Dương Thị Tân, một phụ nữ Việt Nam bất khuất
Uyên Vũ - “…chị Dương Thị Tân thực sự là một người đấu tranh cho nhân quyền đầy bản lĩnh, một phụ nữ Việt Nam đáng kính phục…”
VRNs (20.10.2012)– Sài Gòn - Vài năm nay, khi viết về những phụ nữ đang đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến những cái tên nổi tiếng như Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiên, Hồ Bích Khương vì những trả giá trong lao tù của họ. Trước đó, là nhà văn Dương Thu Hương lừng lẫy với các tiểu thuyết và bài viết đặc sắc về hiện trạng đất nước. Gần đây, qua những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, một số phụ nữ khác trở thành nổi bật trên truyền thông như Bùi Hằng, Lê Hiền Đức, Phương Bích, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hoàng Vi… và một ngòi bút can trường Huỳnh Thục Vy. Tất cả họ dù là những phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng bằng nhiều cách khác nhau đã và đang mạnh mẽ đòi bằng được những quyền phải có của một thường dân, họ đồng thời phải đối mặt với nhiều gian truân, thử thách mà rất nhiều nam giới khỏe mạnh phải cúi đầu kính nể.
Có một phụ nữ khác mà tên của chị cũng hết sức nổi tiếng trên truyền thông, (đến nỗi khi thử search trên Google tên chị ta nhận được vài trăm ngàn kết quả) song ít ai nghĩ chị là một nhà đấu tranh, dường như “quên khuấy” những hành động và tiếng nói đanh thép của chị như một người đấu tranh. Đơn giản chỉ vì chị là người vợ đã ly hôn của blogger nổi tiếng nhất: Điếu Cày. Tên tuổi của Điếu Cày quá lớn đến nỗi che khuất người phụ nữ đang dành hết tâm trí, sức khỏe, tiền bạc và cuộc sống hiện tại hầu đấu tranh cho ông, cũng như đang vạch trần như bất công trong xã hội hiện tại. Chị là Dương Thị Tân.
Chị Dương Thị Tân là một hình mẫu điển hình cho phụ nữ Việt Nam cổ điển. Trước hết, chị là một “nội tướng” biết cách cai quản chu đáo gia đình: sinh con, nuôi dưỡng, nấu nướng, vun vén cho tổ ấm gia đình mình. Trước kia, việc xã hội không làm chị quan tâm, ngoài những việc làm từ thiện. Cuộc hôn nhân duy nhất trắc trở, chị ly hôn trong lặng lẽ và tiếp tục bổn phận làm người mẹ bình thường. Cho đến khi, lực lượng hùng hậu của công an áp giải ông chồng cũ của chị về, lục tung tổ ấm của chị và các con. Chị phải đối mặt ngay lập tức với điều không ai mong muốn: những cuộc thẩm vấn trong đồn công an, một bản án nặng nề với 18 tháng tù treo + 3 năm quản chế và gần một tỷ đồng truy thu thuế.
Đây quả là điều quá sức chịu đựng đối với một bà nội trợ chỉ biết chợ búa, bếp núc. Hẳn nhiên nếu ở địa vị người khác, chị phải oán thán ông chồng cũ vì những việc làm của ông ấy (mà chị không hề biết), cuộc sống mẹ con chị đang yên lành thì bị giáng một đòn khủng khiếp đến thế. Trong vòng vài tháng chị bị tụt cân đến hàng chục ký, bệnh tật cũng đồng thời đổ ập vào cơ thể mong manh ấy. Các con chị luôn sống trong phập phồng sợ hãi, cậu con trai Trí Dũng phải bỏ dở việc học vì những đòn o ép, cứ mỗi lần đến ngày thi lại nhận được giấy mời lên đồn công an, có khi bị đạp ngã giữa đường, vỡ xương mặt. Cô con gái nhỏ thì co rúm người trước bi kịch dồn dập: bố đi tù biệt tăm, mẹ tù treo trong tình trạng bệnh tật, anh trai thì hoảng loạn… Theo lời kể của chị Tân thì nhiều lần mẹ con chị bị “côn đồ” ép xe, đạp xe khi ra công viên, khi đi chợ, đi nhà thờ. Tiếng đập cửa giữa khuya, đồn công an, trại giam trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên trong cuộc sống. Một bầu không khí nặng nề nghẹt thở đã trùm lên số phận mấy mẹ con chị.
Chính trong những lúc đối mặt với tai ương và giơ vai chống đỡ gánh oan khiên bất ngờ ập đến, chị đã biến thành con người khác. Chị đã bừng tỉnh khi nhận ra cái xã hội chung quanh không êm đẹp như chị tưởng, những điều trước kia chị từng tin tưởng nay đã vỡ vụn còn cái công lý mà chị kiếm tìm cho mình dường như vô vọng. Từ lúc tổ ấm gia đình bị xáo trộn, như con gà mẹ xù lông bảo vệ đàn con, chị đã cương quyết đối đầu với những bất công buả vây gia đình chị. Cùng với bản tính quyết liệt và cầu toàn, chị bắt đầu tìm hiểu để rồi nhận ra bao ngang trái trong xã hội, chị đã thấu hiểu việc làm cao đẹp của ông chồng cũ để trở thành người cổ vũ ông, người đồng hành với ông trong cuộc đấu tranh chưa có hồi kết.
Với những đau đớn do bệnh tật và sự sa sút sức khỏe quá nhanh, nhiều lúc chị tưởng đã ngã quỵ. Nhưng không, bất chấp lời căn dặn của thầy thuốc, chị liên tục dùng thuốc giảm đau để đi khắp nơi khắp chốn từ tòa án, sang viện kiểm sát rồi đến trại giam mà vẫn phải đảm đương việc nội trợ. Chị đã lặn lội biết bao lần từ trại giam Chí Hòa, xuống trại giam Cái Tàu nơi Cà Mau thăm thẳm, lại đi tiếp đến trại giam Xuân Lộc để tiếp tế quần áo, thuốc men, thực phẩm cho ông chồng xưa. Cắn răng chống cơn đau, chị tìm hết luật sư này sang luật sư khác để tìm bằng được người bào chữa giỏi giang (và cả can đảm) cho Điếu Cày. Đồng thời vẫn phải chạy tiền tỉ để nộp cho kho bạc vì bản án “trốn thuế” cay nghiệt. Một căn nhà bị lấy mất, một căn khác đang cho thuê bị người thuê “bỏ chạy” quỵt hàng chục tháng tiền thuê, rồi bị đóng cửa bỏ hoang vô thời hạn trong tình thế gia đình đang vừa uất ức, vừa bị đe dọa. Thậm chí chị đã nhiều lần bị “côn đồ tự phát” ngang nhiên hành hung, đánh đập.
Trải qua đủ mọi tình huống khắt khe như thế, thay vì buông xuôi hay gục ngã, chị lại càng ngày càng rắn rỏi như khối thép trui kỹ trong lò lửa và đầy kinh nghiệm để vững vàng vượt sóng dữ. Chị còn trở thành một người ý thức và am tường về luật pháp, ít nhất là về những điều khoản liên quan đến “tội” của Điếu Cày. Trong một lần trả lời phỏng vấn về phiên tòa xử Điếu Cày chị nói: “Gia đình tôi luôn tin tưởng vào ý chí đấu tranh cũng như lý tưởng của ông. Chúng tôi luôn tự hào và ủng hộ ông vì có những việc mà ông Hải làm cho đến giờ này nhà cầm quyền mới dám nói. Ông luôn nghĩ những việc ông làm là vì đất nước này và không có gì là tội lỗi”.
Đã rất nhiều lần chị làm đơn khiếu nại, viết thư tố cáo những hành xử trái pháp luật của cơ quan công quyền. Chị vạch rõ những sai trái, bất công của các cán bộ thừa hành pháp luật. Chị còn là một tấm gương về nghị lực sống, về tinh thần dấn thân và tình liên đới. Chị đã bảo bọc blogger Tạ Phong Tần nhiều năm tháng, đã hành xử như một thành viên gia đình khi thăm viếng, chia sẻ nỗi đau lúc mẹ cô Tạ Phong Tần qua đời… bất chấp mọi hiểm nguy, hệ lụy vì hành động này. Khi Điếu Cày mãn hạn 30 tháng tù về tội “trốn thuế”, những tưởng gia đình sẽ được trùng phùng… Nào ngờ, ông không có một phút giây tự do và tiếp tục gần 2 năm tạm giam trước khi đối diện với tòa án một lần nữa. Cái ngày tưởng là ông Điếu Cày được trở về ấy cũng chính là ngày kinh hoàng nhất trong gia đình chị Tân, chị bị hành hung, nhà cửa bị đập phá, đồ đạc bị xới tung, ngay cả những máy móc cho con chị học tập cũng bị lấy đi không giấy tờ. Khi ông Điếu Cày đứng trước tòa với tội danh mới, thì chị Tân và con trai bị bắt bớ giữa đường phố, bị căng tay chân khiêng, ném vào đồn công an, bị lăng mạ giữa đồn và cậu con trai còn bị lột trần đẩy ra phố trung tâm Sài Gòn.
Cho đến hôm nay, hành trình mà chị đã đi suốt 5 năm qua lại trở về điểm xuất phát. Bản án 12 năm tù dành cho Điếu Cày nặng gấp 5 lần bản án “trốn thuế” của anh ngày xưa. Chị lại tiếp tục hành trình không mệt mỏi: luật sư, tòa án, viện kiểm sát, trại giam. Điều khác xưa là chị không chỉ đòi công lý cho gia đình, giờ đây chị đang đồng hành cùng nhiều người khác, những người chung niềm khát khao tự do và nhân quyền; những người đã và đang trả giá hàng ngày để có một xã hội tốt đẹp hơn. Người ta có thể thấy chị xuất hiện nhiều lần trong các buổi lễ cầu nguyện cho Công lý & Hòa bình ở Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, chị có mặt ở những buổi từ thiện tại chùa Liên Trì của GHPGVNTN, chị mạnh mẽ lên tiếng trên truyền thông chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa – Trường Sa cũng như lên tiếng về nhân quyền và luật pháp. Chị khẳng định Điếu Cày là người yêu nước và luôn đi hàng đầu kêu gào trả tự do cho ông ấy và những người yêu nước khác.
Khó có thể đánh giá trọn vẹn những tác động từ hành vi và tiếng nói của chị, nhưng nếu không phải là chị thì có lẽ tình trạng bi thảm của blogger Điếu Cày trong ngục tối không thể được biết đến. Anh Điếu Cày cũng an tâm phần nào khi hiểu và biết còn một cây cột trụ vững vàng trong gia đình mình. Hành động bất khuất của chị cũng tác động mạnh đến nhiều người khác, có thể sẽ có nhiều người cho rằng chị liều lĩnh và dại dột “đem trứng chọi đá”, song ít nhất người ta sẽ phải đặt một dấu hỏi: vì sao thế?
Qua những hành xử công khai đó, có thể nói chị Dương Thị Tân thực sự là một người đấu tranh cho nhân quyền đầy bản lĩnh, một phụ nữ Việt Nam đáng kính phục. Từ vũng nước tù đọng và ngột ngạt đã vươn lên một thân cây khỏe mạnh, vững chắc hướng về ánh dương.
Uyên VũNguồn: chuacuuthe.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét