'Quyền của bị cáo không được bảo đảm'
Cập nhật: 12:32 GMT - thứ hai, 24 tháng 9, 2012
Phiên tòa xét xử ba blogger về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước' diễn ra vào sáng thứ Hai ngày 24/9 tại thành phố Hồ Chí Minh được luật sư bào chữa mô tả là 'không đảm bảo trình tự pháp lý'.
Ba blogger là Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, Tạ Phong Tần, chủ blog Công lý và Sự thật, và Phan Thanh Hải, chủ blog Anhbasaigon, nhận các mức án lần lượt là 12, 10 và 4 năm tù giam.
Chủ đề liên quan
Sau khi mãn hạn tù, cả ba blogger này sẽ tiếp tục bị quản chế với thời hạn là 5 năm cho ông Nguyễn Văn Hải và ba năm cùng cho bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải.
Bản án được đưa ra hết sức chóng vánh sau phiên tòa diễn ra chỉ có vài giờ trong buổi sáng thứ Hai ngày 24/9.
'Không cho nói hết'
Trao đổi với BBC sau khi phiên tòa vừa kết thúc, ông Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hải, khẳng định thân chủ ông ‘không có tội’ và bày tỏ thất vọng đối với phán quyết của tòa.
Ông cũng than phiền rằng phiên tòa không đi đúng theo trình tự của Luật tố tụng hình sự.
Phiên tòa diễn ra từ 8h sáng cho đến 1h30 chiều cùng ngày, ông Sơn cho biết.
“Tôi không nghĩ (phiên tòa) diễn ra nhanh hay chậm mà phải làm đầy đủ các thủ tục như Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định,” ông nói và cho biết trong phiên tòa sáng nay không có phần đối đáp giữa luật sư với Viện kiểm sát và các bị cáo cũng không được quyền ‘bổ sung hay trình bày đủ ý kiến của mình’.
Ông cho biết vị chủ tọa điều khiển phiên tòa không cho phép các luật sư và bị cáo trình bày nhiều.
“Cá nhân tôi trình bày được hết quan điểm bào chữa nhưng không nhận được sự đối đáp của Viện kiểm sát,” ông nói.
“Ông Hải có được nói nhưng chủ tọa cũng hạn chế không cho được nói hết những điều ông muốn nói,” ông nói thêm.
Tương tự, Tạ Phong Tần ‘không được trình bày hết ý kiến của mình’, luật sư Sơn cho biết, trong khi Phan Thanh Hải ‘được trình bày tương đối đầy đủ’.
Cũng theo ông Sơn thì luật sư của Tạ Phong Tần cũng không được cho phép thời gian để trình bày hết bài bào chữa của mình.
Ông thừa nhận là ‘quyền của bị cáo không được đảm bảo đầy đủ’ trong phiên tòa.
Nhận xét về mức án, ông nói theo quan điểm của ông thì ông Hải ‘không có tội’ và mức án 12 năm là ‘quá nặng’.
Lập luận bào chữa
Ông cũng thuật lại các lập luận cơ bản mà ông dùng bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hải.
Thứ nhất là cáo trạng chỉ nói chung chung chứ ‘không đưa ra chứng cứ cụ thể’.
“Cáo trạng cho rằng ông Hải đã đăng 26 bài trên trang blog của ông ấy nhưng không chỉ ra là bài nào, nội dung ra làm sao,” ông nói.
Lập luận thứ hai của ông Sơn là phương pháp giám định các bài viết của ông Hải do Sở Văn hóa thành phố thực hiện để kết luận là ‘nội dung chống Nhà nước’ là ‘không khách quan’. Theo ông thì phải ‘giám định từng bài một’.
“Giám định viên của Sở Văn hóa không nói tên bài nào có nội dung chống Nhà nước cả,” ông than phiền và cho biết ông yêu cầu giám định viên có mặt ở tòa để đối chất nhưng yêu cầu của ông không được đáp ứng.
Thứ ba là, theo ông Sơn, việc ông Hải sang Thái Lan dự tập huấn là ‘không liên quan đến tội tuyên truyền chống Nhà nước’.
“Tôi cho rằng ông Hải chỉ thực hiện quyền công dân ở Việt Nam thôi,” ông nói.
Về phía ông Nguyễn Văn Hải, ông cũng tự bào chữa cho mình rằng ‘quyền tự do tư tưởng, quyền tự do báo chí là được luật pháp Việt Nam cho phép nhưng Tòa không cho ông ấy trình bày hết ý,” luật sư Sơn thuật lại.
Về nhân chứng, Luật sư Sơn cho biết chỉ có 3 nhân chứng xuất hiện trước tòa trong tổng số khoảng 10 nhân chứng được triệu tập và tất cả những nhân chứng này đều làm chứng chống lại ông Hải.
Ông cũng nói trước khi phiên tòa diễn ra ông Hải có nói với ông là ‘sẽ kháng cáo’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét