6 tháng 7, 2012

Những “công trình nghìn năm Thăng Long” bây giờ ra sao?


Những “công trình nghìn năm Thăng Long” bây giờ ra sao?

Thiên Minh - Văn Dũng (Petrotimes) - Để chào mừng lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt dự án đã được đầu tư xây dựng và rốt ráo bàn giao trước ngày diễn ra Đại lễ. Đại lễ đi qua đã gần 2 năm, có công trình đã hoàn thành nhưng cũng có những công trình thì "giả vờ hoàn thành" hoặc chưa biết bao giờ tới đích.

Những công trình ấy giờ ra sao? Liệu cái mác "công trình nghìn năm Thăng Long" có mang lại điều gì thực tế cho cuộc sống của người dân?


Quốc lộ 32 – Cung đường “vô địch” về số lần gia hạn

Là dự án trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, theo kế hoạch thì dự án nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ 32 phải hoàn thành trước tháng 10/2010. Thế nhưng, đại lễ nghìn năm đi qua gần 2 năm, đến nay sau nhiều lần xin gia hạn thời gian hoàn thành, rồi đến việc chuyển nhà đầu tư, tuyến đường 32 vẫn ì ạch và ngổn ngang trăm mối…

Gia hạn, gia hạn và… gia hạn tiếp (!?)

Quốc lộ 32 là một trong những công trình điển hình về tốc độ thi công “rùa” và lập kỷ lục về số lần ra hạn. Đây là tuyến quốc lộ nằm ở ngoại thành Hà Nội nối từ thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) tới thị xã Sơn Tây. Từ năm 2004, thành phố đã phê duyệt cho nâng cấp và mở rộng tuyến đường này.

Ngắm biển dự án qua ống cống bê tông.

Thế nhưng, đã 8 năm trôi qua, việc nâng cấp và mở rộng cho dự án này vẫn đang ì ạch. Đoạn từ thị trấn Cầu Diễn đến Nhổn chỉ dài 4 km nhưng mãi như một đại công trường. Tại đây các nhà thầu vẫn chỉ đang thực hiện san nền làm móng đường. Ở hai bên hành lang của tuyến đường, hệ thống cống hộp của toàn tuyến được vứt chỏng chơ ngay trên mặt đường. Giữa mặt đường, hệ thống đường điện vẫn chưa được di dời hay hạ ngầm.

Đi qua đoạn đường này vào những ngày nắng thì bụi bay mù mịt. Còn vào những ngày mưa, cả đoạn đường như một đầm lầy và giao thông luôn hỗn loạn.

Dải phân cách bê tông ngổn ngang dưới lòng đường.

Được biết, Quốc lộ 32 từng được UBND TP Hà Nội đưa vào danh sách công trình trọng điểm 1.000 năm Thăng Long, nhưng sau đó đã phải lỗi hẹn với Đại lễ.

Tháng 9/2010, sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thị sát việc thi công Quốc lộ 32 đã dự kiến Tết âm lịch (2/2011) sẽ thông xe toàn tuyến nhưng cuối cùng cũng không thể hoàn thành.

Ngày 15/4/2011, Hà Nội lại một lần nữa yêu cầu chủ đầu tư là Sở GTVT tập trung chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đến 30/6/2011 phải thông xe toàn tuyến. Nhưng đến ngày phải hoàn thành thì đoạn đường Cầu Diễn – Nhổn vẫn ngổn ngang khiến UBND thành phố lại phải ra văn bản chỉ đạo Sở GTVT và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để thông xe vào 30/7/21011. Song tuyến đường này đã không hoàn thành đúng hạn như yêu cầu của thành phố.

Là tuyến đường huyết mạch, thế những nhiều năm ròng rã, người đi qua đây như “bơi” qua một đại công trường với bụi bặm, ổ voi, biển nước lầy lội… Để rồi, người dân mệnh danh con đường này là “con đường đau khổ” vì đã nhiều lần lỗi hẹn về thời điểm hoàn thành, thời gian thi công kéo dài nhiều năm.

Quốc lộ 32 thời kỳ "đau khổ" nhất.

Sau nhiều lần bị thúc tiến độ thi công, cuối tháng 11/2011, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội – đại diện chủ đầu tư khẳng định sẽ quyết tâm hoàn thành con đường này trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, thế nhưng tiến độ công trình vẫn không được cải thiện.

Do công trình quá ì ạch về tiến độ, ngày 6/2/2012, UBND thành phố Hà Nội đã gửi văn bản đến Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng một số đơn vị có liên quan chỉ đạo giải quyết vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 – đoạn Cầu Diễn – Nhổn. Đồng thời Thành phố cũng giao Sở GTVT chủ trì kiểm tra, rà soát để hoàn chỉnh các nội dung đề nghị của UBND huyện Từ Liêm tại Văn bản số 57/UBND-TTQĐ ngày 16/01/2012.

Trong cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội vào chiều 7/2/2012, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, khẳng định: “Đường 32 sẽ hoàn thành trước 30/4. Lý giải về việc lỗi hẹn, Sở GTVT cho rằng do trong quá trình thi công phát sinh nhiều vướng mắc, chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng và phải điều chỉnh nhiều hạng mục của dự án đường sắt trên cao cùng dự án tàu điện ngầm đi qua khu vực này.”

Nhưng đến nay, việc giải phóng mặt bằng và thi công các hạng mục phát sinh cơ bản đã hoàn thành. Thế rồi, dịp 30/4 đi qua, đến nay, con đường này vẫn là một đại công trường.

Cận cảnh “công trình rùa”

Nhóm PV Petrotimes đã đến cung đường “vô địch” này để “mục sở thị” những nỗi khó khăn vất vả của người dân hàng ngày phải vật lộn với khói, bụi và lầy lội.

Đúng 7h30 sáng ngày 25/6, nhóm PV Petrotimes đã có mặt tại điểm qua chợ Cầu Diễn. Mới đầu giờ sáng nhưng đoạn đường 32 đi qua thị trấn Cầu Diễn đã ngập chìm trong màn khói bụi. Bụi mù mịt nên nhiều người bán hàng cũng đã nhanh chân mở thêm các điểm bán khẩu trang và áo chống bụi. Chúng tôi chỉ đảo qua lại hai vòng nhưng cả quần lẫn áo đều bạc trắng một lớp bụi dày.

Cột đèn cao áp ngổn ngang trên vỉa hè.

Cô Hà Thị Vân – chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại khu vực chợ Cầu Diễn, đoạn thuộc địa phận xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (Hà Nội) lắc đầu than thở: “Nhà tôi chuyển ra đây kinh doanh mấy năm nay nhưng ngày nào cũng phải hít bụi. Ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì bẩn thỉu nhếch nhác. Công trình nghìn năm đấy các chú ạ!”.

Không chỉ những hộ dân sinh sống, các cửa hàng, cửa hiệu hai bên đường này chịu đựng, những cán bộ, sinh viên, người dân hằng ngày phải đi qua đây cũng ngán ngẩm vô cùng. Đường bụi nhưng ám ảnh hơn là cảnh tắc đường vào giờ cao điểm. Một nửa đường phương tiện cơ giới thi công, nửa còn lại dành cho người và phương tiện. Chỉ cần chiếc máy xúc quay đầu ra lấy đà vài phút, đã khiến cả mớ hỗn độn các loại ôtô, xe máy ùn tắc.

Trong khi đó đơn vị tham gia thi công gần như không có kế hoạch và sự phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc tổ chức, phân luồng giao thông tại những khu vực đang làm đường. Tình trạng dựng biển báo ngăn đường và thi công theo “cảm hứng” tiện chỗ nào làm chỗ đó của những đơn vị tại đây đang thực sự gây khó khăn cho người dân.

Mất an toàn giao thông là tình trạng đáng báo động nhất trên tuyến quốc lộ 32. Trực tiếp khảo sát tại đây, chúng tôi không khỏi rùng mình trước những dãy dài các cột điện nghiêng nghiêng sẵn sàng đổ ụp xuống. Cột điện nhỏ, cũ kỹ và suy sụp theo thời gian hiện đã bị nghiêng lại còn khoác trên mình từng búi dây cáp đủ loại nên sẵn sàng gây tai họa cho người đi đường.

Vào thời điểm hiện tại, các đơn vị đang thi công hạng mục hào kỹ thuật và hệ thống thoát nước mưa. Một bên là đường đi, ngay sát mép là hào sâu đang được khoét theo kiểu hàm ếch. Nguy hiểm vậy nhưng đơn vị thi công không hề có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người đi đường như làm rào chắn, đèn báo hiệu tại những địa điểm trên.

Có mặt trên tuyến quốc lộ 32 vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy, với tiến độ thi công vẫn khá ì ạch. Không biết đến bao giờ người dân qua đây mới thoát khỏi “con đường đau khổ” này.

*

Đại lộ Thăng Long – Cung đường nghìn tỉ “giả vờ khánh thành”


Đá giăm tràn ngập mặt đường.

“Ổ gà”, “vết nứt” trên từng cây số

Sau hơn 7 năm thi công, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, Đại lộ Thăng Long được chủ đầu tư, nhà thầu long trọng cắt băng thông xe vào đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tuy nhiên, qua khảo sát của nhóm phóng viên Petrotimes, trên tuyến đường vào thời điểm giữa tháng 6/2012, sau gần 2 năm thông xe, vẫn còn nhiều hạng mục công trình đang dang dở, bao gồm cả những phần quan trọng như cầu vượt cơ giới, cây xanh, thảm cỏ, hàng rào chắn, giải phân cách cứng…

Đặc biệt, mặt đường dù đã được đắp vá, dải thêm một lớp nhựa nhưng đến nay vẫn còn nham nhở và đã có dấu hiệu của sự rạn nứt và sụt lún.

Cầu vượt dang dở.

Từ ngã tư giao cắt Phạm Hùng – Trần Duy Hưng đến nút giao với đường Hồ Chí Minh, có rất nhiều đoạn đường đã xuất hiện điểm gập gềnh tạo thành những con lươn, con chạch. Mặt đường bị nhiều “vết chém”, khiến các phương tiện đi lại cũng nảy từng nhịp theo mức độ lồi lõm.

Bức xúc với chất lượng của con đường nghìn tỉ, chưa xong đã xuống cấp, anh Trần Văn Hưng, một lái xe tải hàng ngày chạy trên con đường này, cho hay: “Sau một thời gian ngắn thông xe, mặt đường Đại lộ Thăng Long đã có những biểu hiện của sự sụt lún và rạn nứt. Với lưu lượng xe trọng tải lớn đi qua hàng ngày, con đường này nhanh chóng xuất hiện những “ổ gà”, thậm chí nhiều nơi còn có những “ổ voi” rộng hàng mét vuông. Bên cạnh đó, tại các điểm tiếp nối với cầu chui trên đường, xuất hiện những con lươn cao hàng chục cm. Lái xe đi qua những điểm này không khác ngồi trên tàu lướt sóng…”

Dù mới thông xe chưa đầy 2 năm nhưng phần đường dành cho xe ô tô này đã xuất hiện nhiều “ổ gà”, “ổ voi” gây nguy hiểm cho người đi đường. Để khắp phục tình trạng trên, ban quản lý và nhà thầu đang cho thi công dải một lớp nhựa phủ lên nhưng xem ra không ăn thua.

Tại Km số 7+ 600, gần cầu chui dân sinh số 2, hiện nay có một chiếc hố ga rộng 2 m2 bị gãy nắp, nhiều xe đi khu vực này vô tình lao vào. Bên cạnh đó là một dải phân cách dài gần 200 mét, phân cách giữa đường dành cho xe máy, xe thô sơ và làn dành cho xe ô tô bị xô ngã nằm ngồn ngang giữa đường. Ôtô, xe máy đi qua khu vực này có thể chuyển làn tùy ý, không cần chui qua cầu dân sinh hay nút giao thông.

Mặt đường xuất hiện những vết nứt.

Ngay gần đó, mặt đường dưới cầu chui đã bị rạn nứt hoàn toàn. Những vết rạn nứt mặt đường này dài hàng chục mét và kẽ hở rộng 2-3 cm. Quan sát của phóng viên cho thấy, trên nhiều điểm thuộc làn đường cao tốc dành cho ô tô mặt đường đã bị lún. Có nhiều nơi mặt đường bị bong rộp tạo thành những “tổ ong”, như đoạn km 8 + 600 hay km9+600. Tại km 9 +189, một cầu chui dân sinh qua đã có biểu hiện của rạn nứt, lún sâu tạo thành một khe hở lớn nơi tiếp giáp từ trục đường với cầu.

Không chỉ có mặt đường bị rạn nứt hay tạo thành những con lươn con chạch, theo ghi nhận của chúng tôi, hai dải ta luy bằng sắt bên đường đều bị cong vênh. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều điểm ta luy đã bị mất ốc, thanh ngang bập bềnh….

Bụi bặm, ta luy mất ốc, hố ga mất nắp và khu vực phân cách thành chốn chăn dê

Mặc dù đã chính thức đưa vào khai thác sử, tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, Đại lộ Thăng Long vẫn đang trong cảnh nhếch nhác và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với người tham gia giao thông.

Ta luy mất ốc.

Dọc theo hai bên đường chạy qua địa phận huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất lòng đường bị “xâm nhập” bởi một lớp đất cát lẫn đá sỏi và rác. Hai bên đường dành cho xe máy, xe thô sơ hầu hết các hố ga phía lề đường đều không có nắp. Tại khu vực gần các công trường xây dựng, những xe ô tô trọng tải lớn chở vật liệu xây dựng “thoả sức” rơi vãi đất đá ra lòng đường.

Tại Km số 13+900, thuộc địa phận huyện Quốc Oai, theo chiều từ ngã ba Hòa Lạc về trung tâm Hà Nội, dọc bên đường dành cho phương tiện xe máy đã bị người dân biến thành chợ bán gia cầm và chim cảnh.

Chị Nguyễn Thu Phương (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ: “Hàng ngày, tôi phải đi xe máy vào trung tâm Hà Nội để làm việc, với quãng đường hơn chục cây số, vậy mà không biết có bao nhiêu nguy hiểm rình rập. Nhà nước đã đầu từ hàng nghìn tỉ đồng xây dựng con đường, vậy mà chưa đầy 2 năm trôi qua, mặt đường thì xuống cấp”.

Khu vực phân cách trở thành bãi chăn dê.

Ngoài ra, trên Đại lộ Thăng Long dù đã có lệnh cấm việc chăn thả gia súc, nhưng dường như người dân vẫn cố tình “phớt lờ” quy định này, thản nhiên lùa hàng đàn dê vào khoảng trống giữa hai làn đường chính chăn, thả. Hàng ngày có hàng chục con dê của người dân đang được chăn thả ngay giữa làn cỏ ở giữa làn đường cao tốc. Nếu như những chiếc xe đang chạy với tốc độ cao mà một con dê bất ngờ đi qua đường, không biết hậu quả sẽ ra sao.


Đại lộ Thăng Long hay còn gọi là đường cao tốc Láng -Hòa Lạc là tuyến đường cao tốc nối khu trung tâm Hà Nội với quốc lộ 21A cũ, nay là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh. Chiều dài toàn tuyến 30 km, nằm gọn trong địa giới thành phố Hà Nội.

Đại lộ Thăng Long chạy cơ bản theo hướng Đông – Tây, dài 30km, bắt đầu tại ngã tư giao cắt giữa đường này với đường Phạm Hùng -Trần Duy Hưng nằm trong ranh giới giữa quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, đi qua các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, kết thúc ở xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, tại ngã ba giao cắt với Km 31+064 -Quốc lộ 21A cũ đi thị xã Sơn Tây, nay là đoạn đầu của đường Hồ Chí Minh.

Chiều rộng trung binh tuyến đường 140 mét, bao gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi dải 3 làn xe rộng 16,25m; 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị. Ngoài ra, còn dải trồng cây xanh và vỉa hè. Toàn tuyến có 2 đường hầm, 13 cầu vượt ngang đường.

Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thăng Long. Tổng thầu xây lắp là Tổng Công ty xuất – nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Mức vốn đầu tư 7.527 tỉ đồng (tương đương 251 tỉ trên 1 km. Khởi công ngày 20 tháng 3 năm 2005, hoàn thành ngày 03 tháng 10 năm 2010.

*

Công viên trăm tỉ “có cũng như không”

Xuống cấp, sửa chữa và đìu hiu

Với diện tích đất xây dựng hơn 20 ha, công viên Hòa Bình (Hà Nội) có tổng mức đầu tư 282 tỉ đồng đi vào hoạt động đúng vào dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, tháng 10/2010. Công viên có bãi để xe nổi và bãi để xe ngầm rộng 3.000 m2, có biểu tượng của thành phố hòa bình, tượng Hòa Bình cao 7,2 m, đế cao 22,8 m. Các khu vực vui chơi giải trí kết hợp với các công trình phụ trợ, dịch vụ, lưu niệm, chòi nghỉ, bãi đỗ xe hài hòa thống nhất trong cảnh quan cây xanh, hồ nước, tạo sự gần gũi với thiên nhiên.


Sau gần hai năm đưa vào khai thác, Công viên Hòa Bình vẫn trong cảnh “địu hiu chợ chiều”

Công viên Hòa Bình được kỳ vọng sẽ là một điểm vui chơi, giải trí cho người dân Hà Nội và cả nước thế nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn ở vào tình trạng “đìu hiu chợ chiều” (!?).

Vào những ngày hè này, trong khi các công viên khác đều trong tình trạng quá tải vì người dân đổ xô đến tránh nắng thì tại Công viên Hòa Bình lại vắng hoe. Ít người tham quan trong khi diện tích lại rộng đã khiến cho công viên có cảm giác văng vẻ. Phải quan sát thật kỹ, chúng tôi mới thấy mấy nữ công nhân lúi húi chăm sóc thảm cỏ bên hồ nước nhân tạo. Xa xa đôi trai gái ngồi lẻ loi trên chiếc ghế đá lạnh lẽo.

Một điều dễ dàng nhận thấy là ở đây hệ thống cây xanh vẫn còn quá nhỏ, một số cây còn gãy đổ, bật gốc sau trận mưa rào… chưa tạo được bóng mát – một yếu tố quan trọng để thu hút người dân.

Ngay sau khí khánh thành (10/2010), đã xuống cấp và phải sửa chữa, (ảnh tư liệu)

Nhìn lại lịch sử ngắn ngủi (chưa đầy 2 năm) kể từ khi đưa vào khai thác đã không dưới một lần báo chí phản ánh về tình trạng xuống cấp ngay sau khi khánh thành. Hệ thống sân lát gạch, bậc tam cấp lún sụt, đọng nước rêu mốc cáu bẩn, đá ốp bong tróc nham nhở…Chưa kịp sử dụng, công viên Hòa Bình đã rơi vào cảnh chắp vá sửa chữa…

Ông Hoàng Trung Linh, một người dân ở xã Xuân Đỉnh chia sẻ: “Tôi không ngờ công viên với mức đầu tư quy mô mà sau hai năm vẫn không thu hút được khách thăm quan”.

Nhớ lại những ngày đầu đi vào khai thác, ông Linh bức xúc nói: Ngay khi đưa vào hoạt động, nhiều hạng mục của công viên đã nhanh chóng xuống cấp. Mặt cổng đá lát bị bong trông rất phản cảm. Phía bên trái mặt cổng chính của công viên có tới hàng chục miếng đá lát bị bong tróc. Bên trong công viên, một số chỗ mặt đá lát sân cũng bị vỡ. Đáng chú ý, đoạn cầu thang dẫn lên ngôi nhà ngồi nghỉ cho khách tham quan móng bị lún và mới được trát lại.”

Tình trạng vắng khách kéo dài trong khi các khu vực giáp nối lại thưa dân cư, cây cối um tùm khiến nơi đây đã trở thành bãi đáp của tệ nạn xã hội. Rải rác đâu đó đã xuất hiện bơm kim tiêm còn dính máu…

Cái có thì không cần – mà cái cần thì không có

Trái ngược với sự vắng bên trong công viên, ngay ở cổng phía Bắc của công viên Hòa Bình hướng ra đường Phạm Văn Đồng tồn tại hàng chục quán nước, hàng ăn “vây hãm” đường vào.

Phía ngoài hàng rào công viên cỏ dại mọc cao quá đầu người.

Có mặt ở công viên Hòa Bình vào khoảng 6h tối người ta mới thấy hết được độ nhếch nhác, biến tướng của công viên. Các hàng quán chắn ngang đường đi, đứng ra giữa đường vẫy chào khách làm ảnh hưởng đến giao thông. Những bãi trông xe trái phép xâu xé hàng trăm mét vỉa hè trước công viên.

Hàng chục quán nước thi nhau dựng ghế, dựng lều, bạt, chế biến đồ, vạch vôi, bãi để xe… làm náo loạn, gây ra cảnh hỗn độn trước cổng. Nhiều người dân quanh đây tỏ ra bức xúc, bất mãn về tình trạng lấn chiếm quá đáng của các chủ hàng quán này.

Ông Nguyễn Văn Hòa, một người dân sống gần công viên bức xúc: Vào công viên thì sượng mặt vì “trai gái âu yếm”, ra ngoài cổng thì nhức tai vì thanh niên tụ tập quán xá văn tục, chửi bậy… Không hiểu đây có còn là công viên nữa không?

Điều đáng nói ở đây là các hàng quán, bãi trông xe lấn chiếm ảnh hưởng giao thông và cuộc sống của người dân nhưng không thấy cơ quan chức năng đứng ra dẹp bỏ. Khi được hỏi thì các chủ hàng ở đây dõng dạc trả lời “Làm luật cả rồi đấy các chú ạ. Không đơn giản mà cứ thích ra ra đây bán được đâu.”

Bên cạnh đó, ngay tại cổng chính (hướng đường Phạm Văn Đồng – PV), vào các buổi tối, xuất hiện nhóm người tự dựng lên một bãi trông xe lớn, chắn ngang cổng ra vào và thu phí với giá cắt cổ.

Bác Hùng – người dân sống quanh công viên chia sẻ: “Tôi sống ở cạnh công viên nên mọi chuyện xảy ra tôi đều nắm rõ trong lòng bàn tay. Hàng ngày, quanh công viên thường xảy ra tình trạng xô xát, đánh nhau của một số đối tượng tranh giành địa bàn bán hàng. Tình trạng này diễn ra thường xuyên và gây mất trật tự công cộng, thế nhưng lực lượng chức năng ít khi thấy xuất hiện để bảo đảm an ninh trật tự cho người dân vào thăm công viên”.

Trong khi đó, một số khu vực ngoài hàng rào lại tồn tại tình trạng cỏ dại mọc um tùm, ngập ngụa rác thải gây ô nhiễm môi trường. Phải chăng, Công viên Hòa Bình là công trình “chín ép” xong bằng được để khai trương kịp thời?


Để Công viên thực sự là không gian sinh hoạt cộng đồng, vì sự mạnh khỏe về mặt tinh thần và thể chất của nhân dân cần ba yếu tố:

Thứ nhất nó không cần to, mà chỉ cần gần nơi tập trung dân cư. Vì là phục vụ đời sống hàng ngày nên cái cần là sự thuận tiện đi lại, sử dụng.

Thứ hai nó không cần nhiều biểu tượng to lớn đắt tiền hoành tráng, mà chỉ cần cái gì đó thân thuộc gần gũi với khu dân cư gần đó.

Thứ ba nó không cần làm đường đi lối dạo cầu kỳ mà chỉ cần đủ ánh sáng về đêm, đủ cây cối, bãi cỏ để người ta thấy đó là không gian tự nhiên, đủ một sân chơi để thanh thiếu niên chơi bóng, và một sân chơi cho trẻ em có vài cái cầu trượt, bập bênh, lốp xe hỏng và hố cát.

Nếu nghĩ về nhu cầu nghỉ ngơi, phát triển, phục hồi sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân, không nên làm các công viên cầu kỳ tốn kém như công viên Hòa Bình. Số tiền đầu tư cho công viên Hòa Bình thừa sức trang bị các vật dụng cần thiết cho 100 không gian nghỉ ngơi giải trí của 100 khu ở.

Văn Dũng – Thiên Minh



Nhập ý kiến của bạn

  • Hình ảnh

Xem 4 ý kiến

  • Cam Sành
    Ông Sinh Hùng vào nhận hàng kìa!
  • muon song
    Đọc xong bài viết trên mà thấy ngán ngẩm cả cuộc đời!
  • hoan toan
    Đoạn ý kiến này nêu lên liệu rằng Nhà nước có làm cho tốt đẹp hơn không ? hay lại rơi vào sự im lặng như bao chuyện khác . Hàng ngàn tỷ đồng chứ chẳng phải chơi. Hỡi ông Nhà nước ơi !!! ông có nghe ?!.Vậy chừng nào mới quyết toán công trình nghìn năm ? Hết ý với ông Nhà Nước 
  • Ngàn nămThu gọn lại
    Hỏi vớ vẩn.Đã nói CÔNG TRÌNH NGÀN NĂM -có nghĩa ngàn năm mới xong.Có như vậy mà cũng không hiểu.Xin lỗi sao mà chậm tiêu quá.Cái nhanh nhất của nhà nước ta là gì bạn biết không? Đem côn đồ dẹp biểu tình chống bè lũ cướp và bán nước đấy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét