Không thích nói chuyện chính trị
Jeffrey Thai (Danlambao) - "Không thích nói chuyện chính trị" là câu nói cửa miệng từ bao lâu nay của hầu hết người dân Việt Nam sống trong nước, dưới chế độ hiện hành (kể cả bản thân tôi khi còn sống trong nước cũng vậy). Ai ai cũng nói như thế, từ người già đến thanh niên, từ người có học đến người ít học, và nó luôn được xem là câu nói an toàn nhất, hứa hẹn nhận được nhiều "đồng cảm".
Tôi vừa trực tiếp gặp một trường hợp nữa minh họa cho điều ấy. Số là tôi vừa gửi bài viết"Luận về thần tượng" của tôi cho tờ báo mạng VietNamNet và được đăng tải. Một bạn trẻ trong nước đọc xong rất tâm đắc và gửi email cho tôi, ngỏ ý muốn được kết giao trên Facebook. Tôi hồi đáp rằng tôi rất sẵn sàng, chỉ xin nói trước là trên trang Facebook của tôi, dù bản thân tôi rất ít khi đề cập đến vấn đề chính trị, nhưng các thành viên bạn khác thì lại chia sẻ rất thường xuyên thái độ chính trị của họ. Bạn ấy trả lời là bạn ấy rất muốn được trao đổi với tôi về mọi điều, nhưng bạn ấy đã được giáo dục là không được nói chuyện chính trị.
Câu nói "được giáo dục để không nói chuyện chính trị" ấy của người bạn trẻ đã làm tôi, một lần nữa, băn khoăn suy nghĩ thật nhiều. Chính trị là gì mà ghê gớm thế? Đáng kinh sợ thế? Tại sao lại phải giáo dục thế hệ trẻ để không nói chuyện chính trị? Nếu đó là sở thích cá nhân (không muốn nói đến hay không quan tâm đến), thì đó chỉ là lẽ thường: Những con người khác nhau có những sở thích khác nhau. Nhưng khi thái độ ấy đã được "giáo dục" hay nhắc nhở, trực tiếp hay gián tiếp, và đã dần hình thành nên một nếp hằn suy nghĩ trong tâm trí của mọi người dân thì nó không còn là điều đơn giản nữa, và kéo theo nó là những hệ lụy vô cùng to lớn.
Có thực sự phải "giáo dục" thế không? Và có thực sự nên "giáo dục" thế không?
Trước hết, xin được kể ra những điều tương phản mà tôi đã nhiều lần trải nghiệm trực tiếp trong cuộc sống cá nhân ở Mỹ. Tôi vốn không phải là người quan tâm nhiều quá đến vấn đề chính trị (mặc dù thường tìm hiểu, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới nói đến). Thế mà, trong những lần thỉnh thoảng ấy, tôi đã vô cùng ngạc nhiên về cái cách người dân Mỹ (chỉ là những con người bình thường) đáp ứng khi tôi đề cập đến nó. Họ trả lời một cách sôi nổi và nhiệt tình. Họ nêu lên một cách rõ ràng và mạnh mẽ quan điểm của họ, những gì họ ủng hộ, những gì họ không tán thành về các chính sách kinh tế, xã hội và quân sự hiện hành, về xã hội Mỹ hiện tại, cũng như cả về những người đang lãnh đạo đất nước. Họ nói nhiều và hùng hồn đến nỗi tôi có cảm giác tôi vừa "bắt trúng đài" hay chạm phải "chỗ ngứa" của họ.
Thế đấy! Chính trị ở xã hội Mỹ là thế đấy! Nó phổ biến và được đề cập đến bình thường như mọi vấn đề bình thường khác. Người dân luôn nắm vững và quan tâm đến nó như nắm vững lịch sinh hoạt hàng ngày của mình hay thậm chí, như nắm vững tình trạng sức khỏe của bản thân mình. Từ đó, ta có thể nhận ra rất rõ rằng sinh mạng và hiện trạng của đất nước Mỹ hoàn toàn nằm trong tay người dân và do chính họ quyết định, chứ không phải là ai khác. Khi nhận thấy nó đi chệch quỹ đạo vận hành hay vận hành theo một cách không mang lại lợi ích cho số đông thì cũng chính là lúc họ sẽ cất lên tiếng nói - những tiếng nói rất mạnh mẽ và dứt khoát.
Thế thì tại sao người dân VN lại được "giáo dục" để không nói về chính trị? ("Giáo dục" ở đây phải hiểu là có nhiều cấp độ. Đầu tiên là nhắc nhở, uốn nắn. Kế tiếp là khuyến cáo và đe dọa. Mức độ cao nhất là trừng phạt và xử án). Lý giải được câu hỏi này cũng chính là đã trả lời được phần nào cho những hiện trạng nhếch nhác đang diễn ra trong xã hội VN ở mọi phương diện, cũng như trả lời được cho sinh mạng đang bị đe dọa của đất nước VN.
Khái niệm chính trị, thực ra, là một khái niệm đã hiện hữu từ ngàn xưa. Đức Khổng Tử (551-471 TCN) tin rằng có một mối quan hệ mật thiết giữa chính trị với luân thường đạo lý và đạo đức cá nhân. Theo quan điểm chính trị của ông, chỉ những người quân tử liêm khiết và tuân theo đạo của người quân tử thì mới được cầm quyền, và những tư cách của những nhân vật đó phải kiên định với địa vị trong xã hội. Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384–322 TCN) cũng quả quyết rằng về bản chất, con người là một động vật chính trị, và luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau. Ông cho rằng mọi công dân chỉ có thể có được một đời sống hạnh phúc và đạo đức khi họ tích cực tham gia vào chính trị (citizens must actively participate in politics if they are to be happy and virtuous).
Trên trang Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia, ở chuyên mục Chính Trị, có viết: "Modern political discourse focuses on democracy and the relationship between people and politics. It is thought of as the way we "choose government officials and make decisions about public policy" (Tranh luận chính trị hiện đại tập trung vào dân chủ và mối quan hệ giữa con người và chính trị. Nó được coi như là cách chúng ta lựa chọn các quan chức chính phủ và đưa ra các quyết định về chính sách công cộng).
Dựa trên những lập luận đó, ta có thể suy ra rằng:
+ Khái niệm chính trị là một khái niệm cần thiết cho mọi công dân. Hiểu rõ về nó giúp con người ý thức nhiều hơn về những quyền hạn mình có, cũng như vai trò của mình trong mọi tổ chức, hội đoàn từ những cấp mực thấp đến cấp mực quốc gia.
+ "Giáo dục" cho người dân đừng nói về chính trị là cách được thực thi nhằm vào mục đích tước bỏ của người dân cái quyền vốn có (cũng như sự hiểu biết) trong việc "lựa chọn các quan chức chính phủ và đưa ra các quyết định về chính sách công cộng" - những điều có liên quan mật thiết đến sự tồn vong của một đất nước. Có nền tảng từ việc "giáo dục" đó, một số hiện trạng chua xót và đau lòng đã diễn ra trong xã hội VN (và hầu như chỉ có trong xã hội VN, trong thời gian gần đây): Lòng yêu nước trở thành đặc quyền của một nhóm người, những tiếng nói yêu nước bị vùi dập không thương tiếc...
+ "Không thích nói về chính trị" là thái độ mà một con người vô thức đã vô tình tước bỏ đi quyền hạn công dân của mình trong việc gìn giữ và phát triển xã hội cũng như đất nước, và ở một mức độ sâu xa hơn, tước bỏ đi cả quyền được sống như một con người đúng nghĩa của mình. Thái độ này lý giải cho việc phần lớn người dân Việt trong nước trở nên vô cảm với mọi thực trạng không hay đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong xã hội, và ở một mức độ cao hơn, vô cảm ngay cả với vận mệnh của đất nước. Hệ quả có thể thấy rõ của thái độ này chính là: Cả một dân tộc đang đắm chìm trong một nỗi sợ hãi... mênh mông.
04/09/2012
Jeffrey Thai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét