4 tháng 7, 2012

Triển lãm đánh dấu 50 năm Algeria độc lập


Triển lãm đánh dấu 50 năm Algeria độc lập

Hình ảnh Algeria mừng ngày độc lập 5 tháng 7 năm 1962
CỠ CHỮ 
Lisa Bryant
Khi Algeria đánh dấu kỉ niệm 50 năm độc lập vào ngày 5 tháng 7, thoát khỏi chế độ cai trị của Pháp, hai cuộc triển lãm tại Paris đã giúp nhiều người khám phá ra một giai đoạn lịch sử đầy đau thương mà  hai nước cùng chia sẻ từ hai góc nhìn rất khác nhau. Thông tín viên VOA Lisa Bryant tham dự cả hai cuộc triển lãm và tường trình về quan hệ hai nước Pháp, Algeria, sau một nửa thế kỉ.

Cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria đã được kể lại rất nhiều lần – trên phim và trong sách lịch sử của hai nước ở hai bên bờ Địa Trung Hải.

Ngày hôm nay, Viện Bảo Tàng Quân Đội Pháp tại Paris kể lại câu chuyện mới nhất  - vẽ ra một cái nhìn đôi khi tàn bạo về thời kỳ Pháp đô hộ Algeria trong 132 năm.

Người phụ trách cuộc triển lãm, Trung tá Christophe Bertrand, nói rằng tính trung thực của cuộc triển lãm đã gây bất ngờ cho nhiều người tham dự, đặc biệt là người Algeria. Ông nói:

“Chúng tôi cố gắng cân bằng quan điểm để có một tầm nhìn mang tính lịch sử. Vì vây, đây là một cách nhìn khá mới về những gì mà quân đội Pháp đã làm.”

Ông Bertrand nói cuộc triển lãm đang cố gắng đặt một viên gạch tạo nền móng nhằm đi đến hòa giải giữa hai bên.

Thời kỳ chiếm đóng của Pháp được tái hiện qua kho tàng hiện vật bao gồm các bộ quân phục, vũ khí, các bức tranh, tài liệu, ảnh và phim. Cuộc chiếm đóng bắt đầu vào năm 1830.

Ông Bertrand nói, quân đội Pháp bắt đầu đem quân tới đóng tại thủ đô Algiers và dọc theo vùng duyên hải, kết thúc sự hiện diện của người Ottoman. Khi Pháp chiếm được lãnh thổ Algeria, một lực lượng chống đối được thành lập, dẫn đầu bởi Emir Abd el-Kader.

Qua nhiều thập kỉ, hàng trăm ngàn người Pháp, còn gọi là Pieds Noirs đã tới định cư tại Algeria. Nhiều người Algeria đã chiến đấu  bên cạnh quân đội Pháp trong suốt thế chiến thứ nhất và thứ hai. Nhưng những hạt giống của kháng chiến vẫn còn đó.

Trung tá Bertrand nói các sự kiện diễn ra hôm mùng 8 tháng 5 năm 1945, khi Pháp bắn vào đoàn biểu tình người Algeria, đã làm dấy lên cuộc chiến đòi giải phóng vào năm 1954.

Cuộc triển lãm trưng bày nhiều thước phim nay đã mờ và những bức ảnh chụp những người Algeria bị tra tấn. Tiếp sau đó là những bức ảnh chụp lại khoảnh khắc người Algeria ăn mừng độc lập vào ngày mùng 5 tháng 7 năm 1962.

50 năm sau, cuộc triển lãm của Viện bảo tàng quân đội trưng bày vô số sách vở, phim tài liệu, các cuộc tranh luận và những show trình diễn để đánh dấu lễ kỉ niệm này.

Tại một phòng trưng bày nghệ thuật phía bên kia thành phố, các bức chân dung của nghệ sĩ người Algeria, Mustapha Boutadjine, được trưng bày để nhớ ơn những người phụ nữ đã chiến đấu vì đất nước Algeria.

Ông Boutajine nói có một số phụ nữ đã bị tra tấn, hãm hiếp, và giết chết trong chiến tranh. Một vài người trong số họ là người Algeria nhưng những người khác là người Pháp. Ông nói không có ai kể lại chuyện gì đã xảy ra với họ cả.

Là một người Algiers gốc, Boutadjine lên 10 tuổi khi Algeria giành được độc lập.

Ông nói cha mẹ của ông đã bị tra tấn trong chiến tranh:

“Như những người Algeria khác, họ đã trải qua cuộc cách mạng ấy.” Ông nói đó là điều mà ông sẽ không bao giờ quên, nhưng ông không cảm thấy căm hận người Pháp."

Hai quốc gia vẫn ràng buộc với nhau bởi những sợi dây vô hình. Bên cạnh việc trở về  của những người Algeria gốc Pháp, hàng triệu người Algeria đã di cư sang Pháp, nuôi nấng con cái họ, là những công dân Pháp.

Những từ Ả Rập như “toubib,” hay bác sĩ, giờ đã trở nên thông dụng trong tiếng Pháp. Và những ca sĩ như Cheb Khaled là những tên tuổi mà mọi gia đình đều biết đến.

Nhưng quan hệ ngoại giao vẫn còn dễ lung lay. Và quá khứ vẫn còn lắm đau thương.

Viếng thăm Viện Bảo Tàng Quân Đội, bà Corinne Mathis, 61 tuổi, nói rằng cuộc triển lãm này đã làm sống dậy một thời kì mà rất ít người Pháp biết.

Bà Mathis nói các lớp dạy lịch sử trong trường học dành rất ít thời gian để dạy về sự hiện diện của người Pháp ở Algeria. Nhiều người Pháp phải tò mò mới muốn tự họ đi tìm hiểu về lịch sử.

Một người Algeria khác, hiện đã nghỉ hưu, ông Nourredine Kadra, thừa nhận rằng mối quan hệ giữa hai nước ngày nay có thể tốt hơn.

Ông Kadra nói lẽ ra không nên có bất cứ vấn đề gì giữa Pháp và Algeria. Nhưng các chính trị gia ở cả hai nước vẫn đang khuấy động mọi việc, khiến chúng trở nên phức tạp.

Người phụ trách cuộc triển lãm, Trung Tá Bertrand tin rằng các nhà sử học, như những người Pháp và Algeria đã giúp tổ chức cuộc triển lãm, sẽ giúp đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Và với thời gian, Trung tá Bertrand tin rằng cả Pháp lẫn Algeria sẽ chấp nhận giai đoạn lịch sử mà hai nước chia sẻ, để có thể hướng về phía trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét