Bốn tàu Trung Quốc đuổi tàu Việt Nam ở Trường Sa
Căng thẳng leo thang trên Biển Ðông
Hà Nội (NV) - Một nhóm, gồm ít nhất 4 tàu của Trung Quốc, đã rượt đuổi một chiếc tàu của Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa. Ðây là dấu hiệu leo thang nghiêm trọng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Các tàu hải giám Trung Quốc tập trận ở quần đảo Trường Sa từ ngày 28 tháng 6, 2012. (Hình: China TV).
Theo các bản tin của đài truyền hình Trung Quốc phổ biến trên mạng ngày 3 tháng 7, 2012 đoàn tàu hải giám của Trung Quốc đã ngăn chặn và đuổi ở khu vực quần đảo Trường Sa một tàu của Việt Nam không thấy nói thuộc loại tàu gì.
Các bản tin này kèm cả hình ảnh và video clips.
“Khi đang tham dự hoạt động tuần tra thường lệ, họ đã xua đuổi thành công một tàu Việt Nam khi đang chạy vào vùng biển chủ quyền của Trung Quốc trong biển Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Ðông).”
Bản tin đài truyền hình Trung Quốc nói trên kể chi tiết: “Vào ngày thứ hai của chuyến tuần tra trên biển Nam Hải, các tàu hải giám Trung Quốc đã phát hiện một tàu lạ. Tàu này phóng về phía họ với vận tốc nhanh. Các tàu tuần (TQ) nói tàu lạ xâm phạm chủ quyền Trung Quốc trên biển Nam Hải. Họ lập tức thực hiện kế hoạch phản ứng khẩn cấp. Bước đầu: yêu cầu tầu lạ xác định danh tính.”
Bản tin thuật lời Hoàng Dũng (Huang Yong), thuyền trưởng tàu hải giám 83 (tàu chỉ huy trọng tải hơn 3,200 tấn), ra lệnh buộc “tàu lạ” rời khỏi khu vực. Các tàu hải giám Trung Quốc thay đổi đội hình và tàu chỉ huy tiến về phía tàu Việt Nam với sự bao vây của 3 tàu (hải giám) khác.
“Sau khoảng 10 phút, tàu Việt Nam giảm bớt tốc độ rồi cuối cùng rút lui.” Bản tin truyền hình Trung Quốc viết. Không thấy tin tức chính thức ở Việt Nam có phản ứng gì hay đưa tin gì về vụ việc này được loan truyền rộng rãi ở Trung Quốc.
Ðoàn 4 tàu hải giám Trung Quốc được điều động tới khu vực Trường Sa từ ngày 26 tháng 6, 2012 sau khi Quốc Hội CSVN thông qua Luật Biển (ngày 21 tháng 6, 2012) trong đó xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Ðài truyền hình Trung Quốc nói khi tập luyện ở quần đảo Trường Sa, các tàu hải giám “luyện tập thay đổi đội hình nhiều lần.” Bản tin Tân Hoa Xã ngày 3 tháng 7, 2012 nói đoàn tàu hải giám Trung Quốc đã phát các lời tuyên bố bằng Anh ngữ, Việt ngữ và Hoa ngữ xác định chủ quyền đối với các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Ðoàn tàu này thực tập tuần tiểu đội hình gần đảo đá ngầm Vĩnh Thử (Yongshu Reef) (Việt Nam gọi là Ðảo Ðá Chữ Thập) ở quần đảo Trường Sa. Ðoàn tàu này cũng đến khu vực đảo Hoa Dương (Huayang Reef) (Việt Nam gọi là Châu Viên).
Ngày Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012, hàng trăm người ở Hà Nội và Sài Gòn đã biểu tình tuần hành chống Trung Quốc bá quyền.
Ngày Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh Hồng Lỗi đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải hành động “không làm gia tăng và phức tạp thêm tình hình ở biển Nam Hải.” Nhân Dân nhật báo, cơ quan tuyên truyền chính thức của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đưa tin như vậy về phản ứng đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam. Báo này mô tả mối quan hệ giữa hai nước xấu đi khi Quốc Hội CSVN thông qua Luật Biển.
Phản ứng tức thì của Trung Quốc về Luật Biển của Việt Nam là thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa, đặt cơ sở quân sự và hành chánh tại đảo Phú Lâm (TQ gọi là Vĩnh Hưng đảo), bao gồm cả 3 quần đảo Trung Sa và hai quần đảo của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. Ðồng thời sau đó, Bắc Kinh cho Công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) gọi thầu quốc tế dò tìm dầu khí tại 9 lô ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có những chỗ, cạnh của các lô này các bờ biển hay đảo của Việt Nam chưa tới 40 hải lý tới 60 hải lý.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cướp năm 1974 và đến năm 1988, Trung Quốc mới xua một đoàn tàu đến cướp một số đảo nhỏ và bãi san hô của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Ðảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm tháng 1 năm 1988 nay họ đã xây dựng pháo đài, hệ thống truyền tin vệ tinh. (Hình: Sina.com)
Các hành động của Bắc Kinh đang diễn ra cho hiểu họ tăng cường độ hoạt động tranh chấp để mọi người hiểu 80% Biển Ðông nằm trong “Lưỡi Bò” là của Trung Quốc, dù bị các nước trong khu vực không chấp nhận.
Những hành động kiểu “ăn miếng trả miếng” mạnh bạo hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc những ngày gần đây liên quan đến chủ quyền biển đảo Biển Ðông ngược lại với lời lẽ của bản thỏa hiệp ngày 11 tháng 10, 2011 giữa hai nước khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh.
Ðiểm thứ 9 của bản thỏa hiệp này viết: “Ðối với các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh trong quan hệ giữa hai nước, trong đó có các vấn đề trên biển, hai bên cần kiên trì và bình tĩnh xử lý, giải quyết thỏa đáng, công bằng, hợp lý, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, phù hợp với nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, các thỏa thuận quốc tế và đặc điểm quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước, quyết không để bất cứ vấn đề gì, bất cứ thế lực nào chia rẽ quan hệ hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt-Trung.” (TN)
Nhập ý kiến của bạn
Hiển thị 42 trong số 43 bình luận