biểu của ông Trọng thì BCHTƯ đã dành gần một phần ba thời gian của hội nghị để nghe báo cáo và cho ý kiến về đề tài này. Ở đây tôi thấy có những điểm son khi ông Trọng nhắc đến vấn đề đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn của viên chức nhà nước; phải làm trong sạch Đảng, khắc phục tình trạng tham nhũng và trong chương trình này đây là lần đầu tiên ông TBT-NPT nói đến hai chữ Vinashin và Vinalines. Trong mục số 7 này cũng có một tin khác không kém quan trọng : …“BCT đã thống nhất 100% đề nghị BCHTƯ cho nhận được một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật với một đồng chí Ủy Viên Chính Trị”…. Ông Trọng không nêu đích danh người đó là ai. BCT có đến 14 người, chúng ta tha hồ mà đoán. Có hai người tương đối được báo chí nhắc đến thường xuyên là ông Tô Huy Rứa và đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Có nhiều bài viết thi đua hiện nay phỏng đoán “một đồng chí” này là đồng chí Nguyễn Tấn Dũng. Điều này chắc cũng dễ hiểu vì ông Dũng đứng đầu chính phủ, tức là ông thuyền trưởng, hai tàu Vinashin và Vinalines chìm thì theo luật hàng hải ông thuyền trưởng cũng phải chết theo. Nhưng nếu việc nêu kỷ luật này có thì dĩ nhiên về lý là rất trầm trọng, như về tình thì quả là có bao che, dơ cao nhưng đánh khẽ. Tức là ông Dũng được khoan hồng và chỉ bị kỷ luật nhẹ thôi.
Và cũng trong đề tài số 7, lần đầu tiên TBT-NPT nói đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng tôi đã thất vọng. Toàn bài không có chỗ nào nói đến 4 chữ Hoàng Sa – Trường Sa cả. Vấn đề tranh chấp biển đảo và sự lấn áp của Trung Quốc là một vấn đề quốc gia nóng bỏng khơi dậy lòng yêu nước của toàn dân trong cũng như ngoài nước hiện nay. Nhưng ông Trọng hoàn toàn lờ đi hoặc tránh không nói đến.
Ở cuối bài ông TBT-NPT thay mặt BCHTƯ tuyên bố khẳng định việc kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên thế giới hiện nay chỉ còn vài nước trên 196 nước trên thế giới theo chủ nghĩa này (Trung Quốc, Lào, Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam). Nếu chủ nghĩa này tốt sao lại có ít nước đi theo ? Nếu đi theo chủ nghĩa đó sai thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân ? Nhân dân có còn thực sự muốn ôm ấp chủ nghĩa này không ? Chủ nghĩa này thật sự muốn gì ? Tại sao mãi mà chúng ta vẫn chưa hoàn toàn được độc lập, tự do và hạnh phúc ? (thôi tôi biết rồi : (i) lỗi của chiến tranh dài đăng đẳng, (ii) dân trí còn thấp chưa hiểu được chủ nghĩa cao siêu này và (iii) sự hiện diện của bọn phản động với tên mới là “thế lực thù địch”).
Ông Trọng nói uy tín của các cơ quan lãnh đạo sẽ bị lung lay nếu cán bộ tiếp tục “chạy chức, chạy quyền, chạy tội”. Ông Trọng nói nhà nước có thể “trị bệnh cứu người”. Tôi đoán đây không phải là bệnh điên hay bệnh chó dại. Bốn chữ nghe rất hay và nó hàm chứa lòng thương người. Nhưng bệnh đây chắc là bệnh tham nhũng, bệnh lạm và lộng quyền, bệnh đạo đức suy đồi và bệnh vô cảm… Riêng bệnh tham thì rất khó chữa. Không biết BCHTƯ có thuốc chữa gì tốt. Xịt thật nhiều thuốc đó mới diệt được hết sâu. Tôi chỉ sợ hiện nay sâu đã ăn ruỗng cái cây, nhiều khi phải nghĩ đến chặt luôn cái cây cũng chưa biết chừng ?
Để kết luận, tôi có một câu hỏi cho ông TBT-NPT, nếu ông Trọng tuyên bố là nhà nước phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, tại sao bao nhiêu kiến nghị gửi lên BCHTƯ không được trả lời, không một tiếng hồi âm ? Tại sao những oan ức của người dân không được cứu xét?
Con đường Việt Nam theo lối đi định hướng như ông Trọng phát biểu thật còn nhiều gập ghềnh và rất cam go. Chờ tới Đại Hội ĐCSVN năm 2020 chắc chúng ta sẽ biết kết quả rõ rệt hơn của việc thực hành nghiêm túc những lời chỉ đạo của BCHTƯ kỳ 6 qua bài phát biểu của ông TBT-NPT.
Nguyễn Duy Vinh
(cựu học sinh Trung Học Nguyễn Trãi Sài Gòn)
Tác giả gửi X-CàfeVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét