3 tháng 9, 2012

BẠCH HÓA ĐỂ KHỎI SỢ HAY CHỈ CẦN THAY ĐỔI TẬN GỐC


BẠCH HÓA ĐỂ KHỎI SỢ HAY CHỈ CẦN THAY ĐỔI TẬN GỐC

Trần Minh Thảo - Thôn tính Biển Đông, xâm lược Việt Nam, gây sự với các lân bang, cấu kết với các loại nhà nước bất hảo nhưng giàu tài nguyên khoáng sản, hà khắc với nhân dân chứng tỏ nhà nước Trung Quốc là thứ nhà nước hung bạo ở bên trong, chuyên bảo kê các chế độ chính trị bạo ngược ở bên ngoài, sẵn sàng dùng vũ lực thôn tính đất đai nhằm thể hiện một thứ ý thức dân tộc bệnh hoạn vì lợi ích bè đảng. Do đó, Trung Quốc đã thúc đẩy loài người tiến bộ, văn minh (trong đó có cả nhân dân Trung Quốc) đứng chung một chiến tuyến với
mục tiêu loại bỏ vĩnh viễn thứ nhà nước tàn độc, phản động ra khỏi xã hội loài người văn minh.
Đã xuất hiện những vận động cho việc hình thành một ‘mặt trận liên hiệp’ chống tai hoạ của chủ nghĩa bành trướng Trung Nam Hải. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giới trí thức quốc tế (có cả trí thức Trung Quốc) phản đối đường lưỡi bò đứt khúc trên biển Đông mà hậu quả là Trung Quốc bị ghét bỏ. Đã có các cuộc biểu tình chống bành trướng của nhân dân Việt Nam, nhân dân Philippines hoặc liên kết biểu tình của kiều dân Việt, Philippines ở Mỹ, Tây Âu, Nhật… Nhân dân Việt Nam đã lên tiếng ủng hộ nhân dân Philippines chống Trung quốc xâm lấn bãi cạn Scarborouth. Không có nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế nào nói đường chín đoạn do Trung Quốc vẽ ra là có tính lịch sử, tính khoa học. Có những hành động cụ thể mà hiệu quả cao: nhân dân ở các quốc gia văn minh đã cân nhắc cẩn thận việc sử dụng hàng hoá Trung Quốc do gian lận và không bảo đảm phẩm chất, gây hại cho môi trường và sức khoẻ con người.
Trung Quốc nói Hoa kỳ có âm mưu bao vây Trung Quốc bằng quân sự, kinh tế, chính trị nhưng thực tế đã hình thành một vòng vây dân sự toàn cầu do cách làm xấu xa của Bắc Kinh.
Đặc biệt, tại các quốc gia chậm phát triển bị cai quản bởi thứ nhà nước tàn độc, hung đồ rất giống với kiểu nhà nước XHCN Trung Quốc, nhân dân dù bị ngoại nhân bóc lột, bị quyền lực cai trị nội địa đàn áp thô bạo cũng đã có những phản ứng tự phát gay gắt với đội quân khai thác thuộc địa kiểu thực dân mới đến từ Trung Quốc. ‘Cách mạng hoa’ ở Bắc Phi, Trung Đông, phản ứng của dân nghèo châu Phi đối với ách hành xử kiểu thực dân cũ của Trung Quốc là một bày tỏ cho thấy quyết tâm không chấp nhận mô hình Bắc Kinh.
Việt Nam – bị Trung Quốc xâm hại nhiều nhất – có mặt trong thế trận bao vây, cô lập ‘mô hình phản động Bắc Kinh’ không?
Nhiều học giả, trí thức trong, ngoài nước đã khuyến cáo Việt nam nên đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án quốc tế như Philippines nhưng không được Đảng quan tâm thực hiện. Nhiều kiến nghị của người dân trước các thủ đoạn đen tối về kinh tế, tài chính, thương mại, an ninh quốc phòng… của Trung Quốc cũng không được Đảng, Nhà nước thành khẩn tiếp thu. Việc phải làm mà không làm chứng tỏ Việt Nam không có mặt trong thế trận bao vây của loài người văn minh tiến bộ.
Việt nam không có mặt trong thế trận đó vì Đảng, Nhà nước sợ dân và sợ cả bạn vàng 16 chữ nên đành quay lưng với thế giới văn minh?
Để thoát khỏi nỗi sợ, để không còn vì nỗi sợ đó mà phải hành xử kiểu ‘côn đồ’ với dân như có ý kiến cho là ‘hèn với giặc ác với dân’ thì phải làm gì?
a) Cần phải bạch hóa quá khứ (bạch hóa Thành Đô): Người dân không tin Đảng khi những cam kết Trung-Việt mờ ám không được bạch hoá (từ công hàm 1958 đến thỏa thuận Thành Đô 1990). Những cam kết Trung-Việt đen tối, nhục nhã không chỉ làm dân thường lo lắng, hoài nghi mà ngay cả đảng viên cũng hoài nghi phẩm chất chính trị của lãnh đạo đảng, nhà nước. Thế giới cũng hoài nghi thực tâm chính trị của Việt Nam. Phải bạch hoá các “đồng thuận anh em cùng chế độ” và phải làm rõ ai phải chịu trách nhiệm về các cam kết Việt-Trung, ai đang tiếp tục thực hiện các cam kết ‘đồng thuận anh em’. Phải tiến hành công việc chỉnh đốn Đảng trên quan điểm thanh lý triệt để ‘nợ nần chính trị’ liên quan đến chủ nghĩa bành trướng giả trang chủ nghĩa xã hội thì người dân mới cùng Đảng hạ quyết tâm đánh giặc đến cùng. Trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam chưa bao giờ người dân chịu hiến xương máu cho lực lượng chính trị có những khuất tất, bị hoài nghi là tay sai của giặc.
Đồng thuận Thành Đô là đồng thuận gì? Đó là hoài nghi chính trị cần bạch hóa. Không ‘bạch hoá Thành Đô’ thì vẫn cứ ‘ác với dân hèn với giặc’ dẫn đến mất nước.
b) Cần phải thủ tiêu đường lối, chủ trương, chính sách… dính chặt với chủ nghĩa bành trướng. Khi đã có đủ dũng khí chính trị bạch hoá các cam kết sai trái giữa lãnh đạo hai đảng hai nhà nước Trung-Việt thì việc tất yếu tiếp theo, phải làm ngay là thủ tiêu mọi chủ trương, chính sách kiểu ‘mô hình XHCN Trung Quốc’ mà Việt Nam đã học theo, hoặc bị buộc phải làm theo, cụ thể là các chủ trương, chính sách hay các hành vi vi phạm luật, hành xử ‘côn đồ’ trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, pháp luật, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, đất đai, các quyền dân sự,… kể cả mô hình tổ chức bộ máy cai trị rập khuôn bộ máy cai trị thân tộc, cánh hẩu kiểu Bắc Kinh. Có thể một vài phần tử trong đảng sẽ có phản ứng quyết liệt vì cho làm như vậy là chống chủ nghĩa xã hội, lật đổ chế độ (với những người này thì độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, văn minh, tiến bộ là sản phẩm phản cách mạng, âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực thù địch). Nhưng nếu không làm vậy thì không thể nào có khối đoàn kết toàn dân chống bành trướng xâm lược do quyền lực cai trị trong con mắt người dân là thế lực tay sai.
Trong hai việc phải làm nói trên thì việc bạch hóa quá khứ – tức là tự phê bình (a) có thể chỉ làm trong nội bộ Đảng nhưng việc thay da đổi thịt (b) thì không thể không làm công khai, triệt để.
Người dân Việt rất cao thượng, không tiểu khí miễn là đối phương có những hành động thực tế chứng tỏ thực tâm dứt khoát đoạn tuyệt với nhửng sai lầm trong quá khứ. Sau chiến thắng xâm lược Nguyên Mông, vua Trần đã ứng xử với tầm văn hoá cao như vậy.
Về công hàm 1958 và hội nghị thành đô 1990. Trong các yêu cầu bạch hoá quá khứ, có hai yêu cầu cụ thể: công hàm năm 1958 và đồng thuận ở hội nghị Thành Đô năm 1990. Thực tế lịch sử đã xác nhận lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã không coi Công hàm 1958 có tính pháp lý khi TBT Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ Quốc phòng Việt Nam đưa quân ra tiếp quản Trường Sa năm 1975, tiếp theo là cuộc chiến biên giới 1978,1979. Thứ cần bạch hoá triệt để là đồng thuận trong hội nghị Thành Đô 1990 mà có ý kiến cho là về thực chất lãnh đạo Việt Nam đã dâng Tổ quốc cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vì chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa, thực chất là bán nước cầu vinh. Thực hư thế nào, Đảng không thể cứ giấu giếm, tiếp tục thực hiện đồng thuận giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước mà thực chất là biến Việt Nam thành chư hầu của bành trướng đại Hán. Cho rằng mất biển đảo là do Công hàm 1958 là cách đổ lỗi cho người đã chết. Chính Hội nghị Thành Đô mới là nguyên nhân gây ra hậu quả mất nước hôm nay. Tức là những người còn sống chủ động làm sai. Nhưng cũng có thể suy ra do có Công hàm 1958 nên hậu bối của Đảng mới học theo tiền nhân để có thỏa thuận Thành Đô, chỉ là làm theo cách của người trước, không phải là tùy tiện của hậu thế. Do đó, bạch hoá cả hai (Công hàm 1958 và đồng thuận Thành Đô) là việc phải làm.
Phải đưa nhiệm vụ bạch hoá quá khứ này vào đợt chỉnh đốn đảng hiện nay, thực hiện bạch hoá triệt để, thành khẩn, dứt khoát từ bỏ rập khuôn mô hình XHCN kiểu bành trướng mới mong bảo vệ được sinh mệnh chính trị của Đảng, phải bạch hóa quá khứ và thay đổi tận gốc mới có khối đại đoàn kết toàn dân, mới giữ được tư thế lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu nước. Bạch hoá sai lầm chính trị còn chứng tỏ Đảng có bản lãnh, có tầm nhìn, có tâm huyết với nền độc lập tự chủ.
Là người Việt Nam, tôi tin tưởng cuộc vận động chống bá quyền bành trướng của nhân loại tiến bộ sẽ thành công, loại bỏ vĩnh viễn chế độ chính trị tàn bạo; sẽ có một Việt Nam tự cường hùng mạnh và một Trung Quốc dân chủ, văn minh. Nhân dân Trung Quốc sẽ giành lại được những quyền làm người chính đáng dù cho nhân dân Việt Nam do nhiều áp lực không được tham dự công khai vào công cuộc đấu tranh chung của loài người tiến bộ.
T.M.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét