Sáu câu hỏi của Lưu Hiểu Ba
Lưu Hiểu Ba - Phan Trinh dịch
Lời người dịch: Đây là bản dịch bài “A Deeper Look into Why Child Slavery in China’s ‘Black Kilns’ Could Happen” (Nguyên nhân sâu xa gây ra vụ trẻ em nô lệ tại các lò gạch đen Trung Quốc), in trong cuốn “No Enemies, No Hatred” (Không thù, không ghét) của Lưu Hiểu Ba, do Perry Link, Tienchi Martin-Liao và Lưu Hà biên tập, Vaclav Havel giới thiệu, nhà xuất bản Havard University Press phát hành tại Luân Đôn năm 2012. Tựa do người dịch đặt.
Khi Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa Bình ngày 10/12/2010 vì đấu tranh cho tự do và nhân phẩm, ông đang ở trong nhà tù Trung Quốc. Năm 2009, ông bị Bắc Kinh kết án 11 năm tù vì tội “kích động chống phá nhà nước”. Trong lễ trao giải Nobel ở Na Uy, một chiếc ghế trống được đặt thay chỗ cho ông.
Vụ “lò gạch đen” tại tỉnh Sơn Tây được khui ra vào đầu năm 2007, cho thấy hàng ngàn người nhập cư, người khuyết tật và trẻ em bị bắt cóc phải làm việc như nô lệ trong các lò gạch do thế giới ngầm khống chế. Họ bị giam giữ, làm việc ngày đêm, đói khát, không lương, không thuốc men, luôn bị cưỡng chế, đánh đập, có người bị đánh đến chết… trong một thời gian dài, trước sự làm ngơ của chính quyền các cấp. Lưu Hiểu Ba viết bài này vào ngày 16/7/2007, đặt ra 6 câu hỏi nhức nhối, mà câu trả lời dường như chỉ quy về một mối, có thể tóm tắt như sau:
Khi một nhóm tư nhân (chẳng khác gì một công ty tư, một băng đảng) nắm độc quyền chính trị trong tay, thì ưu tiên đầu tiêu của họ là duy trì quyền lực và lợi lộc, chứ không thể là chăm lo cho dân.
Họ trở nên “siêu hiệu quả” khi bảo vệ quyền lợi của mình, khi khống chế tiếng nói phản kháng, khi bắt người bất đồng, nhưng lại “siêu bất lực” khi giải quyết những vấn đề xã hội.
Nhân sự cầm quyền, ở mọi cấp độ, do nhóm này bổ nhiệm vì vậy sẽ tận tụy phục vụ bề trên, thay vì phục vụ nhân dân bên dưới.
Báo chí truyền thông trong tay họ cũng được ưu tiên dùng để tô vẽ hình ảnh đẹp đẽ của “trên”, còn phản ánh nỗi khổ của người dân thấp cổ bé miệng ở dưới chỉ là ưu tiên thấp.
Không chỉ kết hợp với giới kinh doanh, họ còn ăn nằm với thế giới ngầm, hai nhập một, trùm tội phạm ngồi trong Quốc hội, trong khi quan chức chính quyền lại bắt tay tội phạm để kiểm soát xã hội.
Nhân vụ lò gạch, Lưu Hiểu Ba nhắc tới nhu cầu phải thay đổi tận gốc hệ thống, có lẽ đó là lý do bài này là một trong các tài liệu được dùng để kết tội ông trong phiên toà năm 2009.
P. T.
Lưu Hiểu Ba - Đã gần hai tháng trôi qua từ khi tin tức từ Sơn Tây về nạn “trẻ em lao động nô lệ” tại các “lò gạch đen” làm chấn động dư luận Trung Quốc và thế giới. Vậy mà, trái với những bức xúc và đòi hỏi điều tra cấp bách của quần chúng; trái với việc quan chức nhà nước đưa ra hàng loạt những chỉ đạo, xin lỗi, phái cán bộ đến tìm hiểu; trái với với việc công an tiến hành điều tra rộng rãi; và trái với việc các quan chức Sơn Tây quyết tâm “giải quyết dứt điểm vấn đề nô lệ trong mười ngày”, kết quả thực của vụ việc vẫn chỉ mang tính chiếu lệ và hời hợt ngoài da.
Lao động nô lệ tại các lò gạch trở thành hiện tượng lan tràn trong thập niên trước, nhưng nếu chỉ nhìn vào các báo cáo chính thức thì hẳn người đọc sẽ nghĩ đó chỉ là vấn đề của một lò gạch tại thôn Thảo Thánh, thị trấn Quảng Thắng Tự, huyện Hồng Đỗng, tỉnh Sơn Tây mà thôi. Chỉ vài người bị kết án, và cáo buộc cũng chỉ rút xuống còn ba tội: giam giữ trái phép, cưỡng bức lao động, và cố ý gây thương tích. Những tội hình sự khác như bắt trẻ em lao động trái phép, dụ dỗ lừa đảo, bắt cóc, xâm hại trẻ em… bị gạt mất. Và bản án là gì? Đốc công lò gạch, Triệu Nghiêm Băng bị kết án tử hình và gã cai thầu Hành Đình Hán, người tỉnh Hà Nam, bị án tù chung thân. Những người khác bị tuyên án từ 18 tháng đến chín năm tù.(1)
Tuy nhiên, sự chiếu lệ và hời hợt của công lý trở nên lộ liễu tột cùng khi nhìn vào cách người ta xử lý các quan chức chính quyền liên quan. Vào ngày 16 tháng 7, chính quyền công bố danh sách quan chức đang bị điều tra, vì đã để vụ việc xảy ra do cẩu thả, hoặc vì đích thân dính líu. Mặc dù danh sách khá dài – 95 đảng viên và quan chức được liệt vào diện bị kỷ luật Đảng (thay vì bị tố cáo hình sự) – nhưng số lượng không bù được chất lượng. Toàn bộ danh sách đều là những cán bộ ở cấp thấp nhất. Ở vị trí cao nhất là vài người thuộc lớp cán bộ mà quần chúng gọi là những cán bộ “bé hạt mè” của huyện Hồng Đỗng, trong đó có Bí thư huyện ủy Cao Hoành Viễn, bị “nghiêm túc cảnh cáo”; Phó Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Tôn Diễm Lân, bị cách chức, và Phó Chủ tịch Uông Chánh Quân, bị “nghiêm túc cánh cáo” và cách chức.(2)
Hiện tượng những tội ác tày đình nhưng chỉ bị trừng phạt vừa sơ sài, vừa chậm trễ như vậy càng xát muối vào vết thương nạn nhân. Nó cho thấy sự xem thường tiếng nói phẫn nộ của dư luận, và sự bất chấp trắng trợn luật pháp và công lý. Dù các vị lãnh đạo cao nhất ở trung ương có hứa hẹn “lo cho dân” đến thế nào đi nữa, dù sự ân hận của ông Chủ tịch tỉnh Sơn Tây nghe thành thật đến đâu đi nữa, không lời lẽ ba hoa nào có khả năng nhổ bật rễ chính cái hệ thống đã tạo nên tình trạng lao động nô lệ tràn lan này, nó cũng không thể cứu chế độ Cộng sản khỏi phá sản về uy tín chính trị và tư cách đạo đức. Cụ thể hơn, cách chính quyền hành xử trong vụ này càng không thể biện minh được khi đứng trước sáu câu hỏi sau đây.
CÂU HỎI THỨ NHẤT: Tại sao nỗ lực của chính quyền trong việc giải cứu nô lệ trẻ em lại kém hiệu quả đến thế?
Vào ngày 5 tháng 6, một lời kêu cứu xuất hiện trên internet có tên “Lời kêu cứu của 400 ông bố: Ai sẽ cứu con chúng tôi?”. Lời kêu cứu viết: “Vụ tai tiếng lao động nô lệ ở Hồng Đỗng làm chấn động cả nước, nhưng đó chỉ là phần nhô lên của tảng băng, hơn 1000 trẻ em vẫn trong vòng nguy hiểm… hãy cứu lấy con cái chúng ta!”. Vậy mà nửa tháng sau, hầu hết các ông bố từ tỉnh Hà Nam này vẫn chưa tìm thấy con mình. Ngày 20 tháng 6, họ lại đăng trên mạng một kiến nghị khác, cho thấy sau các cuộc tìm kiếm, họ tìm thấy hơn 100 em trong cảnh tương tự, nhưng quê quán các em không ở Hà Nam, không phải con họ. Rõ ràng còn rất nhiều trẻ em khác cần được giải cứu và một số đã được chở đến những tỉnh xa. Các ông bố yêu cầu phải đẩy mạnh gấp đôi công cuộc tìm kiếm và phải mở rộng quy mô tìm kiếm trên cả nước.
Trong khi đó, dư luận tiếp tục đòi hỏi chính quyền phải có câu trả lời. Ngày 27 tháng 6, tờ Nam phương Đô thị báo đăng bài “Làm thế nào đảm bảo sẽ cứu hết các em?”. Bài báo viết:
“Làm thế nào để không nơi nào trên đất nước này nằm trong tay tội ác, và chúng ta sẽ giải cứu được tất cả nạn nhân, không trừ em nào? Nếu chỉ tin vào những lời có cánh của các quan chức tỉnh Sơn Tây thì sẽ chẳng đi đến đâu. Chính phủ phải tự xét lại mình, xã hội phải hỗ trợ thành khẩn hơn, và mọi công dân cần nâng cao ý thức hơn nếu chúng ta còn nuôi hy vọng giải cứu mọi nạn nhân trong vụ tai tiếng này – và quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta còn muốn môi trường xã hội tạo điều kiện cho tình trạng nô lệ xảy ra bị loại trừ tận gốc. Tất cả những biện pháp này đều bức thiết và thực tế hơn bất cứ những tuyên bố chính trị cao đạo nào.”
Vậy mà, khi tôi viết những dòng này vào giữa tháng 7, vẫn chưa có biện pháp nào mới để tìm kiếm trẻ mất tích. Số em được giải cứu, như truyền thông nhà nước thông báo, là xấp xỉ hơn 100 em, tức chỉ có 10 phần trăm trong hơn 1000 em mất tích. Từ vụ này, có thể thấy chính phủ toàn năng của ta, với tất cả những nguồn lực khổng lồ, đã không sẵn lòng đối đầu với thế giới ngầm Trung Quốc.
Nếu công cuộc tìm kiếm của hàng chục ngàn công an, bao trùm cả một khu vực chỉ mang lại kết quả ít ỏi như vậy thì chúng ta có thể tin gì nữa? Hay chúng ta phải tin rằng thế giới ngầm tội phạm quá mạnh, nằm ngoài vòng kiểm soát, hoặc – như tôi nghĩ – chính quyền đã không làm đúng chức năng cần thiết?
Ai cũng thấy chính quyền toàn trị hùng mạnh của chúng ta, kẻ nắm độc quyền mọi nguồn lực của xã hội, đã bộc lộ một nghịch lý kỳ quái về năng lực quản lý: khi phải bảo vệ quyền lực, khi theo đuổi đặc quyền đặc lợi, khi đè nén quyền tự do của dân chúng, khi theo dõi những người bất đồng chính kiến, khi kiểm soát báo chí truyền thông, khi chiếm dụng và chuyển đổi đất công thành tài sản riêng, hoặc khi ém nhẹm cho êm thắm các vụ tham nhũng…, thì chính quyền và quan chức nhà nước không chỉ cho thấy họ có năng lực, mà còn có siêu năng lực. Trong những việc vừa kể thì không gì qua mắt được họ, họ có thể điều cả một lực lượng công an đông đảo với xe cộ hùng hậu để chỉ bao vây một người bất đồng chính kiến. Nhưng để phục vụ nhân dân, đẩy mạnh công bằng, cải thiện phúc lợi, hoặc chống lại những tệ nạn xã hội, thì chính quyền và quan chức nhà nước không chỉ cho thấy họ bất lực, mà còn là siêu bất lực. Trong các lãnh vực này, họ chỉ giỏi làm ngơ, ngay cả với những vụ như trẻ em lao động nô lệ, cả khi thảm họa này tồn tại trên diện rộng trong một thời gian dài.
CÂU HỎI THỨ HAI: Tại sao quan chức chính quyền lại vô cảm, và không biết nhục đến thế?
Hãy nhìn lại những ồn ào quanh vụ lò gạch từ đầu đến nay: theo chỉ đạo của chính quyền trung ương do Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cầm đầu, chính quyền huyện Hồng Đỗng đã điều 11 đội công tác đến 12 tỉnh để gửi thư xin lỗi, trả lương còn thiếu và các khoản bồi thường đến tận tay người lao động nhập cư được giải cứu. Văn phòng cấp huyện của Ủy ban Kỷ luật Đảng đồng thời mở cuộc điều tra về sai phạm của cán bộ liên quan. Đến ngày 20 tháng 6, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo triệu tập Quốc vụ viện. Trong phiên họp này, Chủ tịch tỉnh Sơn Tây, ông Ư Ấu Quân, đã báo cáo kết quả điều tra chính thức của chính quyền tỉnh Sơn Tây. Ngày 22 tháng 6, tại Thái Nguyên, thủ phủ Sơn Tây, Bộ Bảo vệ Lao động Nhà nước, Bộ Công an, và Ban Công tác Liên ngành thuộc Liên hiệp Nghiệp đoàn toàn Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo và trong đó chủ tịch Ư Ấu Quân, đại diện cho chính quyền tỉnh, đã nói lời xin lỗi với những người lạo động nhập cư nạn nhân và gia đình của họ về vụ lò gạch, ông cũng tự kiểm điểm trước người dân trong tỉnh.
Giữa những diễn biến ồn ào này có một người, một nhà vận động độc lập, ông Vương Toàn Kiệt, một Đại biểu Quốc hội từ tỉnh Quảng Đông, đã đưa ra cách giải quyết vấn đề rốt ráo hơn. Ngày 28 tháng 6, ông Vương gửi cho Chủ tịch Ư Ấu Quân “Lời kêu gọi Giám đốc Sở Lao động và An sinh xã hội tỉnh Sơn Tây từ chức”. Ông viết:
“Trong những ngày qua, vụ “lò gạch” tại Sơn Tây đã làm chấn động cả nước… khiến dư luận thế giới lên án… Chủ tịch Sơn Tây Ư Ấu Quân đã phải xin lỗi nạn nhân và tự kiểm điểm trước nhân dân trong tỉnh. Nhưng các quan chức chính quyền ở ngay trung tâm của vụ tai tiếng, tức Sở Lao Động và An sinh xã hội Tỉnh Sơn Tây – những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ này – lại không hề hấn gì. Không một ai đứng ra nhận trách nhiệm hoặc nói lời xin lỗi. Chỉ thấy được vài lời “nghiêm túc kiểm điểm” của các sở lao động và công an, nhưng những lời này chỉ có tác dụng đùn đẩy trách nhiệm cho người khác mà thôi. Nhân dân chắc chắn sẽ thắc mắc: Tại sao một vụ bê bối lớn đến thế lại không có ai trong các sở ban ngành phụ trách lao động chịu trách nhiệm?… Tại sao đích thân người chịu trách nhiệm về “lao động và an sinh xã hội” trong tỉnh lại có thể thản nhiên và tự tin trở thành người chỉ đạo tất cả các cuộc giải cứu diễn ra sau đó? Điều 82 Luật Công vụ quy định rằng “những ai sai phạm nghiêm trọng trong công việc, hoặc xao lãng nhiệm vụ, hoặc giữ vai trò lãnh đạo chính trong sự việc, phải chịu trách nhiệm bằng cách từ chức khỏi vị trí lãnh đạo.” Việc từ chức như một cách nhìn nhận trách nhiệm là dấu hiệu rõ nét của một xã hội pháp trị. Niềm tin của công chúng chỉ có thể được phục hồi nếu bọn tham quan vô lại từ chức.
“Từ chức trong trường hợp này nên trở thành một quy trình chính trị chuẩn mực: nó cho thấy người quan chức tôn trọng công việc mình làm, trân trọng ý kiến quần chúng, và sẵn lòng chấp nhận sự giám sát của công dân mà mình phục vụ. Đó cũng nên là một phản xạ tự nhiên của bất cứ con người nào còn có chút liêm sỉ. Nhưng không, đàng này lại có những kẻ dùng tuyệt chiêu “mặt dày, tâm đen” vốn được dùng thường xuyên trong lịch sử Trung Quốc. Họ cứ trơ trơ trước bất cứ áp lực nào, cứ lì lợm trước bất cứ lời nguyền rủa nào của cả xã hội, cứ bám víu không rời vị trí “có chức là có quyền”. Họ không những không biết sợ ý kiến quần chúng, mà trong thâm tâm, cũng không còn cảm giác nhục nhã.
“Một lần nữa, tôi kêu gọi Giám đốc Sở Lao động và An sinh xã hội tỉnh Sơn Tây, người có trách nhiệm không thể chối cãi trong vụ tai tiếng lò gạch, phải đối diện với dư luận cả nước, phải có can đảm chấp nhận trách nhiệm, phải nhìn thẳng vào vấn đề và phục tùng nguyện vọng của công chúng. Ông chỉ có một cách để tôn trọng vai trò công bộc nhân dân, để cảm ơn đồng bào, để xin lỗi một cách cụ thể, đó là từ chức.”
Nhưng, đứng trước đòi hỏi kiên quyết như thế, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dư luận, tại sao vẫn chưa hề thấy bất cứ một quan chức cấp tỉnh nào từ chức? Tại sao chính quyền trung ương không can thiệp và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm? Tại sao báo đài và các phương tiện truyền thông nhà nước chỉ tập trung vào các lò gạch ở Sơn Tây mà không hề chú ý gì đến tình trạng vô trách nhiệm ở tỉnh Hà Nam lân cận, là quê quán của hầu hết các trẻ em bị bắt cóc làm nô lệ? Thật khó có thể không kết luận thẳng thắn rằng việc ông Chủ tịch Sơn Tây tự kiểm điểm và xin lỗi cũng chẳng có ý nghĩa gì, mà chỉ là một chiêu trò chiếu lệ và giả tạo.
Tại Sơn Tây, nơi ai nấy nhìn vào, chỉ có những cán bộ cấp thấp của huyện và thị trấn phải chịu hình phạt. Đảng viên và các quan chức chính quyền cấp cao hơn chỉ phải làm “kiểm điểm” mà thôi. Ngày 16 tháng 7, trang mạng chinanews.com cho biết Đảng ủy tỉnh Sơn Tây đã chỉ đạo cho Đảng ủy tại các thành phố Lâm Phần và Vận Thành phải “nghiêm túc kiểm điểm”. Tương tự, hệ thống nhà nước cũng bắt chước làm theo, chính quyền tỉnh Sơn Tây cũng chỉ đạo cho chính quyền các thành phố Lâm Phần và Vận Thành, cho Sở Lao động và An sinh xã hội tỉnh, cho Sở Đất đai và Tài nguyên tỉnh, cho Sở Công nghiệp và Thương mại tỉnh phải “nghiêm túc kiểm điểm”. Thế là các quan chức hàng đầu của các thành phố và cơ quan nhà nước này đã tự kiểm điểm trong các cuộc họp nội bộ quy tụ đông đảo các quan chức nhà nước khác. Tức là chỉ toàn là nói và nói.
Dĩ nhiên, người cần thú tội không chỉ là các vị ở Sơn Tây. Các quan chức cao cấp ở Hà Nam cũng cần làm tương tự. Gần hai phần ba số trẻ mất tích của 400 ông bố viết thư cầu cứu là các em quê quán ở Hà Nam. Việc có quá nhiều trẻ em mất tích lâu ngày đến thế cho thấy nạn buôn người đã lan tràn tại Hà Nam. Hà Nam chính là nơi cung cấp lao động nô lệ. Hơn thế nữa, khi các ông bố bà mẹ không tìm ra con mình sau nhiều ngày tìm kiếm – rồi bất chợt chúng được tìm ra, không nhờ lực lượng công an, mà nhờ các nhà báo – thì càng thấy rõ các cơ quan ban ngành công an cũng chí ít là mắc tội xao nhãng nhiệm vụ một cách nghiêm trọng, hoặc tệ hơn là cố tình làm ngơ, quay nhìn chỗ khác mặc cho tội phạm xảy ra. Những cơ quan công an này phải có trách nhiệm. Chủ tịch tỉnh Hà Nam, ông Từ Quang Xuân, ít nhất cũng như chủ tịch Sơn Tây Ư Ấu Quân, phải ra trước công chúng nói lời xin lỗi với các nạn nhân và gia đình các em.
Lý do chính khiến các quan chức ở mọi cấp độ tại Trung Quốc trở nên vô cảm và vô trách nhiệm là vì họ được bổ nhiệm bởi một hệ thống mà trong đó quyền lực công đã trở thành quyền lực riêng nằm trọn trong tay một nhóm tư nhân là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để bảo vệ quyền bính của nền độc tài một đảng và quyền lợi của nhóm đặc quyền chóp bu, Đảng đã nắm thật chặt quy trình bổ nhiệm và sa thải nhân sự tại mọi cấp độ. Trên thực tế, việc này đã cướp mất quyền lực từ tay người dân, đối tượng đáng lý phải được hành xử quyền lực này, và biến việc bổ nhiệm thành món hàng cho những cuộc trao đổi riêng tư trong nội bộ Đảng. Quyền lực của mọi quan chức ở mọi cấp độ đều không đến từ dưới, tức từ dân, mà đến từ trên, dọc theo cơ cấu tổ chức của nhóm tư nhân nắm độc quyền cai trị. Tình thế này dẫn đến lối hành xử gần như thành quán tính: ưu tiên đầu tiên của các quan chức là luôn luôn phục vụ bề trên (thực ra là phục vụ chính mình) chứ không phải phục vụ người dân bên dưới. Ưu tiên này không hề được che đậy, mà còn được phơi bày lộ liễu. Chẳng hạn như trong cuộc phỏng vấn ngày 5 tháng 7, 2007, trên tờ Cuối tuần Phương Nam, Chủ tịch Ư Ấu Quân đã nói về sứ mệnh của mình bằng những lời như sau: “Khi Đảng gửi tôi đến Sơn Tây, Đảng đã giao cho tôi một trách nhiệm nặng nề. Khi Quốc hội bổ nhiệm tôi làm Chủ tịch, Quốc hội đã đầu tư niềm tin rất lớn vào tôi. Bổn phận của tôi là bảo vệ lãnh thổ, giúp Trung ương Đảng gánh vác gánh nặng của mình, và làm giảm nhẹ những bức xúc của dân chúng.” Thật rõ ràng, ngay cả trong ngôn ngữ, người dân luôn chỉ đứng cuối cùng.
Không chỉ không có bất cứ quan chức cấp tỉnh nào từ chức, cũng không hề thấy một vụ từ chức nào của các quan chức huyện Hồng Đỗng hoặc thành phố Lâm Phần – những người chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ tai tiếng lò gạch. Cũng chẳng có quan chức ngành công an nào của Hà Nam hay Sơn Tây, những kẻ đã bỏ ngoài tai các báo cáo về trẻ em mất tích suốt một thời gian dài, đứng ra chịu trách nhiệm. (Một vài ông trưởng công an địa phương có bị điều tra, nhưng cũng chỉ có thế rồi thôi.) Hệ thống tư pháp – một công cụ độc quyền khác của Đảng – luôn luôn cho thấy sự hữu hiệu khi xử lý người dân, nhưng lại hoàn toàn vô hiệu khi phải đối đầu với liên minh chính quyền và thế giới ngầm.
CÂU HỎI THỨ BA: Tại sao phải mất quá lâu trước khi người ta biết đến một vụ tai tiếng lớn như vậy?
Trong bất cứ quốc gia văn minh nào, câu chuyện về trẻ em lao động như nô lệ sẽ là tin tức hàng đầu, ngay cả khi chỉ có vài người liên quan, huống gì khi có tới hơn cả ngàn người. Thế mà ở Trung Quốc, trong khi tin tức từ Sơn Tây gây chấn động trên thế giới, thì tựa đề các bài báo trong nước vẫn chỉ đầy dẫy các vụ đi đây đi đó của nhóm lãnh đạo Cộng sản chóp bu. Tường thuật tin tốt lành và phổ biến chủ trương nhà nước vẫn là công việc chính của báo chí truyền thông Trung Quốc. Ban Tuyên truyền của Đảng ở các cấp, và các cơ quan như Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản chuyên trách các vấn đề ý thức hệ, là những đơn vị phải chịu trách nhiệm trong vụ này. Đó là những con chó săn chuyên sục sạo giới báo chí truyền thông, buộc họ phải trở thành miệng lưỡi của Đảng, cùng lúc, cướp mất của dân chúng quyền được thông tin và cướp mất của nhà báo quyền được viết trung thực.
Không có quyền tự do để viết trung thực, báo chí truyền thông, sau một thời gian, trở thành công cụ của chế độ trong âm mưu bưng bít thông tin và giữ dân chúng trong vòng ngu dốt. Như vụ lò gạch cho thấy, việc bưng bít thông tin đã dẫn tới thảm họa. Nhưng khi thảm họa xảy ra rồi thì Đảng lại thọc tay vào báo chí truyền thông và nhào nặn để biến thủ phạm ác ôn thành người hùng cứu nhân độ thế, biến chính quyền hành dân thành chính quyền thương dân, biến các vụ xử lý hậu quả thành các thành tích chính trị. Hàng loạt các tựa bài mỹ miều được dùng để che đậy những sai phạm đầy dẫy của chế độ. Vì vậy, khi vụ việc gây chấn động ở Sơn Tây được phơi bày, thì phóng sự về tình trạng và số phận của trẻ em nô lệ đã bị gạt ra ngoài, nhường chỗ cho các phóng sự về ông Hồ Cẩm Đào, ông Ôn Gia Bảo và các quan chức cao cấp khác đang chỉ đạo này kia. Câu chuyện về các ông bố bà mẹ đi tìm con cũng phải nhường chỗ cho câu chuyện về công cuộc giải cứu của chính quyền địa phương. Cuối cùng thì sự độc quyền truyền thông của chế độ lại một lần nữa làm được phép lạ: lời nói và việc làm của các quan chức chính quyền cấp cao và cấp thấp trở thành sự kiện truyền thông, trở thành trung tâm của sự chú ý, trong khi tiếng nói của những nạn nhân, nếu có may mắn lọt ra ngoài, chỉ được xuất hiện trên Internet.
CÂU HỎI THỨ TƯ: Tại sao không ai làm gì để chấm dứt các hoạt động kinh tế ngầm ở Trung Quốc, mặc dù nó khiến người lao động nhập cư bị bóc lột và gây ra nạn lao động trẻ em, bắt cóc trẻ em?
Việc lạm dụng lao động nhập cư, kể cả trẻ em, đang tăng dần. Nhiều vụ mới liên tục xuất hiện. Tình trạng này không chỉ tiếp diễn, mà còn mỗi ngày một thêm trầm trọng. Đơn giản là vì càng thấy những tội ác tương tự bị làm ngơ thì tội ác càng trở nên hấp dẫn đối với các doanh nhân vốn lợi dụng kẻ yếu để làm giàu, và cho các nhóm lợi ích, gồm cả các quan chức tham nhũng, kẻ đứng sau lưng đám doanh nhân, che ô dù cho họ để được bù lại một phần miếng bánh lợi nhuận. Quan chức chính quyền che đậy việc mình làm bằng những mỹ từ như “phát triển kinh tế địa phương” và “bảo vệ trật tự công cộng”. Nhưng sự thật là tại Trung Quốc, thế giới ngầm và chính quyền đã ăn vào nhau và nhập thành một. Có thể nói, các phần tử tội phạm đã được quan chức hóa, và các quan chức đã được tội phạm hóa. Một số ông trùm của thế giới ngầm đang giữ các chức danh trong Quốc hội hoặc trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân, trong khi các quan chức dân sự lại lệ thuộc vào thế giới ngầm để kiểm soát xã hội.(3)
Quan chức chính quyền và thế giới ngầm cũng có chung trách nhiệm về những vi phạm trắng trợn kia và về cả vỏ bọc chính trị đang bảo vệ họ – thế nhưng chính quyền trung ương lại dường như không có công thức nào để khống chế bất cứ điều gì. Không ai biết chính quyền trung ương không thể can thiệp hay không muốn can thiệp, nhưng dù gì đi nữa thì nó đã không can thiệp – và nhờ vậy mà sự móc ngoặc giữa thế giới ngầm và chính quyền đã diễn ra không hề bị cản trở ở nhiều địa phương. Điều này khiến ta phải thắc mắc không biết ở cấp độ cao nhất của chính quyền, tình trạng tương tự có xảy ra hay không.
CÂU HỎI THỨ NĂM: Làm thế nào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp lại có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước tình trạng lạm quyền xấu xa đến thế?
Theo luật, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Khoảng 3000 đại biểu được giao trách nhiệm giám sát mọi nhánh hoạt động của chính quyền, và đại biểu của tất cả các Hội đồng Nhân dân cấp dưới, với tổng số khoảng 3 triệu người, cũng có trách nhiệm tương tự tại cấp độ của mình. Tại sao, với rất ít ngoại lệ, số đại biểu đông đảo này lại kém hiệu quả đến thế?
Báo chí kể câu chuyện về một Đại biểu Quốc hội duy nhất từ Hà Nam, suốt 9 năm trời đã làm tất cả những gì có thể về vụ lò gạch. Nhưng ông chỉ có một mình, không có bất cứ ai của Quốc hội, hay của các Hội đồng Nhân dân các cấp cộng tác với ông. Ai cho phép các Đại biểu Quốc hội vừa hành xử như thế vừa tự xưng mình là cơ quan thể hiện ý nguyện của nhân dân, và làm thế nào các Đại biểu nhân dân lại có can đảm nói rằng họ “đại diện” cho bất cứ ai?
Trong hệ thống chính trị Trung Quốc, sự thiếu giám sát của Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân đi song song với sự lạm quyền của các cơ quan nhà nước. Sự cộng sinh này có được là do Quốc hội, hay Hội đồng Nhân dân, và chính quyền có chung một nguồn gốc, đó là quyền lực độc tài của Đảng. Cả hai đối tượng đều có chung ưu tiên hàng đầu là phục vụ quyền lực kia, chứ không phải phục vụ nhân dân.
Nông dân chiếm 80 phần trăm dân số nhưng chỉ có 20 phần trăm ghế đại diện tại Quốc hội, trong khi thị dân, chiếm 20 phần trăm dân số, lại có số ghế bốn lần hơn. Nhưng sự chênh lệch này cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì thực ra có ai được đại diện đúng nghĩa đâu. Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm Chủ tịch Quốc hội, và Bí thư Đảng cũng là Chủ tịch các Hội đồng Nhân dân tại mọi tầng cấp bên dưới. Hơn 70 phần trăm Đại biểu Hội đồng Nhân dân đều là Đảng viên hay quan chức nhà nước.
Vì mọi quyền lực của Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân đều đến từ Đảng, nên các Đại biểu trở thành những kẻ a dua, tán thành không suy nghĩ trong bàn tay quyền lực của Đảng. Và khi các “Đại biểu nhân dân” tại mọi cấp độ đều là các quan chức nhà nước – từ Thủ tướng, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch thành phố, Giám đốc sở, Chủ tịch huyện, Chủ tịch thị trấn, Chủ tịch xã, cho tới mọi cấp độ bên dưới nữa – thì làm thế nào để họ “giám sát” việc sử dụng quyền lực mà họ đang nắm giữ trong tay? Không hề có sự phân biệt tách bạch nào giữa quyền hành chính và quyền giám sát. Uông Đông Di là ví dụ điển hình. Uông là cha của chủ lò gạch tai tiếng Vương Bân Bân ở thôn Thảo Thánh, thị trấn Quảng Thắng Tự, huyện Hồng Đỗng, thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây. Ông có quyền hành chính với tư cách là Bí thư Đảng tại thôn Thảo Thánh, và quyền “giám sát” với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Hồng Đỗng.
CÂU HỎI THỨ SÁU: Tại sao, từ khi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên cầm quyền, Trung Quốc lại chứng kiến hàng loạt các thảm họa, mặc dù tất cả đều có thể xử lý được trước khi vượt quá tầm kiểm soát?
Ví dụ về thảm họa có nhiều: Khủng hoảng bệnh SARS năm 2003; vụ ô nhiễm nước sông Tùng Hoa năm 2005; hàng loạt vụ hoảng loạn liên tiếp năm 2006 về thực phẩm nhiễm độc và thuốc giả… Mẫu số chung cho tất cả các thảm họa này là quyền lực độc tôn của một chế độ toàn trị, chế độ ấy làm ngơ không hành động và rồi xoay sở mọi cách để che đậy sự vô dụng của mình. Nếu không có nỗ lực của các công dân có lương tâm – họ phổ biến thông tin trên Internet, mà nhà nước không thể ngăn chặn hết được, và qua đó đưa vấn đề ra ánh sáng, tạo áp lực buộc chính quyền Hồ-Ôn phải hành động – thì hậu quả của các khủng hoảng kia còn trầm trọng hơn nữa. Internet thực sự là món quà Thượng Đế dành cho người dân Trung Quốc.
Đặc biệt trong vụ lò gạch này, chế độ Hồ-Ôn không thể nào đùn đẩy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nào “khác” mình được, vì chính quyền địa phương chẳng qua chỉ là tạo vật của chính quyền trung ương mà thôi. Lập luận cho rằng thông tin bị “che đậy”, hoặc “không nhận được” là hoàn toàn không thuyết phục. Câu chuyện sau đây là một ví dụ:
Ngày 8 tháng 3, 2007, bà Tại Ái Tri, sống tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, lên đường đi tìm đứa con 15 tuổi tên Vương Hâm Lỗi. Cuối tháng đó, bà và phụ huynh một trẻ mất tích khác, đến từ huyện Mạnh ở Hà Nam, cùng đi Sơn Tây tìm con. Họ đến hơn 100 lò gạch nhưng không tìm thấy con. Đến đầu tháng 4, bà Tại lại đi Sơn Tây lần nữa, lần này cùng với năm phụ huynh có con mất tích khác, nhưng thêm một lần nữa, họ không tìm thấy gì.
Đến ngày 9 tháng 5, phóng viên Phó Chân Chung của Đài Truyền hình Hà Nam theo chân sáu phụ huynh kia trong chuyến thứ ba của họ đến Sơn Tây. Phóng viên Phó bí mật quay cảnh lao động tại lò gạch và hoàn thành một phim tài liệu truyền hình có tên “Tàn ác, lời không thể tả, trầm trọng, thước không thể đo.” Sau khi phóng sự được phát hình, hơn 1000 phụ huynh đã liên hệ với Đài Truyền hình yêu cầu giúp đỡ. Ngày 5 tháng 6, một bài viết xuất hiện trên Internet, tại Diễn đàn Đại Hà, tỉnh Hà Nam, dưới tiêu đề “Thế giới ngầm lại hoành hành! Lời kêu cứu tuyệt vọng từ 400 ông bố có con bị bán vào các lò gạch tỉnh Sơn Tây”. Đến ngày 10 tháng 6, bà Tại Ái Tri gửi thư cầu cứu đến Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Chỉ sau khi những việc vừa kể gây xôn xao thì báo đài, truyền thông toàn quốc mới bắt đầu chú ý đến vấn đề lao động nô lệ tại các lò gạch. Ba tháng tròn trôi qua uổng phí, kể từ 18 tháng 3 đến 15 tháng 6, ngày chế độ Hồ-Ôn cuối cùng mới đưa ra được vài chỉ thị liên quan.
Đáng nổi đóa hơn nữa nếu tính đến việc này: Ngay từ rất sớm, từ năm 1998, tức chín năm trước khi các phụ huynh ở Hà Nam hành động, Chủ tịch thị trấn, ông Trần Tiên Giáo, thị trấn Tân Quan, Hà Nam, Đại biểu Hội đồng Nhân dân Hà Nam, đã tìm hiểu về vấn đề trẻ em lao động nô lệ tại các lò gạch tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc và các nơi khác. Ông Trần đã giải cứu hàng trăm lao động bị bắt làm nô lệ, trong số có nhiều trẻ em. Sau đó, thấy quy mô của vấn đề quá lớn, ông đã quyết định cầu cứu chính quyền trung ương. Ngày 8 tháng 9, 2006, ông viết thư cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề nghị phải có một dự án tổng thể trên phạm vi toàn quốc để giải quyết một lần tận gốc vấn đề lao động nô lệ tại các lò gạch.
Nhưng lá thư của đại biểu Trần mất hút như hòn đá rớt xuống biển. Ông không nhận được bất cứ trả lời nào từ Ôn Gia Bảo, hay bất cứ ai. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu ông Ôn ngay thời điểm nhận thư đã ra tay làm điều gì đó. Rất có thể là việc đưa các lò gạch vi phạm ra ánh sáng, việc phá vỡ các băng đảng điều hành chúng, việc giải cứu các lao động nô lệ, việc kỷ luật các quan chức vô trách nhiệm, tất cả đã có thể diễn ra ít nhất sáu tháng trước thực tế. Thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho các quan chức cấp thấp hơn, nên chăng chế độ Hồ-Ôn phải xin lỗi nạn nhân vì sai phạm của chính họ trong việc không trả lời thư của người Đại biểu nhân dân kia? Và nếu đây là cách họ ứng xử với thư cầu cứu của một đại biểu nhân dân có vị trí uy tín như thế, thì chúng ta có thể nói gì về cách họ xử sự khi nhận được kiến nghị của những người dân bình thường?
Vở diễn yêu thích của chế độ Hồ-Ôn từ ngày lên nắm quyền chính là vở “chúng-tôi-yêu-nhân-dân”. Họ hát rằng: Này, chúng tôi đã bãi bỏ luật lệ giam giữ tùy tiện gọi là luật “tạm giữ rồi trả về”, chúng tôi đã thay đổi hệ thống bao che trong vụ SARS, chúng tôi đã đưa “nhân quyền” vào hiến pháp, chúng tôi đã hủy bỏ thuế nông nghiệp, chúng tôi đã ngược xuôi khắp nước chứng tỏ sự quan tâm, đã giúp người lao động nhập cư có đồng lương hợp lý hơn, đã giúp nông dân bán được vụ đào, chúng tôi đã đón giao thừa trong hầm mỏ, đã đi giày cũ, đã khóc nhiều lần trước nỗi khổ của người dân, vân vân và vân vân. Sau một thời gian, nhờ nắm độc quyền báo chí và truyền thông trong tay, một nền báo chí và truyền thông ra rả tường trình công việc của họ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, cuối cùng thì họ cũng xây dựng được một hình ảnh nhất định về việc chăm sóc nhân dân. Nhưng, hình ảnh này là thứ họ mang trên mặt, trước ống kính truyền hình. Sự vô cảm của họ nằm sâu trong xương, và qua những vụ làm ăn diễn ra trong chiếc hộp đen bí mật.
Nói cho cùng thì họ chính là những thành viên cao cấp nhất của nhóm cai trị tư nhân trên cả nước, và ưu tiên thứ nhất của họ phải luôn luôn là bảo vệ quyền lợi – quyền lực và đặc lợi – đã có của nhóm tư nhân này. Họ không thể nào thực sự đặt ý dân lên thành ưu tiên một, hoặc đưa nỗi khổ của dân, quyền lợi chung của dân lên hàng đầu. Đối với họ, công tác đầu tiên của báo chí truyền thông là phải nêu bật những thành tích chính trị của Đảng, và tô vẽ mọi sự dưới một thứ ánh sáng chói lọi nhất có thể. Thật không thể tưởng tượng được ngày nào đó báo chí truyền thông trở nên độc lập, khám phá và phơi bày hết vấn đề này đến vấn đề khác. Vụ trẻ em lao động nô lệ trong các lò gạch, thêm một lần nữa, minh họa cho sự điêu ngoa trong lời tuyên bố đạo đức giả về việc “đi đến tận cùng sự việc”, hoặc “lấy dân làm gốc”.
Lý do khiến chế độ vô cảm đến thế không phải vì những con người trong chế độ ấy đều vô cảm, lạnh lùng. Vấn đề nằm ở chỗ chính hệ thống độc tài toàn trị là một hệ thống tàn nhẫn. Hệ thống này không thể tự điều chỉnh để tôn trọng sự sống hoặc cổ xúy cho nhân quyền. Một nhóm lãnh đạo đặt việc duy trì quyền lực độc tôn của mình làm ưu tiên cao nhất thì không thể xoay chiều để đặt sự sống còn của người dân, hoặc của trẻ em, lên vị trí cao hơn được. Nói cho cùng, chính vì hệ thống không hề đối xử với con người như những con người, nên những vụ việc dựng tóc gáy như trên mới có thể xảy ra. Quyền lực toàn trị lạnh lùng như băng giá. Nó buộc con người phải tập trung vào quyền lực và chỉ quyền lực mà thôi, và điều này làm cho sự cảm thông ấm áp giữa người với người không còn chỗ đứng.
Lịch sử cai trị của Đảng Cộng sản tại Trung Quốc cho thấy họ trung thành triệt để với lề lối toàn trị này. Trừ khi hệ thống thay đổi tại Trung Quốc, những thảm họa như vụ lò gạch sẽ chẳng bao giờ bị bứng tận gốc rễ; thực ra, ngay cả cành lá của cây thảm họa này cũng khó lòng mà rớt xuống, nói chi đến gốc rễ.
Viết tại nhà ở Bắc Kinh, 16 tháng 7, 2007.
(Phổ biến lần đầu trên Ren yu renquan (Người và quyền con người) số 8, 2007. Bản dịch từ Trung văn của Perry Link(4))
L. H. B.
Dịch giả gửi trự tiếp cho BVN.
Chú thích:
(1) Vụ lò gạch đen ở Sơn Tây xảy ra năm 2007, thì năm 2009, một vụ tương tự lại xảy ra ở An Huy. Tham khảo tại đây: http://www.anninhthudo.vn/Quoc-te/Lo-gach-den-va-nhung-toi-ac-kho-dung/348931.antd.
Một số quan chức bị kiểm điểm trong vụ Sơn Tây sau đó lại được trọng dụng ở nơi khác, ít lâu sau. Hiện tượng này không hiếm thấy. Tham khảo tại đây: http://dantri.com.vn/c12/s36-326906/khong-the-che-mat-nhan-dan.htm
(2) Tử tội Triệu Nghiêm Băng [Zhao Yanbing] tự thú đã giết hại một công nhân tâm thần làm việc tại lò gạch. Tham khảo: http://www.theage.com.au/news/world/china-strikes-back-at-brickyard-slavery/2007/07/17/1184559787575.html
(3) Ở một đoạn khác trong cuốn “No Enemies, No Hatred”, trang 214-215, Lưu Hiểu Ba còn cho biết:
“Cuộc hôn nhân giữa chính quyền và giới kinh doanh là điều đã rõ ràng, ai cũng biết, nhưng trong thời gian gần đây, chúng ta còn thấy sự liên minh giữa chính quyền và thế giới ngầm nữa. Ở một số địa phương, liên minh này khắng khít đến nỗi không thể phân biệt được ai với ai. Thế giới ngầm hối lộ để mua chuộc chính quyền, và chính quyền mượn tay thế giới ngầm để kiểm soát những người chống đối. Quan chức Đảng ngày càng ứng xử như những bố già trong thế giới ngầm, họ bác bỏ mọi chỉ trích hay bất đồng. Họ có thể dùng guồng máy quyền lực của nhà nước để cắt cổ bạn, và dùng thủ đoạn của thế giới ngầm để bịt miệng bạn.”
(4) Bản dịch của Perry Link có lẽ gần nguyên bản hơn, còn nhiều đoạn mang văn phong Trung Quốc, trong khi bản dịch của J. Latourelle có tính phỏng dịch hơn. Tham khảo: http://www.hrichina.org/crf/article/3201
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét