Độc hành ca
“Thơ như tiếng khóc cho đời...”
Ngày lễ Lao Động trôi qua. Những thời khắc bân bịu, đón bạn bè ở xa tới đã hết. Những đêm ngày vui chơi đã tàn không một âm vọng nào để lại. Tự nhiên ngày hôm nay thấy lòng man mác, trống rỗng.
Buổi tối, một mình đi dạo quanh bãi biển. Trời lạnh lạnh, mây chì đen thẳm giăng giăng, tự nhiên thấy lòng buồn buồn vô cớ. Đời sống ở đây vẫn bình lặng, đất trời vẫn đất trời quen thân từ bao lâu, sao bữa nay có một điều gì đổi khác. Chẳng phải là buồn thuê sầu mướn, nhưng có những câu thơ nào lạ lùng trong óc. Về nhà, vào phòng đọc sách. Tôi đọc thơ Trần Huyền Trân, cảm khái…
Tôi nghĩ Trần Huyền Trân là người thơ mà không suốt đời ở trọn với thơ. Không hiểu sao, sau khi tham gia Việt Minh, làm việc ở Đoàn Kịch Tháng Tám, rồi sau năm 1954 ông lại hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực sân khấu. Ông lập nhóm chèo Cổ Phong và sưu tầm, sửa chữa những vở chèo cổ, và tham dự vào các hoạt động để bảo tồn nghệ thuật chèo cổ.Tại sao ông lại chuyển hướng như vậy? Tôi cứ thắc mắc hoài. Hay là vì “cơm áo không thường với khách thơ”? hay là vì trong chế độ mới, những đóng góp có tính thực tiễn được ưu tiên hơn là làm những bài thơ lãng mạn. Như bài thơ “Những cánh thơ vàng” mà ông làm thuở xa xưa, thời của dòng thơ mới thời tiền chiến:
“Đời tôi- em hỏi làm chi?
Đời tôi là chuyến tàu đi không người
Sông tần bao ngả ngược xuôi
Đã vắng cái bến lại dài con sông
Tình tôi- em hỏi làm chi?
Tình muôn ngàn lối tôi đi một mình
Một mình dốc chén ly sinh
Men day dứt mãi lòng mênh mông buồn
Duyên tôi- em hỏi làm chi?
Mây bay trái hướng gió đi sai chiều
Nước bèo nào được bao nhiêu
Tuy giàu gặp gỡ nhưng nghèo yêu thương
Lòng tôi- em hỏi làm chi?
Lòng rồ dại ấy còn gì nữa đâu
Hình như nó chết từ lâu
Bởi thương, bởi nhớ, bởi sầu, bởi vui
Thơ tôi- em hỏi làm chi?
Một nguồn hương dại đi về ngẩn ngơ
Thơ người là trái chín vừa
Thơ tôi là trái không mùa không tên
Kìa em đừng hỏi nữa em
Chim lồng đã vụt theo lên gió ngàn
Rung lòng, lá động chiều tan
Nhặt đi em cánh thơ vàng đang rơi”
Thơ như một tiền định, của những ngả đường nhân thế dở dang, của những khối tâm sự nặng nề đè nén, của những khát vọng cứ ngậm ngùi với tháng với ngày. Thơ như phủ định những câu hỏi, những câu “em hỏi làm chi?” như một điệp khúc để nối liền những mảnh đời, những niềm tâm sự. Từ cuộc đời đến cuộc tình, từ duyên phận đến tâm cảm, rồi thì thơ cũng chỉ là “rung lòng, lá động chiều tan/nhặt đi em cánh thơ vàng đang rơi”. Thơ sao buồn trong nỗi mênh mang phẫn chí, và hình như thơ đã chết trong lòng thi nhân. Có phải?
Tôi thấy mình đang đi nhặt những lá vàng. Có khi tưởng như mình đang lần theo những suối dòng tâm sự. Những câu thơ đã cũ càng, viết từ khi tôi chưa sinh ra đời, sao có lúc lại đồng vọng về tưởng như tâm sự của ai! Thi sĩ Trần Huyền Trân sinh năm 1913 và mất năm 1989, và có những bài thơ hay lúc vừa hai mươi tuổi khi phong trào thơ mới đang thịnh hành. Những bài thơ viết trước năm 1945 lại là những phần tinh hoa của ông, về sau năm 1986 được in lại trong tập Rau Tần. Ông làm thơ, với cái u uẩn của đời sống và cái u uất của thời thế trộn lẫn vào thành men cay của thi ca và chính điều ấy đã làm cho thơ ông được những kẻ hậu sinh như tôi thâm cảm.
Có người cho rằng bây giờ mà đọc những bài thơ lục bát, những bài bảy chữ, như thế là một phong cách đi giật lùi khi thưởng thức thi ca. Thời bây giờ, phải đọc thi ca hậu hiện đại, phải nóng người lên với những câu thơ phô bày thân xác đàn bà và phải có một điều cảm nhận từ sự pha trộn giữa triết lý tưởng tượng và cảm giác của thực tế. Với tôi, tôi đã cố gắng tạo cho mình không vương vấn nào với những thiên kiến làm cho mình bị lạc hướng khi cảm nhận thơ. Tôi thích đọc thơ hay đã đành mà còn muốn có sự cảm thông sâu xa từ ngôn ngữ và ý tình. Có lúc, tôi thú vị với những điều mới mẻ với tôi và khám phá được cho mình từ thi ca những chân trời thú vị, cao rộng và khoảng khoát.. Nhưng có khi, lòng cũng mềm đi vì những câu lục bát, hay thổn thức vì những câu âm hưởng ca dao hay thấy tự nhiên bâng khuâng khi đọc lại những câu quen thuộc lắm trong tiềm thức thành một kỷ niệm đang ngủ yên giờ thức dậy.
Có những bài thơ của Trần Huyền Trân viết ở trong một hoàn cảnh chẳng đặng đừng không viết không thể nào dừng lại được. Tô Đông Pha đời Tống xa xưa có nói: “Hữu sở bất năng tự dĩ nhi tác giả” trong tập Nam Hành Tiền Tập Sự có đoạn đại ý: “Những người làm văn trước kia không phải là chỉ có nỗ lực cố gắng là có thơ văn hay và cũng không thể không nỗ lực cố gắng thì mới có thơ văn hay. Tựa như sông núi có mây mù, có cây cỏ hoa quả khi nào chứa chất đầy đủ ở bên trong thì biểu hiện ra bên ngoài, dù lúc ấy muốn không có cũng có được chăng? Ta từ nhỏ được nghe phụ thân ta bàn về văn chương nói rằng thánh nhân thời xưa khi nào không dừng được mới sáng tác. Vì vậy Thức này cùng với em là Triệt sáng tác cũng nhiều mà chưa từng dám cho là có ý làm văn vậy!”
Với Trần Huyền Trân làm bài thơ “Độc Hành Ca” cảm khái sau một cuộc rượu của những người tìm ở văn chương một lối thoát trong đời sống bị bủa vây vì sinh kế, vì thời thế. Hình như, có sự thúc đẩy để tâm sự òa ra thành ngôn ngữ thi ca. Không thể nào chịu đựng được nếu không cầm bút. Nổ bùng xúc cảm, vỡ òa đáy tâm tư, thơ như tiếng kêu thất thanh vọng trong lồng ngực. Thơ phải trào, ùa ra theo mênh mông cảm hứng…
Nhà văn Tân Hiến đã kể lại trường hợp viết bài thơ này trên tạp chí Phổ Thông số 205 tháng 12 năm 1967 của nhà thơ Nguyễn Vỹ:
“..Bữa rượu thịt gà chọi ấy”, đúng như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Tố cháu của Tản Đà tiên sinh:
Rồi có một chiều ngọn gió thu
Thổi đâu về mấy gã đầu bù
Đảo cây rượu bố rồi sang sảng
Con cái ngây người lắng nhạc thơ,
Ba thằng, trời rét, hứng lên, mà có nửa cây, sao đủ! Rượu ít nhưng tâm tranh kẻ “tại đào” mang mang muôn sự. Thằng trốn phòng nhì Pháp, thằng tránh hiến binh Nhật, thi nhau chửi chán rồi Trần Huyền Trân hô “văn phòng tứ bảo”. Bút giấy đem lại nhà thơ Trần Huyền Trân ngà ngà say đã thảo bài Độc Hành Ca, lời thơ khí thơ khác tất cả những vần điệu “thoán, não, tỉ, ta” từ trước tới nay..”
Bây giờ, tôi đọc Độc hành Ca, không nghĩ tới hoàn cảnh của thi sĩ mà lại chạnh nhớ tới nỗi mình. Lâu lắm rồi, cách nay hai mươi mấy năm, Sài Gòn năm 1980, tôi cùng với người bạn, hai kẻ lang thang trên bến xe miền đông ở Ngã Bảy một đêm mưa, cũng cùng một tâm trạng ấy của những kẻ “tại đào” với câu than trời đất vô cùng rộng mà sao ta chẳng có chỗ dung thân. Đọc Độc Hành Ca, nghe như mình có những bước chân đi về quá khứ lúc ấy:
Đêm nay cùng đổ bụi giày
Miệng cười hả hả, thơ mày rượu tao
Say đời uống lẫn chiêm bao
Thơ ra miệng dại, sầu vào mắt điên
Đầu bù khí núi đang lên
Sá gì bóng tối đắp lên thân còm
Gặp thời xô xát nước non
Ta trôi, người chảy, lòng còn ngó theo
Đưa nhau qua bữa cơm nghèo
Đứa sầu gào rượu, đứa nheo mắt cười
Thế rồi thí bỏ rủi may
Đứa giam cõi bụi. Đứa đày rừng sâu
Vai cày chẳng quản làm trâu
Dong xe chẳng quản tóc râu làm bờm
Nẻo về chật chội áo cơm
Dặm đi chắc rụng từng cơn lá rừng
Lòng ta không sóng không đừng
Thơ vang lại vướng mấy từng cửa quan.”
Thơ buồn, nhưng cảm khái. Trong cái lũi lầm của cuộc nhân sinh, với cái ngất ngưởng cao ngạo của tâm tình thi sĩ, thơ đã đi qua những eo sèo nhân thế, vượt qua những nổi nênh lận đận, để thành một phác họa cho những cảnh đời trong một xã hội đang nhiều biến chuyển. Ở trong những mái nhà tranh tuềnh toàng mưa gió, hay ở những lều vó quẩn quanh trên mặt nước đen bẩn, có những tâm hồn tuy mỉa mai với cuộc sống nhưng vẫn không nguôi những nỗi hờn căm, những niềm u uất của những cuộc đời nhòa nhạt trong bóng tối.
Trong những năm tháng mà nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã ví von là “ba sinh hương lửa” với gông xiềng đè nặng lên dân tộc: Pháp thực dân, Nhật đế quốc và Việt Cộng Sản, rồi nạn đói kinh khiếp giết chết cả triệu người, hình như những người có tâm huyết đều nghĩ đến những chuyến ra đi để làm một điều gì, góp một bàn tay vào thời thế. Trần Huyền Trân cũng thế, cũng có một cuộc lên đường. Bài “Từ biệt Lê Văn Trương”:
“Thôi thế anh về yên xóm cỏ
Có buồn khêu lại ngọn tàn đăng
… thôi anh về đi tôi đi đây
chim nào có cánh không thèm bay?
Cây nào có gió không buồn lay
Lòng nào có máu không thèm say?
Tôi sẽ giẫm lên nguồn huyết mạch
Mà lau nguồn lệ chúng sinh rơi..”
Trần Huyền Trân cũng đã ra đi, cũng đã viết những bài thơ như “Hải Phòng,19/11/1946”, bài thơ dài nhưng không lôi cuốn được người đọc vào một thời thế đầy bão dông của lịch sử. Có lẽ, những tâm hồn đầy góc cạnh như thi sĩ họ Trần khó lòng làm thơ hay được trong cái môi trường mà văn chương là phương tiện để phục vụ cho chính trị. Tôi đọc tiểu sử của Trần Huyền Trân thì thấy những bài thơ được đời sau nhắc đến đều là những bài thơ sáng tác trước năm 1945, còn về sau thì ông lại xoay sang viết kịch với các tác phẩm như Lên Đường, Tú Uyên, Giáng Kiều, Cô Thúy, kịch thơ Hoàng văn Thụ,…Đến mãi năm 1986 ông mới in tập thơ Rau Tần dù đã làm thơ từ năm của thập niên 1930 khi ông vừa ở tuổi đôi mươi…
Có một bài thơ Trần Huyền Trân làm vào năm 1938 “Uống rượu với Tản Đà” biểu lộ rất nhiều cá tính của riêng ông. Tản Đà, một nhà thơ của những ngày tân học và cựu học còn tranh giành ảnh hưởng, một nghệ sĩ của “trăm năm thơ túi rượu vò, ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai?” và cũng chính là một thi sĩ được cung chiêu anh hồn ở những trang mở đầu tập “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân với những ngôn từ trân trọng và thân kính nhất. Trần Huyền Trân và Tản Đà có những khoảng cách tuổi tác nhưng trong cảm nhận lại có điều gần gũi. Cũng là điều tình cờ, Tản Đà là thi sĩ mở đầu cho “Thi nhân Việt Nam” thì Trần Huyền Trân là người đi chuyến tàu vét, để đóng lại những trang thơ của một thời kỳ văn học. Hoài Thanh & Hoài Chân viết:
“Viết đến đây tôi đã định khép cửa lại, dầu có thiên tài đến gõ cửa cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa: Trần Huyền Trân, con người có tên lạ ấy, không phải là một thiên tài. Nhưng tôi ưa những vần thơ hiền lành và ít nói yêu đương.
Cũng có lần thi nhân tả tình tương tư:
Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh..”
Với Tản Đà, cuộc đời có lẽ đáng để ý nhất là thơ với rượu. Với Trần Huyền Trân, cũng thế. Và hai người coi như bạn vong niên đã trải lòng ra, để tâm sự man mác theo lời thơ đầy cảm xúc:
“ Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này
Tôi say? -Thưa trẻ chưa đầy
Cái đau nhân thế thì say nỗi gì?
Đường xa ư cụ? Quản chi
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường
Tôi là nắng.. cụ là sương
Tôi bừng dậy sớm, cụ nương bóng chiều
Gió mưa tóc cụ đã nhiều
Lòng còn gánh nặng bao nhiêu khối tình
Huống tôi mái tóc đang xanh
Vâng, tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
Với đời một thoáng say mê
Còn hơn đi chán về chê suông đời
Rót đi, rót nữa đi thôi
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình…”
Không phải rót rượu mời nhau mà chính là rót những khổ đau tâm sự. Người trẻ, rượu chắc chẳng bao nhiêu nhưng lại cứ đòi rót mãi và với người già, dù vẫn trân trọng cái tâm tình gánh nặng của người tiền bối nhưng vẫn có một chút gì tự hào về thời đại của những người đang thanh xuân. “Tôi là nắng.. cụ là sương/tôi bừng dậy sớm cụ nương bóng chiều”. Sương cũng phải tan đi khi nắng lên dù trong thâm tâm người trẻ vẫn có một chút gì trân trọng thương cảm” gió mưa tóc cụ đã nhiều/lòng còn gánh nặng bao nhiêu khối tình”. Người trẻ trong cơn say đã khẳng định:
“Huống tôi mái tóc đang xanh
Vâng, tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
Với đời một thoáng say mê
Còn hơn đi chán về chê suông đời.”
Từ xưa tới nay có rất nhiều bài thơ say. Khi men đã bốc, thì mọi chuyện trên đời sẽ thành không có giá trị gì lúc ấy và cái ảo giác đã làm cho chữ nghĩa có một vóc dáng khác. Nhưng trong bài thơ “Uống rượu với Tản Đà” này, thơ say mà thi sĩ lại “tỉnh” hơn bao giờ hết. Trong tâm tưởng có chút chia sẻ của người đồng điệu nhưng cũng có cái hứng khởi của kẻ đang vào cuộc văn chương. Dù, con đường đi còn trăm thác ngàn ghềnh nhưng vẫn có cái ngạo nghễ của kẻ khởi hành vừa cất bước…
Trần Huyền Trân còn làm một bài thơ khác về Tản Đà cũng chan chứa niềm thương cảm về cuộc sống nghèo túng của một người mang nặng gánh văn chương:
“Người là một kiếp thi nhân
tóc xanh đã nhuốm mấy lần biển dâu
nhà người bên một dòng sâu
xác xơ khóm trúc hàng cau lạnh lùng
hồn thơ về lánh bụi hồng
quyển vàng tóc bạc nằm chung một lều
có đàn con trẻ nheo nheo
có dăm món nợ eo sèo bên tai
chừng lâu rượu chẳng về chai
nhện giăng giá bút một vài đường tơ
nghiên son lớp lớp bụi mờ
mọt om tờ lại từng tờ cổ thi..”
Trong thơ có tiếng cười vọng lại. Tiếng cười của một người đã qua những nổi nênh của cuộc đời và bây giờ có chút gì đau xót có chút gì cảm khái thương thân:
“Nhìn tôi người bỗng cười khà
Đời là thế ấy-ta là thế thôi”
Thơ Trần Huyền Trân không phải toàn những nỗi buồn mà có khi lại rất nhẹ nhàng mơ mộng. Những hình ảnh, mang theo những ý tình, rất mượt mà, ngôn ngữ của những người yêu nhau mà xa nhau, của nỗi niềm lan trải ra từ người đến cảnh:
“mưa bay trắng lá rau tần
thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
có người về khép song thưa
để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng.”
Không biết có ph ải tác giả thích bài thơ này nhất hay không mà mấy chục năm sau khi in tập thơ đầu tiên lại lấy nhan đề là Rau Tần.
Nhà văn Tô Hoài trong bài viết “Lai lịch cái bút danh” đã kể lại thiên tình sử của chàng thi sĩ. Cái tên Trần Huyền Trân có vẻ yểu điệu thục nữ quá có vẻ không hợp với vóc dáng chàng:
“… Ngày trước Trần Huyền Trân có viết một tiểu thuyết tên là “Sau ánh sáng”. Những cảnh và người quen thuộc ở Khâm Thiên trong tiểu thuyết được mô tả như một tự truyện những lều kéo cá, những bè rau muống trên các ao chuôm cống rãnh khúc khuỷu cạnh ngõ Sơn Nam, ngõ Liên Hoa quanh Cổng Trắng. Thời ấy, những người cơ cực các nơi lên thành phố kiếm việc tìm chỗ ở bãi Sông Hồng và bám vào rìa quanh thành phố như thế. Sau lưng cái phố Khâm Thiên đủ loại trác táng và bài bạc, những lầu xanh cho kẻ phong lưu, những nhà thổ cho kẻ kiết xác. Các tiệm nhảy Tanaka, Pagode thời thượng Pháp Nhật…
Cô Hiền. Trần Nguyệt Hiền mà Trần Huyền Trân gặp cũng ở trong đám người có những cái tên hoa lá càng được khách làng chơi đặt cho như thế nào Mộng Điệp, Mộng Hồ, nào Tuyết Hấp, Nguyệt Lim, đại khái vậy.
Cũng không phải gốc gác “rằng xưa vốn là người kẻ chợ” mà Hiền đã trôi từ đồng quê ra, có lẽ có lần đã đứng ở phố Mới buôn người đợi kẻ có tiền đến dắt đi làm con sen, con nụ hay làm lẽ mọn cho nhà giàu bạc ác. Rồi người ta tống khứ thản nhiên con sen ra khỏi cửa. Hiền bước vào nhà hát làm đào rượu với cái thai trong bụng và khi đến ngày ở cữ thì lại là lúc phải cuốn gói- có nhà hát nào lại chứa một đứa đào nuôi con mọn!
Những con người hoạn nạn cơ nhỡ gặp nhau. Hiền trở dạ. Cũng chỉ có anh chứng kiến, một mình anh lo cho Hiền được mẹ tròn con vuông với đủ việc: niêu nước mắm chưng, tiền đút nhà thương làm phúc, cái áo xé làm tã và làm tờ đứng tên khai sanh cho cháu bé. Chút duyên chết đuối trong cảnh ngộ ấy của hai con người họ Trần giữa cơn đau đớn đời người đã khiến cho họ nghĩ ra cái dấu nối đẫm nước mắt. Trần nối với Trần bằng dấu huyền là Trần Huyền Trân, đấy là tên con và rồi là tên thơ yêu dấu của anh..”
Trần Huyền Trân có bài thơ vô cùng thống thiết viết về thân phận những đứa trẻ vô thừa nhận lớn lên như những cây cỏ dại. Bài thơ “Cái hoang thai”
Ơi hỡi đứa con không có tên
Nằm tròn xác mẹ bụng vô duyên
Con lên mầm sống trong lòng chết
Bởi mẹ con là một gái đêm
Người mẹ đi hoang kiếp ái tình
Đời còn ai tưởng chuyện khai sinh
Cho con hạt máu rơi vơ vất
Đang cựa trong thai kết lấy hình
Con sẽ ra đời con của ai?
Ngoài này đương lắm bước chông gai
Gì nuôi con đói lòng dao cắt
Gì đắp che thân rét buốt giời
Thuế sống rồi con đóng nặng nề
Rồi con viết mướn hay may thuê
Về đâu nương náu đi đâu thoát
Hay sớm đi hoang tối ngủ hè.”
Cuộc sống thực đen tối và đứa con ấy lớn lên trong nỗi tuyệt vọng của những mảnh đời quen bị dày vò bầm dập. Thi sĩ đã nói với đứa con:
“nhưng trong đây với cả ngoài kia
chân tóc ba nghìn vẫn loạn ly
tâm sự dưới trời mưa nắng mãi
lều hoang lộng gió lấy gì che?
Tuổi sạm ba mươi giở khóc cười
Đời nhiều cám dỗ lắm con ơi!
Lợi danh có gái men như rượu
Một nhắp lên môi chuếnh choáng rồi
Thôi nói làm chi căm hận ta
Đến ngày gọi cửa mẹ con ra
Mẹ con: một lứa vô thừa nhận
Con cứ tìm ta con với cha
Rồi lớn lên con mở mắt nhìn
Khóc cùng bách tính sống như đêm
Nhưng không! Đừng khóc thêm gân cốt
Ta: bậc thang đời con giẫm lên..”
Trần Huyền Trân làm thơ bằng máu lệ đời mình. Thơ như những tiếng than u uất của những phận đời đen tối. Thơ của những người ráng sống để chịu đựng, ráng làm thơ để có thanh âm vọng lên từ nỗi uất nghẹn thâm tâm.
Đọc thơ Trần Huyền Trân, để rồi thấy lòng như bâng khuâng, bởi vì đời sống ấy thê thảm quá. Có những bài thơ tình sầu nhưng cũng có những bài thơ đau xé ruột của một xã hội điêu linh, của những người cùng khốn suốt đời trong tuyệt vọng?...
Nguyễn Mạnh Trinh
__________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét