23 tháng 7, 2012

Quần đảo Hoàng Sa– Trường Sa (Paracels) thế kỷ XVII-XIX qua nguồn tư liệu phương Tây-Kỳ 7


Quần đảo Hoàng Sa– Trường Sa (Paracels) thế kỷ XVII-XIX qua nguồn tư liệu phương Tây-Kỳ 7
07:44, Thứ Sáu, 18/5/2012
Tác giả người Ý Adriano Balbi, trong cuốn sách Abrégé de Gesographic (Sách tóm tắt về Địa lý, Paris, 1838), ở mục “Đế quốc Annam hay Việt Nam, trang 768, khi nói về lãnh thổ quốc gia này, đã viết: “Quần đảo Paracel (Hoàng Sa) gồm có những đảo nhỏ mà các cư dân vẫn thường xuyên lui tới.” Điều đáng lưu ý là ở mục "Trung Hoa", Balbi có nói đến tất cả các đảo của nước này, kể cả đảo Hải Nam mà không hề nhắc tới quần đảo Paracels hoặc một tên nào tương tự.
Một tác giả khác lúc đó là Tiến sĩ Butzlaff, hội viên của Hội Địa lý Hoàng gia Luân Đôn, đã biên soạn một tác phẩm nhan đề “Geograhpy of the Cochin-chinese Empire”, trong đó có nói đến quần đảo Hoàng Sa. Cuốn sách này đã được Sir G.Staunton thông báo và đọc trong buổi sinh hoạt khoa học của Hội ngày 27-11-1848, và sau đó được đăng tải trên tờ tập san của Hội “The Journal of the Royal Geographical Society of London”, xuất bản tại Luân Đôn năm 1849, quyển thứ 19, phần I. Đoạn miêu tả về Hoàng Sa như sau:

“Đáng lẽ chúng tôi không cần kể ra ở đây quần đảo Paracels (Katvang) ở cách bờ biển xứ Annam khoảng chừng 15-20 dặm, trải rộng giữa các vĩ tuyến 15º-17º vĩ độ Bắc, và 111º-113º kinh độ Đông, nếu nhà vua xứ Cochi – China đã không đòi quyền sở hữu của mình đối với các đảo đó, với nhiều đảo và các bãi đá ngầm rất nguy hiểm cho những nhà hàng hải. Chúng tôi không xác định được là liệu có phải dải san hô hay một nguyên nhân gì khác đã làm cho các bãi đá đó cứ lớn dần lên, nhưng chỉ dám nói rằng hàng năm các đảo nhỏ đó cứ ngày càng cao lên và một vài đảo trong số đó hiện nay đã có người ở thường xuyên, mặc dầu rằng chỉ mới vài năm trước đây, sóng bạc đầu đã vỗ đạp mạnh qua các đảo nhỏ đó. Những đảo nhỏ đó thật ra sẽ không có giá trị gì, nếu như nghề đánh cá ở đây không phồn thịnh, đã bù đặp được cho những nơi gian khổ của những người mạo hiểm đi biển. Từ lâu rồi, các thuyền bè phần lớn từ Hainam, hàng năm đã đến các bãi đá ngầm này, tiếp tục đi xa cho đến tận đảo Borneo. 



Bản đồ Việt Nam do chuyên gia Hà Lan vẽ năm 1594 có ghi rõ Hoàng Sa của Việt Nam

Mặc dù hơn 10% số thuyền đó hàng năm đã bị đắm, số lượng cá đánh bắt được đã rất nhiều để có thể bù đắp được mọi mất mát, mà vẫn còn để lại một số lời rất lớn. Chính phủ Annam nhận thấy được lợi ích có thể đem lại được nếu như dựng lên một ngạch quan thuế và một đội quân nhỏ đồn trú tại chỗ để thu thuế đối với tất cả những ai đến đó, và để bảo vệ những dân chài của nước họ. Một sự giao dịch đáng kể đã dần dần được thiết lập, và hứa hẹn một đà tăng trưởng quan trọng vì rất nhiều cá đã đến đẻ trứng tại các bãi ấy. Một vài đảo có những cây cỏ cằn cỗi, nước ngọt thì thiếu thốn, và những thủy thủ mà không chú ý mang nước theo để uống thì thường là phải lâm vào cảnh khốn đốn lớn (tr.93).

Ở đây, chúng ta chú ý mấy điểm:

1. Các thuyền đánh cá các nước từ lâu đã qua lại khu vực Hoàng Sa.

2. Nhà Nguyễn tuyên bố chủ quyền của mình ở quần đảo đó.

3. Chủ quyền của nhà Nguyễn thể hiện: có đội tàu thuyền tuần tiễn, có đội quân đồn trú và thiết lập ngạch thuế quan đối với các tàu bè đi qua, bị đắm hoặc dân chài đánh cá ở Hoàng Sa.

Năm 1850, M.A. Dubois de Francigny, cựu phái viên của chính phủ Pháp ở Trung Quốc và Đông Dương, cựu đại úy, đã dựa trên sự hiểu biết của mình và tham khảo những tác giả trước đó, đặc biệt là có Taberd, để viết một cuốn sách nhan đề “Nhật Bản, Đông Dương, đế quốc Miến Điện (Ava), Siam, Annam (hay Cochinchine), bán đảo Mã lai…” in trong bộ “L’univers histoire et description de tous les peuples. Trong phần “Annam ou Empire Cochinchinois”, có đoạn viết: “…Trước hết, chúng tôi cho rằng phải cố gắng làm sáng tỏ địa lý chính trị của nước này, bằng cách nên dựa vào những sự hiểu biết địa phương, kinh nghiệm lâu dài và những sự nghiên cứu đặc biệt của giám mục Taberd. 

Chúng tôi không dựa vào việc kể ra đây những hòn đảo chính, thuộc xứ Cochinchina, chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng đã từ 34 năm nay [tức từ 1816 đến 1850], quần đảo Paracels (mà những người Annam gọi là Cát Vàng), thật là một chốn mê cung chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát, thực sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể kể đến trong số những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất của địa cầu, quần đảo đó đã bị các người xứ Đàng Trong (Cocinchinois) chiếm giữ. Chúng tôi không rõ họ đã có đặt một cơ sở nào không (có thể với mục đích là bảo vệ công việc đánh cá), nhưng chắc chắn rằng nhà vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đóa hoa độc nhất vô nhị đó vào chiếc vương miện của ông, bởi vì ông đã xét thấy cần thiết phải đích thân chiếm lấy quần đảo đó, và chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo cờ xứ Đàng Trong trên mảnh đất đó (tr.555).

Cũng trong cuốn sách này, Francigny đã mô tả lại lực lượng hải quân hùng mạnh của vua Gia Long ở vùng biển Đông:

“Hạm đội bao gồm những pháo thuyền mang theo từ 16 đến 22 khẩu đại bác, những thuyền lớn có từ 50 đến 70 mái chèo với những khẩu đại bác nhỏ, và vào khoảng 500 thuyền nhỏ hơn với 40 hoặc 44 mái chèo…” (tr.577). Chính lực lượng hải quân này của Gia Long đã tham gia công cuộc bảo vệ bờ biển cũng như tuần tiễn ở vùng biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa như đã nói ở trên.

Cuối cùng, phải kể đến một cuốn sách viết về Việt Nam có nói đến Hoàng Sa, đúng vào lúc thực dân Pháp bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam, lúc này là phần đất Nam Kỳ (1862). Đó là cuốn “Tableau de la Cochinchine” (Paris, 1862), xuất bản dưới sự bảo trợ của “Hội dân tộc học phương Đông và châu Mỹ”, 2 tác giả là E.Cotambert (Phó Chủ tịch Hội dân tộc học) và Leson de Rosny (thư ký thường trực Hội dân tộc học).

Trong phần thứ nhất: Địa lý hình thể, dân tộc học và chính trị của xứ Đàng Trong, E. Contambert khi nói về biển và bờ biển của xứ này, sau khi kể tên nhiều hòn đảo của Việt Nam, đã viết: “Xa nhiều hơn bờ biển, đối diện với Huế là quần đảo Paracels hay Kát vàng, có đầy bãi đá ngầm. Cuối cùng, là những dải cát đang ghê sợ Macclesfield nằm ở phía Đông Paracels” (tr.7).

Chúng ta thấy rằng đến đây, E. Cotambert đã: 
a. Khẳng định Hoàng Sa là một quần đảo thuộc Việt Nam (mà ông ta gọi là xứ Cochinchine). 

b. Tách Hoàng Sa riêng biệt, không những với Trường Sa mà cả với nhóm đảo Macclesfield, nhóm này cũng được coi là thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Trong nửa sau thế kỷ XIX, khi Pháp tiến hành một cuộc xâm lược Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn (lúc này là vua Tự Đức) đã có một sự thay đổi chính sách đối với vùng biển Đông. Lúc này, trước áp lực quân sự của thực dân Pháp, Tự Đức không còn đủ sức để mở rộng vùng kiểm soát tới các vùng ngoài khơi xa – trong đó có quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa như thời Gia Long và Minh Mạng nữa, mà chủ trương quanh trở về phòng thủ kỹ vùng bờ biển và các hải cảng, nhất là với các tàu thuyền phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức và sau đó phần nào là Nhật Bản.

Về phía Pháp, sau khi chinh phục và đô hộ ba nước Đông Dương, đã tăng cường sự chú ý của mình đối với vùng biển Đông, bằng cách tổ chức những cuộc thăm dò, thám sát khoa học vùng biển này, các đảo và quần đảo. Sau một loạt các cuộc khảo sát hàng hải những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỉ XIX, năm 1894, Sở hải đồ Hải quân (Service hydrographique de la Marine) của Pháp đã cho xuất bản hai tập sách chỉ dẫn chi tiết về hàng hải, nhan đề Intructions nautiques sur de Chine (Paris, 1894). Trong đó, từ trang 72 đến trang 83 có những chỉ dẫn chi tiết về quần đảo Hoàng Sa (Iles et récifs Paracels) mà các tác giả cho là ở “ven con đường biển khơi” (bordant la route du large). Theo đó, lúc này người ta đã phân liệt 2 nhóm đảo chính Croissant và Amphitrite, các bãi đá Rescifs Discovery, Vuladore, Bombay, rồi các khu đá ngầm Réclifs du Nord (Bắc), đảo Loncoln (Đông) và đảo Triton (Tây Nam). Đây chính là cơ sở khoa học đầu tiên cho việc nghiên cứu các đảo này.

Năm 1895-1896, một loạt các tàu đã bị đắm ở khu quần đảo Hoàng Sa như tàu Miriana của Đức đắm năm 1896. Có 2 vụ đắm tàu đã gây tranh cãi sôi nổi. Trong cuốn sách “À propos des Îles Paracels” (Sài Gòn, 1929) tác giả P.A Lapicque đã tường thuật như sau: “Trong số nhiều vụ đắm tàu xảy ra ở quần đảo Paracels, có hai vụ, một tàu hơi nước của Đức “Le Bellona” vào năm 1895 trên bãi đá phía Bắc, và một tàu của Nhật Imegi Maru vào năm 1896 trên nhóm đảo Amphitrite đã gây ra nhiều tranh cãi mà chẳng cần nhắc lại ở đây.

Hai tàu hơi nước đó chở kim loại đồng được công ty Anh bảo hiểm. Cuộc cứu hộ thất bại và xác tàu bị bỏ rơi. Những người Trung Hoa từ Hải Nam dùng thuyền buồm và thuyền tam bản đến cướp bóc và mang đồng về đảo Hải Nam. Công ty bảo hiểm lúc đó can thiệp đến bộ trưởng Anh Quốc ở Bắc Kinh và lãnh sự của họ ở Hoihow, muốn rằng các quan chức địa phương phải chịu trách nhiệm. Những người này phản đố, trình bày rằng quần đảo Paracels không thuộc Trung Hoa, rằng về mặt hành chính, nó không gắn với một huyện nào của đảo Hải Nam và chối bỏ mọi trách nhiệm” (tr.47).

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Paul Doumer có phúc trình lên chính phủ Pháp đề nghị xin đặt một trạm hải đăng ở quần đảo Paracels.

Theo tác giả H.Cucheroument đăng một loạt bài với nhan  đề “La question des Îles Paracels, les droits de l’Annam sur ler Îles Paracels et les devoirs du Gouvernement Protecteur” trong tờ L’eveil économique de l’Indochine (Hanoi, 1929, NO 606, 622, 623, 627), thì tầm quan trọng của Hoàng Sa ở vùng biển Đông lúc đó như sau:

- Trạm cho thủy phi cơ lộ trình Hongkong – Đà Nẵng – Sài Gòn.

- Điểm tựa chiến lược cho tàu ngầm khi có chiến tranh.

- Trạm thông báo khí tượng thủy văn.

- Là nơi tránh gió lớn cho các tàu đánh cá.   

Tuy nhiên, dự án của P.Doumer đã không được thực hiện, do thái độ thiếu kiên quyết của chính phủ Pháp lúc đó. Lapicque viết: “Một sự khảo sát toàn bộ đã thực hiện. Tuy nhiên, nó đã bị nằm ngủ trong các cặp hồ sơ của Sở Hàng hải tới Sở giao thông công chính. Việc thi công bị trì hoãn vì số kinh phí cao cho việc xây dựng và bảo dưỡng ngọn hải đăng, mà ngân sách thuộc địa thì còn phải dành cho những nhu cầu cấp thiết hơn” (tr.4).

Có thể một lý do nữa là lúc này chính phủ Pháp đang muốn thực sự bình định phong trào kháng Pháp Cần Vương và chuẩn bị cho chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Nhưng những phần tử thực dân khác thì vẫn có người rất quan tâm chú ý đến Paracels. Cùng tác giả P.A.Lapicque thuật lại trong cuốn À Propos de Îles Paracels (tr.4) của mình: Một thanh niên yêu nước, trẻ tuổi và thấm nhuần các tiểu thuyết phiêu lưu khiến giới thanh niên rất thích thú, đã đi thuê một chiếc tàu hơi nước để thực hiện một cuộc chiếm hữu lãnh thổ trên đảo Boisée (tức đảo Phú Lâm thuộc cụm đảo Vĩnh An) và một bản tuyên ngôn về hành động này đã được người làm chứng ký tên, để trong một chiếc hộp kim loại đóng kín để lại một nơi có ghi tiêu chí ở trên đảo.

Cuối cùng như chúng ta đều biết, sự do dự của chính phủ Pháp lúc đó đã dẫn đến việc năm 1909, chính quyền Mãn Thanh (Trung Quốc) đã hai lần (tháng 4 và tháng 6) cho quan chức ra thị sát và thể hiện ý định xác lập chủ quyền của mình ở Hoàng Sa. Phái bộ Lý Chuẩn đã “long trọng kéo cờ  Trung Hoa và bắn chào 21 phát súng đại bác” (dẫn theo Quảng Châu báo ngày 20-6-1909, Lapicque trích dịch lại trong À propos…, tr.8). Sự kiện đó được coi là sự mở đầu cho một thời kỳ xâm lấn, tranh chấp chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số quốc gia láng giềng khu vực…/.

PGS.TS.Nguyễn Thừa Hỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét