Chuyện sở hữu thú quý hiếm của đại gia Việt
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-10-15
Chuyện mất sừng tê giác của đại gia Trầm Bê khiến giới truyền thông tại Việt Nam tốn khá nhiều giấy mực trong thời gian qua.
Lối chơi đó của giới nhiều tiền lắm của đang ảnh hưởng đến công tác bảo tồn động vật hoang dã, nhất là những loài thú quí hiếm nằm trong sách đỏ.
Sở thích man khai
Nhìn lại hình ảnh của những thổ dân các bộ lạc sơ khai sinh sống theo dạng ‘ăn lông, ở lỗ’, ‘săn bắn, hái lượm’…, người ta thấy những nam nhân đeo đầy những răng thú rừng trên người của họ. Hoặc trong nhà của họ cũng trưng bày những đầu, sừng, da thú … mà họ săn bắt được. Những vật đó chứng tỏ khả năng săn bắt của chủ nhân trong thời kỳ phải tìm thức ăn là những thú hoang, cũng như phải chống lại mãnh thú để sinh tồn.
Chuyện đó đã lâu lắm rồi, từ thời hồng hoang của nhiều bộ tộc con người trên trái đất.
Tuy nhiên, thú săn bắn các loài động vật hoang dã vẫn còn là một niềm vui của nhiều người trong thời đại hiện nay, không kể những người vì cái ăn mà phải vào rừng săn bẫy thú rừng để kiếm sống. Nhiều người cũng vẫn duy trì sở thích nguyên sơ như những người từng sống ở bao thế kỷ trước là sở hữu và phô trương những cơ phận của thú rừng. Thú càng hiếm quí bao nhiêu thì chủ sở hữu càng tỏ ra hãnh diện.
Trong những tuần qua, truyền thông Việt Nam loan tin về vụ sừng tê giác sở hữu bởi một tay tài phiệt tại Việt Nam bị mất. Đó là ông Trầm Bê, phó chủ tịch Hội đồng Quản Trị Sacombank, chủ tịch Hội đồng Quản Trị Bệnh Viện Triều An. Thoạt đầu, theo tin báo chí đưa thì gia nhân của người bị mất sừng tê giác báo cơ quan công an; chủ nhân vẫn im tiếng. Tuy nhiên, sau khi thông tin rộ lên trên các báo, thì chủ nhân đã lên tiếng. Từ lúc ban đầu cho rằng vật sở hữu chỉ là dạng thú nhồi bông, cho đến khi thông tin vở lở là tê giác trắng được nhập từ Nam Phi về.
Sau khi trình chứng từ nhập khẩu cũng như người tặng thì chủ nhân khẳng định việc sở hữu cả một chú tê giác trắng nhập về từ Nam Phi là hoàn toàn hợp pháp. Thế nhưng những trình bày không thống nhất dẫn đến nghi vấn chủ nhân không chỉ có một con tê giác trắng săn bắn từ Nam Phi, xử lý làm khô và nhập về Việt Nam để trưng bày.
Chuyện thể hiện sự giàu có bằng cách xài mật gấu hay nhập sừng tê giác về đó là kiểu giàu của những người trọc phú và tổ chức 350 lên án hành động đó và cho rằng đó là một thú vui rất ‘nguyên thủy’
Nguyễn Khánh Toàn, 350.org
Có thể nói không chỉ ông Trầm Bê mà tại nhiều tư gia của những người giàu có tại Việt Nam, người ta cũng nhìn thấy những vật trưng bày các loại quí hiếm như ngà voi, da hổ… Đó là những thứ mà chủ nhân được biếu tặng, mua về trang trí hay đích thân săn bắn mà có được.
Tuy nhiên theo như phát biểu của bạn Nguyễn Khánh Toàn, một người đang hoạt động cho nhóm bảo vệ môi trường 350.org tại Việt Nam thì đó là một thú vui chẳng khác gì của những người man khai trước đây:
"Chuyện thể hiện sự giàu có bằng cách xài mật gấu hay nhập sừng tê giác về đó là kiểu giàu của những người trọc phú và tổ chức 350 lên án hành động đó và cho rằng đó là một thú vui rất ‘nguyên thủy’."
Qui định luật pháp
Chúng tôi cũng liên lạc với ông Đỗ Quang Tùng, phó giám đốc phụ trách CITES Việt Nam vào tối ngày 9 tháng 10 và được ông khẳng định về con tê giác trắng đã xử lý khô của ông Trầm Bê như sau:
"Đâu có điều tra gì đâu, cái đó đúng rồi. CITES không kết luận gì cả vì CITES không phải là cơ quan đi điều tra. Chúng tôi có ý kiến vì hồ sơ đó là đúng, CITES Việt Nam có cấp. Do nước có ‘cái đấy’ ( tê giác) cấp, nên mình cấp thôi. Cái đó là hợp pháp do phía Nam Phi họ cấp một cách hợp pháp Điều đó mình không bình luận gì cả… vì do phía bên kia, Nam Phi, người ta cấp hợp pháp…"
Ông Đỗ Quang Tùng lặp lại là những qui định của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ động vật hoang dã, nhất là những loài động vật quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong sách đỏ hoàn toàn theo đúng mọi điều khoản của Công ước CITES.
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu, người từng làm việc cho tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế IUCN tại Việt Nam, và nay là một cố vấn trong lĩnh vực này, cho biết về vấn đề qui định trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã quí hiếm nằm trong sách đỏ như sau:
"Thực sự mà nói tại những quốc gia mà số động vật quí hiếm, còn dồi dào, người ta cần giữ những quần đàn nhất định, có thể bảo đảm tiếp tục sinh sản được. Họ cho như thế là ổn và như linh dương sừng bò hay các loại trâu hoang dã thì không cần nuôi thành bầy đàn. Vì thế mỗi nước có luật mỗi năm cho săn bắn số lượng bao nhiêu đó. Nhưng tê giác còn nằm trong danh mục đỏ của IUCN nữa, nên có những qui định nghiêm nhặt hơn. Đối với các loại như thế thì các tiêu bản, chế phẩm của chúng không thể tùy tiện sử dụng thế nào cũng được."
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu cho biết có nhiều loài mà nguy cấp ở tầm thế giới hay những loài đặc hữu ở từng quốc gia được đưa vào sách đỏ toàn cầu, và từng nước cũng có sách đỏ của nước đó. Như Sách Đỏ của Việt Nam được xuất bản gần nhất là vào năm 2007. Tất cả các nước đều có chính sách để bảo tồn các loài quí hiếm, đặc hữu của nước đó. Ngoài ra mỗi quốc gia đều phải có trách nhiệm đối với các loài nguy cấp ở mức toàn cầu. Ông phát biểu:
"Còn các loại trên phạm vi toàn cầu thì phải có trách nhiệm chung. Mặc dù Việt Nam nay coi như không còn tê giác nữa, nhưng không thể vì thế mà tùy tiện đi các nước khác để mang tê giác hay các vật phẩm của tê giác về."
Hiệu quả bảo tồn
Tuy có những qui định cụ thể trong lĩnh vực bảo vệ các loài động vật quí hiếm và tham gia vào công ước quốc tế CITES; thế nhưng kết quả của công tác đó lâu nay thế nào?
Ông Đỗ Quang Tùng tỏ ra lạc quan khi được hỏi về vấn đề thực hiện của phía Việt Nam trong hoạt động bảo tồn động vật hoang dã quí hiếm như sau:
"Vẫn thực thi theo đúng những qui định của công ước, vẫn đang triển khai thực hiện tốt. Cái đó cũng bao gồm nhiều biện pháp: bảo tồn, nâng cao nhận thức, sinh kế cho người dân, tăng cường thực thi, cụ thể hóa bằng hành động."
Có nhiều hoạt động buôn bán lắt léo trong dân, trên thương trường, nhiều khi các nhà hoạt động môi trường, các nhà quản lý luật pháp khó mà theo dõi được hết.
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu cũng cho rằng Việt Nam đạt được một số hiệu quả nhất định trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, quí hiếm tại Việt Nam trong thời gian qua. Ông trình bày:
"Thực ra mà nói không ai có thể cho rằng đã thành công tuyệt đối; thế nhưng rõ ràng Luật Đa Dạng Sinh học, rồi các luật khác về bảo vệ môi trường, hoạt động của các cơ quan kiểm lâm, cảnh sát môi trường… theo tôi có tác dụng khá tích cực. Nếu nói có ngăn được không? Ngăn tuyệt đối thì khó, nhưng chắc chắn có làm giảm bớt mức độ thiệt hại một cách ồ ạt…"
Những khó khăn nhất định trong công tác thực thi qui định của pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã quí hiếm cũng được tiến sĩ Vũ Văn Triệu nêu ra như sau:
"Có nhiều hoạt động buôn bán lắt léo trong dân, trên thương trường, nhiều khi các nhà hoạt động môi trường, các nhà quản lý luật pháp khó mà theo dõi được hết."
Nỗ lực hành động
Nhóm 350.org chuyên phát động những phong trào về môi trường trong vài năm qua tại Việt Nam vừa rồi có đưa ra chủ đề hành động ‘Vì động vật hoang dã’.
Anh Nguyễn Khánh Toàn, trưởng điều phối khu vực miền nam của 350.org cho biết hoạt động từ cuối tháng 9 là tập huấn cho chừng 100 tình nguyện viên tại Sài Gòn, sau đó đi vận động các nhà hàng không buôn bán động vật hoang dã. Hoạt động này được triển khai ra Đà Nẵng và Nha Trang…
Mục tiêu của hoạt động được Nguyễn Khánh Toàn cho biết:
"Chúng tôi không làm công tác bảo tồn. Chúng tôi làm công tác đánh ở đầu ra, không đánh ở đầu cung. Chúng tôi vận động người dân, những người bán quán nhậu hãy nhận thức, yêu thiên nhiên hơn. Nếu người ta ý thức hơn thì khi được mời ăn nhím hay con gì đó thì họ từ chối. Những người săn bắt không có đầu ra thì sẽ hạn chế việc vi phạm pháp luật. Cái mà chúng tôi hy vọng là khi mà cầu không có, thì cung sẽ không còn.
Đối tượng của chúng tôi là thanh niên, xã hội, cộng đồng chứ không hướng đến các đối tượng ở trên. Vì công tác bảo vệ động vật hoang dã có nhiều tổ chức làm rồi. Những tổ chức đó hướng đến những người săn bắt, hoặc về mặt luật pháp."
Đối tượng của chúng tôi là thanh niên, xã hội, cộng đồng chứ không hướng đến các đối tượng ở trên. Vì công tác bảo vệ động vật hoang dã có nhiều tổ chức làm rồi. Những tổ chức đó hướng đến những người săn bắt, hoặc về mặt luật pháp."
Tuy nhiên hẳn phải còn mất rất nhiều công sức, thời gian và luật pháp kiện toàn thì cộng đồng xã hội mới có được một nhận thức đúng đắn về các loài động vật hoang dã quí hiếm trong thiên nhiên.
Lúc đó sẽ không còn quan niệm thiếu cơ sở khoa học về công dụng chữa bệnh của các thứ như sừng tê giác, cao hổ cốt, mật gấu…; cũng như không còn tin tưởng mù quáng như trưng bày tê giác trắng mang lại may mắn cho chủ nhân; cũng như không còn thói khoe khoang sự giàu có bằng những bộ sưu tập thú quí hiếm trên thế giới ngay trong tư dinh kín công cao tường của những tay trọc phú thời nay nữa.
Theo dòng thời sự:
- Phản hồi của VN về báo cáo của WWF
- VN đứng hạng chót trong việc bảo tồn động vật hoang dã
- Không thể bảo tồn các thú quý hiếm ở VN?
- Thanh Hóa tổ chức bán đấu giá cao hổ cốt bị quốc tế phản đối
- Không đủ khả năng bảo vệ động vật quí hiếm?
- Con tê giác Java cuối cùng ở VN đã bị bắn chết
- Hàng ngàn loài động, thực vật hoang dã của Việt Nam đang bị đe dọa
- Việt Nam: điểm nóng của nạn săn bắt, buôn bán động thực vật hoang dã
- Động vật quý hiếm và các món đặc sản
- Những con voi cuối cùng đang kêu cứu
- Hãng máy bay HongKong bị chỉ trích vì vận chuyển cá heo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét