23 tháng 10, 2012


Sông Tranh 2 động đất mạnh dù ngưng tích nước

2012-10-23
Động đất 4.6 độ Richter vừa xảy ra trong bối cảnh Thủy điện Sông Tranh 2 ngừng tích nước, nhưng vẫn có thể phát điện hết công suất đã gây thêm nhiều lo ngại cho các nhà khoa học, đặc biệt là người dân Bắc Trà My.
File photo
Đập thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam, ảnh chụp trước đây.

Quả bom nước khổng lồ

Hàng chục trận động đất liên tiếp xảy ra từ cuối tháng 9 đến thời điểm 22/10 có trận động đất mạnh 4.6 độ Richter cũng là thời gian Quảng Nam đã vào mùa mưa lũ, hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 không cho phép tích nước cũng dâng tự nhiên tới cao trình 161 mét tức trong hồ chứa có quả bom nước 468 triệu mét khối thay vì tích nước đầy đủ đạt 730 triệu mét khối.
GSTS Nguyễn Thế Hùng giảng dạy ở khoa xây dựng thủy lợi thủy điện Đại học Bách khoa Đà Nẵng nói với chúng tôi:

Không còn cách nào khác họ phải phát điện thôi, đồng thời mở hết van xả lũ nhưng những van này lại đặt ở trên cao.
GS Nguyễn Thế Hùng
“Không còn cách nào khác họ phải phát điện thôi, đồng thời mở hết van xả lũ nhưng những van này lại đặt ở trên cao. Bắc Trà My là huyện miền núi và là tâm mưa của Quảng Nam Đà Nẵng lưu lượng mưa hàng năm rất lớn hơn 3.000mm. Mùa mưa ở Quảng Nam Quảng Ngãi bắt đầu từ cuối tháng 9, năm nay có bão nên mưa lũ về sớm, vừa qua trời nắng nhưng hai ba ngày nay trời đã hơi xâm. Mùa mưa này mưa miết cho đến tháng 12, thông thường hết mưa lớn và bắt đầu đầu mưa phùn gió bấc nhỏ..”
Khi sửa chữa đập Sông Tranh 2 vì thân đập bị nứt rò rỉ nước, hồ chứa ở mực nước chết 140m, nước trong hồ khoảng hơn 200 triệu mét khối. Nhưng do thiết kế sai không có cửa xả đáy nên trong mùa mưa lũ hiện nay dù ngừng tích nước nhưng hồ chứa vẫn tích nước tự nhiên đạt mức 468 triệu mét khối tức cao trình 161 mét thì Thủy điện Sông Tranh 2 mới có thể xả lũ. Đây là một vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý và người dân thì cho là chủ đầu tư vẫn tích nước để sản xuất điện. Trên thực tế là từ đầu năm 2012 đến nay Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn cung cấp hơn 455 triệu KWh đạt 80% kế hoạch cả năm.
Nhận định về vấn đề này, GSTS Vũ Trọng Hồng chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam từ Hà Nội phát biểu:
“Cao trình 140 mét ở đó có đường ống nhà máy thủy điện nhưng mà nó chỉ xả qua đường ống ấy thôi, nếu như lũ lớn quá mà không kịp qua đường ống thì nước tiếp tục dâng cao. Trong trường hợp này theo PGSTS Cao Đình Triều thì nó sẽ gây nên động đất, cho nên để đề phòng việc này chúng tôi được biết là chính quyền địa phương đã xin ý kiến nhà nước và cũng phải lập một phương án sơ tán dân nếu khi lũ lên quá lớn và gây động đất lớn có thể nguy hiểm cái đập.
song-tranh-250.jpg
Đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. File photo.
Tôi biết là Quân Khu 5 đã vào cuộc, hiện nay họ đang thực tập ở trong đó, thí dụ phải lập những mốc cốt cao trình có thể là khi đập bị sự cố vỡ đến đâu thì sau đó có điểm cảnh báo, một mặt lập phương án sơ tán người dân như thế nào. Theo tôi lúc nào điều quan trọng là phải chuẩn bị phương án cho người dân nếu như đập có sự cố. Câu hỏi nếu lũ lớn về thì sao, thiên tai thì chúng ta khó thể lường trước được nó lớn nó nhanh như thế nào được, theo tôi biết nếu nó quá nhanh thì đều nguy hiểm cho công trình cả. Vì thế hiện nay có ý kiến là nên xem xét lại việc phải làm cống xả đáy, đó là điều các nhà khoa học đặt ra.”

Trận động đất mạnh nhất

Trận động đất xảy ra tối 22/10/2012 ở khu vực huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam được cho là mạnh nhất kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước hồ chứa và vận hành từ cuối năm 2010. Theo số liệu chính thức của Viện Vật lý Địa cầu, trận động đất tối 22/10 có cường độ 4.6 độ Richter so với trận động đất ngày 23/9 đo được 4.1 độ Richter dù trước đó các giới chức Viện Vật lý Địa cầu nói là 4.8 độ Richter. Lúc đó nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về cách công bố thông tin cho là có sự giảm nhẹ hoặc do chất lượng đo đạc không tốt, vì máy đo gia tốc đặt tại thân đập của ngành điện cho các số liệu cao hơn.
Trên nguyên tắc rung chấn tối 22/10 phải được đo đạc chính xác vì Viện Vật lý Địa cầu đã khánh thành trạm đo đạc động đất đầu tiên đặt tại khu vực nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 vào ngày 19/10 vừa qua. Tuy nhiên báo chí cho rằng nếu đã có thiết bị đo động đất tại chỗ thay vì các máy đo gia tốc của bên thủy điện, thì tại sao 45 phút sau trận động đất Viện Vật lý Địa cầu vẫn chưa công bố thông tin.

Phải lập một phương án sơ tán dân nếu khi lũ lên quá lớn và gây động đất lớn có thể nguy hiểm cái đập.
GS Vũ Trọng Hồng
TS Lê huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu từng giải thích những chức năng tối ưu của thiết bị bị đo đạc mới lắp đặt:
Đây là máy ghi động đất chuyên dụng, còn máy trên đập thủy điện nó chỉ ghi gia tốc rung động thôi, gia tốc giao động phải đến mức nào đó thì nó mới ghi. Còn máy ghi động đất thì nó ghi được hết mọi động đất lớn bé, ghi được hết.”
Phản biện của giới khoa học cho rằng địa điểm thiết lập thủy điện Sông Tranh 2 là một sai lầm vì nằm ngay trên đới đứt gãy, việc tích nước hồ chứa hàng trăm triệu mét khối nước làm thay đổi địa chất ở khu vực và kích thích động đất.
Theo báo chí trong nước, trận động đất tối 22/10 mạnh đến mức độ làm người dân Bắc Trà My và các huyện Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phước Sơn hoảng sợ đến cực điểm, mọi người đều cố gắng chạy ra khỏi nhà. Thiệt hại nứt nẻ sụt lở các công trình công cộng và nhà dân ở Bắc Trà My đã lên đến hàng trăm vụ và đang chờ được bồi thường. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư công trình Sông Tranh 2 trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân Bắc Trà My. Nhưng thứ mà EVN chẳng thể bù đắp, đó là chấn thương tinh thần của hàng ngàn người dân trong vùng, những người luôn sống trong hoảng sợ vì những tiếng nổ và những trận động đất liên tục, mà trong đời họ chưa từng phải nếm trải.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét