Con hiểu rồi!
Hoàng Đức Doanh (Danlambao) - Như thường lệ, sau khi Thiền Sư nhận môn sinh, khoảng một tuần trở ra thì Thiền Sư dành một buổi tham vấn môn sinh rồi sau đó mới đưa ra quyết định tiếp nhận hay từ chối. Trong khoảng một tuần đó thầy trò chỉ giao tiếp với nhau bằng những câu nói ngắn gọn:
- Bẩm thầy con đi cuốc vườn.
- Con mời thầy dùng cơm…
- Con lên hương đăng đi.
- Khi tụng kinh không được uống nước giữa buổi…
Hôm nay sau bữa điểm tâm sáng, hai thầy trò dùng xong chén trà đầu tiên. Thiền Sư cất giọng:
- Mọi việc vặt khoan hãy làm, bây giờ thầy muốn tham vấn con mấy điều. Môn sinh chờ đợi, Thiền Sư nhắp xong chén nước nữa. Thiền Sư đặt câu hỏi:
- Con nghĩ thế nào mà xin theo học môn thiền?
Môn sinh lễ phép:
- Thưa thầy, con thấy môn thiền ví như là môn thể thao cho trí tuệ.
Thiền Sư nói tiếp:
- Con dẫn giải cụ thể thầy nghe.
- Thưa thầy con thấy những người đã học môn thiền đều có một tác phong đường hoàng, tự tin, ứng xử nhã nhặn nên rất có cảm tình với người xung quanh.
Thiền Sư mỉm cười khích lệ môn sinh:
Những điều con nói là đúng, đó là những hiện tượng cụ thể, nhưng về sâu xa họ hướng tới cái gì?
Môn sinh ít tuổi, chưa biết trả lời thế nào. Thiền Sư không muốn kéo dài sự lúng túng của trò, một câu hỏi đặt ra theo mạch tư duy, mang tính gợi mở, Thiền Sư đã dạy nhiều trò nhưng chưa trò nào trả lời được. Tiện thể Thiền Sư định rõ khái niệm về môn thiền, cũng là bài học đầu tiên. Thiền Sư chậm rãi:
- Thiền là môn phái trong đạo Phật gọi là Thiền tông để phân biệt với Mật tông và các môn phái khác. Công năng của môn thiền giúp người tu tập dần dần từ bỏ được tính Tham, Sân, Si rồi thay thế vào là Chân, Thiện, Mỹ. Trong quá trình tu tập và cuộc sống thường ngày có những đặc điểm như con đã nói ở trên. Đúng như vậy! Cao siêu hơn khi có tuổi, họ hướng tới Niết bàn. Con có thấy trong đám hiếu người ta thường dùng những bức trướng có dòng chữ “Tây phương cực lạc” không? Đó, con người ai rồi cũng chết, người ta tu thiền tránh làm điều ác để không phải sang kiếp nữa mà sẽ vĩnh viễn ngụ ở cõi Tây phương cực lạc tức là Niết bàn. Con nghe đây, Niết bàn là không còn điều gì khổ ách, không có mưu mô lừa dối, không có tranh giành, làm hay chơi tùy ý…
- Dạ thưa thầy, con hiểu rồi!
Thiền Sư cười mừng, đã gặp người môn sinh lanh lợi.
- Dạ thưa thầy, con hiểu Tây phương cực lạc giống như là Chủ nghĩa Xã hội ngoài đời!...
!!!???
Hoàng Đức Doanh (75 tuổi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét