Ký sinh chính trị, phong lan và tầm gửi
Nam Ai (Danlambao) - Người ta cho rằng ông Mác đã phát hiện ra những quy luật đúng cho cả tự nhiên, xã hội lẫn tư duy. Không rõ có phải vì thế mà giữa động vật, thực vật và… chính trị lại có một điểm chung thú vị: sự tồn tại của các loài ký sinh.
Ít có loài hoa nào mê đắm hồn người như Phong Lan; cũng khó tìm thấy loài cây nào vô dụng như Tầm Gửi. Tuy nhiên, cả hai đều giống nhau ở chỗ: chúng là loài sống bám nhờ hút chất dinh dưỡng từ thân cây khác. Chấy, giận, giun sán… cũng vậy. Chúng hút máu hoặc chất dinh dưỡng từ động vật chủ để sinh tồn. Vậy, đâu là loài ký sinh “chính trị”?
Quan niệm phổ quát về chính trị được hiểu là cách thức sở hữu và sử dụng quyền lực Nhà nước. Ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới đều khẳng định: quyền lực nhà nước của mỗi quốc gia đều thuộc về nhân dân. Việt Nam cũng vậy.
Nhưng nhân dân không thể trực tiếp nắm giữ và điều phối quyền lực. Thay vào đó, nhân dân thiết lập và trao quyền cho các thể chế Nhà nước. Quyền lập pháp được trao cho Nghị viện (Quốc hội), quyền hành pháp được trao cho Chính phủ, quyền tư pháp được trao cho Tòa án.
Khác với chế độ phong kiến, Nhà nước hiện đại không phải là thần thánh. Nhà nước được kết tụ bởi những con người cụ thể, hoạt động trên cơ sở những nguyên tắc và quy định rõ ràng nhằm phục vụ cuộc sống của nhân dân, xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân.
Nhân dân vốn dĩ sòng phẳng. Vì không trực tiếp sử dụng quyền lực mà phải thực hiện thông qua Nhà nước, nhân dân nộp thuế để Nhà nước trả lương cho nhân viên của mình. Tất thảy từ nguyên thủ quốc gia cho đến công chức cơ sở đều được nhân dân trả lương đàng hoàng. Đổi lại, họ phải “làm thuê” cho nhân dân một cách mẫn cán, tận tụy.
Đây là điều tuyệt đối công bằng.
Tuy nhiên, ở một số xứ sở đi theo con đường của Mác thì nhân dân còn phải trả tiền một phần hoặc toàn bộ cho hằng hà sa số thiết chế chẳng “dây mơ, dễ má” gì đến mình, mặc dù họ đã phải gánh trên vai một bộ máy Nhà nước to nặng, kềnh càng tới nỗi không ngày nào người ta không nói tới “tinh giản biên chế”.
Việt Nam ta là một ví dụ. Nào là Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội Luật gia, Tổng Liên đoàn lao động, Hội Sinh viên, Hội Liên hiệp thanh niên và vô khối tổ chức khác. Từ trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, thiết bị, đồ dùng, tiền lương nhân viên của các hội này hầu hết được chi trả từ ngân sách Nhà nước, tức tiền thuế của nhân dân. Hãy hình dung khoản kinh phí mà người dân phải chi trả khủng khiếp đến mức nào khi đa phần các thiết chế kể trên đều được tổ chức từ Trung ương tới cơ sở.
Điều này rõ ràng là phi lý, giống như ai đó phải trả tiền công cho người mà anh ta không thuê mướn. Nó thậm chí có phần kệch cỡm bởi ngân sách Nhà nước của chúng ta vốn đã còm cõi, năm nào cũng bội chi, năm nào cũng phải đi vay nước ngoài; hạ tầng kinh tế chậm được đầu tư, hàng loạt các vấn đề liên quan đến chính sách xã hội chưa được giải quyết đúng mức… Tham nhũng được coi là quốc nạn có một phần quan trọng bắt nguồn từ đồng lương “suy dinh dưỡng” mà công chức hiện đang được hưởng.
Nói vậy không có nghĩa là Việt Nam không cần hội. Chúng ta thậm chí cần rất nhiều hội bởi tự do lập hội là tiêu chí căn bản của “xã hội dân sự”, khẳng định sự tôn trọng quyền cơ bản của con người trong xã hội ấy. Nhưng, hãy để các hội tự đi bằng “đôi chân” của mình, tồn tại khi xã hội cần và “tự tiêu vong” khi hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”. Không thể vì công trạng hoặc vai trò trong quá khứ mà buộc nhân dân phải chăm bẵm vô thời hạn. Nếu vậy, nên trả lại quyền lực Nhà nước cho dòng dõi Hùng Vương hoặc con cháu nhà họ Khúc.
Đã đến lúc, cần phải nhổ bỏ những những loài sống bám, kể cả Phong Lan lẫn Tầm Gửi để duy trì sự sinh tồn của thân cây chủ. Nhánh Phong Lan khi được cấy vào trái dừa khô hoặc chút phân mùn Tầm Gửi dẫu sao cũng có ích gấp vạn lần những loài sống bám.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét