Mùa hè máu lửa!
Cánh cò - “Hàng ngàn bạn trẻ háo hức lập kỷ lục thế giới”.
Là một tựa đề được báo Dân Trì giật tít khiến người đọc tưởng rằng lại thêm một vụ “bánh tét” Guiness Việt Nam. Khi đọc kỹ lại mới thấy thì ra không phải kỷ lục thế giới gì cả mà là một cuộc vận động hiến máu nhằm tìm 1.500 đơn vị máu giúp cho người bệnh.
Tuy nhiên cái ý tưởng “lập kỷ lục” mà Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đưa ra là có thật và cái ý tưởng lập kỷ lục ấy bao trùm, làm mờ nhạt hình ảnh cao quý của những tấm lòng trung thực:
Xếp hình giọt máu lập kỷ lục thế giới xuất phát từ ý tưởng của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tôn vinh dòng máu Lạc hồng, là hình tượng lá cờ Việt Nam với ngôi sao vàng ở giữa giọt máu; đây là quyết tâm kết nối cộng đồng, cùng chia sẻ với những người bệnh cần máu. Hoạt động sẽ diễn ra tại SVĐ QG Mỹ Đình vào ngày 22/7/2012 trong khuôn khổ Ngày hội “Giọt hồng tri ân”.
Cuộc vận động này nhanh chóng được giới trẻ nhiệt tình ủng hộ. Không riêng Hà Nội nhiều nơi khác đã có những thanh niên dự tính về Hà Nội để tham dự hoạt động này. Hình ảnh hàng ngàn thanh niên hăng hái tham gia cuộc vận động hiến máu xuất hiện trong thời điểm lòng tin của giới trẻ tuột dốc hiện nay khiến những ai quan tâm đến lực lượng thanh niên có cơ sở để hy vọng và tin vào điều gì đó tuy mong manh nhưng còn có cái để mà tin.
Nỗi ám ảnh về một lớp thanh niên băng hoại đang làm gương cho nhiều thế hệ tiếp theo không thể coi thường vì nó đang xảy ra hàng ngày trên từng góc phố. Sức bật của tuổi trẻ chừng như đang bị ma lực của các loại vật chất đè nén. Thanh niên ngày nay không màng đến những gì không liên quan trực tiếp đến gia đình, bản thân của họ. Tâm lý an toàn đã làm cho giòng máu khai phá, mạo hiểm, chấp nhận thử thách trước cuộc sống phần đã nào nhợt nhạt. Họ nhìn xã hội với con mắt người dưng. Xã hội nhìn lại họ với cùng con mắt ấy.
Vậy mà tại sao lại có nhiều thanh niên nhập cuộc vào một “cuộc chơi” như thế?
Hãy bắt đầu bằng hai chữ “kỷ lục”.
Từ sau đổi mới Việt Nam có lẽ là nước thích phá kỷ lục nhất thế giới. Hàng ngàn kỷ lục quái gở được nghĩ tới và nỗi khao khát có tên trong Guiness đã làm nhiều người mù quáng. Lý do khiến các “ông chủ” thành lập kỷ lục vì họ biết rõ mỗi lần một phong trào có hai chữ “kỷ lục” tung ra là ngay lập tức được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng nồng nhiệt, bất kể cái kỷ lục ấy thuộc vào loại nào.
Những cái bánh tét nặng hàng trăm ký lô đâu nói được ý nghĩa đích thực của câu chuyện chàng Liêu nhưng vẫn được thanh niên thích thú tham gia. Họ tham gia với hy vọng Việt Nam có tên trong Guiness, còn có tên để làm gì thì …có trời mới biết!
Bên cạnh “kỷ lục” là các “hoa hậu”. Những người đẹp “biển” người đẹp “sông” hay “ao” không thành vấn đề miễn là có mặt thì phong trào sẽ hết sức xôm tụ. Chương trình “Giọt máu Lạc Hồng” này cũng vậy. Ban tổ chức cho biết có rất nhiều người đẹp tham gia và những hoạt động của họ chắc chắn sẽ lôi cuốn không ít chàng trai ăn theo để vừa được no mắt vừa được tiếng thơm là hoạt động xã hội.
Hai thói quen câu khách này không những làm cho mục đích trong sáng bị hoen ố mà còn là lý do cho những thanh niên không tham gia có cớ để từ chối một chương trình ý nghĩa.
Tổ chức một chương trình như thế trong Ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 là một nghĩa vụ của xã hội nhưng hình thức không nên quá lố lăng đi ngược với nội dung cao quý.
Những giọt máu rõ ràng rất cần thiết cho người bệnh và nó cần quanh năm suốt tháng chứ không riêng gì trong ngày Ngày thương binh liệt sĩ. Cái ngày ghi ơn này phải thiết thực hơn và mang tính nhân văn thực sự với các hoạt động mà tình thương và lòng biết ơn phải được thể hiện chân thành . Không thể đánh bóng ngày truyền thống này bằng những bùa chú chính trị cốt an lòng người thương binh và gia đình liệt sĩ trên giấy.
Họ ăn bánh vẽ đã nhiều, đã no và bội thực. Bây giờ họ cần bánh thật, được chia sẻ bằng những tấm lòng biết ơn đúng nghĩa.
Trước Ngày Thương binh liệt sĩ một tuần, gần hai chục thương binh Quốc Oai thuê xe về Hà Nội đòi chính quyền giải quyết đất đai của họ là một cái tát cho những ai luôn ca tụng thương binh liệt sĩ trên phương tiện truyền thông đại chúng. Những khuôn mặt rắn rỏi, những bộ quần áo bộ đội bạc phếch cùng với những chiếc nòn cối rách tưa đã nói lên được phần nào cuộc sống của thương binh và gia đình liệt sĩ hiện nay.
Trong ngày kỷ niệm 22 tháng 7 này thanh niên nên tới từng nhà của họ an ủi và làm những công tác cụ thể, hơn là chạy theo những trò chơi nằm dưới nhãn mác có các tên gọi mỹ miều.
Hãy mỗi năm một lần, tới từng nhà người neo đơn, những bà mẹ bà vợ anh hung. Trai thì thu vén, dọn dẹp, làm cỏ, phát quang …gái thì an ủi hỏi han, vá lại chiếc áo rách, thổi giùm một nồi cơm đạm bạc và ăn uống cùng với họ như người nhà mỗi năm ghé về một lần. Những an ủi ấy sẽ giúp họ gượng sống và thấy đáng sống với những hy sinh mà họ và gia đình bỏ ra. Hãy thôi đừng làm họ tủi thân thêm trước các trò nhố nhăng cứ đem cái Ngày kỷ niệm của họ ra mà che đậy.
Trang báo loan tin về “Giòng Máu Lạc Hồng” có một câu đáng chú ý, họ gọi những người ham chơi ấy là “chiến sĩ áo đỏ” và mùa hè này là “mùa hè máu lửa”! bài báo viết:
Theo chân các “chiến sỹ áo đỏ”, những tình nguyện viên hiến máu giữa mùa hè máu lửa này trong nhiều ngày, PV Dân trí đã chứng kiến không khí tập luyện rất sôi nổi của hàng trăm TNV…
Ôi! máu lửa thì đúng nhưng nó đang xảy ra tại Biển Đông chứ không phải tại sân vận động Mỹ Đình. Báo chí đang cố khoác lên vai những thanh niên ham vui ấy các từ ngữ mà khi đọc lên không thể không mắc cở. Thanh niên nghe quen với những loại ngôn từ ảo diệu ma mị này nên giây thần kinh xấu hổ của họ lâu dần đã tê liệt.
Mùa hè máu lửa chỉ xuất hiện một lần vào năm 1972 đã khiến không biết bao nhiêu chiến sĩ bộ đội hy sinh trên chiến trường Quảng Trị. Xin đừng viết những điều không biết, thậm chí là giả dối vì như thế là xúc phạm tới những người đã chết.
Nguồn: Cánh Cò blog/RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét