6 tháng 9, 2012

Trương Tấn Sang qua vụ Bầu Kiên


Trương Tấn Sang qua vụ Bầu Kiên

Nguyễn Quang Duy - Đối với đảng Cộng sản Việt Nam ngày 2 tháng 9 hằng năm là một ngày vô cùng quan trọng, ngày cướp được chính quyền. Nó quan trọng đến độ Lê Duẩn không dám loan báo Hồ Chí Minh chết đúng ngày này. 

Năm nay thì ngược lại. Không khí được thay đổi bằng những màn đấu đá tranh giành quyền lực. Ngày 20 tháng 8 công an đến tận nhà còng tay hai ông “trùm tài chính” Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải. Tiếp đến là cảnh người rút tiền, người bán cổ phiếu, người bàn ra, kẻ tán vào, tưởng đâu cả một hệ thống ngân hàng và tài chính Việt Nam đến hồi sụp đổ. Chẳng mấy ai còn quan tâm đến ngày “Quốc Khánh” của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Đến nay cũng chưa rõ hai ông Kiên và Hải phạm tội gì? Tướng công an Phan Văn Vĩnh cho biết“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo lực lượng công an cần khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng.” Nhưng đó có phải là tội hay chỉ là lý do? Tin khác lại cho rằng ông Kiên cấu kết với ông Hải lấy tiền Ngân Hàng Á Châu làm vốn cho ba công ty do ông Kiên đứng tên. 

Vì thiếu công khai minh bạch lại nhiều quyền lực quyền lợi, người làm trong ngành ngân hàng tại Việt Nam ai lại không có tội. Không thụt két thì rửa tiền. Không lạm dụng quyền lực thì tham nhũng, bán thông tin. Đó là nhân viên bình thường còn ông “trùm” Bầu kiên thì phải biết mua vua bán chúa. 

Dư luận cho rằng Bầu kiên là tay chân Nguyễn Tấn Dũng, giàu là nhờ tham nhũng và rửa tiền. Nên ngay khi Bầu Kiên bị bắt nhiều người đã tin rằng phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng bị phe cánh của Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng hạ độc thủ. Thậm chí có người tung tin chế độ Nguyễn Tấn Dũng sẽ sụp đổ và phe cánh Nguyễn Tấn Dũng đang bỏ của chạy lấy người. 

Đến ngày 23 tháng 8 Trương Tấn Sang tung một bài viết được báo Tuổi Trẻ đặt tựa đề “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân”. Tựa đề xem thật hấp dẫn nhưng khi xem xong thì dư luận khen ít chê nhiều. Ở thời điểm hệ thống ngân hàng tài chính gần như sụp đổ đúng ra ông Sang nên viết bài “Phải biết hổ thẹn với tiền của nhân dân”. Mà lạ thật toàn bài viết không tìm ra hai từ “tham nhũng”, ngược lại ông Sang đổ mọi “tiêu cực” là mặt trái của kinh tế thị trường. Bài viết nài xin được chia sẻ cùng bạn đọc tình hình đất nước hiện nay và vài nhận định về nhân vật Trương Tấn Sang. 

Ngân Hàng qua vụ Bầu Kiên 

Nếu bàn tay vô hình của thị trường là toàn hảo thì đã không có mặt trái và đâu cần đến nhà nước làm gì. Nhưng bản chất của con người là chạy theo lợi ích cá nhân, ích kỷ hoặc có thể không biết đến lợi ích của mình đụng chạm đến lợi ích người khác hay lợi ích xã hội. Nói cách khác hành xử ích kỷ thường không mang đến lợi ích tối đa cho chính họ, cho xã hội, và chính vì thế chính phủ mới được thành hình. 

Các chính phủ dân chủ hình thành dựa trên Hiến Pháp, một bản hợp đồng giữa các cá nhân trong xã hội. Hiến Pháp quy định phương cách thành lập chính phủ, cũng như quyền hạn và bổn phận của chính phủ. 

Riêng về lãnh vực tài chính, chính quyền thường được quyền thu thuế, quyền vay mượn, quyền cho phép khai thác tài nguyên và độc quyền ấn hành tiền. Để có được những quyền này chính phủ phải đề ra những chính sách và những đạo luật tạo ổn định xã hội và an sinh công cộng. 

Ngân hàng Nhà nước giữ việc phát hành, quản lý tiền tệ và soạn thảo các chính sách liên quan đến tiền tệ, soạn thảo các dự thảo luật kinh doanh ngân hàng và tổ chức tín dụng, cho phép thành lập các ngân hàng và tổ chức tín dụng, quản lý các ngân hàng thương mại... vì thế vụ Bầu Kiên trực tiếp trong quyền hạn và trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước. 

Theo luật Việt Nam, để tránh tình trạng ngân hàng thương mại không đủ tiền mặt hoàn trả khách hàng, mọi Ngân hàng tư nhân cần giữ một khoản tiền mặt dự trữ bắt buộc theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước. Khi ngân hàng tư nhân không đủ tiền mặt thì Ngân Hàng Nhà Nước có bổn phận phải phát hành thêm tiền mặt để “cứu” ngân hàng tư nhân không bị phá sản. Ngân Hàng Nhà nước còn được xem là người cho vay cuối cùng (the lender of last resort). 

Đó là chính sách đã thành luật tại Việt Nam. Trong trường hợp khách hàng Ngân Hàng Á Châu đổ xô rút tiền khi nghe tin Bầu Kiên bị bắt thì bổn phận của Ngân Hàng Nhà nước là phải đứng ra cho vay “tiếp cứu”. Chính sách này có khuyết điểm là khi Ngân Hàng Nhà Nước phát hành thêm tiền sẽ gây ra lạm phát ảnh hưởng đến toàn xã hội. 

Tại Úc trên 20 năm nay chính phủ đề ra một định mức tối đa là 3 phần trăm lạm pháp do đó hệ thống ngân hàng đã được cải tổ, Ngân Khố không còn giữ vai trò tiếp cứu các ngân hàng bị phá sản. Các ngân hàng tư nhân đều cạnh tranh một cách tự do, vay mượn lẫn nhau hay trên thị trường quốc nội và quốc tế. Khi một ngân hàng thiếu khả năng thanh toán và phá sản, thì ngân hàng khác hay công ty thanh lý đứng ra thâu tóm và hoàn trả tiền vay cho khách hàng. 

Thống đốc Tồi 

Vụ Bầu Kiên còn đang nóng hổi thì dư luận Việt Nam lại rộ lên việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được tạp chí Thế Giới Thương Mãi (Global Finance) xếp hạng thống đốc kém nhất thế giới. Tạp chí này đánh giá nhân vật qua các lĩnh vực như kiểm soát lạm phát, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền tệ, quản lý lãi suất, quyết tâm đối chọi với sự can thiệp chính trị và duy trì sự độc lập của mình. Nhưng qua vụ Bầu Kiên chúng ta có thể xếp ông là một Thống đốc tồi. 

Ngày 25/08/2012, được báo Thanh Niên hỏi tại sao Ngân Hàng Nhà Nước can thiệp để cứu Ngân Hàng Á Châu không để ngân hàng này phá sản, ông Nguyễn Văn Bình thay vì nói về chính sách và luật pháp Việt Nam lại quay sang đỗ thừa: “Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là Ngân Hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ vì Ngân Hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để Ngân Hàng lành mạnh lên. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, khi nền kinh tế phát triển, mặt bằng pháp luật hoàn thiện hơn, dân trí cao hơn, tiềm lực của hệ thống tài chính mạnh hơn thì cũng phải sẵn sàng cho phá sản những Ngân Hàng yếu kém.” 

Việc quản lý không để ngân hàng thiếu khả năng thanh toán nhiều nợ xấu là nhiệm vụ của Ngân Hàng Nhà Nước thế mà ngài Thống Đốc nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lại đổ cho dân chúng có tiền thì phải có “dân trí” để chọn “Ngân Hàng tốt hay xấu.” 

Và thật hết sức buồn cười khi trước đó cũng chính cửa miệng của ngài Thống Đốc đã trả lời phóng viên báo Thanh Niên như sau: “Cô nói đúng, trước khi sự việc này xảy ra thì ACB (Ngân Hàng Á Châu) được cả các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những Ngân Hàng có chất lượng hoạt động vào loại tốt nhất Việt Nam. Hoạt động giám sát của Ngân Hàng Nhà Nước cũng cho thấy, các chỉ tiêu an toàn của Ngân Hàng này luôn luôn đạt và vượt chuẩn.” Chẳng khác nào ngài Thống Đốc báo cho mọi người biết hãy giữ tiền mặt, ngoại tệ, vàng, tốt nhất là chuyển ngân ra ngoại quốc hay gởi tiết kiệm trong các ngân hàng ngoại quốc, đừng tin vào hệ thống ngân hàng và tài chính Việt Nam, tất cả các ngân hàng tại Việt Nam đều xấu cả!!! 

Ông Thống Đốc đã kém vì không hiểu chính sách và luật pháp Việt Nam, vì thiếu hiểu biết về tâm lý quần chúng và tồi vì chuyên đổ trách nhiệm cho dân. Thế mới thấy “quan trí” Việt Nam vừa kém lại vừa tồi và càng lên cao càng kém lại càng tồi. 

Mời bạn đọc tiếp tục nhận xét về cái kém và cái tồi của ngài chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang. 

Cộng Hòa Giả Hiệu 

Trong dịp “Cách Mạng Mùa Thu” năm 2005, người viết đã phổ biến bài“Trưng Cầu Dân Ý: Ý Đảng Hay Ý Dân?” có phân tích và tiên đoán về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam. 

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ chí Minh đọc tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cộng Hòa có nghĩa là mọi người đều bình đẳng. Thế mà đứng đằng sau cái bóng của Cộng Hòa là đảng Cộng sản, chủ trương đấu tranh giai cấp và lấy sự trung thành với đảng làm căn bản chia chác quyền lực và quyền lợi. 

Sau đó thì Chủ Tịch đảng và nhà nước Hồ Chí Minh lại đặt mình trên cả Hiến Pháp. Điều thứ 49 của Bản Hiến Pháp 1946 cho phép Hồ chủ tịch những quyền hạn tối cao, quyền lực tối thượng. Còn điều thứ 50 lại hết sức phi lý "Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc." Thế rồi sau đó ít lâu Hồ chí Minh sang Tầu sang Nga cõng rắn về và từ đó sản sinh một đàn rắn tồn tại đến ngày nay. 

Khi đã nắm được quyền hành, đảng Cộng sản dùng bạo lực để cưỡng đoạt hoàn toàn quyền làm chủ đất nước của người dân. Thay vì dân chủ cộng hòa, đảng Cộng sản lấy cương lĩnh của đảng làm Hiến Pháp, lấy quyết định của đảng làm luật pháp. 

Tất cả những đặc quyền và đặc lợi, về kinh tế, ngân hàng, tài nguyên, đất đai, y tế, giáo dục..., đều được đặt dưới sự kiểm soát và quản lý của những người cộng sản. Giới cầm quyền bổ nhiệm những người trung thành với đảng với lãnh tụ đảng vào những chức vụ có quyền lực để tóm thu quyền lợi. Hậu quả là các hoạt động chính trị bao che, bè phái, ràng buộc gia đình, dòng họ, bạn bè,... Dẫn đến tình trạng sứ quân xâu xé đất nước như hiện nay. 

Tham nhũng chẳng qua chỉ là một sự phân phối các phúc lợi tập thể, các tài sản quốc gia,... giữa một số các đảng viên với nhau. Và cũng không ngoài mục đích bảo vệ lẫn nhau hay bảo vệ đảng. Không riêng gì Việt Nam, mọi quốc gia bị cộng sản chiếm đóng Nga, Tàu, Đông Âu, Cu Ba, Bắc hàn, Lào … đều có chung một hoàn cảnh. 

Những điều được viết bảy năm về trước nay đã rõ như ban ngày. Tiền đi cạnh quyền. Từ quyền chuyển thành tiền. Từ tiền lại biến hóa ra quyền. Sức mạnh quyền tiền là sức mạnh để bảo vệ chế độ. Nguyễn thanh Phượng con Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Trầm Bê, Thái Hương và hằng trăm hằng vạn các đại gia khác gắn bó với chế độ cộng sản như một đàn sâu ra sức đục khóet quốc gia. 

Con sâu Bầu Kiên bị bắt, động đến cả rừng sâu và đến sự sống còn của “Đảng” của chế độ. Việc bắt sâu Bầu Kiên để lộ ra mọi yếu kém của nền tài chính, kinh tế, chính trị Việt Nam và cho thấy mọi cải cách hay cải tổ chỉ là ảo tưởng. Chống tham nhũng cũng chính là chống lại một đảng cầm quyền gắn bó với nhau bằng lợi ích (nhóm lợi ích). Và cũng vì sợ mất đảng trong bài luận văn Trương Tấn Sang đã không dám đá động đến hai từ “tham nhũng” mà lại tồi bại lý luận “tiêu cực” là mặt trái của kinh tế thị trường. 

Trương Tấn Sang “sợ lạnh” 

Trong bài có đoạn Trương Tấn Sang tả tình như sau: “Có những việc tưởng như đơn giản, tưởng như dễ giải quyết, không phải là khó khăn, nhưng khi thực hiện thì đụng đâu cũng vướng vì nó không phải là một bài toán trên lý thuyết đơn thuần mà là xã hội với đủ sắc màu, với những cách nghĩ, những quyền lợi, những ứng xử khác nhau, chằng chịt, cái này níu bám và kìm giữ cái kia; cái “chăn ấm” vô tình kéo sang bên này thì bên kia bị “lạnh”... Xuất hiện những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để “chọc gậy bánh xe”, thậm chí để “cõng rắn cắn gà nhà”...” 

Sau sáu mươi bảy năm cầm quyền đảng Cộng sản đã tước hết mọi quyền lực và quyền lợi của người dân. Cái “chăn ấm” là của đảng. Trước đây tất cả đều do bàn tay của đảng: đảng muốn nó sang bên này thì bên này được ấm, đảng muốn kéo nó sang bên kia thì bên khi được ấm. Ai không vào “Đảng” thì chịu lạnh. Chống “Đảng” thì bị tiêu diệt. Nay đã khác cái chăn đã bị vài nhóm người thâu tóm, từ đó mới đâm ra công khai đánh đấm cấu xé lẫn nhau. 

Diễn giải theo lối bình dân thì lợi quyền như miếng bánh. Miếng bánh không được chia đều mới dẫn đến đấu đá lẫn nhau. Người thua vẫn chỉ là người dân thấp cổ bé miệng. 

Trương Tấn Sang “cõng rắn cắn gà nhà” 

Nội dung bài luận văn của Trương Tấn Sang chỉ để tung hô ba khẩu hiệu đoàn kết, hòa hợp và thống nhất. Khi hô khẩu hiệu về đoàn kết Trương Tấn Sang lại để lộ bản chất bán nước như sau:“Đó là bài học về tăng cường củng cố đoàn kết - đoàn kết toàn Đảng, toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, đoàn kết là truyền thống quý báu và nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Đó là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam... Những bài học này, nếu được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, ai cũng quán triệt thực hiện trên thực tế, không phải chỉ là những khẩu hiệu suông, thì bất cứ khó khăn nào chúng ta đều có thể vượt qua!”. 

Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa quốc tế. Đảng Cộng Sản là một đảng Quốc Tế. Cách Mạng Mùa Thu là một cuộc cách mạng quốc tế. Nó đưa Việt Nam vào guồng máy cộng sản quốc tế. Vì quan niệm như thế nên Trương tấn Sang vẫn tin rằng phải “tiếp tục con đường Cách Mạng Tháng Tám” và muốn tiếp tục con đường này phải “đoàn kết quốc tế”. Mà quốc tế cộng sản thì nay chỉ còn 5 nước Cuba, Bắc Hàn, Lào, Việt Nam và Trung cộng. 

Toàn bài luận văn, Trương Tấn Sang không nhắc đến tình hình biển đảo biên giới Việt Nam đang bị Trung cộng lấn chiếm, đến tình trạng tài nguyên đất đai Việt Nam bị bán cho Tầu, tình trạng Trung cộng cướp bóc ngư dân, phá hoại nền kinh tế quốc gia. Đã không lên tiếng thì thôi Trương Tấn Sang còn kêu gọi “đoàn kết quốc tế cộng sản” thì có khác gì Tấn Sang công khai kêu gọi xóa bỏ biên giới Việt Nam. Thế rõ ràng Trương Tấn Sang đang “cõng rắn cắn gà nhà”. 

Tham nhũng là tội trước pháp luật. Còn bán nước là tội trước dân tộc. Kẻ bán nước không phải chỉ hổ thẹn với tiền nhân như Trương Tấn Sang đã biết mà còn bị muôn đời nguyền rủa. Quay về với dân tộc là con đường duy nhất cho những người bán nước như Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và tập đoàn cộng sản. 

Trương Tấn Sang mơ Thời Chiến Tranh… 

Làm người ai lại không mong ước có hòa bình. Nhất là người Việt Nam mấy mươi năm qua, hết đánh Nhật, đánh Tây, rồi nội chiến lại sang đánh Cam Bốt đánh Tầu. Đảng Cộng sản không sợ chiến tranh nhưng người Việt khi nghe đến chiến tranh đều tỏ ra ngao ngán. 

Thế mà ông Trương Tấn Sang lại ao ước mang phương cách, lề lối, tư duy của chiến tranh vào cuộc sống ngay nay. Ông viết:“Niềm tin “kháng chiến nhất định thắng lợi” trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm xưa, phải được thể hiện bằng niềm tin mới “sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN nhất định thành công” trong giai đoạn hiện nay!” Ông ao ước vì nhờ có chiến tranh đảng Cộng sản đã tiêu diệt được mọi niềm tin mọi ý kiến khác biệt. 

Nhưng niềm tin và ý kiến khác biệt với đảng Cộng sản, sau chiến tranh lại phục hồi sống dậy. Quá trình này đã từng nhiều lần bị ông Trương Tấn Sang phê phán và khép những từ như diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển biến. Quá trình này càng lúc càng nhanh hơn, càng mạnh hơn nhất là sau vụ Bầu Kiên bị bắt. 

Kết Luận 

Qua bài luận văn tả tình “Cách Mạng Mùa Thu” của Trương Tấn Sang, bạn đọc dễ nhận thấy chỉ vì yếu kém về mọi mặt ông Sang đâm ra lo sợ thay đổi, sự lo sợ biến ông thành tồi bại không dám nhìn nhận sự thật, rồi trở nên bảo thủ và chấp nhận làm tay sai cho Tàu cộng. Không phải chỉ riêng Trương Tấn Sang mà tất cả giới cầm quyền cộng sản đều “cá mè một lứa” như thế. 

Việc những người cộng sản công khai đấm đá lẫn nhau vẫn chỉ là những chuyện nội bộ và vì quyền lực quyền lợi cá nhân. Bài học Nga và Đông Âu cho thấy con đường duy nhất là toàn dân phải đứng dậy thì mới có thể giành lại được chính quyền. 

Và bài học từ Nga và Đông Âu cũng cho thấy, khi nội bộ các đảng Cộng sản (Nga, Đông Âu) và khi các đảng viên cộng sản công khai đấm đá lẫn nhau là lúc để toàn dân liên kết đứng lên làm cách mạng dân tộc, xây dựng một Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và phú cường. 


Melbourne, Úc Đại Lợi 

6/9/2012 

gửi Dân Làm Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét