Trung Quốc “nói một đàng làm một nẻo”
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-04-19
Trong thời gian gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp tục gây nhiều chú ý khi Bắc Kinh “nói một đàng làm một nẻo” khiến các tiểu quốc trong khu vực – và cả Hoa Kỳ - quan ngại.
Chi tiêu quân sự nhiều nhất
Bài báo tựa đề tạm hiểu là “Sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc” được tạp chí The Economist phổ biến mới đây mở đầu rằng cho dù Trung Quốc thường nhấn mạnh tới ý tưởng trỗi dậy trong chiều hướng hòa bình như thế nào đi chăng nữa, nhưng tốc độ và bản chất hiện đại hoá quân đội Hoa Lục chắc chắn gây báo động.
Trả lời vòng vo báo giới mới đây khi được hỏi lý do Hoa Lục gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, phát ngôn viên Quốc Hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh nói rằng Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi con đường phát triển hòa bình cùng chính sách quốc phòng mang bản chất hòa bình.
Muốn bành trướng thì trước hết Trung Quốc phải mở cửa Biển Đông vì đó là lối đi ra ngoài của họ. Họ biết khi đi vào biển Đông thì sẽ đụng độ với những thế lực quan trọng.Ô. Trần Bình Nam
Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc có kế hoạch tăng khoảng 12% chi tiêu quân sự trong năm nay, nâng ngân khoản quân sự chính thức lên 106 tỷ đô la, tức hơn năm ngoái 10 tỷ đô la.
Các phân tích gia lưu ý rằng kinh phí quốc phòng thực sự của Bắc Kinh có thể cao hơn con số này rất nhiều nếu tính cả những lãnh vực khác như thiết bị không gian cho mục tiêu quân sự.
Theo phỏng đoán của các chuyên gia thì trong 3 năm nữa, ngân khoảng quân sự của Trung Quốc sẽ vượt trên tổng mức ngân sách quốc phòng của tất cả 12 xứ láng giềng của Hoa Lục ở vùng Á Châu-Thái Bình Dương.
Bài báo lưu ý điều rằng gây quan ngại là ý đồ của Trung Quốc vô lường, cũng như tham vọng của các tướng lãnh Bắc Kinh khi xứ Á châu khổng lồ này đang trên đà trở thành nước chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới chỉ trong vòng khoảng 20 năm nay.
Nhưng một trong những thế lực quan trọng và đáng ngại mà Bắc Kinh nhắm tới là Hoa Kỳ, như nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ông Trần Bình Nam từ Hoa Kỳ, nhận xét:
“Hiện giờ thì rõ ràng Trung Quốc coi Biển Đông là một phần trong sách lược bành trướng thế lực của họ. Đương nhiên muốn bành trướng thì trước hết Trung Quốc phải mở cửa Biển Đông vì đó là lối đi ra ngoài của họ. Họ biết khi đi vào biển Đông thì sẽ đụng độ với những thế lực quan trọng, mà thế lực quan trọng nhất hiện giờ là Hoa Kỳ.”
Đặc biệt là phi đạn liên lục địa gắn đầu đạn nguyên tử bố trí trên hàng không mẫu hạm hoạt động xa bờ gần 3 ngàn cây số.
Tạp chí The Economist lưu ý tới chiến thuật tấn công trước của Trung Quốc dù Bắc Kinh luôn nói rằng các loại võ khí chiến cụ của họ chỉ nhằm phòng vệ; mục tiêu chủ chốt của Bắc Kinh là làm tê liệt các căn cứ Hoa Kỳ ở vùng Tây Thái Bình Dương và đẩy hạm đội Mỹ ra khỏi vùng “vòng đai các quần đảo đầu tiên” trải dài từ Bắc cho tới Nam Thái Bình Dương, phong toả những vùng Hoàng Hải, Hoa Đông, Nam Hải - tức Biển Đông.
Đà gia tăng ngân sách quốc phòng cùng tham vọng của Trung Nam Hải, nhất là hành động ngày càng gây hấn cùng sự kiên quyết khẳng định chủ quyền gần trọn Biển Đông, khiến các nước láng giềng thêm bất an.
Giải pháp duy nhất mà Trung Quốc có thể thoát khỏi bế tắc đối với những vụ tranh chấp ở khu vực biển Đông, đó là chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị.LS Vũ Đức Khanh
Nhiều nước trong khu vực, từ VN, Philippines, Indonesia, Nam Hàn, Nhật Bản cho tới Ấn Độ và cả Úc đã bắt đầu tăng cường khả năng quân sự, âm thầm gia tăng ngân sách quốc phòng, nhất là cho lực lượng hải quân, tạo nên nguy cơ chạy đua võ trang mà tờ The Economist báo động “thực sự đáng ngại”.
Quan ngại trước một xứ Trung Quốc khổng lồ “trỗi dậy” khiến ảnh hưởng tới thế tương quan lực lượng trong khu vực, các nước trong vùng, nhất là ở Đông Nam Á, hoan nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Á Châu.
Thậm chí Miến Điện từng mang tiếng độc tài quan phiệt cũng dần hình thành mối quan hệ nồng thắm với Washington – và cả phương Tây.
Viễn tượng xung đột
Theo nhận xét của chuyên gia Jessica Brown thuộc Trung tâm Nghiên cứu Độc lập tại Úc, thì Hoa Kỳ lâu nay có thế mạnh quân sự vượt trội trong khu vực, nơi các nước châu Á nói chung mong muốn thế mạnh ấy tiếp diễn vì nó từng chứng tỏ có lợi và giúp các tiểu quốc Á Châu hưng thịnh.
Tất cả những nước Đông Nam Á, theo chuyên gia Jessica Brown, đều có mối quan hệ khá sâu sát với Trung Quốc và muốn khai thác sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh, nhưng không nước nào muốn Hoa Lục đạt vị thế khống chế trong khu vực về mặt chiến lược.
Và cũng giống như Úc, các nước Đông Nam Á muốn duy trì hiện trạng như vậy tại vùng Á Châu càng lâu càng tốt để cho họ được sự bảo đảm an ninh từ Hoa Kỳ trong khi hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Theo chuyên gia Jessica Brown thì các chính phủ Đông Nam Á xem mọi xung đột công khai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là “cơn ác mộng”.
Ký giả Daniel Flitton của tờ Sydney Morning Herald lưu ý rằng thế giới ngày càng cảm nhận rõ dáng dấp Hoa Lục khi Bắc Kinh xâm nhập toàn cầu, và phát hiện rằng cường quốc mới trỗi dậy ấy thường không chơi đúng luật.
Viễn tượng xung đột khi Trung Quốc bành trướng khắp vùng châu Á, theo ký giả Flitton, đã thực sự cảnh tỉnh người dân trong vùng về mối thách thức đối với trật tự hiện hữu, về sức mạnh kinh tế khiến hình thành sức mạnh quân sự; và việc quyết định ranh giới ở đâu trên biển – như ở quần đảo tranh chấp tại biển Đông – có thể dẫn tới chiến cuộc nguy hại.
Nhưng, theo LS Vũ Đức Khanh ở Cacada chuyên về các vấn đề Bang giao Quốc tế và Luật Quốc tế, thì giữa lúc căng thẳng trong khu vực tiếp tục gia tăng, Trung Quốc có thể và nên tìm sự trợ giúp từ bên ngoài. Vì sao? Vì Bắc Kinh sẽ bị nhiều thua thiệt trong mọi xung đột trong khi cuộc chiến nào cũng đều tạo nên gánh nạng kinh tế không cần thiết. LS Vũ Đức Khanh cho biết:
“Trung Quốc không có lợi gì khi gây chiến ở khu vực biển Đông. Trong giai đoạn hiện hại, giải pháp duy nhất mà Trung Quốc có thể thoát khỏi bế tắc đối với những vụ tranh chấp ở khu vực biển Đông, đó là chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị và để Indonesia làm trung gian hòa giải vấn đề.
Tôi nghĩ rằng đối tác duy nhất có thể giúp giải quyết bế tắc hiện tại là Indonesia vì đây là quốc gia trụ cột của khối ASEAN, đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc về cả chính trị, kinh tế lẫn quốc phòng.”
Vẫn theo LS Vũ Đức Khanh, giữa lúc Bắc Kinh khó có thể lựa chọn đường hướng hành động mà không bị mất mặt, thì họ không nên bỏ qua điều thiết yếu là ổn định biển Đông, cho dù sự ổn định ấy chỉ là duy trì hiện trạng trong khu vực.
Tạp chí The Economist vừa nói lưu ý rằng điều có lợi Trung Quốc là họ phải xây dựng niềm tưởng với các nước láng giềng, làm giảm sự bất tín chiến lược hỗ tương với Hoa Kỳ và bày tỏ thiện chí tuân thủ tiêu chuẩn thế giới - mà khởi điểm tốt đẹp là Bắc Kinh chấp nhận đưa những vụ tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và Nam Hải – tức biển Đông – ra tòa án quốc tế.
Video: Biển Đông lỡ hẹn tại thượng đỉnh ASEAN 20
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam - Trung Quốc ký kết 8 văn kiện hợp tác
- Việt-Trung giảm căng thẳng nhiều hậu ý
- Việt - Trung sẽ thiết lập đường dây nóng về lãnh vực quốc phòng
- Trao đổi về Biển Đông giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc
- Đối thọai chiến lược Việt-Trung lần 2
- Việt-Trung thỏa thuận giải quyết tranh chấp Biển Đông
- Bản thông cáo chung của VN và TQ
- VN tăng cường hải quân trước tham vọng của TQ
- Mục đích chuyến thăm VN của Phó chủ tịch TQ Tập Cận Bình
- Bài học về đàm phán với Trung Quốc trên vịnh Bắc Bộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét