Thỏa hiệp của nồi cơm - Khi nào toàn dân sẽ nổi dậy dành quyền làm chủ đất nước
Bắc Trung Nam (Danlambao) - Sự cuốn dính vào nhau để sống, bám vào nhau để tồn tại, để làm giàu đã cột chặt nhà nước cộng sản và nhân dân làm một. Một cuộc hôn nhân bệnh hoạn gượng ép, một thỏa hiệp vì nồi cơm được hai bên đồng ý ngầm với nhau. Với người dân chỉ để có miếng ăn, để con cái không đói khổ như trước và có điều kiện đi học, để xây nhà tích của với những người nhanh nhẹn tháo vác, làm ăn khá giả. Với cán bộ nhà nước đủ mọi ngành đoàn thể là để kiếm tiền và để làm giàu dựa vào quyền lực. Tham nhũng trở thành sợi dây màu huyền bí trói ghì mọi người, mọi giới ở VN cùng tập thể cán bộ nhà nước và treo cả dân tộc lơ lửng trên bờ vực thẳm...
*
Nhìn lại các sự kiện chính trị xảy ra trong những năm gần đây cùng với những lần dân chúng xuống đường biểu tình đòi nhà nước phải bảo vệ toàn vẹn biển đảo của tiền nhân, đòi công lý và tự do, số người trực tiếp tham gia chưa đáng kể hay nói rõ hơn còn quá ít để bó buộc nhà nước phải lúng túng phải ngồi vào bàn đối thoại giải quyết.
Với những đòi hỏi nhà nước cộng sản phải tôn trọng công lý và sự thật thường chỉ diễn ra trong khuôn viên một giáo xứ nào đó dưới hình thức cầu nguyện hay thánh lễ, vượt ra khỏi phạm vi này sẽ không tránh khỏi những đàn áp thẳng tay và man rợ của chính quyền. Duy nhất một đòi hỏi qua đó người dân dám công khai xuống đường tuần hành qua nhiều phố đường là chống Trung Cộng lấn đất, dành biển, chiếm đảo của Việt Nam. Với lý do này thì nhà nước cộng sản không dám đàn áp thẳng tay nếu không muốn bão tố nổi dậy hay quân đội quay ngược đầu súng. Cũng với lý do này, nhiều thành phần trí thức và dân chúng đã dám công khai xuống đường hoặc lên tiếng phản đối. Để ứng phó với nhân dân, nhưng không biết để làm gì và vì ai, khi dân phẫn nộ trước sự trịch thượng bá quyền của nhà nước cộng sản Trung Quốc, phương kế sách của chính quyền VN là triệt tiêu những người có uy tín đã khởi xướng và đi đầu. Cách ly họ với đám đông dân chúng bằng những bản án vô nhân đạo và phản dân tộc hoặc khống chế, bao vây kinh tế, quản thúc lỏng tại gia.
Thế rồi hết người này bị hành hung, đánh đập, trù dập, khủng bố, người khác vào tù, bị quản thúc hay cô lập nhưng đại cuộc vẫn chưa thu hút mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Sự trì trệ cột chân nhân dân chính là thỏa hiệp kinh tế giữa nhà nước và nhân dân để cùng sống.
Thỏa hiệp của nồi cơm
Sau biến cố lịch sử 1975 nhân dân hai miền Trung và Nam đã biết thế nào là sự tàn ác vô nhân của chính quyền cộng sản mà những người anh em miền Bắc là nạn nhân đã gánh chịu trước đó gần 20 năm sau ngày chia đôi đất nước. Chỉ sau vài năm thống nhất đất nước, một tập thể lãnh đạo từ trung ương đến địa phương có rất nhiều huy chương nhờ tài bắn giết, ám sát, khủng bố trong chiến tranh nhưng không có một số vốn kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để xây dựng, ổn định một xã hội họ luôn mơ ước là XHCN, một thực thể xã hội chỉ có trên giấy và sách để khi gượng ép đưa nó vào thực tế cuộc sống đã biến thành một quái thai dị hợm. Tập thể lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản đã đưa toàn dân tộc tụt hậu về mọi lãnh vực so với các quốc gia lân bang hàng năm chục năm và so với các quốc gia phương Tây hơn trăm năm. Ngay cả những người lãnh đạo cấp trung ương vẫn chưa hình dung nó là cái gì, các cấp chính quyền loay hoay trong mù tăm mờ mịt và nhiều khi hành động tương phản với những giá trị nhân bản con người.
Kẻ chiến thắng dùng tất cả thời gian có được để thi đua vơ vét tài sản của cải nơi người chiến bại. Mọi hình thức kinh tế bị cấm đoán và đình trệ đến thảm hại. Ngày ấy có thể nói nếu vận chuyển một kí lô phân người từ nơi này đến nơi khác bán mà có lời, sản phẩm đó sẽ bị cấm ngay tức khắc và sẽ trở thành điểm ngắm của các anh chị quản lý thị trường, thuế vụ, công an… để ra sức bắt bớ, ngăn cản hầu tịch thu để bán lại hay nhận hối lộ đút lót của người vận chuyển. Kinh tế hoàn toàn tê liệt.
Mặt khác dân chúng sống trong sự sợ hãi và nghi kỵ nhau vì nhà nước đã cố tình gieo con vi trùng nghi ngờ và sợ hãi để không còn ai dám tin ai, không ai dám nói và bày tỏ những gì mình nghĩ. Để con vi trùng ác hại đã làm tê liệt sức sống và ngăn ngừa sự đoàn kết của nhân dân có đất sinh sôi nẩy nở, những cuộc khủng bố xảy ra thường xuyên khắp nơi: người này bị công an mời lên làm việc sau đó không thấy về. Người khác được mời lên và khi về thì trở thành câm điếc.
Sau thời kỳ đổi mới năm 1986, vì nếu không đổi mới đảng sẽ tự giết mình, nhân dân được hít thở một tý tự do hạn chế trong một số sinh hoạt kinh tế. Các hình thức kinh doanh hộ gia đình nhỏ phát triển thay cho các hợp tác xã để chỉ sau đó 10 năm nhiều cơ sở sản xuất nhỏ và vừa đã xuất hiện khắp nơi trên đất nước và tiếp nối đến ngày nay là những công ty trách nhiệm hữu hạn, những tổ chức kinh doanh quy mô với số vốn lưu động càng ngày càng lớn. Tiếng cười nói bắt đầu trở lại trên môi miệng nhân dân, không phải vì họ bằng lòng chấp nhận sự cai trị độc tài của đảng cộng sản nhưng với hình thức kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa què quặt này, người dân có cơ hội cải thiện cuộc sống nghèo đói thiếu ăn trước đây nhờ vào cách đút lót chi tiền cho cán bộ nhà nước, và cũng với sự mập mờ của hình thức kinh tế này đã tạo rất nhiều lỗ hổng cho cán bộ nhà nước tham nhũng, nhận hối lộ và đút lót của dân để làm giàu hay ăn cắp công quỹ.
Một cuộc hôn nhân bệnh hoạn gượng ép, một thỏa hiệp vì nồi cơm được hai bên đồng ý ngầm với nhau. Với người dân chỉ để có miếng ăn, để con cái không đói khổ như trước và có điều kiện đi học, để xây nhà tích của với những người nhanh nhẹn tháo vác, làm ăn khá giả. Với cán bộ nhà nước đủ mọi ngành đoàn thể là để kiếm tiền và để làm giàu dựa vào quyền lực. Nếu trước kia khi nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN mới ra đời, người ta không dám hối lộ công khai, không dám nhận đút lót nhiều và sự hối lộ tham nhũng chỉ xảy ra trong giới kinh doanh thì sau năm 2000, mọi ngành, mọi chức vụ to nhỏ, mọi cấp cán bộ nhà nước đều thi nhau nhận và đút lót. Họ tạo khó khăn cho nhân dân với hàng trăm nghị định, chỉ thị, quyết định… để nhận đút lót. Dân nghĩ ném cho chúng một phần lời để được yên thân buôn bán còn hơn là bó gối ở nhà nhịn đói như trước hay bị phạt vạ. Người chịu thiệt là người đi mua. Cán bộ nhà nước gồm đủ ngành nghề sau khi có tiền lại đút lót cấp trên mình để còn chỗ mà kiếm thêm tiền. Tham nhũng trở thành sợi dây màu huyền bí trói ghì mọi người, mọi giới ở VN cùng tập thể cán bộ nhà nước và treo cả dân tộc lơ lửng trên bờ vực thẳm. Tham nhũng giúp nhân dân duy trì sự tồn tại qua thỏa hiệp của nồi cơm. Tham nhũng giúp trì kéo dài thêm sự cai trị của đảng cầm quyền để làm giàu nhưng đồng thời đã bóp nghẹt thở nhiều giá trị nhân bản. Đạo đức truyền thống dân tộc bị đe dọa ở mức vạch đỏ. Nhiều thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội cộng sản, ảnh hưởng một nền giáo dục khập khiểng với những giá trị đạo đức cách mạng bạo lực gian trá đã đánh mất những ao ước về chân thiện mỹ và thiếu can đảm đương đầu với sự thật, lờn chai với cái xấu và sự đê hèn.
Ngày nay trên thế giới không có nghề nào nhanh làm giàu bằng làm nghề cán bộ và công an ở Việt Nam. Gia tài của những cán bộ cấp nhà nước phải tính bằng đơn vị triệu đô-la, cấp tỉnh mỗi người có trong túi ít nhất vài trăm tỷ đồng. Cấp bé nhất là chủ tịch huyện, xã có không dưới vài tỷ đồng tương đương số tiền một kỹ sư trẻ làm việc không ăn, không tiêu xài trong vòng vài chục năm với mức lương 8 triệu đồng một tháng. Chưa có một thống kê chính xác cho những gia tài đen tối này nhưng cứ nhìn vào nhà cửa, xe cộ, cách ăn tiêu của họ là có thể thấy những con số này không phải là hoang tưởng hay áp đặt vô lý. Hình ảnh những người giàu có, ăn xài hoang phí xã láng của cán bộ nhà nước đã trở thành giấc mơ cho giới trẻ, họ cố học, mua lớp, mua bằng, mua ghế mong có một chỗ làm ngon để có điều kiện nhận hối lộ hay đút lót để mua một công việc dễ hái ra tiền. Tất cả mọi người đều nhắm mắt tự để cho thỏa hiệp vì nồi cơm trói buộc và yên sống trong một sự bình an giả tạo.
Sự cuốn dính vào nhau để sống, bám vào nhau để tồn tại, để làm giàu đã cột chặt nhà nước cộng sản và nhân dân làm một. Nếu trước kia nhà nước có toàn quyền trên sinh mạng nhân dân, thì ngày nay ngược lại với sự thỏa thuận vì nồi cơm này, càng ngày nhà nước càng bỏ xa cái cán dao để nắm về phía lưỡi. Họ cảm thấy sống lệ thuộc vào kinh tế của người dân. Tự họ không làm được gì nếu không nói càng làm càng lỗ như kết quả của những đại công ty quốc doanh dùng tiền của dân để đánh bài với hên xui may rủi. Tập đoàn lãnh đạo cộng sản đã dẫn đưa cả dân tộc vào con đường cùng. Họ sợ hãi vì biết bạo loạn và một cuộc cách mạng của nhân dân có thể đến bất cứ lúc nào nên đã hèn hạ luồn cúi, cầu cạnh sự nâng đỡ bảo hộ của Trung Cộng để tiếp tục cầm quyền, từ đó trở thành kẻ hầu cho Bắc triều chấp nhận dâng đất trao biển cho quân giặc. Trong lòng nhà nước và đảng cộng sản lại mang thêm một cái sợ khác ám ảnh: sợ Trung cộng quay lưng. Vì thế ngày nay nhà nước không dám chèn ép, đàn áp dân buôn bán kinh doanh vì vận mệnh của đất nước phần nào nằm trong tay nhân dân. Để ru ngủ cả dân tộc, nhà nước đã mở một chiếc cửa rất rộng và tạo một sân chơi lớn hoành tráng cho toàn dân. Ai có tiền muốn chơi bời thế nào cũng được, muốn sống thế nào cũng xong, muốn làm gì thì làm. Những hiện tượng "khủng" càng ngày càng nhiều và được khuếch đại để mọi người quan tâm làm vui. Mỗi sáng cứ mua một tờ báo sẽ thấy đủ mọi chuyện trên đời không có hay ít thấy ở những quốc gia khác. Những phương tiện ăn chơi và cách ăn chơi sa đọa được hoan nghênh và ca tụng hơn là một cuốn sách hay. Toàn dân được làm mọi thứ chỉ duy nhất một điều bị cấm như quả táo của ông A-Đam và bà E-Va là nhân dân không được đụng chạm đến đường lối cai trị và chủ thuyết cộng sản của nhà nước.
Người dân mặc dù không chấp nhận sự cai trị độc tài vô nhân tâm của nhà nước cộng sản nhưng khi nhìn lại phía sau với gần 20 năm sống trong sợ hãi và nghèo đói, nhìn về phía trước thì chưa thấy lấp lóe ánh sáng nào ở cuối đường hầm để hy vọng chờ đợi. Chưa có một tổ chức chính trị đối lập trong hay ngoài nước nào đủ tấm vóc và uy tín để trở thành đối trọng với nhà nước và để dân gởi tấm lòng của mình. Hết người này đến người khác can đảm phản đối mạnh mẽ trong đơn độc để sau đó bị nhốt vào tù không cần xét xử và cuối cùng mọi sự chìm vào im lặng thất vọng hay bị đè mất bóng bởi những thông tin ăn chơi, những xì-can-đan nóng hổi và thu hút.
Với những lý do trên người dân VN chưa dứt khoát bước xuống đường cùng các nhà đấu tranh đòi công lý công bằng hay dân chủ cho Việt Nam. Người dân chưa thấy đủ can đảm để xé toan thỏa hiệp vì nồi cơm. Nhưng một ngày nào đó cơn lũ của tức giận, phẫn uất sẽ tràn bờ cuốn theo tất cả mọi thứ của đảng để ném vào quá khứ. Ngày ấy không còn xa vì nền kinh tế Việt Nam đang trên đà lao xuống vực, đồng tiền mất giá, sinh hoạt mắc mỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản hàng loạt, thất nghiệp gia tăng với cấp số cộng. Nợ xấu lên đến con số không tưởng và không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ trả hết số nợ này. Hơi thở cầm chừng của nền kinh tế đang hấp hối là số tiền của bà con ở nước ngoài gởi về, nếu số tiền này giảm xuống hay không ai gởi về nữa cùng với các tổ chức và các quốc gia quốc tế không cho vay thêm hoặc ngưng những dự án tài trợ không hoàn vốn, khủng hoảng sẽ dâng cao, mọi sinh hoạt sẽ đảo lộn khi ấy nhân dân không còn cần bám vào nhà nước để sống nữa, thỏa hiệp vì nồi cơm hết hiệu lực và toàn dân sẽ ùa xuống đường cuốn theo tất cả những gì đảng cộng sản Việt Nam đang bám víu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét