Từng sự tử tế bỏ ra đi
Thùy Linh - Lâu quá rồi không có những entry vui vẻ. Nhìn mình, quanh mình toàn những chuyện buồn, rất buồn, rất rất buồn. Và tràn ngập nỗi tuyệt vọng. Bạn bè vào để lại comment cũng thốt lên những tiếng kêu não nề, ai oán. Mình tự nghĩ, để bạn đọc tuyệt vọng thế này là cũng tạo nghiệp không tốt lành gì. Hôm qua định bụng sáng nay sẽ ngồi vào bàn viết một cái gì đó vui vui. Tưới tẩm chút gì đó cho niềm tin mỗi ngày đang cạn đi rất nhanh, cả của mình, cả bạn bè. Đến tối nghĩ nhất định vẫn là như thế…Nhưng sáng ra thì ý nghĩ này bay biến. Click vào trang báo điện tử Tamnhin.net lâu nay hay vào đọc thì bắt gặp thông báo sẽ dừng online vào ngày 20/7: “Theo quyết định số 1252/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Báo điện tử Tamnhin.net sẽ tạm thời dừng xuất bản từ ngày 20/7/2012. Báo điện tử Tamnhin.net trân trọng gửi tới các độc giả của báo đã quan tâm theo dõi và gửi thông tin phản ánh sự thực khách quan đến toà soạn với niềm tin chân thành và quý báu”. Xem lịch mới biết hôm nay là 20/7 vì lâu nay mình gần như mất hết khái niệm ngày, thứ, tháng... Vậy là lại thêm một người bạn tốt rời xa mình…
Nguyên nhân không thấy đề cập. Lý do của QĐ số 1252 này là gì? Tức là rất không minh bạch. Mới đây tamnhin.net có đăng bài “Không minh bạch-Nguyên nhân chính của mọi thất bại?”, giờ thì chính họ bị ngã ngựa vì sự minh bạch đó chăng? Họ ngã ngựa mà độc giả cũng không thể biết vì sao một tờ báo điện tử đang có những bài viết sắc sảo, đúng đắn giữa rừng lau lách báo chí leo pheo lại đột ngột dừng lại mà không hề có sự báo trước? Tựa như họ không thể khóc (bị cấm khóc) khi bị đánh và tất nhiên không thể minh bạch kẻ đánh họ. Đây là dịp để tamnhin.net chứng nghiệm sự không minh bạch chăng? Chắc họ hiểu hơn bao giờ hết cái sự không minh bạch này: càng minh bạch càng dễ “chết bất đắc kỳ tử” (không hề là thất bại đâu nhé).
Hãy thử xem trang tin Xã hội của tamnhin.net trong ngày 20/7 để biết thêm quan điểm, thái độ làm việc của trang báo điện tử này (và biết đâu có thể lý giải nguyên nhân cho sự ra đời của QĐ 1252 đột ngột kia?):
ĐIỂM NHẤN
Còn đây trang tin xã hội của một tờ báo điện tử uy tín khác:
Bắt 4 tấn gà lậu chuẩn bị vào Hà Nội (15 giờ trước)
Xe Mercedes của 'đại gia' Hải Phòng cháy rụi (18 giờ trước)
Đi nhờ xe, nữ sinh bị hãm hiếp (16 giờ trước)
Đã xác định được kẻ tung hình ảnh giết voọc (20 giờ trước)
Giải mã những lời đồn thổi ghê rợn vụ nữ sinh mất tích (22 giờ trước)
Thau bể nước, 2 cha con chết thảm (19 giờ trước)
Hai 9X ngồi tù vì hãm hiếp 'chị hàng xóm' (23 giờ trước)
Phát hiện thi thể chết bất thường bên bờ biển (22 giờ trước)
Truy tìm kẻ giết voọc, khoe ảnh phản cảm lên mạng (18/07/2012)
Gái quê say xỉn 'làm mồi nhắm' cho… cả bàn nhậu (23 giờ trước)
Bi hài chuyện bị cắt điện đòi nợ (18/07/2012)
Chuyện lạ: Bị phạt tù vẫn điều hành HTX (18/07/2012)
Hà Nội: Bé trai một tháng tuổi mất tích (18/07/2012)
Ghe chở 150 tấn xi măng chìm trên sông (18/07/2012)
Bị lột đồ đánh ghen, 1 phụ nữ mất tích bí ẩn (18/07/2012)
Xã hội này không cần “tầm nhìn” phản biện, minh bạch. Người ta cần những đôi mắt nhắm, cái miệng câm, đôi tai điếc. Tin tức về những vụ buôn lậu, hiếp dâm, chết thảm, cướp giật, scandan…thì tràn ngập trên các báo mạng. Mệt mỏi. Nhưng chính sự không minh bạch, nguồn sống lâu nay của chế độ mới là thứ ăn cắp, cướp giật niềm tin. Nó tạo ra nỗi lo lắng, bất an hiếp đáp, cưỡng bức tâm hồn. Và sinh ra sự tuyệt vọng hàng ngày tham nhũng từng sợi ánh sáng le lói của niềm vui sống…Người dân sẽ sống bằng gì đây?
Tạm biệt một sự tử tế nữa lại ra đi…
Thùy Linh
* * *
TL xin post lại bài của tamnhin.net:
Không minh bạch - Nguyên nhân chính của mọi thất bại?
Loại bệnh nào rồi cũng sẽ có thuốc chữa nhưng riêng bệnh "giấu kín" thông tin, hay thông tin bị bóp méo, sai lệch quá lớn với thực tế thì quả thật là "thuốc tiên", thậm chí không tìm ra thuốc để mà chữa. Do vậy căn bệnh không minh bạch, kém công khai là nguyên nhân chính dẫn đến kinh tế bị chậm phát triển hoặc phát triển lệch pha, đồng thời cũng là mảnh "đất sống" cho các kiểu tội phạm "tham nhũng" phát triển thành "bầy đàn", không thể triệt tiêu được vì vậy giải pháp của mọi giải pháp là "công khai minh bạch" đưa mọi thứ ra ánh sáng thì kẻ trộm khó mà "ăn vụng".
Trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế xã hội vấn đề gì, lĩnh vực nào được đưa vào "tầm ngắm" để thanh tra, kiểm tra đều thấy tình trạng báo cáo sai nói "không đúng" hoặc không chính xác với thực tế được coi là chuyện "hiển nhiên", còn báo cáo đúng thì được coi là "lạ". Ví như: Báo chí đưa tin về sự suy giảm của nền kinh tế và hiện tượng "nợ xấu" gia tăng nhưng cho đến giờ phút này thì con số thực của "nợ xấu" là bao nhiêu? Không ai biết và cũng chẳng ai thông báo chính xác được?
Rồi thông tin, báo cáo về lãi lỗ của các doanh nghiệp nhà nước...cũng vậy, những sai phạm được đưa ra rồi cũng không tìm ra con số chính xác để xử lý..., mọi vấn đề gì bị phát hiện cần đưa ra để công khai thì lại bị bưng bít "bịt miệng" thế là tất cả xã hội cứ "chạy" trong tình trạng "bán tin, bán nghi" "thật giả lẫn lộn", không biết tin vào cái gì vì thông tin nào cũng bị "bóp méo".
Còn về lĩnh vực hành chính tổ chức cán bộ cũng có hiện tượng chẳng minh bạch. Ví như gần đây báo chí đưa tin có xã với hơn 9000 dân có đến 500 “cán bộ”. Xã không biết chính xác, huyện cũng chẳng rõ, tỉnh phải vào cuộc và báo cáo khẩn cấp lên Thủ tướng: Không có chuyện có 500 “cán bộ” mà chỉ mới…có 205.
Một quan chức Bộ Nội vụ cho biết cả nước có hơn 900.000 “cán bộ” thôn, xã. Cải cách hành chính luôn được đề cao, và chúng ta đã chi không biết bao nhiêu tiền để quản lý cán bộ công chức mà tình trạng vẫn như thế thì rất khó chấp nhận. Thông tin như vậy thì hoạch định chính sách ra sao.
Người ta nghĩ trong hệ thống ngân hàng thì kỷ luật thông tin cao hơn nhiều. Nợ xấu là bao nhiêu? Không ai biết. Lúc thì nói chỉ hơn 3%, rồi 6%, lúc lại bảo 10%, nhưng rồi có lẽ sợ “nhạy cảm” lại không thấy ai chính thức nói đến con số 10% ấy nữa. Gần đây lại có con số 8,6 % và một số tiền đến 202 tỷ đồng, con số tài chính mà cứ nhảy múa kiểu "bọ gậy" gặp trời mưa như vậy thì căn cứ vào đâu để lập công ty xử lý nợ xấu AMC.
Mơ mộng về mùa gặt Minh Bạch |
Có thể nói cả các lĩnh vực ví như quân lệnh như sơn cũng vậy, cả những nghề cao quý như lĩnh vực đào tạo, lương y như từ mẫu cũng thế. Chỉ thấy con số báo cáo hình thức và thành tích thôi, còn con số thực thì không bao giờ biết chính xác như vậy thì căn cứ vào đâu để các nhà quản lý điều hành xã hội lo toan, tính toán để tìm cách ổn định trật tự xã hội chứ nói gì đến lập phương án cho sự phát triển.
Trong y học bác sĩ cần bắt được bệnh rồi mới tìm thuốc chữa cho bệnh nhân, nhưng với căn bệnh trầm kha thế kỷ này "không công khai, minh bạch". Từ đó nó phát đi các "vòi bệnh như bạch tuộc" như hệ thống các loại bệnh "chạy", các hình thức bệnh "tham nhũng" bệnh bưng bít thông tin bệnh gian lận... rồi cuối cùng là cả bệnh lừa cả chính mình. Nhiều thứ bệnh thế làm sao tìm ra đúng bệnh mà cắt thuốc. Thậm chí đến lúc "cuống" thì cắt nhầm thuốc, điều trị ngược hoặc ngay cả "phẫu thuật" cũng nhầm thì lại được coi là không lạ? Và như vậy thì thật khó khăn cho mọi sự điều hành ổn định và làm chậm sự phát triển đất nước.
Trong kinh doanh những nhà hoạch định chính sách cần xử lý thì việc được cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác là cần thiết và mới có phương án phòng và xây dựng kế hoạch phát triển "đúng và trúng" được, còn thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác, thì quả là quá khó đối với tất cả mọi người chứ không nói gì đến nhà lãnh đạo và các nhà khoa học nghiên cứu xử lý bằng thông tin con số và thực tế không đồng điệu.
Vấn đề cần nói đến là nếu có cách làm đúng, sẽ có thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn, ít phế thải thông tin hơn. Và quan trọng nhất thông tin được cập nhật, tích tụ là một tài nguyên vô giá không chỉ cho việc quản lý hữu hiệu hơn mà còn giúp cho việc hoạch định chính sách, đào tạo người, phân bổ nguồn lực quý giá nhất – con người – một cách hiệu quả hơn và góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Xã hội càng phát triển công nghệ hiện đại và tiên tiến thì việc cải cách hành chính là việc cần làm và vấn đề kiểm tra theo dõi giám sát các hoạt động của xã hội theo ngành và lĩnh vực là điều cần thiết và cũng cần sự công khai minh bạch về tổ chức cán bộ, bộ máy làm việc cần gọn nhẹ và hiệu quả. Vì nếu trước kia ta quản lý một khối lượng như vậy rải khắp mọi nơi trên khắp đất nước là chuyện lớn và rất khó, ngày nay đó là “chuyện nhỏ như con thỏ”.
Với số liệu tập trung ở một nơi thông tin chính xác thì cấp Trung ương có thể phân tích “giúp” do có chuyên gia giỏi hơn và nhắc nhở các cấp dưới một cách đầy đủ và dễ ràng, nhưng thực tế thì "ôi thôi" con số báo cáo "báo cày" cử nhảy múa từng cấp độ và rồi không thể tìm ra con số thực và chính xác là gì số "thập phân" hay vố "vô tỷ" vì vậy sự thực thông tin đã bị béo méo trước khi đưa vào xử lý rồi do vậy kết quả xử lý chắc cũng chẳng thể khả thi và hiệu quả?
Ví như ta có một hệ thống báo cáo công khai minh bạch như vậy, thì Văn phòng Chính phủ hay Bộ Nội vụ, có thể kiểm tra ngay trong vòng vài phút xem chuyện xã có 500 cán bộ thực hư ra sao và khỏi cần phải vào cuộc “rầm rộ” và “khẩn cấp” như vừa qua rồi báo cáo lên vẫn không thể "đúng" vì từ trước đến nay có báo cáo nào là chính xác đâu?
Đã có quá nhiều “kế hoạch tổng thể”, đã có quá nhiều lời hô hào cải cách hành chính nhưng chưa thấy mấy kết quả. Xây dựng một vài hệ thống như vậy có thể giúp xóa bỏ tình trạng thiếu rõ ràng, cát cứ thông tin, che giấu, thậm chí bóp méo thông tin.Thực hiện gì chăng nữa, xây dựng kế hoạch cao cấp hay sơ cấp hay đẳng cấp gì gì đi nữa mà không công khai minh bạch thông tin thì tất cả những giải pháp đưa ra đều như "ếch ngồi đáy giếng" mà kêu?
Cánh cửa nhìn ra thế giới rộng mở nhất là đối với vấn đề quản lý nền kinh tế xã hội mọi cá nhân, gia đình, tập thể, tổ chức xã hội, thành phố, tỉnh, vùng, miền và quốc gia, khu vực hay thế giới đều cần biết rõ thông tin và cần nhận định chính xác hai chữ "mình là ai? Cần phải làm gì? Do vậy những chủ thể nào nêu trên mà thiếu sự công khai minh bạch chắc chắn sẽ là những chủ thể có đeo luôn cái mác và thực tế luôn là chủ thể chậm tiến bộ, chậm phát triển...
Hay nói cách khác thiếu minh bạch thì khó có thể phát triển. Quan trọng hơn, sự không minh bạch, sự không nhất quán về thông tin gây lãng phí nguồn tài nguyên vô giá là con người. Điều này thì quá đúng đối với xã hội chúng ta hiện nay "nguyên nhân của mọi nguyên nhân là không minh bạch". Vì vậy cần thực hiện chiến dịch đối lập là giải pháp của mọi giải pháp là công khai minh bạch trên mọi trận tuyến thì sẽ thành công và phát triển. Theo tôi hiểu điều này để làm được là rất khó nhưng có khó thì vẫn phải tìm cách đưa ra và thực hiện vì nó là cái gốc của thành công, Chúng ta phải chung sức chung tay và chung lòng cùng toàn dân "vượt khó " với nhiều "rào cản" nhưng vẫn cần phải có ý chí để đi qua.
Dù biết là rất khó nhưng nếu các nhà lãnh đạo cứ điều hành và quản lý theo chiều hướng không biết rõ sự thực ta có cái gì và cần phải làm gì trong một biển thông tin hỗn độn thật giả, trắng đen thì quả thực là quá nguy hiểm. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay mà những điều thật thì bị bưng bít, còn những gì không thật lại phô trương cái giả lấn áp cái thật, cái thiện thắng cái ác thế là chúng ta tự đánh mất niềm tin nhân dân và một khi đã mất niềm tin tức là chấp nhận đánh mất tất cả ? Có làm gì thì cũng vô nghĩa mà thôi ? Mong sao điều đó đừng sảy ra ? Từ trong sâu thẳm của lòng mình những người dân yêu nước vẫn trông chờ và ngóng đợi tìm kiếm những nhà lãnh đạo của dân có tâm có tầm để dân còn có được hai chữ "niềm tin". Vì sự thực mãi mãi vẫn là sự thực còn sự bao che bưng bít thông tin không thực chỉ có thể tồn tại một thời gian nhất định chứ không bao giờ sống mãi như sự thực trường sinh. Cần công khai minh bạch để có thể thành công. Biết rằng là rất khó những vẫn cố hy vọng và chờ đợi thành công với sự chân thành và thẳng thắn của con người và xã hội.
Mai Huy PT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét