Đôi điều cần nói thêm về bản Hiến pháp 1946
Mai Thái Lĩnh (Danlambao) - Một ngày nào đó, khi Quốc hội của dân đã thay thế cho Quốc hội của Đảng, Quốc hội ấy sẽ soạn ra một bản Hiến pháp thật sự tiến bộ, có thể sánh ngang với các bản Hiến pháp tiến bộ trên thế giới. Một bản Hiến pháp như thế, được “phúc quyết” trong hoàn cảnh nhân dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do căn bản, sẽ có giá trị lâu dài và bền vững. Còn giờ đây, khi mà Quốc hội vẫn là “cơ quan đóng dấu”để hợp pháp hóa các quyết định của Đảng, khi các quyền tự do căn bản còn bị bóp nghẹt, khi những người yêu dân chủ và những người yêu nước vẫn còn bị giam cầm, khi những kẻ sâu dân mọt nước vẫn còn được bảo vệ bằng những chiêu bài như “bảo vệ Đảng”, “chống nguy cơ diễn biến hòa bình”, “chống âm mưu của các thế lực thù địch”,… thì việc “thảo luận, góp ý xây dựng Hiến pháp” trong khuôn khổ của Đảng chỉ là góp phần duy trì một hệ thống chính trị thối nát, để những kẻ lạm quyền tiếp tục lạm quyền, những tên tham nhũng tiếp tục tham nhũng...
*
Cuộc trao đổi ý kiến xung quanh chủ đề “Hiến pháp 1946” đáng lẽ đã dừng lại, vì những điều đã trình bày cũng đủ cho độc giả nắm vững được vấn đề. Tuy nhiên, vì trang Bauxite Vietnam lại đăng tiếp bài “Bàn thêm về bản Hiến pháp 1946” của ông Phan Thành Đạt, trong đó tác giả đã nêu ra một số ý kiến có thể gây ra hiểu lầm, ngộ nhận, tôi thấy cần phải trình bày thêm một số điểm trước khi dừng cuộc tranh luận.
1) Về “di sản tệ hại nhất của Hiến pháp 1946”
Ông Phan Thành Đạt viết: “Tác giả Mai Thái Lĩnh cho rằng: «Hiến pháp năm 1946 là di sản tệ hại nhất mà cả dân tộc phải thừa hưởng từ tinh thần cốt lõi của nó» vì theo ông mọi chính sách đều được Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương quyết định trong bóng tối”.
Đây là sự suy diễn của tác giả. Bởi lẽ nếu so sánh với các bản hiến pháp khác (1959, 1980 và 1992), Hiến pháp 1946 không phải là “di sản tệ hại nhất”. Như tôi đã nhiều lần nhận xét, Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp khá nhất trong số 4 bản hiến pháp do Đảng cộng sản làm ra. Cho nên nếu cần xác định “di sản tệ hại nhất” thì phải chọn một trong các bản hiến pháp ra đời sau, ví dụ một bản hiến pháp có quy định “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” chứ không thể chọn Hiến pháp 1946.
Thật ra, tôi không hề nói “Hiến pháp 1946 là di sản tệ hại nhất” mà nói về “di sản tệ hại nhất của Hiến pháp 1946…”. Nguyên văn như sau: “Hiến pháp 1946 suy cho cùng chỉ là một công cụ tuyên truyền để biện minh cho các hành động của Đảng cộng sản chứ không có ý nghĩa pháp lý hay tác dụng thực tế nào cả. Có thể nói dưới sự lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” của Đảng cộng sản, toàn bộ đời sống chính trị của đất nước đều được quyết định trong bóng tối, trong phòng họp kín của Ban chấp hành Trung ương Đảng và nhất là của Bộ chính trị. Và đó chính là di sản tệ hại nhất mà cả dân tộc phải thừa hưởng từ tinh thần cốt lõi của bản Hiến pháp 1946”.
Ngay từ khởi thủy, Hiến pháp 1946 được xây dựng không nhằm mục đích phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân. Lợi dụng lòng yêu nước mãnh liệt của nhân dân Việt Nam, dựa vào nhu cầu tập trung quyền lực để chống ngoại xâm, những người chủ trì việc soạn thảo bản hiến pháp này đã trao quyền lực quá lớn cho một cá nhân (Chủ tịch Nước), đồng thời tước đoạt quyền lực của cơ quan đại diện nhân dân (Nghị viện) để trao cho một nhóm nhỏ có tên là Ban Thường vụ Nghị viện. Đó là nguồn gốc của cơ chế “Chủ tịch Nước – Ban Thường trực Quốc hội”, một cơ chế đã vận hành trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Kể từ đầu thập niên 1950, cơ chế “Chủ tịch Nước – Ban Thường trực Quốc hội” được thay thế bằng cơ chế “Bộ chính trị – Ban chấp hành Trung ương Đảng”, hình thành nên chế độ “đảng trị” tồn tại mãi cho đến ngày nay. Có thể nói câu nói đầu môi của người dân “ơn Đảng, ơn Chính phủ” chính là hệ quả của cơ chế điều hành đó: người dân hầu như không biết đến Quốc hội mà chỉ biết đến Chính phủ và trên Chính phủ là Đảng!
Từ một cơ chế tạm thời hình thành trong chiến tranh, cơ chế “Bộ chính trị – Ban chấp hành Trung ương Đảng” đã tiếp tục tồn tại và phát triển cả trong thời bình, trở thành cơ chế điều hành trung tâm của chế độ cộng sản toàn trị.
Ngày nay, đất nước ta sống dưới ách của một chế độ toàn trị trong đó Đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo một cách “tuyệt đối và toàn diện”, mọi quyền tự do căn bản của người dân đều bị bóp nghẹt, ngay cả quyền yêu nước cũng không thể thực hiện được (chỉ vì Đảng muốn bảo vệ tình hữu nghị đối với “ngoại bang” đã từng giúp Đảng nắm và giữ vững được quyền lực). Thế nhưng, muốn tìm đến tận nguồn gốc, xuất phát điểm của tình trạng đó, phải trở lại với giai đoạn 1945-54, bởi vì những tiền đề của chế độ đảng trị đã được chuẩn bị từ đó.
2) Làm thế nào đế đánh giá đúng giá trị của Hiến pháp 1946?
Để đánh giá đúng giá trị của bản Hiến pháp 1946, cần đặt nó vào bối cảnh lịch sử và tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của nó. Không thể đưa ra những suy luận dựa trên trí tưởng tượng, bất chấp thực tế, chỉ cốt để biện hộ cho giá trị của bản hiến pháp bằng bất cứ giá nào.
Lấy ví dụ: để bênh vực cho Hiến pháp 1946, ông Phan Thành Đạt đã suy luận như sau: “Nghị viện họp mỗi năm hai lần vào tháng 5 và tháng 11 không có nghĩa là Nghị viện sẽ nhóm họp trong hai tuần hay hai tháng, mà ở đây đơn thuần hiểu là Nghị viện họp mỗi năm 2 kì bắt đầu vào tháng 5 và tháng 11 (điều thứ 28), thời gian họp sẽ được quy định bằng luật tổ chức được Nghị viện phê chuẩn”.
Đây chỉ là điều do tác giả tưởng tượng ra chứ không hề có trong thực tế Việt Nam. Từ 1946 đến nay, tất cả các Quốc hội dưới chế độ cộng sản đều không hề họp quá hai tháng mỗi năm. Một Quốc hội chỉ làm nhiệm vụ “đóng dấu” để hợp thức hóa các nghị quyết, chỉ thị của Việt Minh (và sau này là của Đảng) thì việc họp hành chỉ cần để “trình diễn dân chủ”, để chứng minh rằng chế độ “dân chủ mới” ưu việt gấp vạn lần, triệu lần chế độ “dân chủ tư sản”, chứ không nhằm thực hiện quyền lực lập pháp hay giám sát cơ quan hành pháp. Do đó, phần lớn thời gian Quốc hội ngừng họp được dành cho Ban Thường trực (hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội) để tiện làm việc với các vị lãnh đạo Việt Minh (và sau này là Đảng cộng sản) trong các phòng họp kín.
Người ta không thể tìm thấy một Nghị viện hay Quốc hội tương tự như thế tại các quốc gia dân chủ phương Tây. Nhưng người ta có thể tìm thấy mô hình đó trong tất cả các quốc gia theo chế độ cộng sản. Có thể nhìn vào trường hợp của Trung Quốc:
Tại quốc gia cộng sản lớn nhất thế giới này, cơ quan lập pháp là một tổ chức khổng lồ mang tênĐại hội Nhân dân Toàn quốc (National People’s Congress, NPC) [1] – với gần 3 ngàn đại biểu. Nhưng cái Quốc hội khổng lồ này chỉ họp một năm có một kỳ và mỗi kỳ chỉ kéo dài khoảng 2 tuần lễ. Bên trong cái “Quốc hội” khổng lồ ấy, có một “Quốc hội nhỏ” (nhưng quyền hạn lớn hơn) được gọi tên là Ủy ban Thường vụ (tên gọi đầy đủ là Toàn quốc Nhân dân Đại biểu Đại hội Thường vụ Ủy viên hội) gồm 150 đại biểu. Vào những tháng Quốc hội không họp (nghĩa là 11 tháng còn lại trong năm), Quốc hội nhỏ này họp mỗi tháng một lần. Nhưng bởi vì cái Quốc hội nhỏ này vẫn còn quá đông, để chỉ đạo các công việc hàng ngày còn có một ban lãnh đạo nhỏ hơn nữa gồm 15 người, đứng đầu là Chủ tịch Đại hội Nhân dân Toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội). Vị Chủ tịch này lại là một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong thực tế, công việc của toàn thể đất nước khổng lồ hơn 1 tỷ dân này nằm trong tay 9 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, trong đó có một vị đứng đầu Đại hội Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội).
Tác giả Phan Thành Đạt cho rằng: “Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp của nhiều tổ chức chính trị, không phải là Hiến pháp do một mình tổ chức Việt Minh biên soạn”. Về quá trình soạn thảo Hiến pháp 1946, xin dành lại cho một dịp khác, vì tư liệu xung quanh vấn đề này còn ít ỏi và chưa đủ tin cậy, cần phải tìm hiểu thêm. Chỉ xin nhấn mạnh một điều quan trọng: cho dù có bao nhiêu trí thức “chịu ảnh hưởng giáo dục của phương Tây”, bao nhiêu “tổ chức chính trị” tham gia biên soạn thì Việt Minh vẫn có ảnh hưởng quyết định đối với bản hiến pháp này. Bởi vì vào thời điểm thông qua bản hiến pháp (tháng 11 năm 1946), các tổ chức chính trị đối lập với Việt Minh đã không còn tồn tại; một số đại biểu không cộng sản chỉ còn tham gia với tư cách cá nhân và không có ảnh hưởng gì đáng kể.
Xét về mặt tổ chức thì Việt Minh chỉ là một hình thức “biến tướng” của Đảng cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích việc “Đảng cộng sản Đông Dương tự giải tán vào ngày 11-11-1945” như sau: “Hồi đó, một việc đã làm cho nhiều người thắc mắc nhất là việc Đảng tuyên bố tự giải tán, sự thật là Đảng rút vào bí mật. Và dù là bí mật, Đảng vẫn lãnh đạo chính quyền và nhân dân. Chúng ta nhận rằng việc Đảng tuyên bố giải tán (sự thật là vào bí mật) là đúng” [2]. Điều cần chú ý là vào ngày 25-11-1945, nghĩa là chưa đầy nửa tháng sau khi tuyên bố “giải tán Đảng”, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”. Sau khi đã cảnh báo việc “Chính quyền mới đang phải đối phó với ba việc khó khăn: chống thực dân Pháp xâm lược; trừ nạn đói; xử trí bọn Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng, Nguyễn Hải Thần đã dựa vào thế lực Tưởng nhập cục thành một khối, đối lập với Chính phủ, đang đòi cải tổ Chính phủ, tham dự chính quyền”, bản chỉ thị đề ra nhiệm vụ cụ thể như sau: “Về nội chính, xúc tiến nhanh việc bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức; phân hóa và xử trí bọn phản động chống lại chính quyền” [3]. Những sử liệu đó cho thấy rõ toàn bộ quá trình xây dựng Hiến pháp 1946 đã được Đảng cộng sản Đông Dương tính toán một cách chủ động từ rất sớm, và việc “thanh toán phe đối lập” cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự của Đảng.
3) Tác dụng của Hiến pháp 1946
Trong nỗ lực biện hộ cho Hiến pháp 1946, ông Phan Thành Đạt viết: “Phải chăng bản Hiến pháp này là di sản tệ hại nhất? Tôi không cho là như vậy, vì bản Hiến pháp này chỉ được thông báo trước quốc dân đồng bào, rồi sau đó, những nhà lãnh đạo không quan tâm gì đến nó nữa, họ không áp dụng những nguyên tắc được Hiến pháp quy định, Hiến pháp tồn tại cũng như không, vì thế Hiến pháp năm 1946 chưa bao giờ có hiệu lực thực tế vì thế nó không thể là di sản tệ hại được. (…) Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp chết yểu, và cái bóng của nó không làm hại ai (Une Constitution morte-née et son spectre ne menace personne)”.
3.1. Như tôi đã phân tích, bản Hiến pháp 1946 là một bản hiến pháp có hai mặt: mặt tốt (những ưu điểm) và mặt xấu (những khuyết điểm nghiêm trọng). Mặt xấu gây hại cho mặt tốt, cho nên có thể coi mặt xấu chính là “di sản tệ hại”, trong đó tệ hại nhất là một cơ chế phân chia quyền lực bất hợp lý khiến cho một thiểu số được quyền quyết định mọi vấn đề hệ trọng của đất nước. Đối với một bản Hiến pháp có khuyết tật như thế, người trí thức cẩn trọng không thể tâng bốc, ca tụng nó như một bản Hiến pháp mẫu mực. Và đương nhiên, không thể đem áp dụng nguyên xi bản Hiến pháp đó vào tình hình hiện nay. Đó chính là điều tôi muốn chứng minh.
Khi nói rằng “những nhà lãnh đạo… không áp dụng những nguyên tắc được Hiến pháp quy định”, tác giả đã cố tình quên đi một sự thật: các nhà lãnh đạo của Việt Minh (và sau này là Đảng Lao động) chỉ không phát huy những ưu điểm của bản hiến pháp này, nhất là việc thực hiện các quyền tự do căn bản đã được ghi trong đó. Nhưng họ vẫn áp dụng một cách triệt để phần không tốt (những khuyết điểm nghiêm trọng) của bản Hiến pháp đó, bởi vì những nguyên tắc đó hoàn toàn có lợi cho việc nắm quyền của họ.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi tìm hiểu quy trình làm luật. Đạo luật quan trọng nhất mà Quốc hội khóa I thông qua là Luật cải cách ruộng đất năm 1953. Khởi điểm của Luật này không phải từ Quốc hội mà từ Đảng Lao động Việt Nam:
Đầu năm 1953, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (từ 25 đến 30-1-1953) để quyết định việc thực hiện nhiệm vụ cải cách ruộng đất của Đảng. Sau hội nghị đó, một bản “Cương lĩnh ruộng đất của Đảng” đã được dự thảo. Cuối năm 1953 (từ 14 đến 23-11-1953), Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao động đã được triệu tập tại chiến khu Việt Bắc để thông qua bản dự thảo – văn bản này sau khi được bổ sung trở thành “Cương lĩnh ruộng đất” chính thức của Đảng. Vài ngày sau đó (từ 26 đến 28-11-1953), Hội nghị của Ủy ban Liên Việt Toàn quốc (một tổ chức tương tự như Mặt trận Tổ quốc hiện nay) được triệu tập để nghe ông Trường Chinh trình bày “Cương lĩnh ruộng đất”. Chính hội nghị này đã “kiến nghị Quốc hội và Chính phủ chấp nhận chính sách cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam”. Sau đó vài ngày, Quốc hội khóa I đã họp kỳ thứ ba (từ 1 đến 4-12-1953) để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về “tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất”, trong đó nhấn mạnh: hai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 1954 là ”ra sức đánh giặc” và “thực hiện cải cách ruộng đất”. Cũng tại kỳ họp này, vào ngày 4-12-1953, Quốc hội đã thông qua Luật cải cách ruộng đất [4].
Nhưng cuộc cải cách ruộng đất đã được khởi động trước khi Quốc hội thông qua Luật. Ngay sau khi Hội nghị Trung ương Đảng ra quyết định (tháng 1-1953), từ ngày 25-2 đến ngày 1-3-1953, ông Tôn Đức Thắng – Trưởng ban Thường trực Quốc hội kiêm Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc đã chủ trì một cuộc họp liên tịch giữa hai tổ chức nói trên (cả hai tổ chức đều do ông điều khiển), để ra một nghị quyết trong đó xác định “công tác trung tâm của năm 1953 là phát động quần chúng, thực hiện chính sách ruộng đất”. Nói cách khác, Ban Thường trực Quốc hội đã thay mặt toàn thể Quốc hội cùng với Chủ tịch Nước quyết định tiến hành thí điểm chiến dịch cải cách ruộng đất [5].
Cuộc cải cách ruộng đất trong thực tế đã diễn ra từ giữa tháng 5 năm 1953 (nghĩa là gần 7 tháng trước khi Luật Cải cách ruộng đất được thông qua). Hai nhân vật điển hình được chọn làm “thí điểm” để đấu tố (và sau đó bị xử bắn) là hai địa chủ yêu nước có công với kháng chiến: ông Nguyễn Văn Bính (tức Tổng Bính) và bà Cát Hanh Long (tức Nguyễn Thị Năm) [6]. Ở đây, ta thấy các nhà lãnh đạo của Đảng Lao động đã áp dụng đúng quy định được ghi trong điều 36 của Hiến pháp 1946: trong thời gian Nghị viện (tức Quốc hội) không họp, Ban Thường vụ Nghị viện (tức Ban Thường trực Quốc hội) được quyền “biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ”. Tất nhiên, điều khoản này còn nói thêm: “Những sắc luật đó phải đem trình Nghị viện vào phiên họp gần nhất để Nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ”. Nhưng một dự luật đã được Chủ tịch Nước và Ban Thường trực Quốc hội thông qua thì khi đem trình Quốc hội, dự luật ấy chỉ có thể được “ưng chuẩn” chứ làm sao có thể bị “phế bỏ”?
3.2. Ông Phan Thành Đạt viết: “Bản Hiến pháp này đã hợp thức hóa quyền lực của Nghị viện, Chủ tịch nước, Chính phủ… Tuy nhiên tất cả các cơ quan quyền lực này phải tuân theo Hiến pháp và luật pháp, các cá nhân đại diện cho các cơ quan này phải thực hiện đúng trách nhiệm và bổn phận của mình. (…) Tất cả những người Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo, trước hết phải là những công dân mẫu mực”. Ông cũng nhận định rằng một cách xác đáng rằng: “Ngay cả khi nếu Việt Nam có một bản Hiến pháp tuyệt vời như Hiến pháp Mỹ năm 1787, hay Hiến pháp Pháp năm 1946. Chắc cũng không thay đổi được gì, nếu như các nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhận không được vận dụng”.
Vấn đề đặt ra là: việc thực thi các quy định của hiến pháp có liên quan mật thiết đến cách thức phân chia quyền lực, hay nói cách khác là việc vận dụng nguyên tắc tam quyền phân lập. Như tôi đã phân tích, nguyên nhân khiến cho các quyền tự do căn bản của nhân dân bị thủ tiêu, Quốc hội không được xem trọng chính là vì cấu trúc mất cân đối và bất hợp lý của hệ thống chính trị được quy định trong Hiến pháp 1946. Việc trao quyền lực quá lớn cho Chủ tịch Nước và việc tước đoạt quyền lực của Nghị viện hay Quốc hội để trao vào tay một nhóm nhỏ đã khiến cho quyền lực của các nhà lãnh đạo trở thành tuyệt đối, không ai có thể kiểm soát được, nhất là trong bối cảnh không có một lực lượng chính trị nào khác có thể kiềm chế được Việt Minh. Chính điều đó đã phá hỏng khả năng kiểm soát quyền lực.
Nếu nhìn vào các bản hiến pháp được coi là “hiến pháp tiến bộ”, chúng ta không thấy những nhược điểm này. Hãy thử nhìn vào lĩnh vực làm luật. Ở Hoa Kỳ, do hành pháp và lập pháp hoàn toàn tách rời nhau, Quốc hội hoàn toàn độc lập trong việc làm luật, Tổng thống chỉ có quyền phủ quyết (veto) sau khi luật được thông qua chứ không được quyền can thiệp vào quá trình làm luật (trừ các đạo luật liên quan đến ngân sách). Theo Hiến pháp 1958 của Pháp, Tổng thống là người thay mặt Chính phủ để đệ trình dự luật, nhưng quá trình làm luật là của Nghị viện và Thủ tướng, Tổng thống chỉ có quyền phủ quyết sau khi luật đã được Nghị viện thông qua. Đó là chưa kể đến môi trường chính trị đa nguyên về tư tưởng và một hệ thống đảng phái “cạnh tranh lành mạnh” khiến cho không cá nhân hay tổ chức nào có thể độc quyền làm luật hay độc quyền thi hành luật.
Điều kỳ lạ là ông Phan Thành Đạt – một người tỏ ra hiểu biết về các bản hiến pháp của phương Tây, lại ra sức bênh vực cho việc “Chủ tịch Nước được quyền tiếp tục là thành viên của Nghị viện hay Quốc hội”. Ông viết như sau: “Tác giả Mai Thái Lĩnh cho rằng Hiến pháp 1946 thiết lập một Nghị viện có quyền lực yếu và cơ quan hành pháp mạnh, vì Chủ tịch nước có rất nhiều quyền lực vừa tham gia vào nhiệm vụ lập pháp, vừa tham gia vào nhiệm vụ hành pháp. Thực tế là nếu xét về lý thuyết theo đúng tinh thần của Hiến pháp 1946, đây vẫn là thế chế nghị viện mạnh và có cơ quan hành pháp yếu, vì nhiều lẽ, Chủ tịch vừa có vai trò nghị sĩ vừa có vai trò lãnh đạo cơ quan hành pháp, theo đúng nguyên tắc của thể chế nghị viện, Chủ tịch nước sẽ được chọn từ đảng phái chiếm nhiều ghế nhất trong Nghị viện, người này thường giữ vai trò lãnh đạo đảng phái đó tại Nghị viện, đương nhiên nhân vật này phải theo các nguyên tắc của đảng mình, và nhân vật này phải cân bằng hài hòa lợi ích giữa đảng chiếm đa số và các đảng phái khác trong Nghị viện. Hơn nữa Hiến pháp 1946 thiết lập thể chế nghị viện mất cân bằng vì Nghị viện có quyền giải tán Chính phủ nhưng Chủ tịch nước không có quyền giải tán Nghị viện, vậy là phần thắng luôn thuộc về Nghị viện”.
Đây là một lập luận có tính ngụy biện. Bởi vì nếu “Chủ tịch vừa có vai trò nghị sĩ vừa có vai trò lãnh đạo cơ quan hành pháp” thì Chủ tịch phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, nghĩa là có thể bị Nghị viện bất tín nhiệm và truất chức bất cứ lúc nào. Trong khi đó, nếu dựa theo Hiến pháp 1946, Chủ tịch Nước VNDCCH tuy do Nghị viện bầu lại không hề chịu trách nhiệm trước Nghị viện, không thể bị Nghị viện cách chức bằng cách bất tín nhiệm. Ở đây, ông Phan Thành Đạt đã vô tình (hay cố ý) lẫn lộn giữa chức vụ Thủ tướng trong một chế độ đại nghị hoặc một chế độ nửa-tổng thống (vừa là nghị sĩ, vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp) với chức vụ Tổng thống trong chế độ nửa-tổng thống (là nguyên thủ quốc gia trực tiếp nắm quyền hành pháp nhưng không được quyền làm thành viên của Nghị viện).
Cũng không thể khẳng định “phần thắng luôn thuộc về Nghị viện”, bởi vì dựa theo Hiến pháp 1946, Nghị viện chỉ có thể “giải tán Nội các” bằng cách bất tín nhiệm Thủ tướng chứ không thể “giải tán Chính phủ” vì không thể bất tín nhiệm Chủ tịch Nước. Chủ tịch Nước bao giờ cũng đóng vai trò chính trong việc chỉ định Thủ tướng và Nội các. Và cho dù Chủ tịch Nước không có quyền giải tán Nghị viện nhưng nếu xảy ra xung đột, Chủ tịch Nước chỉ cần đợi cho hết nhiệm kỳ của Nghị viện (3 năm) thì Nghị viện tự động phải giải tán, bởi vì nhiệm kỳ của Chủ tịch Nước là 5 năm – dài hơn nhiệm kỳ của Nghị viện 2 năm. Cho nên nếu gọi đây là một “thể chế nghị viện mất cân bằng” thì sự mất cân bằng này rõ ràng là nghiêng về phía hành pháp (Chủ tịch Nước) chứ không nghiêng về phía Nghị viện. Không thể nói “phần thắng luôn thuộc về Nghị viện” mà phải nói ngược lại mới đúng.
Đó là chưa kể đến hoàn cảnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thời kỳ đó. Ảnh hưởng khống chế của Việt Minh (và sau đó là Đảng Lao động Việt Nam) khiến cho quyền lực của Chủ tịch nước trở thành tuyệt đối bởi vì Ban Thường trực Quốc hội và toàn thể Quốc hội bao giờ cũng phục tùng, làm theo lệnh của Chủ tịch Nước.
3.3. Ông Phan Thành Đạt cho rằng “Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp chết yểu, và cái bóng của nó không làm hại ai”.
Trong thực tế, mặc dù không có ý nghĩa pháp lý và không có tác dụng thực tế, Hiến pháp 1946 vẫn có “giá trị lợi dụng”:
- Nhờ có Hiến pháp 1946, những người cộng sản có được một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền với thế giới rằng “Việt Minh không phải là cộng sản”, Chính phủ do Việt Minh lập ra là chính phủ của một nước độc lập, những người được Quốc hội 1946 giao trách nhiệm là lãnh đạo có thẩm quyền của dân tộc Việt nam, còn các chính phủ do thực dân Pháp hỗ trợ chỉ là bù nhìn, tay sai giặc, v.v. Sự đánh giá thiếu khách quan của nhiều học giả trên thế giới cũng bắt nguồn một phần từ việc đánh giá không đúng ý nghĩa của bản Hiến pháp này.
- Đối với trong nước, Hiến pháp 1946 chính là chiêu bài pháp lý để những người cộng sản thực hiện đường lối, chính sách của Đảng phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, hợp pháp hóa việc “vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước ta”.
Dẫn chứng về Luật cải cách ruộng đất năm 1953 là một ví dụ điển hình, cho thấy quy trình hoạch định chính sách (policy-making) dưới chế độ cộng sản bao giờ cũng bắt đầu bằng nghị quyết của Đảng và kết thúc bằng nghị quyết hay luật của Quốc hội. Mặc dù chủ trương bao giờ cũng xuất phát từ Đảng, chủ trương ấy bao giờ cũng được hợp pháp hóa bằng một quyết định của Nhà nước và quyết định ấy thường được bao phủ bởi một lớp vỏ bọc nhân danh “nhân dân”. Quốc hội chính là cơ quan tạo ra lớp vỏ bọc đó. Đó chính là lý do khiến cho Việt Minh ngay từ khi cướp được chính quyền đã nghĩ ngay đến việc soạn ra một bản Hiến pháp. Và bản Hiến pháp 1946 ra đời là để tạo cơ sở pháp lý cho tính chính đáng, hợp pháp của chính quyền do Đảng Cộng sản dựng nên.
- Không thể nói Hiến pháp 1946 “chết yểu”, bởi vì trong khi một bộ phận quan trọng của nó (các quyền tự do căn bản của người dân) không bao giờ được thực hiện, thì bộ phận còn lại (cơ chế điều hành của Nhà nước) vẫn tiếp tục tồn tại và phát huy tác dụng mãi cho đến khi Hiến pháp 1959 thay thế nó. Hơn thế nữa, tinh thần cốt lõi của nó đã được lưu giữ trong tất cả các bản Hiến pháp sau này: nhân dân không có quyền làm chủ bởi vì tất cả mọi việc đều do một tổ chức chính trị duy nhất (Việt Minh, và sau đó là Đảng cộng sản) quyết định.
- Khi nói rằng “cái bóng của Hiến pháp 1946 không làm hại ai”, tác giả cố tình bỏ qua tác dụng tai hại của nó trong đời sống văn hóa và chính trị của đất nước. Bằng cớ là mãi cho đến nay, ngay trong giới trí thức vẫn còn có nhiều người ngộ nhận rằng đó là bản Hiến pháp tuyệt vời, “không hề thua kém bất cứ bản hiến pháp tiến bộ nào trên thế giới”. Việc các nhà luật học cũng như nhiều trí thức khác im lặng về những “khuyết điểm nghiêm trọng” của nó, tiếp tục nuôi dưỡng huyền thoại về một “chế độ dân chủ cộng hòa” tiền-cộng sản đã làm cho người dân thường và nhất là giới trẻ lẫn lộn đúng-sai, dân chủ-phản dân chủ, làm rối mù nhận thức của thế hệ trẻ, làm mê hoặc nhân tâm, suy đồi dân trí.
Điều cần nhấn mạnh là: đối với Đảng cộng sản, Hiến pháp chỉ là công cụ tuyên truyền, nhưng đối với nhân dân Hiến pháp vẫn là sợi dây trói buộc. Trong khi Đảng có thể coi thường Hiến pháp, vi phạm pháp luật vì Đảng đứng cao hơn Hiến pháp và pháp luật, thì đối với người dân thường, Hiến pháp và pháp luật vẫn là khuôn phép, là xiềng xích, bởi lẽ cơ quan bắt giam và xét xử người nằm trong tay Đảng chứ không nằm trong tay dân. Do đó, để cái bóng của Hiến pháp 1946 thật sự không còn làm hại ai, cần phải phê phán nó một cách thật sự nghiêm túc, và trong khi nêu rõ những ưu điểm của nó vẫn không thể bỏ qua các “khuyết điểm nghiêm trọng” của nó. Chỉ khi đó, cái bóng của nó mới không còn gây tác hại.
4) Về trào lưu “trở lại Hiến pháp 1946”
Ông Phan Thành Đạt viết: “Câu hỏi đặt ra là vì sao tác giả cho dù biết rằng Hiến pháp năm 1946 có nhiều khuyết điểm, nhưng ông vẫn đồng tình với trào lưu trở lại Hiến pháp năm 1946? Trong bài viết sau, ông lại nhấn mạnh vào các khuyết điểm của Hiến pháp năm 1946, và tiến thêm một bước nữa là phủ nhận bản Hiến pháp này. Phải chăng tác giả có một số mâu thuẫn giữa hai bài viết?”.
Một lần nữa, tôi khẳng định: từ trước đến nay tôi không hề “đồng tình với trào lưu trở lại Hiến pháp 1946” như ông Phan Thành Đạt suy luận. Xin trích lại một đoạn trong phần cuối của bài“Những khuyết điểm nghiêm trọng của Hiến pháp 1946”:
“Như trên đã phân tích, mặc dù là văn bản lập hiến khá nhất trong số các bản hiến pháp đã soạn thảo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp 1946 đã không bảo đảm được sự cân bằng giữa các thiết chế chính trị theo đúng nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Cán cân quyền lực nghiêng hẳn về một phía (Chủ tịch nước) trong khi quyền lực của cơ quan lập pháp (Nghị viện) lại lọt vào tay một thiểu số (Ban Thường vụ Nghị viện) khiến cho quyền lực của Chủ tịch nước trở thành gần như tuyệt đối. (…) Vì thế, không thể coi Hiến pháp 1946 là một bản hiến pháp dân chủ mẫu mực, có thể áp dụng nguyên xi trong tình hình hiện nay như một số nhà nghiên cứu hay chính trị gia đã khẳng định.
Tất nhiên, trong hoàn cảnh thực tế của nước Việt Nam hiện nay, nếu Đảng Cộng sản thật sự có ý muốn cải cách chính trị để chuyển hóa từ một chế độ độc-tài-toàn-trị sang một chế độ hướng-đến-dân-chủ, nếu các đảng viên cộng sản “cấp tiến” có khả năng đấu tranh để đạt được một hiến pháp tương tự như Hiến pháp 1946, thì chúng ta cũng có thể hoan nghênh, coi đó như một bước tiến đầu tiên, một bước chuyển tiếp. Thế nhưng, như đã phân tích trên đây, văn bản lập hiến này còn có nhiều khuyết điểm nghiêm trọng, vì thế không thể coi đó là mục tiêu sau cùng, là đích đến của con đường dân chủ hóa. Để có thể thiết lập quyền làm chủ thật sự của nhân dân trên lĩnh vực chính trị, cần phải hoàn thành một bước tiến thứ hai, một nửa đoạn đường kế tiếp – quan trọng hơn và thiết yếu hơn. Đó chính là việc thiết kế lại các thiết chế chính trị dựa trên nguyên tắc “tam quyền phân lập” nhằm tạo ra một hệ thống kiểm soát và làm cân bằng (checks and balances) – cơ chế hiệu quả nhất để ngăn ngừa lạm quyền và tham nhũng. Không làm được điều đó thì tự do, dân chủ vẫn chỉ là những cái bánh vẽ, còn trong thực tế thì nhân dân vẫn phải tiếp tục chịu đựng những “vi phạm thường ngày” của một bộ máy hành pháp chuyên quyền không bị kiểm soát hoặc không thể kiểm soát. Đó chính là bài học xương máu mà nhân dân các nước “chậm tiến” đã và đang phải trả giá cho những ước mơ “độc lập, tự do” có tính bồng bột, ngây thơ từ giữa thế kỷ 20 cho đến tận ngày nay”.
Qua đoạn văn đó, có thể thấy rõ: tôi chỉ coi việc “đạt được một hiến pháp tương tự như Hiến pháp 1946” là một bước chuyển tiếp, một bước tiến đầu tiên – nếu các đảng viên cộng sản cấp tiến có khả năng đạt được điều đó. Nhưng tôi không hề coi đó là mục tiêu sau cùng, là đích đến của con đường dân chủ hóa.
Vì những lý do nào tôi không ủng hộ trào lưu “trở về Hiến pháp 1946”, mặc dù tôi không chống lại trào lưu đó nếu nó diễn ra như một quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng cộng sản? Có thể nêu một số lý do sau đây:
- “Trở lại với Hiến pháp 1946” thật ra chỉ là mục tiêu của một phái trong Đảng cộng sản (tạm gọi là “phái cộng sản cấp tiến”) chứ không phải là mục tiêu chung của cả dân tộc Việt Nam;
- Hiến pháp 1946 tuy có một phần tốt nhưng có một phần không tốt (những khuyết điểm nghiêm trọng). Phục hồi lại Hiến pháp 1946 vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề căn bản, nhất là việc sắp xếp một hệ thống chính trị trong đó bảo đảm được nguyên tắc tam quyền phân lập, bảo đảm được một cơ chế kiểm soát và làm cân bằng nhằm ngăn ngừa lạm quyền, tham nhũng;
- Nếu chỉ dừng lại ở mục tiêu “trở về Hiến pháp 1946”, một thế lực chính trị nào đó có thể lợi dụng chiêu bài đó để thiết lập một chế độ độc tài không cộng sản, trong khi người dân vẫn không được hưởng các quyền tự do căn bản, và do đó một xã hội dân sự lành mạnh vẫn không thể hình thành.
Có thể nhìn vào tấm gương của nước Nga hậu-cộng sản để cảnh giác trước những nguy cơ “độc tài đột lốt dân chủ” ở Việt Nam trong tương lai. Thực tế hiện nay ở nước ta cho thấy một bộ phận đảng viên cộng sản và con cháu họ đang ra sức làm giàu để trở thành “tư sản đỏ”. Tầng lớp tư sản đỏ này nếu nắm được quyền lực có thể sẽ bỏ rơi chủ nghĩa cộng sản để bảo vệ tài sản riêng của họ, nhưng sẽ tìm mọi cách để duy trì đặc quyền, đặc lợi của họ. Không phải ngẫu nhiên mà sách báo chính thống ở Việt Nam phỉ báng Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin không tiếc lời, nhưng lại ca ngợi Vladimir Putin như một người hùng!
5) Thảo luận về Hiến pháp có tác dụng gì?
Thảo luận về Hiến pháp trong hoàn cảnh của một chế độ toàn trị như ở Việt Nam hiện nay, thật ra không có tác dụng làm thay đổi căn bản nội dung của bản Hiến pháp sắp tới do Quốc hội hiện hành biên soạn. Vì những lý do sau đây:
- Công việc soạn thảo và thông qua Hiến pháp hoàn toàn nằm trong tay của Đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy các cuộc thảo luận trên các diễn đàn công khai thực ra chỉ có tính chất màu mè, làm đẹp cho chế độ. Việc Hiến pháp được định hình ra sao, sửa đổi theo hướng nào và đến mức nào, thật ra không do các cuộc tranh luận bên ngoài quyết định, mà do các hội nghị nội bộ của Đảng quyết định;
- Trái với sự tin tưởng của một số trí thức trong và ngoài nước, sửa đổi Hiến pháp không phải là điều kiện tiên quyết để Đảng cộng sản tiến hành đổi mới theo hướng dân chủ hóa. Đối với một Đảng cộng sản, để tiến hành sửa đổi đường lối, họ chỉ cần bắt đầu bằng một Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng hoặc một Hội nghị đại biểu toàn quốc có giá trị gần ngang với một Đại hội Đảng để ra một nghị quyết hay thông qua một cương lĩnh, thế là đủ để bật đèn xanh cho tiến trình đổi mới. Hiến pháp đối với một Đảng cộng sản chỉ là vấn đề thứ yếu, phụ thuộc, nhằm mục đích hợp pháp hóa cương lĩnh của Đảng. Tin rằng sửa đổi Hiến pháp sẽ tạo điều kiện cho Đảng đổi mới là một niềm tin mù quáng, không có cơ sở, do thiếu hiểu biết về bản chất của đảng cộng sản, hoặc do cố tình gây hỏa mù để lừa mị nhân dân, làm lạc hướng dư luận;
- Những người chủ trương “phục hồi Hiến pháp 1946” hy vọng bằng cách chứng minh “Hiến pháp 1946 là sự thể hiện của tư tưởng Hồ Chí Minh”, họ sẽ thuyết phục được Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương hiện nay viết lại Hiến pháp theo tinh thần đó. Nhưng có một điều họ cố tình bỏ qua, đó là: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người chủ trì việc soạn thảo Hiến pháp 1946, mà còn là người chủ trì việc soạn thảo Hiến pháp 1959. Do đó, giữa những người chủ trương phục hồi Hiến pháp 1946 và những người hiện đang nắm quyền trong lĩnh vực tư tưởng sẽ phải giải quyết một vấn đề căn bản: trong hai bản Hiến pháp ấy, bản Hiến pháp nào mới thật sự thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh? Và nếu tìm tòi trong Hồ Chí Minh toàn tập, các nhà lý luận “trung kiên” của Đảng sẽ tìm thấy vô số lời nói và bài viết chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội (mà biểu hiện về mặt pháp lý là Hiến pháp 1959) mới thật sự là đỉnh cao của “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Vì vậy, cơ may thắng lợi của “phái cấp tiến” là rất nhỏ nhoi, và ảnh hưởng của phái này trong hàng ngũ lãnh đạo hầu như không đáng kể;
- Trong tình hình hiện nay, khi mà uy tín của Đảng đã suy giảm đến mức báo động, vì nhu cầu bảo vệ địa vị thống trị của Đảng, các nhà lãnh đạo Đảng sẽ không sẵn lòng sửa đổi Hiến pháp theo chiều hướng “phục hồi Hiến pháp 1946” như một số đảng viên “cấp tiến” mong muốn. Ngược lại, yêu cầu hàng đầu được đặt ra là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng bằng bất cứ giá nào. Đại hội lần thứ 11 của Đảng được tiến hành trong tinh thần đó. Diễn tiến của quá trình sửa đổi Hiến pháp đã và đang diễn ra theo hướng đó. Về điều này, chính tác giả Phan Thành Đạt cũng thừa nhận: “Đợt sửa đổi Hiến pháp lần này, chắc chắn Ủy ban sửa đổi Hiến pháp sẽ kết hợp Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1992, đồng thời đưa vào một số nguyên tắc cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Bản Hiến pháp mới rất có thể sẽ tiến bộ hơn Hiến pháp năm 1992, nhưng sẽ thua kém Hiến pháp năm 1946”.
Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của Đảng CSVN (mà mục tiêu chính là “chỉnh đốn Đảng”) vừa diễn ra đã chứng minh sự bất lực của cơ chế “Bộ Chính trị – Ban chấp hành Trung ương Đảng”. Nhưng “cuộc khủng hoảng hiến pháp” đó của chế độ toàn trị sẽ được giải quyết theo hướng nào (tiếp tục chữa cháy trong quỹ đạo của thể chế “đảng trị” hay chuyển sang hướng dân chủ hóa) vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Cho đến nay, các nhà lý luận của Đảng vẫn coi tất cả các quan điểm chính trị khác biệt với Đảng là thuộc phạm trù “các lực lượng thù địch”. Vì thế khả năng mở ra một hướng đi “vừa phù hợp với tình hình phát triển của đất nước vừa phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại” vẫn còn rất mù mờ.
Do đó, mục đích chủ yếu của việc tìm hiểu, thảo luận về Hiến pháp không phải là đế đạt được một “Hiến pháp tốt hơn” dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà nhằm vào mục tiêu “nâng cao dân trí”, giúp cho người dân hiểu được những khuyết điểm của các Hiến pháp do Đảng cộng sản làm ra trong quá khứ cũng như bản Hiến pháp mà họ sẽ chào hàng trong một tương lai gần. Đó cũng là một nhiệm vụ vẻ vang mà những người trí thức thật sự yêu nước, yêu dân chủ cần nhận lấy trách nhiệm nhằm góp phần giúp cho tất cả mọi người Việt Nam – nhất là giới trẻ, hiểu được các giá trị tự do, dân chủ và quyết dấn thân cho các giá trị đó.
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: khi nào đất nước ta mới có được một bản Hiến pháp thật sự tiến bộ, phù hợp với trình độ chung của nhân loại? Câu trả lời đúng đắn nhất là: chỉ có thể có được một bản Hiến pháp như thế khi đất nước ta có được một Quốc hội thật sự đại diện cho nhân dân, một Quốc hội của dân, do dân và vì dân. Chỉ có một Quốc hội như thế mới có thể soạn ra một bản Hiến pháp bảo đảm được các quyền tự do căn bản của người dân, đồng thời thiết lập được một cơ chế phân chia quyền lực sao cho “không một cá nhân hay tổ chức chính trị nào có thể độc quyền chính trị, khuynh loát chính trường”. Và ngay cả trong trường hợp bản Hiến pháp mới chưa được hoàn hảo thì cơ hội để sửa đổi, cải thiện bản hiến pháp ấy vẫn luôn luôn nằm trong tay người dân, chứ không phải nằm trong tay một nhóm người hay một đảng phái chính trị chỉ muốn soạn Hiến pháp để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Ngày nào Hiến pháp còn được soạn thảo bởi một Quốc hội “đảng cử, dân bầu”, ngày nào Hiến pháp còn đặt mục tiêu “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng” thay cho mục tiêu “bảo đảm các quyền tự do căn bản của người dân”, thì ngày ấy Hiến pháp – cho dù có được đưa ra “phúc quyết” và được nhân dân “đồng thuận” (?) với số phiếu “99,99%”, cũng chỉ là một cái “bánh vẽ” được sáng tác nhằm lừa dối nhân dân, tiếp tục duy trì địa vị của đẳng cấp thống trị.
Vì vậy, thay vì mong chờ “Quốc hội của Đảng” ban bố thêm một chút tự do hay hé mở thêm một chút dân chủ bằng một bản Hiến pháp mới (một văn kiện mà ngay cả những người có thiện chí nhất cũng có thể nhìn thấy trước những mặt hạn chế), chúng ta hãy cùng nhau đấu tranh giành lại các quyền tự do căn bản (như tự do tư tưởng và tôn giáo, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội), và sau đó là các quyền tự do chính trị (như tự do ứng cử – bầu cử). Cuộc đấu tranh đó không cần phải dựa vào một bản Hiến pháp do Đảng ban hành, và cũng không cần phải đợi đến khi có được một Quốc hội như mong muốn. Ngược lại, chính cuộc đấu tranh đó sẽ mở đường cho việc toàn dân từng bước giành lại quyền làm chủ về mặt chính trị, giành quyền chọn lựa một Quốc hội xứng đáng là đại diện của nhân dân.
Một ngày nào đó, khi Quốc hội của dân đã thay thế cho Quốc hội của Đảng, Quốc hội ấy sẽ soạn ra một bản Hiến pháp thật sự tiến bộ, có thể sánh ngang với các bản Hiến pháp tiến bộ trên thế giới. Một bản Hiến pháp như thế, được “phúc quyết” trong hoàn cảnh nhân dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do căn bản, sẽ có giá trị lâu dài và bền vững. Còn giờ đây, khi mà Quốc hội vẫn là “cơ quan đóng dấu” để hợp pháp hóa các quyết định của Đảng, khi các quyền tự do căn bản còn bị bóp nghẹt, khi những người yêu dân chủ và những người yêu nước vẫn còn bị giam cầm, khi những kẻ sâu dân mọt nước vẫn còn được bảo vệ bằng những chiêu bài như “bảo vệ Đảng”, “chống nguy cơ diễn biến hòa bình”, “chống âm mưu của các thế lực thù địch”,…thì việc “thảo luận, góp ý xây dựng Hiến pháp” trong khuôn khổ của Đảng chỉ là góp phần duy trì một hệ thống chính trị thối nát, để những kẻ lạm quyền tiếp tục lạm quyền, những tên tham nhũng tiếp tục tham nhũng.
Người trí thức tự nhận mình là yêu nước, yêu dân chủ có nên tham gia vào công trình lừa dối nhân dân ấy hay không? Người trí thức tự nhận mình là yêu nước, yêu dân chủ có can đảm tham gia vào công cuộc “mở mang dân trí” hay không? Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta và việc trả lời câu hỏi đó sẽ xác định tư cách của mỗi người đối với toàn thể dân tộc, đối với các thế hệ người Việt Nam trong tương lai.
Đà Lạt 20-10-2012
___________________________________
Chú thích:
[1] Tên gọi đầy đủ của tố chức này là Toàn quốc Nhân dân Đại biểu Đại hội.
[2] Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 2, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 161.
[3] Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Những sự kiện lịch sử Đảng, tập II (1945-1954), Nxb Sự Thật, Hà Nội 1979, tr. 40-41.
[4] Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Những sự kiện lịch sử Đảng, tập II, sđd, tr. 302-324.
[5] Nghị quyết của Hội nghị liên tịch Ban Thường trực Quốc hội Việt nam và Ủy ban Liên Việt Toàn quốc ngày 1-3-1953 về công tác phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006:
[6] Trong cuốn Trần Huy Liệu – cõi người (Tủ sách danh nhân Việt Nam, Nbx Kim Đồng 2009, tr. 224-238), tác giả Trần Chiến đã công bố các trang nhật ký trong đó nhà sử học Trần Huy Liệu ghi lại diễn biến của hai cuộc đấu tố nói trên. Căn cứ vào tài liệu đó, chúng ta được biết cuộc đấu tố ông Tổng Bính diễn ra vào ngày 18-5-1953, cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm diễn ra vào ngày 22-5-1953. Nhưng chưa rõ hai nạn nhân này bị xử bắn vào ngày nào.
Tài liệu tham khảo:
- Mai Thái Lĩnh, Những khuyết điểm nghiêm trọng của Hiến pháp 1946, Pro&Contra 13-7-2012: http://www.procontra.asia/?p=743
- Phan Thành Đạt, Giá trị của Hiến pháp năm 1946 so với các bản Hiến pháp tiến bộ, Bauxite Vietnam 16, 17, 18-9-2012:
- Mai Thái Lĩnh, Trao đổi ý kiến về bản Hiến pháp 1946, Bauxite Vietnam 7-10-2012:
Basamnews 7-10-2012:
- Phan Thành Đạt, Bàn thêm về bản Hiến pháp 1946, Bauxite Vietnam 11-10-2012:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét