4 tháng 7, 2012

Nghệ An: Hàng trăm bản làng đói… điện !


Nghệ An: Hàng trăm bản làng đói… điện !

Thứ tư - 04/07/2012 19:48 - Người đăng bài viết: Biên Tập Viên

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 295 thôn, bản ở 54 xã thuộc 8 huyện chưa có điện, trong đó có 24 xã hoàn toàn chưa có lưới điện Quốc gia. Người dân những xã vùng cao này từ bao đời nay luôn sống trong cảnh “mù” và "đói" thông tin nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.


Đồng bào miền Tây xứ Nghệ thắp nến cũng là một sự xa xỉ
Đồng bào miền Tây xứ Nghệ thắp nến cũng là một sự xa xỉ
Về nơi cuộc sống… tù mù
 
Từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi vượt hơn 80km đường rừng mới tới được Keng Đu, đây là xã xa nhất của huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn. Trước mắt chúng tôi là những mái nhà sàn, nhà lá xập xệ, mốc thếch như những tổ chim treo lưng chừng núi và nằm rải rác 2 bên bờ sông, bờ suối. 
 
 
Chủ tịch UBND xã Lương Văn Ngam than thở: Xã chúng tôi nghèo lắm. Toàn xã có 10 bản, 772 hộ với gần 4.000 nhân khẩu thuộc hai dân tộc Khơ mú và Thái. Tỷ lệ đói nghèo của xã đang ở mức cao với gần 88% số hộ. Đã vậy, Keng Đu còn chưa có điện lưới Quốc gia, đường giao thông xuống cấp, chưa có đường đến các thôn, bản; mạng lưới thông tin liên lạc chưa có. Toàn xã hiện có duy nhất một trạm phát sóng BTS của Viettel nhưng cũng rất phập phù. Bởi vậy, người dân Keng Đu đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. 
 
Trong cái nắng như lửa của mùa hè, ở UBND xã mọi người đều phải dùng quạt mo hoặc quyển sách để làm giảm nóng cho mình. Còn ở bên ngoài, người dân phải rời nhà ngồi dưới gốc cây hoặc vào hang trú nóng. Tại các bản Huổi Phun 1, Huổi Phun 2, có một số nhà có thuỷ điện mi ni tự tạo ở các khe suối, nhưng cũng phập phù theo con nước lên xuống.
 
Ông Mong Phò Phiơn, một người dân lắc đầu ngao ngán: "Thuỷ điện mini, mua một bộ vài triệu mới dùng được nhưng nhanh hỏng lắm, vài tháng là hỏng rồi. Với lại loại thuỷ điện này không ổn định, tivi, quạt máy bị hỏng thường xuyên. Thuỷ điện mini thì những hộ nghèo cũng không thể dùng, nên phần lớn đồng bào không dùng. Bao đời nay, chúng tôi sống trong cảnh tù mù, đói thông tin, thì đói nghèo là điều đương nhiên".
 
Đêm Keng Đu, trời tối như mực, chỉ có một vài ngọn đèn leo lét của học sinh học bài. Hầu hết, người dân ở đây dùng đèn dầu để thắp sáng, nhưng cũng phải rất tiết kiệm, chỉ dành những lúc cần thiết và cho con cái học bài, còn việc thắp nến cũng là một sự xa xỉ.
 
Thầy  giáo Trần Văn Hùng, giáo viên Trường THCS Keng Đu than thở: "Giáo viên chúng tôi lên đây gieo chữ thiếu thốn đủ thứ nhưng thiếu điện là rất khổ, những giáo viên dưới xuôi, họ soạn giáo án điện tử, hàng ngày tiếp xúc với bao nhiêu kiến thức trên mạng nhưng chúng tôi đến bây giờ vẫn phải soạn giáo án bằng bút và đèn dầu…".
Nhiều thầy, cô giáo Trường tiểu học Keng Đu cũng phàn nàn về tình trạng mù chữ của người dân chiếm tỉ lệ khá cao. Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình thì mới biết, các em sáng lên trường, chiều về đi rẫy, tối không có điện nên đi ngủ sớm. Đôi khi trên lớp học, giáo viên phải cầm tận tay, bày từng chữ các em mới bập bẹ đọc và viết được.
 
Ông Mùa Nỏ Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Đến nay, huyện Kỳ Sơn vẫn còn 12 xã chưa có điện. Đây là những xã vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại khó khăn. Chúng tôi cũng rất mong cấp trên quan tâm, sớm có điện lưới Quốc gia để dân đỡ khổ".
 
Không riêng gì huyện Kỳ Sơn mà trên địa bàn Nghệ An vẫn còn 24 xã với khoảng hơn 10.000 hộ dân chưa có điện lưới Quốc gia (Tương Dương 3 xã, Kỳ Sơn 12 xã, Quỳ Châu 4 xã, Quế Phong 4 xã, Con Cuông 1 xã). Đây là những xã đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Từ bao đời nay hàng ngàn hộ dân này vẫn khao khát mong chờ điện lưới Quốc gia.
 
Thần chết rình rập vì ước mơ có điện
 
Vì không có điện lưới, đồng bào đã tự tìm nguồn điện cho mình bằng cách ngăn dòng chảy của khe, suối để đặt máy tua-bin phát điện. Hàng triệu dây điện chằng chịt như mạng nhện từ các khe, suối vươn về từng bản làng. Những dây điện như thế không những gây tai nạn cho gia súc mà còn gây ra nhiều cái chết thương tâm đối với con người.
 
Do máy tua-bin nhà mình bị hỏng, anh Lô Ngọc Tọa (SN 1963) ở bản Xiềng, xã Bình Chuẩn đã lội xuống khe suối sửa chữa, bị điện giật chết. Anh Vi Văn Hiếu (SN 1986) ở bản Mét, xã Bình Chuẩn khi đi vào rừng thấy dây điện trần sà xuống sát mặt đất, đã dùng cây gác lên, không ngờ bị điện giật tử vong.
 
Trường hợp gần đây nhất là anh Kha Văn Mùi ở bản Tông (Bình Chuẩn) cũng do lội xuống khe sửa chữa, khi vừa cho chạy thử chiếc máy tua-bin thì va phải mạch điện rò rỉ nên đã bị tử thần cướp đi tính mạng.
 
Những thuỷ điện mini như thế này rất nguy hiểm
 
Anh Kha Văn Minh - Trưởng Công an xã cho biết: "Chết vì điện ở đây nhiều lắm, chết hụt cũng nhiều. Tui trước đây đi làm về, xe vướng phải dây điện thõng xuống ngang đường bị giật té ngửa ra đường. Rất may là chỉ ngất xỉu một lúc rồi tỉnh dậy".
 
Bình Chuẩn là xã may mắn, một số bản làng của xã này đã có điện lưới Quốc gia vài tháng trước, nhưng còn hàng trăm bản làng ở miền Tây xứ Nghệ vẫn chưa có điện. Đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với những rủi ro từ thuỷ điện mi ni, với đói nghèo và lạc hậu.
 
Bao giờ dân có điện?
 
Trước nhu cầu bức thiết này, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 23/2011 NQ-HĐND ngày 9/12/2011, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% số hộ có điện sử dụng. Chính phủ và Bộ Công thương cũng đã đồng ý cho Nghệ An lập dự án đầu tư cấp điện đến các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc chưa có lưới điện Quốc gia.
 
Sở Công thương Nghệ An đã được UBND tỉnh giao triển khai các thủ tục đầu tư. Sau một thời gian ngắn, đã trình kế hoạch đấu thầu lập dự án đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn: Giai đoạn I: từ năm 2012 - 2015 sẽ  cấp điện cho 12.840 hộ gia đình với số vốn khoảng 600 tỷ đồng; giai đoạn II: từ năm 2015 - 2020 cấp điện tiếp cho gần 7.000 hộ gia đình với số vốn gần 400 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, để điện lưới Quốc gia đến được với hàng ngàn hộ dân miền Tây xứ Nghệ  vẫn còn xa lắm. Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: "Nguyên nhân 24 xã chưa có điện vì đó là những xã miền núi rẻo cao, vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, đầu tư vào đó rất lớn nên chưa có điều kiện đầu tư. Chủ trương là đầu tư dần dần mang tính chất phúc lợi chứ kinh doanh thì không thể làm được".
 
Như vậy, ước mơ có điện từ bao đời nay của hơn chục ngàn hộ gia đình ở 24 xã miền núi Nghệ An vẫn phải... chờ. Và đồng bào vẫn phải sống trong cảnh tù mù, đói điện và đói hàng trăm thứ khác.

 
Tác giả bài viết: Tiến Dũng
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét